Thursday, September 1, 2016

Nhạc sĩ Roberto Collazo và bài ca La Última Noche




Audio



Trong số các bản nhạc cha cha rất nổi tiếng, nhạc phẩm La Última Noche thường được người La Tinh xếp vào hàng kinh điển. Nguyên tựa đề bài hát có nghĩa là ‘’Đêm cuối cùng bên em’’, do nhạc sĩ Roberto Collazo sáng tác đầu những năm 1950. Do đây là ca khúc để đời của ông, cho nên tác giả đã chọn tựa đề này để đặt cho quyển hồi ký, viết vào những năm cuối cùng trước khi từ giã cõi đời.

Quyển hồi ký La Última Noche (Que Pasé Contigo) - Đêm cuối cùng bên em của tác giả Roberto Collazo Cursó, chủ yếu kể lại giai đoạn cực thịnh của làng nhạc Cuba, trước khi hòn đảo này sống khép kín, hoàn toàn bị cô lập do lệnh cấm vận của Hoa Kỳ. Cái thời kỳ huy hoàng ấy kéo dài ít nhất trên ba thập niên từ đầu những năm 1930 cho tới năm 1959.

Giới nghệ sĩ La Habana trải qua rất nhiều trào lưu sáng tác kể cả trova, danzón, paso doble, candombe, habanera, bolero, chacha … Họ hấp thụ ảnh hưởng nhạc jazz đến từ Mỹ để biến hóa thành điệu nhạc gọi là ‘’hoài cảm’’ fílin (chữ fílin nguyên là phiên âm tiếng Tây ban Nha của danh từ feeling trong tiếng Anh), họ vay mượn điệu valse đến từ châu Âu, thậm chí sáng tác tango để tạo thế đối trọng với Argentina …

Trong quyển hồi ký Đêm cuối cùng bên em, tác giả Roberto Collazo Cursó (sinh năm 1919 tại Marianao - mất năm 1989 tại New York), còn được các đồng nghiệp gọi một cách thân mật là Bobby Collazo, có dành một chương để nói về người bạn đồng nghiệp Enrique Jorrín, cha đẻ của dòng nhạc cha cha cha.

Hai người quen nhau từ thời mà họ bắt đầu nghiệp diễn, Roberto lớn hơn Enrique bảy tuổi, ông chuyên chơi dương cầm, còn Enrique từng đoạt giải nhất vĩ cầm nhạc viện thủ đô. Cũng như đa số các tác giả cùng thời, họ sáng tác theo đơn đặt hàng, và thường là cho cùng những nghệ sĩ tên tuổi, trong đó có Pedro Vargas, danh ca tenor người Mêhicô, thành danh ban đầu nhờ hát kịch opera rồi sau đó mới chuyển sang hát nhạc nhẹ.

Bản nhạc La Última Noche do Roberto Collazo sáng tác cho Pedro Vargas, ban đầu là theo thể điệu bolero ritmico, hợp với cách lấy hơi của danh ca tenor xuất thân từ làng kịch opera. Mãi đến vài năm sau, bài này mới được phối lại theo điệu cha cha, lúc ấy mới phá kỷ lục số bán thời bấy giờ để rồi được đưa vào tủ nhạc La Tinh kinh điển.

Khác với đồng nghiệp, Roberto “Bobby” Collazo ban đầu tốt nghiệp ngành luật, sáng tác nhạc đối với ông chỉ là một cái nghề tay trái. Bài hát đầu tay ông viết vào năm 19 tuổi là một bản bolero (với tựa đề là Retomarás). Ba năm sau, nhờ đoạt giải nhất trong cuộc thi sáng tác (bài Rumba Matumba) trong chương trình Nhịp sóng xanh Cadena Azul của đài phát thanh thủ đô Radio Habana Cuba, thì lúc đó ông mới bỏ hẳn ngành luật để chuyển qua ca hát và sáng tác.

Theo lời kể của Roberto “Bobby” Collazo, những năm 1940-1950 là giai đoạn thịnh hành của nhiều dàn nhạc lớn dựa theo mô hình các big band của làng nhạc jazz Hoa Kỳ, khác biệt hay chăng nằm ở nhịp điệu của bộ gõ La Tinh, nhờ sự đa dạng của dàn nhạc cụ mà tạo thêm sự phong phú trong âm sắc.

Hầu hết các dàn nhạc lớn thời bấy giờ dưới sự điều khiển của ông hoàng mambo (Dámaso) Pérez Prado (tác giả của bài Mambo n°5), hay của ông hoàng điệu rumba Xavier Cugat nếu muốn thống trị toàn Châu Mỹ La Tinh thì trước hết phải qua hai giai đoạn thử lửa : chinh phục La Habana và Mêhicô. Tại thủ đô La Habana, họ đụng phải một đối thủ đáng gờm là dàn nhạc Orquesta América chuyên biểu diễn tại vũ trường Silver Star, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Ninón Mondéjar.

Theo quyển hồi ký La Última Noche, vào thời bây giờ, nhạc sĩ Enrique Jorrín ký hợp đồng biểu diễn với dàn nhạc này. Ông hoàn chỉnh bài hát đầu tiên theo thể điệu cha cha vào năm 1951, là nhạc phẩm La Engañadora, cho dù chữ cha cha chỉ chính thức xuất hiện ba năm sau, vào năm 1954.

Bất đồng bất chợt nẩy sinh giữa ông nhạc trưởng và tay đàn số một của dàn nhạc, sau khi Enrique nghe ông Ninón khoe với mọi người rằng thể điệu cha cha là do chính ông sáng chế. Bực mình trước thái độ của ông Ninón, tuy ở cương vị bậc thầy mà lại thiếu lòng tự trọng, nhạc sĩ Enrique Jorrín mới quyết định rời bỏ dàn nhạc Orquesta América, để bắt đầu nghiệp diễn cho riêng mình.

Tác giả Enrique Jorrín thành lập vào năm 1954 một dàn nhạc mang tên ông, ban đầu chỉ là tứ tấu, nhưng dần dà với thời gian được khuếch trương thành một dàn nhạc lớn. Dàn nhạc của Enrique Jorrín vẫn còn hoạt động cho tới tận ngày nay, trong đó có ba thành viên là cháu ruột của các nhạc sĩ từng tham gia vào dàn nhạc từ khi mới được sáng lập.

Trong hai năm vừa qua, dàn nhạc này không ngừng lưu diễn tại các nước châu Âu như Ba Lan, Đan Mạch, Ý, Thụy Sĩ , Tây Ban Nha … Cùng với cô ca sĩ Mariblanca Armenteros, từng tốt nghiệp nhạc viện thành phố Matanzas và trường quốc gia âm nhạc La Habana, dàn nhạc này làm sống lại các tác giả nổi tiếng nhất của dòng nhạc cubana, trong đó có những tên tuổi như Isolina Carrillo (tác giả của bài bolero bất hủ Dos Gardenias), hay là Pedro Junco người viết bản tình ca lâm ly bi đát Nosotros …

Nhưng dự án quan trọng hơn cả là tuyển tập chọn lọc phát hành song song với đợt lưu diễn quốc tế mang chủ đề ‘’Eterno Ritmo’’ hiểu theo nghĩa Nhịp điệu Vĩnh cửu. Hầu hết các bản nhạc ở đây thường là những bản cha cha nổi tiếng sáng tác từ những giữa những năm 1950 trở đi, đa số là của các tác giả cùng thời với Enrique Jorrín và Roberto Collazo, cũng như của lớp nghệ sĩ đi sau, trong đó có Tito Puente, xứng đáng thừa kế ngôi vị ông hoàng mambo, nhưng bản nhạc Oye Como Va do ông viết vào năm 1963, trong nguyên tác vẫn là một bài cha cha cha.

Dự án này là một cách để nhắc nhở sự đóng góp của Enrique Jorrín nói riêng và của các đồng nghiệp nói chung trong việc khai sinh dòng nhạc cha cha cách đây vừa đúng 60 năm, mà theo định nghĩa của tác giả, điệu cha cha là nhịp đập của trái tim biết khao khát mong chờ, biến cảm xúc đoản khúc dù rất nhất thời, thành điệu ca tình yêu trường thiên muôn thuở.

Nguồn: RFI / Tuấn Thảo

No comments:

Post a Comment