Wednesday, April 8, 2020

Đức Hồng Y George Pell mừng Lễ Giáng Sinh trong tù (20/12/2019)



Ký giả Edward Pentin của Tờ National Catholic Register tường trình rằng, theo các nguồn tin ông hiện có, Đức Hồng Y Pell, người có đơn kháng cáo bản án về tội lạm dụng tình dục hiện đang được Tòa án tối cao Úc xem xét, đang phải chịu những điều kiện sống rất khó khăn theo chế độ biệt giam.

Các nguồn tin thân cận với Đức Hồng Y nói với tờ Register rằng trong tuần này Đức Hồng Y George Pell có thể được phép rước lễ trong phòng giam của mình vào ngày Lễ Giáng sinh nhưng ngài vẫn sẽ không được phép cử hành Thánh lễ.

Kể từ khi Đức Hồng Y bị bỏ tù và bị biệt giam vào tháng Hai, Nhà tù Lượng giá Melbourne, nơi ngài bị giam, đã cấm vị cựu bộ trưởng Văn Phòng Kinh tế của Vatican cử hành Thánh lễ.

Vẫn chưa rõ liệu ngài có được thường xuyên rước lễ hay không, mặc dù một nguồn tin cho biết ngài đã có thể làm như vậy, “nhưng không nhất thiết vào Chúa Nhật”. Nguồn tin cho biết, Đức Hồng Y vẫn còn “là một khuôn mặt bị ghét rất nhiều ở đây, đó là lý do tại sao không có vấn đề ngài được cử hành thánh lễ”.

Đức Hồng Y mỗi tuần được phép tiếp một vị khách chính thức và một nguồn tin thân cận với Đức Hồng Y, không muốn nêu tên, đã nói với Tờ Register rằng ngài nhận được sự “hỗ trợ rất lớn” của một nữ tu, trong khi một nguồn khác, một người bạn của Đức Hồng Y, nói “phòng giam của ngài rất nhỏ và ngài chỉ được phép có năm cuốn sách”.

Người bạn, người cho biết Đức Hồng Y nhận được hàng ngàn lá thư và thiệp Giáng sinh hỗ trợ, được ngài cố gắng trả lời, nói với tờ Register rằng một số người ủng hộ hy vọng sẽ hát thánh ca Giang Sinh ở bên ngoài phòng giam của ngài vào đêm Giáng sinh.

Như mọi người đã biết Đức Hồng Y Pell đang thụ án sáu năm tù sau khi bị kết án vào tháng 12 năm ngoái về năm tội danh lạm dụng tình dục hai nam ca viên lúc làm tổng giám mục Melbourne sau Thánh lễ Chúa Nhật tại Nhà thờ Thánh Patrick của thành phố năm 1996 và 1997.

Nạn nhân thứ hai bị cáo buộc đã chết vì dùng heroin quá liều vào năm 2014, và đã phủ nhận nhiều lần rằng Đức Hồng Y Pell đã lạm dụng anh ta. Người khiếu nại còn sống, mà lời khai không được chứng thực nhưng đã được bồi thẩm đoàn duy nhất dựa vào để kết án Đức Hồng Y, vẫn chưa được nhận diện công khai, nhưng theo một số nguồn tin theo dõi sát vụ án, được cho là cũng bị nghiện ma túy.

Tòa án Úc cấm nhóm bào chữa cho Đức Hồng Y Pell không được đặt câu hỏi về tính khả tín của người khiếu nại, người mà theo chánh án kháng cáo Mark Weinberg, đã thay đổi câu chuyện của ông ta “nhiều lần”.

Đức Hồng Y luôn phản đối mạnh mẽ sự vô tội của mình và tháng trước, hai thẩm phán Tòa án tối cao đã chuyển đơn của Đức Hồng Y xin phép đặc biệt để kháng án lên toàn bộ các chánh án của Tòa án Tối cao.

Các luật sư của Đức Hồng Y đã lập luận thành công rằng tòa án phúc thẩm cấp thấp đã phạm nhiều sai lầm trong quyết định của họ vào tháng 8 để giữ nguyên bản án của ngài - một quyết định không được hỗ trợ của chánh án bất đồng Weinberg. Phiên xét xử của Tòa án tối cao dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm tới.

Nghi ngờ ngày càng tăng

Trong khi đó, một hợp xướng công luận nghi ngờ một cách nghiêm túc đối với bản án của Đức Hồng Y Pell, đang ngày một gia tăng. Nhà báo Keith Windschuttle đã thực hiện một cuộc nghiên cứu cho thấy bản án ấy không thể khả hữu vì chuổi thời gian (timeline) của người khiếu nại đưa ra, trong khi bằng chứng khác đã xuất hiện để hỗ trợ Đức Hồng Y, bao gồm hai phụ nữ từng làm việc tại nhà thờ chính tòa và nói với CNA vào tháng trước rằng họ tin rằng những cáo buộc này là “không thể có được”. Mà họ cũng không được mời để đưa ra bằng chứng tại các phiên xử.

Cả những người khác cũng đã xuất hiện để bênh vực Đức Hồng Y.

Một nhà bình luận có bút danh Lushington Brady trên tờ The BFD, một nhật báo hàng đầu của New Zealand, viết vào ngày 13 tháng 12, “Tôi không phải là người Công Giáo. Tôi ghê tởm ấu dâm. Tôi không đặc biệt say mê George Pell. Tuy nhiên, tôi không thể thoát khỏi cảm giác khó chịu rằng cuộc hoài thai công lý nghiêm trọng nhất ở Úc kể từ vụ Chamberlains đã diễn ra trong vụ án của Pell”.

Brady, người đã đề cập đến trường hợp của Lindy Chamberlain, một bà mẹ gốc New Zealand đã bị bỏ tù ở Úc vào năm 1980 vì tội giết đứa con thơ mình, nói thêm rằng “các chuyên gia pháp lý từ mọi phía đều đã công khai kinh ngạc về những gì họ coi là một trò đùa nhại công lý trắng trợn".

Luật sư hưu trí không phải là người Công Giáo Anthony Charles Smith đã viết vào ngày 16 tháng 11 rằng ông “rất bối rối” vì vụ án, một vụ án thiếu chứng cứ “làm tôi đau cả bụng”. Ông nói thêm rằng những cáo buộc chống lại Đức Hồng Y chỉ đáng được các công tố viên có khả năng và giàu kinh nghiệm trong các thập niên 1980 và 1990 dành cho ít phút để xem xét.

Và giống như cựu Bộ trưởng Lao động Peter Baldwin, Smith đã so sánh trường hợp này với Carl Beech, người gần đây đã bị bỏ tù 8 năm vì đã đưa ra những lời buộc tội không được chứng minh đối với các nhân vật nổi tiếng của Anh, nhưng không phải trước khi danh tiếng của họ đã bị hủy hoại.

Smith nói rằng vì hoàn cảnh, Đức Hồng Y Pell “có rất ít triển vọng được xét xử công bằng trước một bồi thẩm đoàn”, và ông nói thêm rằng ông “đã không bao giờ nhìn thấy một minh họa rõ ràng về một cuộc tiền phán xử nào hơn cuộc đã được chứng tỏ ở đó”.

Tâm lý bề hội đồng (mob mentality)?

Những tiếng nói có tính phê phán trên tiếp nối Greg Barns, một luật sư kiêm nhà tranh đấu cánh tả, người đã viết hồi tháng 3 rằng vụ án Đức Hồng Y Pell có đặc điểm của một sự “ngu dốt đáng sợ” của hệ thống pháp luật Úc, một “chủ nghĩa duy hiếu thắng" về phía một số phương tiện truyền thông, những người vốn theo đuổi Đức Hồng Y Pell trong nhiều năm, và một thứ “đám đông bề hội đồng” (lynch mob) la hét đòi “máu Đức Hồng Y”, điều mà Barns gọi là “thật đáng sợ”.

Cái não trạng “hội đồng” như thế đã lại hiển thị một lần nữa vào đầu tháng này khi cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott bị thủ hiến bang Victoria, Daniel Andrews, phỉ báng vì đã đến thăm Đức Hồng Y trong tù. Andrews, một người Công Giáo, nói rằng, “Thật xấu hổ, tuyệt đối đáng xấu hổ”. Ông ta còn nói thêm rằng Abbott nên xin lỗi. Tin tức về chuyến thăm đã bị rò rỉ với báo chí bởi một trong những lính canh tù.

Tri nhận ngày càng tăng về sự bất công đã khiến một trong những người bạn của Đức Hồng Y nhận xét: “Nay liệu ta có thể bắt đầu la to từ các mái nhà, ‘hãy trả tự do cho Đức Hồng Y Pell!’”

Các câu hỏi về một hệ thống tư pháp gây thiệt hại (prejudicial) ở Victoria liên quan đến tham nhũng nội bộ hiện đang được đặt ra có thể giúp trả lời một vài điều không thể lường được về việc làm thế nào Đức Hồng Y có thể bị bỏ tù chỉ dựa vào quá ít bằng chứng.

Một cuộc trao đổi email được công bố vào tuần trước cho thấy vào năm 2014, các thành viên của sở cảnh sát Victoria, đã tìm cách sử dụng các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell để đánh lạc hướng một vụ tai tiếng ảnh hưởng đến sở này.

Vụ tai tiếng liên quan đến luật sư bào chữa hình sự Nicola Gobbo, người được cảnh sát Victoria tuyển dụng để làm người chỉ điểm chống lại các thành viên của tập đoàn tội phạm Ndrangheta Calabrian mà cô vốn đại diện cho (xem Cảnh sát Victoria: cuộc điều tra Đức Hồng Y Pell nhằm mục đích đánh lạc chú ý của người dân đối với tai tiếng lớn của cảnh sát tại 👉 Cảnh sát Victoria: cuộc điều tra Đức Hồng Y George Pell nhằm mục đích đánh lạc chú ý của người dân đối với tai tiếng lớn của cảnh sát

Mối liên hệ giữa mafia Ý và Úc có một lịch sử tương đối dài từ những năm 1950 và tiếp tục cho đến ngày nay.

Nguồn: Việt Catholic News / Vũ Văn An (20/12/2019)

No comments:

Post a Comment