Giọng đọc: Duy Thiện
Quê tôi thuộc vùng chiêm trũng. Làng tôi có tên gọi là làng Thong. Làng Thong nằm dưới dãy núi đất trùng điệp. Ngày xửa, ngày xưa chưa có hệ thống thủy lợi, đường sá đi lại chưa được xây dựng, vào mùa tháng Tám nước ngập mênh mông chỉ còn nhìn thấy những mỏm đồi cao thấp nhấp nhô. Làng Thong xưa là một làng đói nghèo nhất của vùng đồng bằng Bắc bộ. Hàng năm cứ vào mùa tháng Ba, ngày Tám là cả làng kéo nhau vào rừng mót sắn khoai, đào củ mài, hái rau má về ăn thay cơm. Trong làng thời ấy chỉ có vài ba gia đình khá giả, có ruộng vườn cho làm thuê, cấy rẽ. Trong số đó có bà Tư. Tuy vậy nhà bà Tư khi ấy cũng chỉ có khoảng ba, bốn mẫu ruộng và một hai sào vườn. Gia đình bà có bốn người, hai vợ chồng với hai người con trai. Chồng bà tên là Thiên, sống dưới thời phong kiến ông Thiên là người có học được xã cho làm chức thủ quỹ nên người làng thường gọi ông Quỹ Thiên. Bà Tư, tên cúng cơm là Thà, nhưng dân làng quen gọi bà là bà Tư bởi bà là vợ thứ tư của ông Quỹ Thiên.
Bà Tư, được mẹ tôi kể, khi còn con gái bà là người xinh đẹp nhất thôn Đông. Gương mặt trái xoan, mắt lá dăm, lông mày lá liễu trông cứ như thiếu nữ trong tranh bước ra. Hiềm một nỗi nhà nghèo, mười ba tuổi bà đã bị cha mẹ ép gả chồng. Người chồng đầu của bà là một chàng trai xã bên. Hai người lấy nhau tròn một năm thì anh chồng mắc bệnh thương hàn, nhà nghèo không có tiền chạy chữa, nằm liệt giường suốt hai tháng trời rồi qua đời. Sau khi chịu tang chồng đủ ba năm, cha mẹ rước về gả cho ông Quỹ Thiên làm vợ lẽ.
Làm vợ của một gia đình khá giả trong làng, chồng lại là người có vai vế trong xã hội nhưng bà Tư sống rất hiền lành, giàu lòng thương người. Trong xóm làng nhà ai gặp phải khó khăn bà đều mở lòng giúp đỡ. Bà ăn ở với gia đình chồng, với bà con lối xóm như bát nước đầy. Dân trong làng từ già đến trẻ ai ai cũng quí mến bà.
Nhà bà Tư có cây xoan trà ở trước nhà. Cây xoan trà cao to tỏa bóng xúm xuê. Thân cây ba người giang tay ôm không hết. Theo các cụ già trong làng kể: cây xoan trà nhà bà Tư có từ thời ông nội ông Quỹ Thiên. Dòng họ nhà ông Quỹ Thiên rất quý cây xoan trà. Họ thay nhau chăm sóc, coi cây xoan trà là báu vật của dòng họ. Nối tiếp truyền thống dòng họ nhà chồng, bà Tư từ ngày về làm vợ ông Quỹ Thiên, sống trên mảnh đất của tổ tiên để lại bà thường xuyên chăm sóc, giữ gìn cây xoan trà. Bà yêu quí cây xoan trà như thể yêu quý thân thể mình. Hàng ngày bà chăm nom tưới tắm, lặn lội dưới đồng sâu mò ốc về, bỏ vào cối đá giã nhỏ bón cho cây. Có bàn tay con người chăm bón, cây xoan trà cho rất nhiều quả. Hàng năm cứ vào độ trung tuần tháng năm, là mùa xoan trà chín rộ. Đứng từ xa nhìn về hướng nhà bà Tư đã thấy xoan trà chín vàng rực, chim chào mào, chích chòe từng đàn lũ lượt kéo về đậu kín ngọn cây. Tiếng hót líu lo náo động cả xóm.
Xoan trà quả tròn, to như trứng chim cút, vỏ mỏng, hạt nhỏ như hạt đỗ đen. Ăn có vị ngọt thanh. Một người có thể ăn vài chục quả liền một lúc không biết chán, không say như ăn vải, nhãn... Xoan trà ra rất nhiều quả. Mỗi mùa trung bình một cây từ năm năm tuổi trở lên thu hoạch hàng tạ quả. Cây xoan trà nhà bà Tư có tuổi thọ cao, lại được chăm bón kỹ nên hàng năm cho rất nhiều quả. Mỗi năm nhà bà thu hoạch vài trăm nghìn đồng tiền bán xoan trà (Tiền thời ấy mệnh giá rất lớn; một đồng mua được một ký gạo thơm). Tôi là bạn với con trai út của bà. Cậu con trai út của bà tên là Thân. Hai thằng chúng tôi học chung với nhau từ lớp vỡ lòng. Tôi và Thân rất quý nhau. Trong lớp chúng tôi ngồi học chung một bàn. Thân giỏi toán, tôi giỏi văn, chúng tôi thường trao đổi kiến thức cho nhau. Mỗi khi gặp phải một đề toán khó hai đứa lại chụm đầu vào suy nghĩ tìm cách giải. Hàng ngày sáng lên lớp, chiều về tôi lại vào nhà Thân, hai đứa mắc võng nằm dưới bóng cây xoan trà học bài. Học thuộc bài lại ngồi phệt xuống đất đánh ô, đánh chắt. Bà Tư rất quý tôi, bà coi tôi như con cháu trong nhà. Bà thường khen tôi là thằng bé lễ phép, thông minh. Hàng năm vào mùa xoan trà chín, tôi được bà cho trèo lên cây hái ăn thỏa thích.
Năm 1956, cải cách ruộng đất. Ngày ấy tôi còn nhỏ không biết cải cách ruộng đất là gì. Tôi hỏi ông nội và được nội giải thích: “Cải cách ruộng đất là tịch thu đất đai, tài sản của những người giàu có chia cho người nghèo...”. “Vậy nhà mình có được chia đất chia ruộng vườn không ông?” - Tôi hỏi. Nội nhẹ nhàng vuốt tóc tôi và nói: “Có chứ, có chứ. Nhà ta là dân nghèo mà”.
Nhà tôi nằm ở trung tâm làng nên các cuộc họp bàn về cải cách ruộng đất thường tổ chức ở nhà tôi. Mỗi lần họp, mẹ tôi lại vất vả nấu nước, luộc sắn khoai phục vụ. Vào những đêm họp thôn, bàn về phát động đấu tố địa chủ, mẹ tôi phải nấu cả chục ấm nước trà xanh phục vụ. Mùa hè trời nóng bức, mẹ tôi ngồi trong bếp nấu nước, mồ hôi tuôn ra như tắm.
Mỗi lần họp được canh rất cẩn mật. Ngoài cổng có du kích gác. Người trong gia đình tôi như ông bà và anh chị chúng tôi phải ngồi trong buồng hoặc đi nhà khác chơi cho tới khi họp xong mới về nhà.
Cán bộ trong đội cải cách xuống họp ở nhà tôi thường có hai người. Một người tên là Phát, một người tên là Quy. Cả hai đều là người miền Nam tập kết. Giọng nói trọ trẹ nghe rất khó. Đi vào gọi là đi “vô”, cái bát gọi là cái “chén”...
Ngày ấy còn nhỏ nhưng tôi cũng hiểu được cán bộ đội cải cách là người rất có thế lực. “Đội là trời”. Đội nói sao dân chúng phải làm vậy. Các cô gái trong làng như cô Mận, cô Loan, cô Cần con nhà nghèo, đa phần các cô không biết chữ nhưng được đội dựa, tin cậy. Đội Phát, đội Quy đi đâu cũng dắt các cô đi theo. Các cô được vào du kích, được phát súng và lựu đạn đeo lủng lẳng bên hông trông rất oách. Có nhiều đêm trời mưa, họp khuya, đội Phát và đội Quy cùng các cô du kích ngủ luôn ở nhà tôi đến sáng mới ra về. Nhà tôi rộng, cả gia đình ngủ ở nhà trong, ba gian nhà ngoài dành cho các ông đội và du kích ngủ. Nhiều sáng thức dậy, ra chuồng lợn tè, tôi nhìn thấy đội Quy và cô Mận đang ôm nhau nằm ngủ trong đống rơm ở góc vườn. Cả hai trần truồng như nhộng. Tôi xấu hổ quá, quay vào buồng nói với mẹ. Mẹ tôi ghé vào tai nói nhỏ: “Tao cấm mày không được nói cho ai biết chuyện này. Mày mà lộ ra cả nhà ta sẽ không được chia ruộng, sẽ bị đội giết chết đấy. Nhớ chưa”. Nghe mẹ nói vậy tôi sợ quá nên nhiều lần nhìn thấy đội Quy và đội Phát ngủ với các cô du kích ngay trong nhà mình, tôi cũng nín thinh.
Ngày ấy ở làng có chú Thưng, người cao to, lực lưỡng. Chú Thưng có khiếu thơ ca hò vè. Tuy mới học hết lớp bốn nhưng chú làm thơ ứng tác rất tài. Khi làm quen với đội Phát và đội Quy chú bắt chước giọng nói Nam bộ rất giống. Đội Phát rất quý chú Thưng bởi chú nhanh nhẹn lại biết nhiều chuyện trong làng. Đội Phát dùng chú làm liên lạc riêng cho mình. Mỗi khi đội Phát muốn hẹn hò các cô gái trong làng làm chuyện mờ ám đều thông qua chú Thưng. Vì thế mà chú Thưng biết được nhiều mối quan hệ bẩn thỉu giữa đội Phát với cô Mơ, cô Quý. Đội Phát ăn nằm với cô Mơ, cô Quý ở xó xỉnh nào chú đều biết cả. Chú Thưng đặt câu vè:
“Ví dù chú cháu người dưng
Cháu cho chú đ... Chú mừng lắm ghê”.
Câu vè đó đã lan truyền đi khắp xã. Đội Phát và đội Quy nghe được, tức tối nhưng chẳng làm gì được chú Thưng. Bởi câu vè chẳng ám chỉ ai.
Sau đợt phát động kéo dài một tháng, làng tôi có bốn nhà quy là địa chủ. Trong số đó có nhà ông Quỹ Thiên. Ngày ấy tôi không hiểu địa chủ là gì. Tôi hỏi ông nội, nội tôi giải thích: “Địa chủ là người có nhiều đất đai; có nợ máu với nhân dân..., là kẻ xấu”. “Nhưng cháu thấy ông Quỹ Thiên là người tốt, con thấy ngày nào ông cũng đọc sách, đánh cờ với các ông già trong xóm. Ông có đối xử ác với ai đâu. Sao lại là người xấu, là địa chủ?”. Nội đưa tay bịt miệng tôi, ghé sát vào tai nói rõ ràng từng câu một: “Cháu phải im ngay, không được nói gì về nhà ông Quỹ Thiên. Đội bảo Quỹ Thiên là kẻ xấu, ắt phải là kẻ xấu. Ai nói ngược lại là chết. Chết cháu hiểu chưa?”.
Những ngày tháng ấy cả làng, xã sục sôi khí thế đấu tố địa chủ. Khẩu hiệu dán ở khắp mọi nơi. Tận hang cùng, ngõ hẻm đều có khẩu hiệu. Ban đêm thiếu nhi vác trống ếch đi hô khẩu hiệu thâu đêm. Tôi còn nhớ khẩu hiệu ngày ấy thiếu nhi đêm đêm đi hô vang là: “Đả đảo địa chủ”; “Có khổ tố khổ, nhân dân nghèo khổ bùng lên!”... Tôi được ông nội cho đi xem một buổi đấu tố ở đình làng. Hôm đó là một buổi sáng mùa đông. Trời rét như cắt ruột. Tờ mờ sáng dân làng đã có mặt rất đông, đứng kín cả sân đình làng. Nhiều gia đình bồng bế cả con nhỏ đi theo. Hai ông cháu lách mãi mới vào được trong sân đình. Giữa sân đình được dựng lên một cái bục cao khoảng hai mét, trên có mái che bằng vải bạt màu ghi. Trước cái bục có một hố sâu tới lưng ống chân. Khoảng bảy giờ buổi đấu tố bắt đầu. Trên bục tôi thấy đội Phát ngồi giữa, hai bên là hai cán bộ xã tôi không biết tên. Đội Phát đứng lên nói to: “Thưa bà con nhân dân trong làng, hôm nay làng ta đấu tố tên địa chủ Lê Văn Thiên, một tên địa chủ lớn của làng. Đề nghị bà con có khổ tố khổ, tố ra bằng hết mọi tội ác của địa chủ Thiên”. Liền lúc đó hai nữ du kích, tay bồng súng áp giải ông Thiên ra. Ông Thiên hai tay bị trói chặt về phía sau lưng. Hai nữ du kích đẩy ông đứng xuống cái hố trước mặt quan đội. Nhìn ông đầu tóc bù xù, mắt đỏ hoe, hai má hóp lại. Đội Phát đứng lên nói to: “Buổi đấu tố địa chủ Thiên bắt đầu. Đề nghị bà con lần lượt lên đấu tố”. Người lên đấu tố đầu tiên không phải ai xa lạ mà chính là ông Thiềng, con vợ cả của ông Thiên. Câu đầu tiên ông Thiên hỏi:
- Địa chủ Lê Văn Thiên. Có biết ta là ai không?
Ông Thiên lúc này sức khỏe rất yếu nhưng vẫn dõng dạc trả lời:
- Biết. Ông là thằng con đốn mạt của tôi.
- Ông có biết tội của ông không?
- Tội của tôi ư. Tội của tôi là đã sinh ra một thằng con vô phúc.
Dứt câu trả lời của ông Thiên, mọi người ồn ào bàn tán nhỏ to. Đội Phát, mặt đỏ phừng phừng, đập mạnh tay xuống mặt bàn làm hai vị ngồi bên giật bắn người. Đội Phát nói như thét lên:
- Địa chủ Lê Văn Thiên câm miệng ngay. Ngươi không... không được hỗn trước ông bà nông dân! Du kích đâu. Lại đập vô miệng hắn.
- Một nam du kích từ trong đình chạy tới trước mặt ông Thiên, giang cánh tay lực lưỡng vả vào miệng ông Thiên khiến ông ngã gục xuống đất mồm ứa ra.
Tiếp theo là những ông bà nông dân khác, lần lượt lên đấu tố. Trong số đó tôi thấy có những người trước đây được vợ chồng ông Quỹ Thiên đối xử rất tốt như bà Thanh, cô Mởn... Đứng nghe những ông bà nông dân trong làng lên tố ông Thiên, ông nội tôi cứ lắc đầu lia lịa rồi ông dắt tay tôi ra về. Ra khỏi sân đình, nội lẩm bẩm nói một mình: “Láo, láo quá. Tố láo quá!”.
Kết thúc phiên đấu tố, họ kéo nhau về nhà ông Quỹ Thiên phân chia tài sản. Đội Phát ra lệnh cho du kích thôn vào nhà lục lọi, khuân hết mọi thứ đồ đạc trong nhà ông Thiên bầy ra ngay dưới gốc cây xoan trà không thiếu một thứ gì, từ cái nồi đồng lủng đít đến con dao cụt chuôi, cái bát vỡ... Gia tài nhà ông Quỹ Thiên chẳng có thứ gì quý giá ngoài bộ án thờ và tủ sách. Trong tủ sách nhà ông tôi biết có nhiều bộ sách quý, rất có giá trị về văn học, lịch sử, địa lý. Cuốn nào cũng dầy cộp. Đội Phát nói đó là những loại sách phản động của bọn đế quốc phải đốt hết. Đội Quy cùng với hai ba du kích nhảy vào, đá đổ cái tủ sách văng ra ngoài vườn, thi nhau lật tung từng quyển sách, tìm kiếm xem bên trong có thứ gì quý giá để kiếm chác. Ông Quỹ Thiên được du kích giải về chứng kiến việc chia tài sản, lúc này ông đang ngồi bệt như con mèo đói ở góc sân, nhìn thấy tủ sách quý của mình bị chà đạp tung tóe, lòng đau thắt, miệng nói không rõ tiếng: “xin... c...á... c... ông... đừng... đốt...”. Vợ con ông ôm nhau ngồi dưới gốc cây xoan trà van xin kêu khóc thảm thiết. “Xin các ông bà lấy thứ gì cũng được nhưng đừng đốt sách. Đó là sách quý của các vị tiền bối để lại. Dòng họ nhà tôi đã cất giữ bao đời nay. Xin các ông đừng đốt!”. Bà Tư vừa dứt lời, đội Phát tiến đến trước mặt, chỉ tay vào mặt bà lớn tiếng nói: “Câm miệng ngay. Đốt hay không là quyền của đội. Mày không được xía vô”. Sách mang đi đốt. Còn lại các đồ đạc khác được phân chia cho các gia đình trong thôn. Có gia đình được chia mỗi cái nồi đồng lủng đít nhưng cũng tỏ ra sung sướng. Riêng cây xoan trà được chia cho gia đình ông Đỗ Pháo, trưởng thôn, một gia đình được đội Phát tin cậy. Đội Phát thường xuyên đi về ăn ở tại nhà ông Đỗ Pháo. Ông Đỗ Pháo có cô con gái đầu tên là Thẹo. Cô Thẹo có đôi mắt lác, được cái làn da trắng, chân tay đẫy đà, bộ ngực phổng phao. Đội Phát từ khi về ở trong nhà ông Pháo rất quý mến cô Thẹo. Mỗi lần đội Pháo đi họp trên huyện về đều mua quà cho cô Thẹo. Khi thì bánh xà phòng thơm, lúc thì chiếc khăn tay mùi xoa... Cô Thẹo thấy mình được đội Phát quý mến, tỏ ra hãnh diện với chị em cùng trang lứa trong làng. Sau này lớn lên tôi được biết cô Thẹo đã ăn nằm với đội Phát có thai rồi bỏ làng đi. Đi đâu chẳng ai biết.
Giữa lúc mọi người đang nhộn nhạo dành phần trong cuộc phân chia tài sản của nhà ông Quỹ Thiên dưới bóng cây xoan trà, bỗng dưng trời đất tối sầm, một cơn lốc mạnh từ hướng Đông thổi tới. Cát, bụi, lá cây, rơm rạ bay mù trời. Mọi người hoảng sợ, nháo nhác tìm nơi ẩn nấp. Người chui vào khe núi, người núp dưới bờ ao, đội Phát và vài ba cô nữ du kích chui vào núp trong chuồng lợn nhà bà Tư làm cho đàn lợn kêu rống lên. Trận lốc kéo dài chừng vài phút, cả làng có đến hai chục căn nhà bị tốc mái, cây cối đổ ngổn ngang. Cây xoan trà nhà bà Tư hoa, lá trút xuống như mưa rơi đầy vườn, đầy sân.
Sau cơn lốc một số người bàn luận: quy kết gia đình ông Quỹ Thiên lên địa chủ, cả làng kéo đến chia tài sản nhà ông làm cho trời đất nổi giận.
Buổi chiều hôm đó, tôi và mẹ tôi đứng xem cuộc phân chia tài sản nhà ông Quỹ Thiên diễn ra dưới bóng cây xoan trà, trái tim tôi nhói đau, bụng thầm nghĩ: mới mấy ngày trước đây bọn trẻ trong xóm chúng tôi còn quây quần dưới bóng cây xoan trà vui chơi, hát hò vui vẻ, giờ đây nó biến thành chốn địa ngục của gia đình ông Quỹ Thiên. Mẹ tôi không chịu nổi cảnh nhà ông Quỹ Thiên bị họ phân chia hết của cải, tài sản, bà dắt tôi ra về, hai mắt đỏ hoe. Mẹ con bà Tư ngồi dưới bóng cây xoan trà nhìn theo như muốn nói với mẹ tôi điều gì nhưng không nói ra được. Hai mắt bà đẫm lệ!
Thời cải cách ruộng đất, những gia đình bị quy lên thành phần tử phú nông trở lên, phải gọi nông dân trong làng, xã là ông, bà. Ra đường gặp các ông bà nông dân phải đứng lại, cúi đầu chào hỏi tử tế. Mặc dù người đó chỉ đáng tuổi con cháu mình. Một hôm tôi đang ngồi ỉa ở đầu xóm (quê tôi thời ấy, vào mùa tháng tám nước ngập trắng đồng, dân làng thường ra đồng đi “xia”). Nên dân quê tôi được mệnh danh là dân “cầu tõm”, bà Tư đi ngang qua, đứng lại, cúi đầu chắp hai tay trước ngực: “Con chào ông nông dân ạ!”. Nghe bà Tư chào như vậy tôi ngượng đỏ mặt. Vội kéo quần đứng lên, chắp tay vái lạy bà: “Thưa bà. Xin bà từ nay đừng chào con như vậy. Con còn nhỏ không phải là nông dân đâu ạ”. Bà Tư vội nắm lấy tay tôi. Hai hàng nước mắt bà ứa ra. Vừa lúc đó ông nội tôi đi cúng đình về, nhìn thấy bà Tư. Nội dừng lại nói nhỏ với bà: “Ai người ta nói gì, cư xử với gia đình bà thế nào mặc họ. Riêng gia đình tôi vẫn coi vợ chồng bà là người tốt, là người hàng xóm thân thiện của gia đình tôi”.
Sau hai tháng trời ròng rã đấu tố địa chủ, cường hào rất quyết liệt; cả xã có tới hai chục địa chủ. Có hai người phải tử hình: một ông Quỹ Thiên ở lòng tôi, hai là ông Quý Vạn ở làng Chè. Hai ông đều đem đi xử bắn cùng một ngày. Địa điểm bắn là chân núi Chè, cách làng tôi hai cây số. Ngày xử bắn 15 tháng 5 năm...
Từ ba giờ sáng, du kích trong thôn đã khua chiêng, nổi trống đánh thức bà con trong thôn đi xuống núi Chè dự xử án. Hôm ấy tôi cũng được chị tôi đưa đi xem. Chân núi Chè có một bãi đất rộng mênh mông, trên núi là cả một rừng thông cao vút. Mờ sáng, mặt trời chưa lên, dân chúng khắp nơi trong làng xã đã kéo về đứng đông kín chân núi Chè. Trên tay mỗi người đều có tấm biểu ngữ làm bằng mo cau, to như bìa vở học trò. Trên tấm biển viết bằng mực tím nét chữ to bằng ngón tay út: “Đả đảo địa chủ”. Sắp tới giờ xử án, hàng vạn người sục sôi, những tấm biển giơ lên, hạ xuống nhấp nhô như sóng biển cùng với những tiếng hô vang: “Đả đảo địa chủ gian ác. Đả đảo, đả đảo!”; “Hoan nghênh chính sách cải cách ruộng đất của Bác, Đảng. Hoan nghênh! Hoan nghênh!”.
Tám giờ phiên xử bắt đầu. Cũng giống như những cuộc đấu tố ở thôn, một cái bục cao chừng hai mét, hình chữ nhật, rộng khoảng ba mét, dài năm mét, trên có mái che. Phiên xử diễn ra không có hội đồng xử án, không có chủ tọa phiên tòa, không có công tố viên, luật sư, thư ký... như các phiên tòa thời nay. Ngồi trên bục xử chỉ có bốn ông đội, ba ông đội của ba thôn và một ông đội xã. Trong đó có mặt đội Phát và đội Quý.
Phiên tòa sáng nay xử địa chủ Quý Vạn trước, sau xử tới địa chủ Quỹ Thiên.
Hai du kích áp giải Quý Vạn ra trước tòa. Đội Phát đứng lên đọc cáo trạng. Bản cáo trạng dài lê thê tới năm trang vở học trò. Đội Phát há hốc mồm ra đọc, không có loa phóng thanh, đội Phát phải gân cổ lên đọc thật lớn để cho mọi người nghe. Trời nóng bức, người đông, tiếng nói cười, tiếng trẻ con la hét chẳng ai nghe rõ đội Phát đọc gì. Tôi len vào đứng cách bục xử chừng năm mét mà cũng chỉ nghe câu được câu mất. Đội Phát đọc gần ba mươi phút đồng hồ mà tôi chỉ nghe vài câu đại thể là: “... Phạm Quý Vạn là một tên địa chủ đại gian ác, có nhiều nợ máu với nhân dân bần cố. Quý Vạn phải chịu một hình phạt thích đáng...”.
Sau bản cáo trạng của đội Phát, người dân thôn Chè thay nhau lên đấu tố. Có người bị cán bộ đội bắt buộc phải lên đấu tố. Đứng trước mặt ông Quý Vạn chỉ khóc không nói được câu nào. Thời gian đấu tố kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ. Có khoảng hơn mười người lên đấu tố. Hết phần đấu tố, một ông đội xã tôi không biết tên, người cao to, mặt rỗ nhằng nhịt, đeo kính trắng đứng lên nói rất đanh thép: “Phạm Quý Vạn ngẩng mặt lên nghe tòa tuyên án: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... chiếu theo điều luật số... của Ủy ban Trung ương cải cách, tòa tuyên án Phạm Quý Vạn chịu hình phạt tử hình. Bản án sẽ được thi hành vào hồi năm giờ chiều nay”. Dứt lời vị chủ tọa phiên tòa, hai du kích vào đưa Quý Vạn đi. Tiếng hô đả đảo Quý Vạn lại vang lên náo nhiệt. Phiên xử thứ nhất kết thúc.
Một giờ chiều tiếp tục phiên xử thứ hai. Phiên thứ hai xử địa chủ Lê Quỹ Thiên ở làng tôi. Phiên xử thứ hai kịch bản diễn ra giống hệt phiên xử thứ nhất. Cũng đội Phát đọc cáo trạng sau đó là đấu tố và cuối cùng cũng vị đội xã đứng lên tuyên án.
Năm giờ chiều hai bản án tử hình được thi hành cùng một lúc. Quý Vạn đưa lên bắn trước. Hai du kích áp giải Quý Vạn lên lưng chừng đồi; trói y vào một cây thông già; hai mắt y bịt kín bằng một mảnh vải đen. Quý Vạn được trói chặt, hai du kích lùi về phía sau. Ba du kích khỏe mạnh bồng súng trường, lưỡi lê tuốt trần, sáng loáng tiến lên đứng cách xa Quý Vạn chừng mười mét, giương súng lên vai ngắm thẳng vào ngực Quý Vạn sẵn sàng chờ lệnh. Đội Phát vai đeo sắc cốt lên ra lệnh: “Bắn!”. Lập tức ba họng súng rung lên. Những tiếng nổ chói tai “Đoàng! Đoàng! Đoàng!...”. Hàng vạn người đứng dưới nhìn lên rùng mình khi thấy máu trên ngực, trên đầu Quý Vạn phun ra đỏ rực dưới trời chiều. Nhìn cảnh tượng ấy tôi sợ quá, giục chị tôi ra về. Hơn nữa tôi cũng không muốn ở lại chứng kiến người ta mang ông Quỹ Thiên lên xử bắn giống như ông Quý Vạn. Dầu gì đi nữa trong lòng tôi ông Quỹ Thiên vẫn là người tốt, là cha của bạn tôi.
Về nhà chị em tôi kể lại cho nội nghe về phiên tòa xử án ông Quý Vạn và ông Quỹ Thiên. Nghe xong nội lắc đầu: “Loạn, loạn cả rồi, loạn cả rồi!”. Nói xong nội vào nhà lấy nắm nhang ra, quẹt diêm đốt rồi vái bốn phương trời, tay vái miệng lẩm bẩm khấn điều gì tôi không rõ. Khấn vái xong, nội vào nhà gỡ ba bức hình treo trên tường nhà bỏ vô hố phân sau bếp. Ba bức hình ấy là ai tôi không biết, chỉ thấy một ông có râu đầy mặt, một ông cằm nhọn, đầu to và một ông mặt dài có chòm râu lơ thơ. Và cũng không hiểu ba bức hình đó có quan hệ thế nào với gia đình tôi, nội tôi cũng chẳng bao giờ nói cho tôi biết.
Cây xoan trà từ khi về tay gia đình ông Đỗ Pháo sở hữu, chẳng hiểu sao liên tiếp hai năm không nở hoa kết quả, chim muông cũng không về đậu. Có người bảo vợ chồng ông Pháo không biết cách chăm bón nên xoan trà không ra quả. Có người lại nói: “Oan hồn ông Quỹ Thiên hiện về, nhập vào thân cây làm cho cây sầu héo không thể ra quả được”.
Sau này có chính sách sửa sai, gia đình ông Quỹ Thiên được xuống trung nông, bản thân ông được minh oan. Nhưng rất tiếc là ông không còn. Người ta đã tử hình ông rồi.
Xuống thành phần, ruộng vườn nhà cửa của ông Quỹ Thiên được trả lại. Bà Tư lại được chăm sóc cây xoan trà. Từ đó cây xoan trà lại xanh tốt và đơm hoa kết quả, chim muông lại ríu rít bay về. Bọn trẻ chúng tôi lại được xum vầy dưới bóng cây xoan trà như ngày xưa.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng giờ đây mỗi bận về quê, vào thăm nhà bà Tư, bà Tư nay không còn. Đứng dưới bóng cây xoan trà nhớ về những chuyện buồn mà tuổi thơ tôi được chứng kiến thấy tim mình nhói đau!.
Xuân Tuynh (Nha Trang, thu 2005)
No comments:
Post a Comment