Friday, November 3, 2017

Truyền giáo cho người thời nay - Nguyễn Thảo Nam & Lê Xuân Hy


Audio


Vấn Đề Vĩ Đại & Khẩn Thiết

Mối quan tâm hàng đầu đối với Giáo Hội Hoa Kỳ trong những năm gần đây đó là số tín hữu Công Giáo rời bỏ Giáo Hội quá đông. Theo tài liệu thống kê trong những thập niên 80, có khoảng 15 triệu người Công Giáo tại Hoa Kỳ rời bỏ Giáo Hội. Những anh chị em này thuộc mọi tầng lớp khác nhau, nhưng phần đông là ở lứa tuổi từ 18 đến 24. Một khi họ đã ra đi, thật khó mong họ trở về. Nếu có ai đó ước mong trở lại, thì thường phải đến mấy chục năm sau.

Chẳng hạn một người bỏ Giáo Hội vào năm 1980, và lúc đó anh ta 20 tuổi, thì năm nay anh đã là 43 tuổi rồi, và vẫn còn ở ngoài Giáo Hội. Số người ra đi từ những năm trước, lại cộng thêm nhiều người trẻ ra đi hàng năm, nên con số cứ mãi tăng dần.

Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng như các chủ chăn băn khoăn, cố gắng tìm mọi cách níu kéo, và hy vọng con số lớn lao ấy ngày sẽ giảm đi trong những thập niên tới. Nhưng buồn thay, con số ấy chẳng những không giảm đi, mà lại vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây. Cho đến nay, số anh chị em rời bỏ Giáo Hội tại Hoa Kỳ đã lên đến khoảng mười bảy triệu (17.000.000). Một con số khủng khiếp, một mất mát lớn lao. Sự ra đi của họ làm chúng ta đau lòng. Giả sử nhóm người này gom lại thành một giáo phái, thì giáo phái này sẽ có con số đông thứ hai so với tất cả các giáo phái trên đất Mỹ, và nhóm này đông gấp hai lần số người Công Giáo Việt Nam tại quê nhà cũng như rải rác khắp nơi trên thế giới. Cho đến nay, người ta ước tính có khoảng hơn 65 triệu người Công Giáo trong Giáo Hội Hoa Kỳ, nhưng lại mất đi hơn một phần tư -17 triệu - không còn tham dự vào đời sống Giáo Hội. Người ta "ước tính" khoảng 48 triệu người Công Giáo tại Hoa Kỳ còn sống đạo, có nghĩa là còn thỉnh thoảng lui tới nhà thờ và tham dự bí tích. Và trong số những người còn đến với Giáo Hội, có lẽ lại còn có rất nhiều người đang gặp khủng hoảng về đức tin, hoặc sống đạo hời hợt. Thực trạng này gợi cho chúng ta những suy tư về đối tượng truyền giáo hôm nay. Nếu truyền giáo xưa nay làm theo mệnh lệnh của Đức Kitô: rao giảng tin mừng cho muôn dân, rửa tội cho họ, đem anh em "lương dân" trở về với Chúa, thì truyền giáo ngày nay lại đòi hỏi một nhu cầu mới, đó là làm như Đức Kitô đã làm: "đi tìm con chiên lạc," "tìm đồng bạc bị đánh rơi," là mở rộng vòng tay của người cha trong dụ ngôn "người con hoang đàng" để đón nhận cả đứa con đi hoang, lẫn người con càm ràm về trong tổ ấm gia đình của cha mình.

Có người nói đùa, nếu có ai hỏi rằng trong năm qua các công ty sản xuất được bao nhiêu triệu cây tăm xỉa răng, thì họ sẽ cho bạn biết con số chính xác không trật một cây. Hoặc nếu bạn hỏi có bao nhiêu điếu thuốc lá được tiêu thụ trong mười năm qua, thì bạn cũng sẽ nhận được câu trả lời chính xác như thế. Nhưng khi hỏi có bao nhiêu triệu người Công Giáo, thì người ta chỉ có thể ước tính với con số gần đúng mà thôi.

Điều này cũng gợi lên một vấn đề đáng lưu tâm hôm nay, đó là sự gắn bó trong các cộng đoàn xứ đạo đang rời rạc lắm rồi. Trong các Hội Thánh Tin Lành có chương trình membership, họ sinh hoạt từng Hội Thánh tương đối nhỏ và phải đóng tiền quỹ hàng năm, nên các Mục sư có thể biết rõ ai còn sống đạo hoặc ai đã bỏ đi. Trong khi đó, các giáo xứ Công Giáo khá lớn mà lại ít linh mục cũng như tu sĩ nam nữ, sinh hoạt cộng đồng chỉ nổi bật ở một số nhóm và đoàn thể, nên số đông còn lại, đến hay đi mà chẳng mấy ai biết tới. Người có thể biết rõ nhất ai còn, ai bỏ đó là người thân thuộc trong gia đình hoặc bạn bè thân hữu.

Thế thì những người bỏ Giáo Hội này chẳng là ai xa lạ, mà có khi là con em của chúng ta, là bè bạn, là xóm giềng, là đồng nghiệp, là những người mình gặp gỡ mỗi ngày nơi công sở, là đứa bạn ngồi chung một bàn trong lớp học, là đứa bạn cùng chơi thể thao với mình mỗi chiều, v.v... Họ có mối quan hệ thân thiết với chúng ta trong gia đình, trong dòng tộc, trong tình người. Họ có mối quan hệ với chúng ta trong Thân Thể Mầu Nhiêm Đức Kitô — Giáo Hội. Nên khi họ ra đi, mình cảm thấy nhói đau.

Nguyên Nhân Đa Dạng

Theo lối nói Việt Nam chúng ta, có người cho rằng những anh chị em này đã bỏ đạo chăng! Không, họ không bỏ đạo, họ không chối bỏ niềm tin. Họ chỉ không còn tha thiết gì với Giáo Hội, với cộng đoàn, với đời sống bí tích. Hàng ngàn cuộc phỏng vấn cho biết có khoảng tám mươi lăm phần trăm số người này vẫn nghĩ đến việc lo cho con cái học hành các lớp ở nhà thờ trong tương lai. Như thế, họ không phải là những người khủng hoảng niềm tin. Họ khủng khoảng vì cơ chế, vì luật lệ, và xung khắc với những con người trong cơ chế ấy.

Vì sao họ ra đi? Hàng loạt cuộc nghiên cứu tiến hành trong vài chục năm qua cho biết có nhiều nguyên nhân khiến họ bỏ Giáo Hội. Đơn cử một số nguyên nhân do Hội Đồng Truyền Giáo Hoa Kỳ nêu lên, có thể đó là những xung đột trong gia đình. Những người này là một số bạn trẻ, lớn lên trong một nền văn hóa tương đối tự do và cởi mở. Họ có khuynh hướng "giữ đạo" theo chiều hướng cá nhân hơn là bị ép buộc bởi lối sống đạo đức truyền thống của bố mẹ. Bắt nguồn từ một lối sống nặng tính cá nhân, nên cách sống đạo cũng thiên về sống đạo cá nhân. Họ cho rằng tôn giáo là mối quan hệ giữa cá nhân với Thiên Chúa, không nhất thiết phải lệ thuộc vào một cơ chế của Giáo Hội. Do đó, những bạn trẻ này thường phản ứng mạnh mẽ trước những lời khuyên răn nặng tính luân lý của bố mẹ. Những phản ứng này thường tạo nên bầu khí căng thẳng giữa hai thế hệ, và kết quả cuối cùng dẫn đến là thôi việc đến nhà thờ hoặc nghỉ luôn các sinh hoạt tôn giáo. Một số bạn trẻ khi rời tổ ấm gia đình vì xung đột, thì cũng là lúc họ bỏ luôn cả Giáo Hội. Tuy nhiên, không phải ai bỏ nhà ra đi cũng bỏ luôn Giáo Hội. Nhưng nếu những bạn trẻ nào có xung khắc về vấn đề tôn giáo ngay trong gia đình, thì họ có khuynh hướng thôi việc giữ đạo.

Nhóm người thứ hai, không bất kỳ ở lứa tuổi nào, một khi bị tổn thương do linh mục, tu sĩ hoặc những người lãnh đạo gây nên, thường có khuynh hướng bất mãn và dẫn đến bỏ luôn Giáo Hội. Có khi là những kinh nghiệm đau lòng từ những lớp giáo lý, sinh hoạt đoàn thể. Có khi là những vấn nạn cá nhân, thay vì cần được nâng đỡ thì lại bị xúc phạm. Hoặc có khi chính các mục tử không nhạy bén với những hoàn cảnh đặc biệt của họ, hoặc gây thêm khó khăn cho họ trong một số trường hợp như tang chế, cưới hỏi, rửa tội, v.v... Những anh chị em này cần được lắng nghe từ phía Giáo Hội.

Có khi trong sự khiêm tốn của Đức Kitô, các vị lãnh đạo có thể gởi lời xin lỗi, thông cảm, giao hòa và mời gọi chính đương sự trở về với cộng đoàn Giáo Hội. Đây là những phút giây ân sủng quý báu, và chính các mục tử hay những người cộng tác là khí cụ của dòng ân sủng đó.

Nhóm người thứ ba là các bạn trẻ, những người không cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong các cộng đoàn giáo xứ bởi vì phụng vụ buồn tẻ, bài giảng lạnh nhạt không hồn hoặc nặng tính luân lý. Trong khi người trẻ muốn cảm nghiệm được có sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa trong một cộng đoàn đức tin, thì họ lại gặp phải những kinh nghiệm ngược lại. Họ không cảm thấy những người chung quanh có sự gắn bó sâu đậm với Đức Kitô. Họ cảm thấy thánh lễ như một thói quen, hoặc đến nhà thờ vì lề luật chứ không thấm sâu trong đời sống tâm linh. Các bạn không cảm thấy thánh lễ lôi cuốn họ đủ. Theo các cuộc phỏng vấn với các bạn trẻ đã bỏ thánh lễ lâu ngày, phần đông phản ứng mạnh mẽ với các bài giảng buồn tẻ, và phụng vụ nhàm chán. Vấn đề này cần được đặt ra từ cả hai phía. Một mặt, nhiều người Công Giáo hôm nay không được đào tạo để có ý thức xây dựng cộng đoàn. Họ đến với cộng đoàn để nhận lãnh, nhưng lại thiếu ý thức đóng góp. Chính vì vậy, khi cộng đoàn không đáp ứng nhu cầu tâm linh cho họ là họ rút lui hoặc đi tìm đến các giáo phái Tin Lành. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tiêu cực từ phía những người bỏ đi, những người ở lại cũng cần suy tư xem thử mình nên làm gì để bầu khí thờ phượng cũng như các sinh hoạt cộng đoàn trở nên sinh động hơn. Chẳng hạn một bài giảng có chiều sâu và thấm chất Tin Mừng sẽ thu hút được nhiều bạn trẻ, vì chính họ đang khao khát cuộc sống tâm linh. Một ca đoàn chuẩn bị chu đáo và hát xướng tâm tình sẽ lôi kéo được nhiều bạn trẻ đến với giáo xứ mình. Theo những cuộc nghiên cứu mới nhất với giới trẻ tại Hoa Kỳ trong năm qua, các bạn cho biết có hai điều lôi cuốn họ đến với thánh lễ: đó là bài giảng sâu sắc và thánh nhạc sinh động.

Bên cạnh nội dung và chất lượng của phụng vụ, nhiều người cần đến bầu khí thân mật, gần gũi và gắn bó của những người trong cùng họ đạo. Sự gắn bó này đóng một vai trò thiết yếu trong việc giúp người khác ở lại với cộng đoàn Giáo Hội. Hiện nay, phần đông giáo hữu tây phương sống đạo theo lối cá nhân, nên khi đến với Giáo Hội họ cũng đến với thái độ cá nhân. Chính vì lối sống đạo cá nhân, mình ít khi để ý đến người chung quanh, những người cùng tham dự phụng vụ và sinh hoạt tôn giáo với mình. Đôi khi một cái bắt tay trong khi chúc bình an cũng gượng ép, lạnh lùng. Từ một thực trạng như thế, một số người cảm thấy họ quá xa lạ với cộng đoàn. Họ cảm thấy mình là một khán giả vô danh trong một nhà hát nhàm chán. Chính lý do này cũng khiến một số người không còn hào hứng đến với cộng đoàn. Một số trong họ tìm đến các Hội Thánh Tin Lành, nơi mà họ cảm thấy được ân cần tiếp đón và có bầu khí thân mật tình người. Họ cảm thấy mình được quan tâm và có giá trị trong một cộng đoàn tôn giáo. Điều này thật dễ hiểu, bởi vì chẳng ai muốn tham gia vào một tổ chức mà nơi đó tất cả đều xa lạ với nhau. Có lẽ đây cũng là vấn đề gợi cho chúng ta suy tư. Đôi khi mình "sốt sắng quá", chỉ nghĩ đến Chúa mà quên người anh em bên cạnh chăng! Thái độ nghiêm trang thái quá đôi khi lại trở thành dửng dưng lạnh lùng. Lối sống đạo xưa nay khắt khe đến độ ngại nở một nụ cười ở trong nhà thờ, nên hôm nay mình cũng nhìn nhau bằng ánh mắt tôn giáo nghiêm nghị với nhau. Những anh chị em rời Giáo Hội vì lý do này có lẽ đang khao khát một nụ cười, hay một lời chào đón từ những người trong Giáo Hội. Họ sẽ sẵn sàng quay về, nếu có ai đó thực sự quan tâm đến họ.

Ngoài những vấn đề nêu trên, có một vấn đề tương đối gai góc hiện nay đó là vấn đề giáo huấn về luân lý của Giáo Hội. Một số đông bạn trẻ giằng co với những giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề tình dục trước hôn nhân, ngừa thai nhân tạo, li dị, v.v... Nhiều bạn trẻ phản ứng lại quyền giảng dạy của Giáo Hội về những vấn đề này. Một số khác không phản đối mạnh mẽ, nhưng khi đã quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, hoặc ngừa thai nhân tạo, thường ngại đến xưng tội và lãnh nhận bí tích. Khi không được nuôi dưỡng bằng đời sống bí tích, các bạn trẻ thường có khuynh hướng xa dần đời sống đạo và cuối cùng quyết định thôi hẳn. Bên cạnh những người độc thân, một số người trong đời sống gia đình khi áp dụng ngừa thai nhân tạo cũng có phản ứng mạnh với huấn quyền Giáo Hội. Họ yêu cầu Giáo Hội cần thay đổi lối giảng dạy về luân lý. Thật vậy, đây là một vấn đề tương đối phức tạp trong vấn đề sống đạo giữa một nền văn hóa tự do tại Hoa Kỳ và các nước Châu Âu. Thật ra, trên bình diện luân lý, có những vẫn đề Giáo Hội không thể thay đổi theo não trạng của người đương thời. Có những vấn đề Giáo Hội có thể thay đổi, nhưng không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Cơ cấu của Giáo Hội như một guồng máy hoạt động trên cả hoàn vũ, nên có khi phải mất cả thế kỷ để thay đổi một vấn đề nào đó. Chúng ta có thể nhận ra sự phức tạp này khi trong chính xứ đạo mình có sự thay đổi. Ngay việc đơn giản nhất là khi thay đổi giờ giấc Thánh lễ đã làm xáo trộn sinh hoạt của một giáo xứ, và gây nên phản ứng của biết bao người.

Tuy vậy, nhiều người trẻ hôm nay không chấp nhận quyền giảng dạy về luân lý của Giáo Hội, nên họ từ từ rút lui khỏi Giáo Hội. Vấn đề này cần đặt ra cho những nhà giáo dục trong Giáo Hội hôm nay. Một mặt mình phải trình bày huấn quyền của Giáo Hội, nhưng mặt khác phải nên trình bày vấn đề luân lý dựa trên tính nhân bản và phẩm giá con người để thuyết phục các bạn trẻ về vấn đề luân lý. Do đó, các nhà giáo dục cần đào sâu thêm những tài liệu về nhân bản để đi kèm với Giáo huấn của Giáo Hội trong khi giảng dạy.

Một nhóm người khác thôi giữ đạo vì không có nền tảng căn bản về tôn giáo, nên dễ bị tấn công và bị lôi kéo sai đường do chính bè bạn của mình. Bên cạnh đó, có một số bạn trẻ cặp bạn rồi chung sống hoặc kết hôn với người ngoài Công Giáo, rồi dần dần cảm thấy nguội lạnh khô khan, hoặc chính bạn mình thuyết phục từ bỏ Giáo Hội. Một số người khác rời bỏ cộng đoàn vì phải thay đổi nếp sống và chỗ ở, nên mất liên đới với cộng đoàn cũ của mình và ngại tìm tới cộng đoàn mới. Biết đâu những anh chị em này lại là người đang sống loanh quanh trong lối xóm của mình và họ cần một ai đó bắc nhịp cầu để liên kết với một cộng đoàn mới. Truyền giáo hôm nay là thế, là bắc một nhịp cầu để anh em mình trở về, là cố gắng xóa đi những rào chắn ngăn cách vô hình giữa những anh em trong cùng một tôn giáo. Một khi họ nhận ra có một cộng đoàn nào đó yêu thương và đón nhận, họ sẽ sẵn sàng gia nhập và trở về với Giáo Hội.

Bao nhiêu lí do nêu trên, còn có một lí do dễ hiểu nhất, nhưng lại lôi cuốn nhiều người nhất đó là vấn đề thiếu hiểu biết nên không cố gắng đủ, không tha thiết với đời sống tâm linh. Những anh chị em này một phần vì quá bận bịu công việc làm ăn, lại cảm thấy chán chường với đời sống đạo nên có nhiều lí do để thoái thác việc đến nhà thờ. Mặc dù những anh chị em này vẫn có những trăn trở vì đã bỏ bê sống đạo, nhưng họ vẫn không vươn nổi ra khỏi cái nặng nề của công việc và bóng tối. Họ cần người khác nâng đỡ, khuyến khích, và mời gọi họ trở lại với đời sống tâm linh. Vấn đề này ông bà cha mẹ mình thường gọi là "ma quỷ níu kéo." Tuy có những người không tin vào ma quỷ, nhưng thực tế dường như lại luôn có một sức mạnh vô hình nào đó níu kéo chúng ta trì trệ trong việc sống đạo, và dần dần xa Chúa.

Phương Pháp Chữa Trị và Ngăn Ngừa: Bắc Cầu Tình Thương

Trên đây là những vấn đề của Giáo Hội hôm nay, và nó cũng là vấn đề thiết thực đặt ra trong việc truyền giáo nơi chúng ta đang sống tại đất Mỹ này. Thực trạng này mời gọi chúng ta suy tư sâu hơn để cùng thao thức với Giáo Hội trong việc truyền giáo. Đừng kết án những anh chị em đã bỏ đi, bởi vì mỗi người có một lí do riêng khiến họ ra đi. Hãy cùng cảm thông và lắng nghe những trăn trở và nỗi lòng của họ, và cùng suy nghĩ xem Giáo Hội, cộng đoàn, gia đình và chính mỗi cá nhân nên làm gì và cần thay đổi những gì để mời gọi anh chị em mình trở về. Chúng ta có tòa nhà Giáo Hội, nhưng muốn tòa nhà ấy trở thành tổ ấm thì cần đến bầu khí yêu thương. Do đó, việc truyền giáo nhiều khi lại đòi hỏi trước hết là sự hoán cải của chính Giáo Hội và thay đổi con tim của mỗi cá nhân, là phúc âm hóa đời sống nội tâm của mình trước đã. Bởi vì muốn làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa Kitô, thì trước hết chính mình phải là người môn đệ của Chúa Kitô, thấm đượm cái chất Kitô trong đời sống đạo của mình.

Mặc dù truyền giáo trong thời đại hôm nay thật đa dạng và phong phú, mỗi một Kitô Hữu có thể làm tốt công việc truyền giáo trong chính môi trường và hoàn cảnh của mình với sự thúc đẩy và gợi ý của Chúa Thánh Thần. Tất cả gợi ý và kết quả của công việc truyền giáo là cho chính Thánh Thần hướng dẫn và chính Ngài mang lại hoa trái. Do đó, chúng ta có lí do để hy vọng vào những công việc của mình, bởi vì Thánh Thần sẽ hoàn tất những gì Ngài đã khởi sự trong lòng chúng ta hôm nay. Những năm qua, sự hiện diện của người Công Giáo Việt Nam trên đất Mỹ này đã là một hành vi truyền giáo hết sức ý nghĩa. Sự hiện diện ấy dù âm thầm hay sôi nổi cũng đã làm thay đổi biết bao tâm hồn. Chúng ta không biến đổi người khác, nhưng chính Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn họ qua sự hiện diện và sống đạo của chính mình. Hôm nay, bên cạnh sự hiện diện của người Công Giáo Việt Nam như một hành vi truyền giáo, Chúa Thánh Thần lại tiếp tục gợi ý và mời gọi chúng ta nối dài sự hiện diện ấy bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, và cấp bách hơn. Mỗi một hoàn cảnh sống mới, lại sinh ra những nhu cầu mới, và chính Thánh Thần đang mời gọi chúng ta đáp ứng những nhu cầu mới này.

Có năm đối tượng chính mà hội đồng truyền giáo Hoa Kỳ đặt ra, đó là truyền giáo cho chính các kitô hữu trong Giáo Hội, mời gọi tất cả các tín hữu làm một cuộc hoán cải nội tâm và canh tân niềm tin trong Đức Kitô; rồi truyền giáo cho những anh chị em đã rời bỏ Giáo Hội, những người đang sống bên lề của đời sống bí tích và đời sống cộng đoàn. Mời gọi họ trở về giao hòa với chính Thiên Chúa và với Giáo Hội. Rồi truyền giáo cho chính các em, những môn đệ "tí hon" của Đức Kitô, giúp các em tập sống đức tin và gắn bó với Chúa Kitô ngay từ nhỏ. Đây là công việc trọng tâm của gia đình và của các giáo lý viên trong giáo xứ. Kế đến là truyền giáo cho những anh chị em thuộc Kitô Giáo nhưng không cùng truyền thống với Công Giáo, giúp họ nhận ra sự sung mãn của truyền thống Công Giáo và tiến đến sự hiệp thông Kitô Giáo qua đối thoại và cảm thông. Và cuối cùng là truyền giáo cho những anh chị em không có niềm tin vào Đức Kitô.

Trong số đối tượng truyền giáo của hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ nêu trên, vấn đề truyền giáo cho những anh chị em đã rời bỏ Giáo Hội vẫn là mối quan tâm sâu xa, vẫn là nỗi trăn trở ưu tư của các mục tử, và đó cũng chính là lời mời gọi của mỗi một người trong chúng ta hôm nay. Vì thế, truyền giáo hôm nay là lưu tâm đến những anh chị em đó; họ là con em, là người thân, là bạn hữu của mình. Cố gắng yêu thương và tìm cách mời họ trở về. Trong nhiều cuộc phỏng vấn được thực hiện trong những năm gần đây, dấu hiệu hy vọng cho biết phần đông trong họ muốn quay trở về với Giáo Hội, miễn là có ai đó yêu thương và sẵn lòng dẫn đưa họ về. Thật ra, họ chẳng còn là trẻ thơ để đợi người khác đưa dẫn, nhưng vì khi họ ra đi, chiếc cầu năm xưa đã một lần mục gẫy, và nay họ cần một chiếc cầu mới để nối lại nhịp xưa. Chiếc cầu đó là chính mỗi người Kitô Hữu, là bạn bè, là người thân, là đồng nghiệp của họ. Đừng giảng giải cho họ nhiều điều, nhưng lắng nghe, thông cảm và yêu thương. Chỉ có tình thương chân thành mới cảm hóa được lòng người. Đó cũng chính là bí quyết truyền giáo của Đức Kitô.

Dấu chỉ hy vọng cho thấy đã có hàng trăm ngàn người trở về trong những năm qua. Một khi họ trở về, đời sống đạo của họ sâu sắc hơn và nhiều người trong họ đã trở thành những nhà truyền giáo nhiệt thành. Đời sống của họ sung mãn và hạnh phúc hơn so với những năm tháng sống ngòai Giáo Hội.

Mỗi tín hữu Kitô, hơn ai hết, là chiếc cầu hữu hiệu nhất giúp người khác trở về. Phải thành thật rằng, phần đông các mục tử không làm nổi chuyện này. Phần thì các mục tử không biết nổi hết các con chiên, phần khác mối liên hệ giữa các mục tử và đa số những chiên lạc này chẳng mấy thắm thiết-nếu thắm thiết thì họ đã chẳng ra đi, chưa kể những người ra đi vì xung khắc với mục tử. Những người này khi trở lại thường gia nhập ở một cộng đoàn khác. Dù gia nhập cộng đoàn nào đi nữa, việc họ quay trở về là một nỗi vui cho cả Giáo Hội. Đó là hình ảnh vui mừng của người chủ chiên cõng con chiên lạc trên vai trở về. Chính vì thế, việc "đi tìm anh chị em" gợi cho chúng ta một ưu tư mới trong vấn đề truyền giáo hôm nay.

Qua nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy, phải đến từ 65% đến 90% người ngoài Kitô giáo trở lại là do tiếp xúc cá nhân với người Kitô Hữu. Phần đông họ không trở về với một Thiên Chúa mơ hồ, một Giáo Hội có nề nếp. Họ cũng chẳng trở về vì một nền thần học hấp dẫn, mà là họ trở về trước hết với những con người cụ thể trong cộng đoàn, trong từng mối liên hệ mật thiết mà họ cảm nghiệm được tình yêu thương.

Chữa bệnh không bằng phòng bệnh Mặc dù số lớn rời bỏ Giáo Hội khi các em lên 18 tuổi, chúng ta cần sửa soạn cho các em ngay từ tuổi thơ. Chúng ta cần xây dựng cộng đoàn yêu thương cho mỗi người và mỗi lứa tuổi, dùng mọi phương cách mà Chúa ban. Cả cộng đoàn cần làm việc với nhau, và chính cách làm việc chung này có thể xây dựng tình thân ái nếu chúng ta làm vì Chúa và vì nhau, hơn là vì công việc hay danh tiếng. Ngay trong lớp giáo lí, một "môn học" chính trong mọi lớp là các em có thể cảm nhận được và diễn tả được tình thương. Các em được "chích ngừa" bằng thuốc yêu thương nên sẽ khó bỏ cộng đoàn, bỏ Giáo Hội rồi chính gương sáng của các em này, cùng với tình thương các em có với người khác, cũng sẽ níu kéo người khác trở về và ở lại trong Giáo Hội. Ngoài lớp giáo lí, các đoàn thể trẻ như Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng Đạo Công Giáo, hay lớp Việt Ngữ cũng là những nơi truyền giáo hữu hiệu và cần thiết. Và dĩ nhiên gia đình là nơi quan trọng nhất, và cộng đoàn có thể giúp cho các gia đình qua các hội đoàn thích hợp như Bà Mẹ Công Giáo và Liên Minh Thánh Tâm, cũng như các buổi cấm phòng giáo xứ và giáo lí cho người lớn.

Cách phòng bệnh này cần được thi hành ngay từ khi lọt lòng mẹ, và phải thích ứng với nhu cầu và sở thích của từng lứa tuổi và từng văn hóa Một số khá lớn các mục sư Mỹ vừa trao dồi kiến thức về quá trình phát triển con người cũng như phát triển đức tin theo từng lứa tuổi, vừa chuyên cần học hỏi về vấn đề đa văn hóa. Chúng ta lầm to nếu chúng ta nghĩ chúng ta hiểu các em Việt Nam vì chúng ta cùng một văn hóa.

Ngay trên đất Mỹ cũng có những văn hóa khác nhau, mà nếu chỉ nhìn mặt, nhìn tên không thì không biết được. Ngay cả một cô giáo Việt Nam trẻ sanh ra tại Mỹ, học giỏi, đạo đức, đã có một khoảng cách đáng kể với các em Việt Nam học kém trong lớp, huống chi là những người như chúng tôi, sinh trưởng tại Việt Nam. Khoảng cách càng xa ta càng cần tìm hiểu và cố gắng để bắc cầu được với tâm hồn các em. Rồi chính các em này sẽ là những nhà truyền giáo hữu hiệu, ngay bây giờ hay sau này, cho những em khác cùng văn hóa với chúng. Vì một cộng đoàn CGViệt Nam tại hải ngoại rất đa diện và phức tạp, nên cần rất nhiều người, nhiều giới cộng tác.

Trong khung cảnh liên tôn, bắc cầu tình thương với các anh chị em ngoài Công Giáo lại càng cần thiết hơn. Đại Sư Thích Nhất Hạnh viết trong cuốn Living Buddha, Living Christ là từ những nhịp cầu thương yêu của các bạn Thiên Chúa Giáo mà Đại Sư đã đổi từ ác cảm đối với Thiên Chúa Giáo qua thiện cảm, và dự thánh lễ Công Giáo nữa.

Xin Chúa Thánh Thần tiếp tục hướng dẫn và gợi lên trong lòng mỗi Kitô hữu sự nhiệt thành truyền giáo và lưu tâm đến những anh chị em sống chung quanh mình. Bởi vì chia sẽ niềm tin cho người khác chính là cũng cố niềm tin của mình. Bao lâu cộng đoàn giáo xứ hay mỗi một cá nhân không chia sẽ niềm tin, hoặc không cổ võ việc truyền giáo thì niềm tin của chúng ta sẽ dần phai nhạt và khô héo. Chính công việc truyền giáo đã nuôi dưỡng sức sống của Giáo Hội. Như Đức Thánh Cha Phao-lô VI nhấn mạnh, Giáo Hội không những sinh ra để truyền giáo, nhưng chính công việc truyền giáo đã khai sinh Giáo Hội. Thật thế, Đức Kitô đã rao giảng tin mừng trước khi Ngài thành lập Giáo Hội, và Giáo Hội đã không ngừng tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô qua mọi thời đại. Xin cho mỗi người chúng ta cũng luôn mang tâm tình và lòng nhiệt thành của Đức Kitô, để Tin mừng được rao giảng, để tình thương của Ngài được chạm đến mỗi một con tim trong gia đình nhân loại.


Nguyễn Thảo Nam & Lê Xuân Hy (Institute for Human Development, Seattle University, Washington)
 ___________________________________________________________________________
 
Sách Tham Khảo

Boyack, K. (Ed.). (1987). Catholic evangelization today: A new Pentecost for the United States . Mahwah, NJ: Paulist Press.

Boyack, K. (Ed.). (1992). The new Catholic evangelization. Mahwah, NJ: Paulist Press.

Boyack, K. (1995). "Go and make disciple: The United States Bishops’ National plan for Catholic evangelization." In W. Houck, P. Williamson, & M. Ralph (Eds.) John Paul II and the new evangelization: How you can bring the Good News to others. Ft. Collins, CO: Ignatius Press.

Emmons, R.A., & Paloutzian, R F. (2003). The psychology of religion. Annual Review of Psychology, 54:377-402.

Fowler, J (1981). Stages of faith: The psychology of human development and the quest for meaning. New York: Harper Collins Publisher.

Nhất Hạnh. (1997). Living Buddha, living Christ. New York: Riverhead Books.

Hoge, D. (1981). Converts, dropouts, returnees: A study of religious change among Catholics. Cleveland, OH: Pilgrim Press.

Houck, W., Williamson, P., & Ralph, M. (Eds.). (1995). John Paul II and the new evangelization: How you can bring the Good News to others. Ft. Collins, CO: Ignatius Press.

United States Conference Catholic Bishops (USCCB) Committee on Evangelization. (1998). A time to listen, a time to heal: A resource directory for reaching out to inactive Catholics. Washington, DC: USCCB.

Nguồn: http://www.donghanh.org

No comments:

Post a Comment