Monday, November 13, 2017

Những vong linh tù Quân Nhân Cán Chính Việt Nam Cộng Hoà tại trại tù Ba Sao của cộng sản

Tấm bia thờ 626 tù cải tạo miền Nam chết ở Ba Sao, Hà Nam. ( Ảnh của Pham Thanh Nghiên)



Ba Sao, nhà tù lớn ở Nam Hà, miền Bắc Việt Nam, nơi sau 30 tháng Tư 1975 nhiều sĩ quan và công chức miền Nam, mà chế độ mới gọi là tù cải tạo, đã qua đời trong những ngày tháng kham khổ nhọc nhằn nơi đây.
Một cựu tù chính trị Việt Nam hiện sống tại Pháp, đã nhắn với cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên:


Có một tấm bia thờ những người tù đã chết ở trại Ba Sao, Nam Hà. Nghe nói tấm bia được đặt trong một ngôi chùa ở miền Bắc. Ngoài tấm bia ra còn có một am thờ những người tù này, được dựng ngay khu đất thuộc trại giam. Người làm tấm bia này là một cựu giám thị nhà tù Ba Sao. Em cố gắng đi tìm các anh ấy nhé.

Chính lời nhắn tha thiết “đi tìm các anh ấy nhé” đã thôi thúc cô Phạm Thanh Nghiên lên đường, tìm kiếm, nhìn thấy rồi trở về với cảm xúc thể hiện qua bài Ba Sao Chi Mộ:

Thực ra thì tôi có thông tin này từ mùa hè năm ngoái khi tôi chưa hết án quản chế. Nhưng vì tôi cần tìm hiểu thêm và sau đó hết án tù nhà, đi lại dễ dàng hơn là tôi đi để tìm hiểu sự thực về thông tin mà người anh đồng tù đã cung cấp cho tôi.

Và thực ra bước đường tìm kiếm cũng không quá là vất vả, tôi cũng đi một vài ngày. Đến bây giờ phải cám ơn Chúa cám ơn Phật vì có lẽ tôi là người may mắn để mà tìm đến địa chỉ ngôi chùa không chính xác. Tôi phải xin lỗi là những thông tin cụ thể hơn thì tôi không thể chia sẻ được vì lý do tế nhị cũng như an toàn an ninh cho những người cung cấp tin cho tôi. Điều này tôi cũng đã viết trong phần một của bài Ba Sao Chi Mộ, ngay cả tên của các nhân vật họ cũng yêu cầu tôi phải thay đổi. Họ sợ đến mức độ như thế nhưng trong sự sợ hãi đó thì họ cũng cứ cho mình thông tin, đấy là điều tôi cho rằng rất là đáng quí.

Một điều nữa là ngay như giới tính của viên giám thị cũng như tên chùa và tấm bia thì tôi cũng nói một cách chung chung thôi. Ngay cả điều này cũng để cho thấy mức độ tế nhị, thậm chí là nghiêm trọng, mà một vài người đánh giá rằng đây là chuyện bí mật. Nhưng những thông tin mà tôi đưa ra trong bài Ba Sao Chi Mộ là có thật.

Và cũng thật khó để có thể diễn tả hết tâm trạng, cô Phạm Thanh Nghiên kể tiếp, khi được chỉ cho thấy một tấm bia khiêm nhường tại một góc khuất trong căn  phòng linh của nhà chùa:
Khi bước chân vào nhà linh tôi cũng không tránh được cái cảm giác hơi rờn rợn hơi sợ hãi một chút. Ban đầu thì rất khó tìm vì không có hình ảnh. Trong hình dung của tôi chắc tấm bia rất lớn, tôi cứ tìm kiếm tấm bia như trong trí tưởng tượng của mình thôi, nhưng khi vị sư tìm thấy và chỉ cho tôi, khi tôi ngước mắt lên nhìn thì lập tức hai hàng nước mắt của tôi ứa ra. Một tấm bia không có tên, chỉ có giòng chữ 626 người đã tử vong tại Ba Sao giai đoạn 1975-1988. Phải nói một cảm giác như mình vừa tìm thấy một điều gì rất là thiêng liêng. Như tôi nói trong bài viết, đó là những người tôi khẳng định tất cả đều là quân nhân cán chính từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa chứ không dính dáng gì đến những người cộng sản hay những người dân thường cả.

Tôi cảm tưởng như có một mối giao cảm, một mối dây liên hệ nào đó mang tính tâm linh giữa tôi, một con nhóc sinh sau năm ’75, với những người đã bảo vệ một chế độ mình đã từng hiểu lầm rằng đó là một chế độ xấu xa, chế độ gọi là ngụy. Tôi cảm nhận được sự thiêng liêng và sự ấm áp, nói thật tôi chưa bao giờ trải qua cái cảm giác như thế nên diễn tả bằng lời cũng rất là khó.

Lòng tốt vẫn còn...

Bằng những ngón tay run rẩy lập cập vì xúc động, cô Phạm Thanh Nghiên đã chụp được hình ảnh tấm bia rồi cất giữ nó như một bảo vật. Với cô, chuyện càng khó tin hơn nữa khi biết một trùm cai tù, tức quản giáo hoặc giám thị trại giam Ba Sao, Nam Hà, đã dựng tấm bia và một am thờ những người của bên kia chiến tuyến.


Những bình tro cốt của 14 tù cải tạo mang từ Ba Sao về một nhà thờ ở Sài Gòn. Hình do VAF cung cấp. 

Theo lời vị trụ trì thuật lại với cô Phạm Thanh Nghiên, cách đây vài năm có một Phật tử đưa một cựu giám thị trại tù Ba Sao đến chùa. Người giám thị này trao cho sư một danh sách gồm 626 người tù đã chết trong trại Ba Sao từ 1975 cho đến 1988, ngỏ ý muốn làm một tấm bia đặt trong chùa để 626 vong linh này được hương khói tử tế.

Đây không phải ngôi chùa đầu tiên mà họ đến gõ cửa xin đặt bia. Trước đó, các chùa trước đều tìm cách thoái thác vì sợ. Nỗi sợ của những người tu hành là nếu giữ một danh sách toàn “sĩ quan ngụy” và công khai đặt tấm bia thì e chùa sẽ bị lắm phiền phức.

Được hỏi có cách nào liên lạc với người Phật tử và viên cựu giám thị trại giam Ba Sao, vị sư trả lời là rất khó vì sau khi làm xong tấm bia thì người quản giáo không bao giờ trở lại chùa, ngay cả người đưa viên giám thị đến cũng vắng bóng.

Về cái am thờ 626 người đã chết, vị sư cho cô Phạm Thanh Nghiên biết có nghe nói là nằm trong một khu đất thuộc trại giam Ba Sao nhưng chưa bao giờ đến thăm.

Chỉ người giám thị hoặc người Phật tử mới biết chỗ mà đưa tới, khẳng định của sư khiến cô Phạm Thanh Nghiên hiểu ra sự mịt mù của vấn đề. Cô vẫn gắng xin được xem qua danh sách 626 người tù đã chết nhưng sư nói rằng người trông coi sổ sách đi vắng nên hẹn cô hôm khác trở lại:

Lần khác tôi đến chùa thì sư đi vắng, tôi gọi điện thì thầy nhận ra giọng tôi ngay, thầy thông báo rằng rất tiếc vì chùa đã hóa đã đốt đi trong dịp rằm tháng Bảy lễ Vu Lan vì nghĩ rằng để cũng chẳng làm gì cả.

Vị sư báo tin xong thì vội vàng gác máy, để lại một Thanh Nghiên với cảm giác hụt hẫng cùng cực:
Tôi thấy mọi sự trước mắt mình như tối sầm lại bởi vì tôi đã rất là mong chờ đến ngày hẹn để đến lấy danh sách. Chưa bao giờ tôi có cảm giác thất vọng kinh khủng khi đã không hoàn thành cái mục tiêu, cái nhiệm vụ mà mình đặt ra cho chính mình. Đối với họ thì để chẳng làm gì cả nhưng đối với chúng ta thì nó là vô giá. Tôi tin chắc một điều nó sẽ là một bằng chứng lịch sử sau này về những đau thương mà người dân Việt Nam nói chung cũng như những cựu quân nhân cán chính Việt Nam Cộng Hòa nói riêng bị bách hại. Nói thật là trong phút chốc đó tôi cảm thấy mọi sự trước mắt mình như sụp đổ.

Khi tôi trấn tĩnh lại thì tôi không tin, tôi không tin rằng cái danh sách ấy đã bị đốt đi. Thời gian tới tôi sẽ vẫn cố gắng để có được cái danh sách đó trong khả năng có thể. Nếu như họ cứ khăng khăng thì tôi không làm cách nào được nhưng tôi vẫn cứ hy vọng.

Con số 626 tù cải tạo miền Nam chết vì bệnh tật, đau khổ và đói khát trong trại tập trung Ba Sao ở Nam Hà trên thực tế có thể cao hơn. Cựu quân nhân miền Nam Nguyễn Đạc Thành, năm 1979 từ trại 9 Yên Bái trên biên giới phía Bắc được chuyển xuống trại tù Nam Hà, gọi là Ba Sao:

Trại Ba Sao chia ra nhiều khu, khu A dành cho cấp tướng, cấp bộ trưởng hay tổng trưởng. Khu B dành cho sĩ quan cấp tá, khu C dành cho tù hình sự.

Trại Ba Sao gọi là khó khăn nhất, hắc ám nhất của công an. Nói tới Ba Sao là người miền Bắc đã rất là sợ. Con số 626 có thể còn hơn nữa chứ không ít hơn đâu bởi vì việc quản lý ăn uống rất khó khăn, không được nấu nướng hay là gì cả cho nên anh em kiệt sức rất nhiều, binh hoạn chết chóc đương nhiên xảy ra. Trại này rất lớn, còn có 3 cái nghĩa địa nữa và con số tù chết có lẽ là hơn số 626 đó rất nhiều.

Họ được chôn ở đâu?

Tuy nhiên, vẫn lời ông Nguyễn Đạc Thành, phần đông tù cải tạo không chết trong trại Nam Hà mà chết tại trại Mễ. Trại Mễ nằm trên một khu vực có tên là Cánh Đồng Mễ, chạy từ Nam Định ra Phủ Lý, nơi những tù bị bịnh từ Ba Sao được chuyển ra mà nếu chết thì được chôn tại đây.


Danh sách 126 người chết tại trại tập trung Ba Sao. Hình do Vietnamese Association Foundation cung cấp 

Năm 2007, sau khi đã định cư tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Đạc Thành sáng lập VAF Sáng Hội Việt Mỹ, vận động chính giới Hoa Kỳ cũng như giới chức Việt Nam để xin về bốc mộ đồng đội chết trong những trại tập trung như Làng Đá, Ba Sao và những nơi khác.

Tôi đã đến Cánh Đồng Mễ và đã thấy cảnh hoang tàn ở đó rồi. Người ta cắt một phần của cánh đồng nghĩa địa này bán cho một công ty hóa chất.

Năm 2009, con của ông trung tá Cao Kim Chẩn chết tại Nam Hà, em Cao Kim Minh, đã ra ngoài Nam Hà để bốc mộ cha. Số mộ của ba em là 49, em gởi cho tôi cái danh sách 126 tù cải tạo tại Cánh Đồng Mễ này. Sau đó tôi lập tức ra Nam Hà, đi tìm cái nghĩa địa trên Cánh Đồng Mễ này.

Song song đó thì tôi được quen biết với con của đại tá cảnh sát Tôn Thất Dẫn. Chị Trinh con của đại tá Dẫn đã đi ra ngoài trại Nam Hà để xin bốc mộ cha, trại đã chỉ ra cái nghĩa địa ở Cán Đồng Mễ.

Cô ấy ra ngoài nghĩa địa thì mới thấy chính quyền địa phương đã cắt một phần nghĩa địa để bán cho công ty hóa chất. Tại đây cô hỏi thì ban giám đốc công ty hóa chất cho biết họ đã bốc tất cả những ngôi mộ trong phần đất của họ, mỗi một hài cốt bỏ vào trong một cái hũ sành.

Cần biết vì có cả mộ thường dân trong nghĩa địa của Cánh Đồng Mễ nên những cái tiểu sành đựng hài cốt tù cải tạo được đánh dấu riêng và được chôn trong một ngôi mộ chung.

Từ Sài Gòn, chia sẻ với Thanh Trúc về việc liên quan, con gái cố đại tá cảnh sát Tôn Thất Dẫn cho biết trong hai mươi mấy cái tiểu sành chị tìm thấy trên Cánh Đồng Mễ và đưa qua xét nghiệm thì 14 cái được xác nhận là hài cốt tù cải tạo, trong đó một cái là hài cốt thân phụ của chị.

Chị Trinh đã xin phép đưa tất cả 14 hũ hài cốt này về Nam, an vị trong một nhà thờ ở Sài Gòn.

Đó là những chi tiết về quân dân cán chính miền Nam đã nằm xuống tại trại tù Ba Sao ở miền Bắc sau năm 1975. Không ai rõ con số 126 người xấu số ở Ba Sao mà VAF Sáng Hội Việt Mỹ thu thập được có nằm trong danh sách 626 người tù tử vong Ba sao mà cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên mong muốn tìm ra hay không.

Tại sao một giám thị Ba Sao lại tìm đến một ngôi chùa để lập bia thờ 626 vong hồn tù cải tạo chết trong trại, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên nói rằng điểm duy nhất cô có thể lý giải là:

Không có lý do gì để người giám thị làm như vậy cả, chưa kể tính chất nhạy cảm và nguy hiểm nữa. Lý giải bằng tâm linh thì tôi cho rằng có thể có một biến cố nào khiến vị cai tù này làm được cái việc như thế. Tôi nghĩ rằng dù như thế nào thì vẫn có phần trăm nào đó của sự hướng thiện trong con người của người cai tù này. Mặc dù cái xã hội cái ác được lên ngôi thì cái thiện vẫn cứ nẩy mầm.

Trả lời câu hỏi tương tự, cựu tù chính trị Nguyễn Đạc Thành, giám đốc VAF Sáng Hội Việt Mỹ, từng về Việt Nam bốc mộ và cải táng hơn 500 bộ hài cốt tù cải tạo miền Nam từ Nam ra Bắc, nêu thí dụ hiếm hoi về một cán bộ mà ông dấu tên, một người có lòng mà ông và bạn đồng tù không thể quên khi còn ở trại 9 Yên Bái:
Trong thời gian ở tù thì rất nhiều quản giáo và nhiều vệ binh rất tàn ác nhưng cũng có một vài vị có lương tâm. Tôi nói thí dụ một cán bộ ở trại 9 đã khóc khi thấy chúng tôi bị giam cầm một cách khắc nghiệt như thế này. Ông đã lén cho chúng tôi đào trộm sắn để ăn để có thể hồi sức lại.

Cái thứ hai nữa là khi mà ông chuyển chúng tôi về trại giam Nam Hà thì ông quay mặt vào tường ông khóc. Tôi nói cái này chắc chắn anh em trong trại 9 không ai phản đối hết, ông đã thương và che chở chúng tôi, chúng tôi đã phục hồi lại được ở trại 9 để về Nam Hà ở tù tiếp.

Theo tôi nghĩ người quản giáo đó đã làm một việc rất nguy hiểm, nếu bị phát giác họ sẽ bị mất việc. Đó là tình cảm của riêng họ đối với anh em tù cải tạo mà thôi, tôi nghĩ là có chứ không phải không có.

Đích xác bao nhiêu người tù cải tạo miền Nam đã bỏ mạng trong trại Ba Sao ở Nam Hà nói riêng là bài toán chưa có đáp số. Chỉ biết thầm lặng cảm ơn những tấm lòng nhân ái từ người quản giáo nào đó ở Ba Sao, của vị sư thầy nào đó ở một ngôi chùa nhỏ ngoài Bắc mà có ngày cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên sẽ đưa quí vị cũng như Thanh Trúc đến như đã hứa.

Xin hãy cùng Thanh Trúc cầu xin mọi điều bình an đến cho những người có trái tim nhân hậu.

Nguồn: RFA / Thanh Trúc

No comments:

Post a Comment