Friday, November 3, 2017

Thế nào là Diva? - Thy Nga

Diva Maria Callas, một trong những nữ ca sĩ opera danh tiếng nhất trong thập niên 1950

Phần 1


Phần 2


Theo những tài liệu mà Thy Nga tham khảo thì Diva là từ tiếng Ý có nghĩa là "Nữ thần". Bên Ấn Độ cũng có từ tương tự là Deva. Mang ý nghĩa thần thoại như thế, thành ra sau này, người nữ nào có tài nghệ xuất chúng về ca diễn Opéra thì được người đời xưng tụng là Diva. Sân khấu Opéra đòi hỏi không những ca mà còn diễn nữa, Maria Callas được coi là Diva hàng đầu của ngành nghệ thuật này.

Maria Callas gốc Hy Lạp nên vào năm 2007, kỷ niệm 30 năm bà từ trần, chính phủ Hy Lạp phát hành đồng coin cho giới sưu tầm. Coin mệnh giá 10 Euro mang hình ảnh Maria Callas, mặt kia thì mang quốc huy của Hy Lạp cùng với chữ ký của bà.
Cũng trong năm ấy, Maria Callas được truy tặng giải Grammy cho thành tựu trọn đời, và được tạp chí âm nhạc của BBC bầu là "Nghệ sĩ Soprano số 1 của mọi thời đại".

Năm sau đó thì một tấm plaque vinh danh Maria Callas được gắn tại bệnh viện nơi bà chào đời, ghi là

"Những bức tường này đã được nghe cất lên lần đầu tiên cái giọng mà sau này, chinh phục cả thế giới. Xin ghi ơn người đã chuyển tải âm nhạc, ngôn ngữ chung của toàn cầu".

Cuộc đời của Maria Callas được dựng thành phim, và các bài ca của bà cũng được sử dụng trong 2 cuốn phim khác.

Định nghĩa Diva là nữ danh ca thượng thặng về Opéra nơi phương trời Âu thì đối với Việt Nam mình, có lẽ ta có thể áp dụng cho sân khấu cổ nhạc mà hàng đầu có Ái Liên, Kim Chung, Bích Hợp, Phùng Há, Năm Phỉ, Thanh Nga, ...

Tuy không thể sánh với qui mô, tầm vóc của xứ người nhưng với dân mình thì các nữ nghệ sĩ vừa kể, quả là thượng thặng về ca diễn.

Kim Chung được giới hâm mộ gọi là “Tiếng chuông vàng thủ đô”. Phùng Há được Nhà nước tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân Dân”, Ái Liên cũng vậy.

Thanh Nga thì được những người ái mộ gọi là “Nữ hoàng sân khấu”.

"Mưa rừng" sáng tác của Huỳnh Anh. Thanh Nga ca ...

Sau này, danh hiệu Diva được áp dụng rộng ra cho cả ca kịch nghệ, tân nhạc và điện ảnh nữa. Người nữ ca diễn xuất sắc trong các ngành này cũng được gọi là Diva.

Edith Piaf

Bên Pháp, có giọng ca trứ danh Edith Piaf.

"Non, je ne regrette rien" ...

(Không, tôi không có gì phải hối tiếc) nội dung bài hát này thật đúng với Edith Piaf với lối sống rất phóng khoáng. Chẳng thế mà nhiều người đã chọn "Non, je ne regrette rien" làm khúc ca đánh thức để mở mắt ra là phấn khởi cho một ngày mới.

Và quý vị biết không, trong cuốn phim hiện đang trình chiếu khắp nơi là Inception, mỗi khi nhân vật nào sắp bị tống ra khỏi cơn mơ, là khúc hát "Non, je ne regrette rien" trỗi lên báo hiệu.

Cuộc sống của Edith Piaf từ khi ra đời tới các năm sau cùng có những chi tiết lạ lùng, được dựng thành phim "La vie en rose" (tựa đề bài hát nổi tiếng nhất của bà).

Mùa Thu 1963, tòa Tổng Giám Mục Paris không cho phép cử hành đám tang Edith Piaf theo nghi thức đạo, xét vì lối sống buông thả của bà. Tuy vậy, hàng chục ngàn người đã theo sau xe tang tới tận nghĩa trang.

Danh ca Charles Aznavour kể lại rằng đám tang Edith Piaf đã khiến thủ đô Paris tắc nghẽn xe cộ, mà chỉ có ngày mừng chiến thắng sau Thế Chiến Thứ Hai mới như vậy.

Năm 1982, một hành tinh nhỏ được nhà thiên văn Lyudmila Karachkina khám phá ra và đặt tên là Piaf.

Dalida

Dalida hát và thâu âm được hơn 10 thứ tiếng ...

"Come prima" qua giọng ca Dalida ...

Là ca sĩ đầu tiên trong lịch sử âm nhạc thế giới, được trao tặng dĩa Diamond, Dalida xứng đáng được gọi là Diva.

Dalida hát và thâu âm được hơn 10 thứ tiếng, tổng số hơn 125 triệu băng nhạc, dĩa hát bán ra trên thế giới, lãnh 55 dĩa vàng, và vô số giải thưởng từ huy chương cao quý nhất nước Pháp đến những giải từ nhiều quốc gia khác.     

Quý vị cao niên có lẽ cũng nhớ lần Dalida đến Việt Nam. Thy Nga nghe kể là hồi đó, đâu khoảng năm 1961, Dalida tới Saigon trình diễn tại rạp Rex, hát liên tiếp hai chục bài làm khán thính giả thán phục quá vì thường thì chỉ nghe ca sĩ Việt Nam hát mấy bài là hết hơi sức rồi (thể lực mình đâu có khoẻ bằng người ngoại quốc, họ vừa hát vừa diễn nữa cơ).

Danh vọng tràn đầy nhưng về tình cảm thì mang nhiều thảm kịch: ba người đàn ông trong cuộc đời tình ái của Dalida tự tử. Sau nhiều cuộc tình chẳng đi đến đâu, Dalida bị sa sút tinh thần trầm trọng và kết liễu đời mình.

Ngay năm đó (1987), giới tài chánh Pháp cho đúc đồng coin bằng vàng, đồng và bạc mang hình ảnh Dalida cho các nhà sưu tầm.


Năm sau, cuộc thăm dò của Encyclopaedia Universalis cho thấy Dalida là nhân vật thứ nhì có ảnh hưởng trong xã hội Pháp, chỉ sau Tướng Charles de Gaulle.

Năm 1997, công trường Dalida với pho tượng bán thân của nữ danh ca này được khánh thành tại Quận 18, Paris.

Hình ảnh Dalida cũng được in trên hai tem bưu chính Pháp.


Cuộc sống của Dalida được soạn thành kịch, và dựng thành phim truyền hình.

"Bambino" ca khúc đã đưa tên tuổi Dalida lên cao ...

Nghe về các Diva vừa kể, chắc quý vị cũng nhận thấy là cuộc đời của họ gồm có những tình tiết ly kỳ, khác hơn người thường. Dân Âu Mỹ ưa chuộng câu chuyện khởi đi từ nghèo khó, lên tới tột đỉnh danh vọng nhưng phải bao gồm những cú thất bại, những chuyện tình ái rắc rối, cộng với yếu tố kỳ bí nữa để thiên hạ say mê theo dõi. Và một điều nữa là phải kèm theo thảm kịch vì thiên hạ quan niệm rằng Trời không cho ai được hưởng tất cả, càng cao danh vọng thì càng lắm đau thương. Điển hình như trường hợp nữ minh tinh màn bạc Marilyn Monroe được coi là thần tượng trong văn hoá Mỹ sau này.

Trở lại với âm nhạc thì về sau, các nữ danh ca Aretha Franklin, Diana Ross, Barbara Streisand, Liza Minnelli, Cher, Madonna, Whitney Houston, Celine Dion, ... được nhiều người coi là Diva. Nhưng rồi ... danh hiệu này cũng bị lạm dụng đi, như trong bài "Diva" Beyoncé hát sau đây ...

Về ngành ca hát Việt Nam thì đứng đầu, phải nói là Thái Thanh. Người Việt mình không gọi là Diva nhưng đã tặng cho Thái Thanh danh hiệu "Tiếng hát vượt thời gian".

Làng ca hát Việt Nam còn các nữ ca sĩ nào mà ta có thể gọi là Diva? mời quý vị đón nghe tiếp trong chương trình kỳ tới.

***

Nghệ sĩ Việt Nam được hâm mộ về phương diện nào thì được báo giới tặng danh hiệu ngợi khen về phương diện ấy (sau đó thì danh hiệu được dân chúng công nhận luôn) ví dụ như Thái Thanh với giọng hát cao vút, luyến láy tuyệt vời, hơi ngân dài, được xưng tụng là “Tiếng hát vượt thời gian”.

Thái Thanh


Thật vậy, tới giờ, từ trong nước ra hải ngoại, có lẽ chưa nữ ca sĩ nào có thể sánh với Thái Thanh.
Một điểm đặc biệt nữa về nữ danh ca này là Thái Thanh nổi tiếng từ cuối thập niên 1950 tức là cách nay gần sáu mươi năm, hồi đó, ca sĩ Việt Nam khi ra sân khấu, chỉ đứng hát là đủ (có lẽ vì người Việt theo văn hóa Á Đông không thích những gì đi quá khuôn mẫu) vậy mà Thái Thanh vừa hát vừa diễn tả bằng điệu bộ.

Cho nên với tất cả những đặc điểm ấy, Thy Nga nghĩ rằng Thái Thanh quả là Diva của Việt Nam.

Có các trường hợp mà hình ảnh độc đáo về người nghệ sĩ là yếu tố thêm lên cho nghệ sĩ ấy trở nên Diva trong lòng người hâm mộ, như Cher của nền ca nhạc Mỹ (mà Lê Uyên của chúng ta mang hình ảnh giông giống).

Thy Nga nhớ hồi đó (vào đầu thập niên 1970) còn sử dụng băng lớn để nghe nhạc. Những ca khúc của Lê Uyên Phương do đôi nghệ sĩ này đàn hát đã khiến giới trẻ say mê nghe nhão cả băng. Chắc hẳn vì những lời ca ấy mang niềm khắc khoải, ưu tư của tuổi trẻ trong thời chiến nên được giới trẻ nhiệt tình yêu thích.

Thanh Thúy


Về hình ảnh đặc biệt thì phải nói đến Thanh Thúy, người nữ ca sĩ được tặng danh hiệu “Tiếng hát liêu trai”.

Với giọng hát trầm, hơi khàn, chất chứa cảm xúc, và mái tóc xõa dài, dáng điệu mang vẻ gì bí ẩn, danh hiệu “liêu trai” thật đúng với Thanh Thúy.     

Thanh Thúy phát âm không trọn, nhưng đó lại là nét đặc biệt rất riêng của nữ ca sĩ này mà người nghe riết thành quen, rồi đâm ra ghiền.

Thanh Thúy đi hát phòng trà từ khi rất trẻ. Và chính hình ảnh  cùng tiếng hát sầu lắng của cô đã gây cảm hứng cho chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (cũng rất trẻ khi ấy) sáng tác bài “Ướt mi” và “Thương một người”.

Khánh Ly


Nói đến Trịnh Công Sơn, tất phải nói đến Khánh Ly, Diva đích thực trong chương trình DVD mới đây của Paris by Night.

Hình ảnh về Khánh Ly cũng rất đặc biệt: thoạt tiên là vào năm 1967 trên sân cỏ trường Đại học Văn Khoa, Saigon, Khánh Ly với mái tóc ngang lưng, áo dài trắng giản dị, chân đất, hát bên cạnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn những ca khúc về quê hương, chiến tranh và tuổi trẻ.

Đơn sơ như thế, họ đến các sân trường đại học, đàn hát cho thanh niên sinh viên nghe, cho nên Khánh Ly được mệnh danh là “Nữ hoàng sân cỏ”, “Nữ hoàng chân đất”.

Từ đó trở đi, giọng ca nhừa nhựa của Khánh Ly cùng với dòng nhạc Trịnh Công Sơn tạo nên - có thể gọi là một hiện tượng trong ngành ca nhạc Việt Nam.

Năm 1969, Khánh Ly là nữ ca sĩ Việt Nam đầu tiên được mời đi trình diễn tại Âu châu, rồi Canada.

Cuối năm 70, Khánh Ly được mời đến hát tại Hội chợ quốc tế Osaka, và thâu vào dĩa vàng các nhạc bản “Diễm xưa” và “Ca dao mẹ” bằng tiếng Việt và tiếng Nhật.

Năm 87, Khánh Ly trở lại xứ Phù Tang, lần này là để thực hiện chương trình yểm trợ cho thuyền nhân.

Sau này, vào năm 96, đài truyền hình NHK của Nhật đã chọn Khánh Ly là một trong 10 nhân vật nổi tiếng để làm phim tài liệu về sự nghiệp. Cuốn phim này được chiếu trên truyền hình Nhật vào ngày 29 tháng Tư 1997.

Năm 1989, sau khi bức tường Bá Linh bị phá bỏ, Khánh Ly cùng với Thanh Tuyền là các ca sĩ Việt Nam đến hát trong chương trình nhạc đầu tiên mở tại Đông Đức.

Qua năm kế tiếp, Khánh Ly sang trình diễn tại Nga, Ba Lan, Tiệp, …Năm 92, Khánh Ly được mời đến trình diễn tại Đại Hội Thiếu Niên Thế Giới tổ chức tại Denver dưới sự chủ tọa của Đức Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị.

Cuối mùa Thu 1996, nghe tin chính phủ Philippines chấp nhận cho người Việt tỵ nạn ở lại trên xứ họ, trong “Làng Việt Nam”, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết ngay bài “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” và Khánh Ly hát lên cho mọi người hay biết.

Trong làng ca nhạc Việt Nam, Khánh Ly cũng là ca sĩ đầu tiên tổ chức show diễn riêng của mình.

Với sự nghiệp như vậy, và những cái “đầu tiên” đó, Khánh Ly quả là một Diva của Việt Nam.

Ngọc Lan

Nữ ca sĩ mà vừa là một hiện tượng, vừa có thể được gọi là Diva, Thy Nga nghĩ là Ngọc Lan.

Khoảng giữa thập niên 80, hai chương trình Vidéo do đạo diễn Đặng Trần Thức dàn dựng và Ngọc Lan ca diễn, khiến mọi người say mê, từ hải ngoại về tới trong nước. Giọng hát ngọt ngào trữ tình, nét mặt thanh thoát, dáng điệu quý phái và diễn xuất rất “tây” của Ngọc Lan làm bao nhiêu kẻ ái mộ, nhất là những người ở trong nước khi đó trong hoàn cảnh rất hạn chế.

Ngọc Lan dịu dàng, ít nói. Sự kiện cô lâm bệnh nặng và từ trần khi còn trẻ, khiến mọi người thương tiếc, là yếu tố thêm nữa làm cho Ngọc Lan trở nên một Diva.

Sáu nhạc sĩ đã viết ngay các ca khúc vĩnh biệt Ngọc Lan, và đám tang cô được đông đảo người hâm mộ đưa tiễn.

Từ đó hằng năm, đánh dấu ngày Ngọc Lan từ trần, các nhóm fan của nữ ca sĩ này lại tổ chức kỷ niệm.

“Nước mắt mùa Thu”, do Lệ Thu hát … Bài này, nhạc sĩ Phạm Duy viết dành cho Lệ Thu.

Với chất giọng được xem là sang cả, Lệ Thu được nhiều vũ trường lớn ở Saigon mời hát, và là nữ ca sĩ có mức cát-xê cao nhất vào thời kỳ trước 1975. Hai vũ trường đã đua nhau trả giá để được Lệ Thu hát độc quyền cho mình.

Ngày 28 tháng Tư 1975, Lệ Thu đã ra máy bay nhưng lại quay về vì còn mẹ. Đến tháng 11, 1979 vượt biển và đặt chân tới Mỹ vào giữa năm 80. Ngay năm sau, Lệ Thu thực hiện được cuốn băng đầu tiên của mình ở hải ngoại, mang tên “Hát trên đường tử sinh”. Tiếp theo là những băng “Thu hát cho người” …

Một nữ ca sĩ khác cũng đích thực là Diva trong chương trình mới đây của Paris by Night, là Hương Lan với sự nghiệp bền bỉ năm chục năm nay.

Xuất hiện trên sân khấu cải lương từ khi mới lên 5, tài ca diễn của cô bé Hương Lan được báo chí Saigon lúc bấy giờ gọi là “Thần đồng”.

Kế tiếp, Hương Lan chuyển sang hát tân nhạc nhiều hơn, đa số là những bài ca về quê hương.

Thy Nga vừa điểm qua một số nữ ca sĩ nổi bật của miền Nam Việt Nam trước 1975 và ở hải ngoại. Ở trong nước thì các nữ ca sĩ nào được báo chí xưng tụng là Diva? Mời quý vị đón xem tiếp trong chương trình kỳ tới.

Nguồn: RFA / Thy Nga

Chú thich: 

Còn tiếp phần 3 nói về ca sĩ việt cộng ,mặc dù Nora rất yêu giọng ca của Lê Dung, nhưng trong phần 3 có mấy tên sĩ gào rống nên Nora không muốn giữ lại

Mời bạn nghe vài albums của ca sĩ Lê Dung rất hay


Lê Dung

=> Album Tiếng Hát Lê Dung - Những Tình Khúc Bất Tử 15
=> Album  Dạ Khúc - Lê Dung - MHCD351
=> Album Áo Vàng Em Mặc - Tiếng hát Lê Dung - Mưa Hồng CD
=> Album Tình Nghệ Sĩ - Lê Dung - CD
....

Còn rất nhiều albums của Lê Dung , Nora để bên mục "Nhạc Album" bạn vô đó tìm nghe nhé . Chúc vui    

No comments:

Post a Comment