Tuesday, January 10, 2023

Hai Buổi Tối Mùng Một Tết - Thanh Thương Hoàng




Giọng đọc: Thanh Phương

Người chồng đi làm về vừa bước vào nhà, người vợ mặt hầm hầm tức giận cầm tay kéo vào phòng ngủ, đóng cửa lại, nói: "Ðến nước này em không thể chịu đựng được nữa rồi. Anh phải quyết định thôi!". Người chồng hơi nhăn mặt: "Lại chuyện gì nữa?". "Thế anh bước vào nhà không ngửi thấy mùi gì sao? Em đang muốn buồn nôn đây này!". Người chồng chun mũi hít hít: "Ờ ờ, có mùi gì hơi nặng" Người vợ nói ngay một hơi: "Mùi cá kho chứ mùi gì! Em đã nói với bà già bao lần là kho cá mẹ phải mang ra sau vườn mà kho. Kho trong nhà tạo mùi hôi khó chịu lắm. Lỡ có khách đến chơi người ta cười cho". Người chồng ngẩn mặt ra ngẫm nghĩ một phút hỏi: "Thế bà già nói sao?". "Bà già bảo tại ngoài trời lạnh nên không ra vườn được". Người chồng thay xong quần áo nói: "Việc đâu còn đó, em cứ để từ từ anh giải quyết". Người vợ sẵng giọng: "Không thể từ từ nữa. Tôi hết chịu đựng nổi rồi. Sức người có hạn. Bà ấy gây nhiều phiền hà cho gia đình này quá. Tháng trước bả gọi phôn về nước mất hơn 500 đồng. Rửa có mấy cái chén tách thôi mà làm vỡ hai cái. Rồi tháng trước nữa..". Người chồng xua xua tay: "Tôi biết rồi, cô khỏi nói thêm. Tôi điên cái đầu quá!". Người vợ vẫn không chịu ngưng: "Bà già chân tay dơ dáy áo quần bản thỉu, cứ ôm chầm lấy con bé Angel làm nó sợ hãi hết hồn viá. Tôi đã nhắc nhiều lần mà bả vẫn chứng nào tật ấy, hễ cứ thấy mặt con bé đi học về là ôm chầm lấy hôn hít, thật khiếp! Lại còn thằng Victor nữa. Nó là con trai mà bà già xoa đầu xoa tóc, vuốt mặt vuốt mũi sờ soạng khắp người thằng nhỏ rồi sờ cả "chim" nó làm nó la oai oái. Tôi mà kêu cảnh sát là có chuyện đấy, tội sách nhiễu tình dục trẻ nít!". Người chồng cúi đầu bước nhanh ra khỏi buồng ngủ. Anh ta đi tìm người mẹ lúc ấy đang ôm mặt ngồi khóc trong nhà xe.

Buổi chiều ngày mồng một Tết người chồng lái xe đưa vợ con và bà mẹ đi chơi chợ Tết. Chợ thật đông vui. Người người tấp nập qua lại mặt mày hớn hở. Tiếng nhạc tiếng ca, tiếng trống tiếng kèn rộn ràng tưng bừng. Bà mẹ không ngờ thành phố này có nhiều người Việt sống đến thế. Trông người nào cũng đẹp đẽ sang trọng. Ðây là lần đầu tiên bà được đưa đi coi hội chợ Tết của người Việt. Bà sang Mỹ gần một năm trời chưa có dịp ra khỏi nhà đi đâu cả. Suốt ngày cứ quanh quẩn thui thủi trong nhà một mình. Hết trong nhà lại ra sau vườn. Ðể giết thì giờ bà muốn trồng ít cây ớt và rau thơm nhưng cô con dâu không chịu. Bà muốn trồng mấy cây ăn trái mà ở quê nhà bà rất thích. Cô bảo trồng những thứ ấy làm mất vẻ thanh lịch của cái vườn. Ban ngày thì "vợ chồng nó" đi làm, "con cái nó" đi học. Chiều về ăn uống xong ai về phòng người ấy đóng cửa lại. Bà mẹ hết coi tivi, băng đĩa cải lương lại ra sau vườn ngồi nhìn trời nhìn đất. Ðó là những ngày mùa hè, còn mùa đông suốt ngày bà ở trong phòng, hết đứng lên lại ngồi xuống, thở vắn than dài buồn rầu nhớ quê hương xứ sở với những ngày tháng cũ.

Bà có hai người con: một gái một trai. Chồng bà là lính chết trong trận đánh cuối cùng ở Long Khánh. Bà phải một mình chạy vạy nuôi con. Mấy năm sau bà lo cho cậu con trai vượt biên tốn bao công sức và tiền bạc, phải bán căn nhà duy nhất để lo cho nó. Khi người con trai vượt biên xong, bà về sống với người con gái lớn đã lập gia đình trong một xóm nghèo ngoại ô thành phố Saigon. Vợ chồng con cái nó quá nghèo giờ lại nuôi thêm người mẹ càng thêm khốn đốn. Rồi người mẹ không thể chịu đựng nổi sự bực bội nói năng thô bỉ của người con rể, bà phải thuê chỗ ở riêng. Hàng ngày nhờ tính tháo vát, với gánh bún thịt nướng bán rong bà cũng giải quyết được sinh kế, bà làm ngon nên khách ăn rất đông. Rồi sau hơn mười mấy năm trôi qua người con trai ở Mỹ học hành thành đạt và lập gia đình. Anh ta nghĩ tới người mẹ khốn khó nơi quê nhà. Thêm nữa, cộng với sự hối thúc của người vợ - cần một người tin cẩn trông coi nhà cửa và trẻ nhỏ (đỡ tốn tiền thuê người lại được trừ thuế) - người con trai làm giấy tờ bảo lãnh người mẹ qua Mỹ sống. Với tuổi đời ngót sáu chục, người mẹ không thể nào làm quen đời sống mới nơi đất nước người. Suốt ngày đêm bà cứ thui thủi một mình. Bà thèm có người chuyện trò tâm sự. Nhưng vợ chồng con cái nó có bao giờ thèm chuyện trò với bà. Hơn nữa chúng nó nói với nhau toàn bằng tiếng Mỹ. Nhất là hai đứa cháu nội của bà, chúng chỉ biết nói mỗi hai tiếng "cám ơn" sau khi sai bà làm một việc gì. Mới đầu "vợ chồng nó" còn giao phó cho bà việc bếp núc nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn "vợ nó" kêu bà già nấu nướng kiểu nhà quê không nuốt nổi. Ðồng thời "các con nó" quen ăn đồ Mỹ. Thế là người mẹ thôi việc nấu nướng cho cả nhà. Vì không quen đồ ăn Mỹ bọn nó mua về, hàng ngày bà phải nấu đồ ăn cho riêng mình. Ðồ ăn của bà thật giản dị: chút rau luộc với chút cá hay thịt kho. Khi nào ốm đau mệt mỏi không tự nấu được bà phải ăn mì gói, phải ăn cháo nấu với nước mắt. Bà cảm thấy mình là người thừa trong gia đình này. Bà đâu có ngờ thiên đường của trái đất lại tệ hại đến như vậy. Khi còn ở quê nhà bà có nghe người ta bàn tán nước Mỹ là địa ngục của người già. Lúc đó bà không tin. Bà cho là sự dèm pha ghen ăn tức ở của những người không có cơ hội sang Mỹ sống. Bây giờ thì bà thấm thía vô cùng. Sự cô đơn, sự hành hạ của người con dâu, sự thờ ơ lãnh đạm của người con trai đã làm bà thêm nhức nhối đau khổ. Ðôi lần bà ngỏ ý với người con trai muốn trở về nước sống nhưng nó gạt đi không chịu. Nó bảo bà ráng ít ngày nữa nó sẽ xin cho bà vào Nursing Home sống rất thoải mái. Bà chẳng biết Nursing Home là nhà gì nhưng bà cũng sẵn sàng chờ đợi. Mãi mê coi những gian hàng trong hội chợ, toàn những thứ đồ lạ đẹp đến chóa cả mắt mà bà mẹ chưa bao giờ thấy, đến khi nhìn lại không thấy "vợ chồng con cái chúng nó" đâu nữa. Bà hoảng hốt nhớn nhác đi tìm. Chợ thì đông lại toàn người xa lạ biết hỏi ai. Bà cứ thế lùng kiếm hết gian hàng này tới gian hàng khác, hết khu này tới khu khác. Chẳng thấy bóng dáng chúng nó đâu. Gặp mấy người Việt lớn tuổi bà cũng liều cất tiếng hỏi nhưng chẳng ai biết gì. Ðã sợ bà càng sợ hơn. Ðã cuống bà càng cuống hơn, nhất là trời mỗi lúc một đổ tối. Bây giờ bà mới thấy mệt nhừ rã rời chân tay. Suốt hai giờ liền tìm kiếm hết đi nổi bà đành tìm một góc tối chỗ vắng người qua lại, ngồi bệt xuống đất thở rốc. Sự lạc lõng bơ vơ nơi chốn xa lạ không người quen biết làm bà rùng mình. Nhưng bà vẫn chưa hết hy vọng vì bà tin thế nào con trai bà khi không thấy bà cũng phải tìm kiếm.

Từ lúc mặt trời lặn mỗi lúc một lạnh thêm. Bà già ngồi bó gối co ro mím chặt môi để chịu đựng. Rồi cái đói đến cồn cào ruột gan. Bị hai cái đói và rét hành hạ cùng lúc làm bà già lịm đi lúc nào không biết.Trong cơn mơ màng bà thấy mình dắt đứa cháu ngoại cất bước bên lề đường quanh khu chợ Bến Thành những ngày cuối năm. Ðứa cháu ngoại bắt bà mua cho nó chiếc máy bay bằng nhựa để nó lái sang Mỹ thăm chú nó. Ðang lúc cho tay vào túi lấy tiền trả thì có người vỗ mạnh vào vai, bà già giật mình tỉnh giấc mở mắt nhìn. Trước mặt bà là hai người cảnh sát Mỹ cao lớn. Họ sì sồ hỏi bà điều gì đó, bà lắc đầu tỏ ý không biết. Rồi bà vừa ra dấu tay vừa nói một hơi dài bầy tỏ việc bị lạc con cháu. Tới lượt hai người cảnh sát Mỹ ngẩn người không hiểu. Một viên cảnh sát, sau khi nói với đồng nghiệp, anh ta bước đi. Hội chợ đã vãn từ lâu. Tiếng nhạc đã ngưng. Tiếng người ồn ào cười đùa cũng không còn. Chỉ lác đác dăm mười người bước lần ra cổng chợ. Người cảnh sát trở lại với một người đàn ông Việt khoảng 30 tuổi, chắc là để làm công việc thông dịch. "Chào cụ - Người đàn ông Việt nói - Sao giờ này cụ vẫn còn ngồi đây, hội chợ tan lâu rồi mà". "Tôi chờ con tôi tới đón". "Nhà cụ ở đâu?" "Tôi không biết. Ðây là lần đầu tiên sống trên đất Mỹ tôi đi ra ngoài. Con cháu tôi đưa tôi đi, mải vui ngắm các gian hàng tôi bị lạc lúc nào không biết". "Cụ tới đây lúc mấy giờ?" "Tôi không nhớ. Có lẽ khoảng 3, 4 giờ chiều". "Con trai cụ làm nghề gì, cụ ráng nhớ xem nhà ở khu nào để cảnh sát đưa cụ về". "Con trai tôi làm kỹ sư. Tôi không biết nhà nó ở chỗ nào, chỉ biết cách đây hơn hai giờ lái xe, chạy qua nhiều đường núi. À, trước sân cỏ nhà nó có một cây to lắm và chung quanh toàn nhà người Mỹ." "Thế ông con trai kỹ sư của cụ tên gì?" "Lúc sinh nó vợ chồng tôi đặt tên là Ðức, Nguyễn Nhân Ðức. Nhưng sang đây nghe đâu nó đổi tên Mỹ rồi". Người đàn ông sau khi vỗ vỗ nhẹ mấy cái vào trán, trao đổi vài câu với hai người cảnh sát Mỹ, rồi quay lại nói với bà già: "Hai ông cảnh sát nói bây giờ cũng đã khuya, họ đưa bác về tạm ở đồn cảnh sát, ngày mai họ sẽ kiếm giúp con trai bác". Nghe nói thế bà già òa lên khóc tức tưởi: "Không, không! Tôi không muốn bị giải về đồn cảnh sát. Hãy giúp tôi, hãy giúp tôi làm phúc ông ơi! Tôi bị con trai tôi nghe theo vợ nó ruồng rẫy đem mẹ bỏ chợ, ông biết không? Hãy thương tôi, hãy làm ơn làm phúc giúp tôi!". Nói xong bà già cứ níu chặt lấy tay người đàn ông lạ không chịu rời. Người đàn ông chợt hiểu. Ông cúi đầu ngẫm nghĩ rồi đi đến quyết định: "Cháu xin thưa với bác thế này nhé. Ðêm cũng đã khuya, nếu bác bằng lòng cháu sẽ làm giấy bảo lãnh với cảnh sát đem bác về ở tạm nhà cháu rồi sáng mai ta đi tìm nhà người con bác. Nhà cháu cũng gần đây thôi. Cháu tin vợ cháu cũng đồng ý với cháu về việc này". Bà già ngẫm nghĩ một lúc mới hỏi: "Ông có thể nói với cảnh sát giúp cho tôi về Việt Nam được không?". Người đàn ông cười thành tiếng rồi quay qua nói tiếng Mỹ với hai người cảnh sát. Cả ba cùng cười xòa. "Ông cảnh sát nói không được đâu bác ạ. Muốn trở về Việt Nam bác phải có đầy đủ giấy tờ và tiền bạc mua vé máy bay. Cháu tin là giấy tờ của bác con trai bác cất giữ hết". Bà già gạt nước mắt, gật đầu: "Vậy thì ông làm ơn làm phúc cho tôi ở nhờ ít ngày vậy"

Người đàn ông đó hành nghề bác sĩ. Ông có vợ và hai con gái, một đứa lên sáu một đứa lên bốn. Vợ và hai con ông đều quý mến bà già.Ông đã bỏ ra mấy ngày liền để dò hỏi tìm kiếm người con trai nhưng vẫn biệt vô tăm tích. Nếu biết được tên Thành phố may ra còn có thể lần ra được, đằng này đến cả tên người cũng không biết thì đành chịu thua thôi. Một buổi tối sau khi cơm nước xong, vợ chồng ông bác sĩ mời bà khách ra phòng khách nói chuyện. Và câu chuyện kết thúc bằng sự ân cần mời mọc bà ở lại. Ðể tránh sự hiểu lầm có thể gây mặc cảm cho bà già, vợ chồng ông bác sĩ nại cớ bận đi làm suốt ngày nên muốn giao nhà cửa bà trông nom giúp cho tới khi nào bà tìm được người con trai. "Hơn nữa hai đứa nhỏ nhà cháu bây giờ không muốn xa bà đâu. Chúng nó quý bà lắm. Ði học về là xúm lại bắt bà kể chuyện cổ tích". Vợ ông bác sĩ nói thêm. Trong những ngày tháng sống nhờ trong gia đình ông bà bác sĩ, mặc dầu rất êm ấm và thoải mái nhưng bà già vẫn luôn nghĩ tới hai đứa cháu nội và người con trai. Thỉnh thoảng bà chép miệng thở dài: "Không ngờ nó mang tên Nhân Ðức lại ăn ở thất đức".

Một năm sau. Sau khi bàn bạc với bà vợ, ông bác sĩ nói với bà già:"Vợ chồng cháu thấy bác ở không cũng buồn, trong khi hai đứa trẻ cũng lớn rồi không còn "bám đít" bà như trước nữa nên vợ chồng cháu bàn tính mở một nhà hàng ăn uống để bác trông coi...". Chưa nghe hết chuyện bà già đã kêu lên: "Chịu thôi, tôi biết làm ăn gì đâu mà trông coi cửa hàng. Tiếng Anh tiếng Mỹ không biết một câu làm sao mà chuyện trò ăn nói với người ta. Cám ơn cậu mợ, thật tình tôi chẳng dám nhận". Vợ ông bác sĩ nói: "Bác có tài nấu nướng làm món ăn rất ngon. Nếu bác chịu làm cháu tin nhà hàng của mình sẽ rất đông khách. Bác trông coi điều khiển người làm bếp núc. Còn khách khứa để cháu lo. Cháu bỏ vốn bác bỏ công, lời lãi chia đôi. Khi nào dành dụm được một số tiền kha khá bác lấy vé máy bay về nước thăm mấy đứa cháu ngoại". Ông chồng bác sĩ nói thêm: "Làm việc này là hoàn toàn do thiện chí vợ chồng cháu muốn giúp bác thôi. Cháu tin bác sẽ thành công". Ông muốn nói thêm "Ðây cũng là dịp để bác có cơ hội trả thù thằng con trai bất hiếu" nhưng ông sợ đụng chạm vết thương của người mẹ bấy lâu đã lên da non nên ngưng lại.

Nhà hàng "Ðức" sau một năm khai trương đã trở thành nhà hàng tên tuổi khắp thành phố và lan sang cả các thành phố khác. Thứ bẩy chủ nhật ngày lễ khách đông nghịt phải xếp hàng chờ cả nửa giờ mới vào được bên trong ăn uống. Bà vợ ông bác sĩ đã chuyển giao toàn bộ nhà hàng cho bà già, lấy cớ bị bệnh cần nghỉ ngơi dưỡng sức. Thế là bà già nghiễm nhiên trở thành bà chủ một nhà hàng tên tuổi. Không ai có thể ngờ một bà già "quê mùa ngớ ngẩn" (như cô con dâu thường châm trích bà) lại trở thành một con người tháo vát tài giỏi, điều hành trên mười nhân công và quản trị kinh doanh thành công một nhà hàng được xếp vào hạng sang của thành phố.

Câu chuyện tới đây lại tình cờ kết thúc vào một buổi tối ngày mùng một Tết. Như mọi năm, ngày mồng một Tết năm nay người chồng vẫn lái xe đưa vợ con đi chơi chợ Tết. Không hiểu lúc dẫn vợ con đi lòng vòng trong hội chợ, gã có nghĩ tới người mẹ bất hạnh mà năm trước gã đã làm một việc thất đức: nhẫn tâm bỏ rơi mẹ giữa chợ đời không? Sau đó, vào buổi chiều tối người chồng lái xe đưa vợ con tới nhà hàng "Ðức" để thưởng thức những món ăn quê hương đặc sắc. Họ nghe tiếng nhà hàng từ lâu nhưng chưa có dịp tới. Vừa cùng vợ con ngồi xuống quanh bàn ăn, người con trai bất chợt nhìn thấy một bà mặt mũi vóc dáng giống y "bà già quê kệch" mẹ gã - tuy có hơi mập và đi đứng bệ vệ hơn - từ trong bước ra tiến về phía gã. Gã sửng sốt không tin ở mắt mình. Ðồng thời cùng lúc đó một người đàn ông bàn bên đứng lên đón bà chủ. Ðó là ông bác sĩ. Hôm nay ông và vợ con được nhà hàng mời làm khách danh dự buổi tiệc đầu năm. Ông bác sĩ nói: "Thưa cụ. Năm mới gia đình chúng cháu xin chúc cụ luôn mạnh khỏe làm ăn phát đạt, mọi sự an lành tốt đẹp may mắn và sớm đoàn tụ với con cháu". Người con bỗng đứng bật dậy và bước nhanh tới bên bà già, nắm chặt hai cánh tay bà kêu lên: "Mẹ". Bà già sững sờ nhìn người đối diện, bàng hoàng trong giây lát rồi bà lắc đầu giằng tay ra khỏi tay người con và nói nhanh: "Ông lầm rồi. Tôi không phải là mẹ ông. Tôi không có người con như ông". Dứt lời bà phẩy tay và bước nhanh vào bên trong nhà. Xa xa từng tràng pháo Tết nổ liên hồi vọng lại. Tất cả khách hàng trong tiệm đều đứng dậy nâng ly chúc mừng. Trong tiếng nói cười rôm rả, ông bác sĩ vẫn nghe rõ tiếng bà mẹ từ nhà trong: "Chú Năm! Chú ra trước cửa nhà hàng đốt phong pháo treo sẵn để xua đuổi hết tà ma quỷ quái đi".

Thanh Thương Hoàng

No comments:

Post a Comment