Tướng Alexandre Dumas
Nhà văn Alexandre Dumas - tác giả của "Ba Chàng Lính Ngự Lâm" (con trai của tuớng Alexandre Dumas)
Nhà văn Alexandre Dumas - tác giả của "Trà Hoa Nữ" (con trai của nhà văn Alexandre Dumas - Ba Chàng Lính Ngự Lâm)
Audio
Trong dòng họ Dumas có hai nhà văn. Nhưng, có bao nhiêu độc giả của “Ba chàng lính ngự lâm” hay “Trà Hoa Nữ” biết rằng còn có một Alexandre Dumas thứ ba. Và nếu cho rằng hai nhà văn của chúng ta xuất thân từ dòng dõi văn chương có lẽ sẽ là một sai lầm.
Bởi vì, nhân vật thứ ba, thân phụ và ông nội của hai Dumas nổi tiếng, lại là một vị tướng, một con người có một định mệnh đáng khâm phục. Một kẻ thích phiêu lưu và rất gan dạ. Một nhân cách cao thượng, đáng để cho hậu thế phải noi theo nhưng rồi lại có một kết cục thật bi thảm.
Sử gia người Mỹ, Tom Reiss, trong một cuốn sách viết về tướng Dumas, tác phẩm đã mang lại cho tác giả giải thưởng văn học danh giá Pulitzer 2013, có nói rằng, nhắc đến Thomas-Alexandre Dumas, thì phải nhắc đến ba từ “Cách mạng, Vinh quang và Phản bội”. Bởi vì cuộc đời ông gắn liền với sự thăng trầm của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, từ lúc nó bùng nổ, lên đến cao trào rồi cho đến lúc suy tàn.
Ông cũng là một anh hùng của nước Pháp. Trớ trêu thay những gì tướng Dumas đóng góp cho tổ quốc, đến tận ngày nay vẫn không được một chế độ nào ghi nhận. Nếu như con trai của ông, nhà văn Alexandre Dumas “cha”, di thể được đưa vào điện danh nhân Pantheon, thì tên tuổi của tướng Alexandre Dumas vẫn lặng lẽ nằm ngoài dòng lịch sử Pháp. Không một chiếc mề đay Bắc đẩu bội tinh, không một bức tượng tôn vinh và cũng không một bảo tàng dành riêng để nói về những chiến tích của ông.
Alexandre Dumas, một bá tước da màu
Phải chăng tại vì tướng Thomas Alexandre Dumas mang trong mình hai dòng máu Pháp – Phi nên không được tổ quốc vinh danh? Nhưng ông cũng có trong người dòng máu quý tộc Pháp. Thomas Dumas (1762-1806), tên thật ban đầu là Thomas-Alexandre Davy de la Pailleterie, là con trai của nữ nô lệ da đen, bà Cessette Dumas và hầu tước Antoine Davy de la Pailleterie, môt nhà quý tộc sa cơ nhỡ thế của vùng Normandie đến Saint-Domingue, bây giờ gọi là Haiti để lập nghiệp.
Bà Cessette Dumas - Nguời mẹ của tuớng Alexandre Dumas
Lúc trưởng thành, ông nổi tiếng với một ngoại hình hiếm có. Cao gần hai mét, nét đẹp lai Phi của ông làm rung động không biết bao trái tim cô gái thành thị. Nhưng khi ra chiến trường, ông cũng nổi danh không kém, đồng đội nể phục, kẻ thù cũng phải khiếp vía. Năm 24 tuổi (1786), Thomas Alexandre từ bỏ tước vị quý tộc và cả cái họ “Davy de la Pailleterie”, do bất đồng chuyện tái hôn của cha.
Ông quyết định khởi nghiệp từ một chàng kỵ binh tầm thường trong binh đoàn Long Kỵ Binh của Hoàng hậu, nổi tiếng về sự trung thành và trang phục lộng lẫy. Ông gia nhập quân ngũ dưới một cái tên khác là Thomas Alexandre Dumas, sau này ông rút ngắn xuống còn Alex Dumas. Một cách ông bày tỏ lòng thành kính với thân mẫu, bà Cessette Dumas, người mẹ mà ông sẽ không bao giờ có dịp gặp lại, kể từ khi theo cha về mẫu quốc.
Rồi Cách mạng Pháp 1789 bùng nổ. Có câu nói rằng “Thời thế tạo anh hùng” quả cũng không sai. Nước Pháp lúc bấy giờ rơi vào cảnh loạn lạc, cướp bóc, giặc giã khắp nơi. Phe bảo hoàng liên kết với các nền quân chủ khác tại Châu Âu, vốn cũng e sợ tác động của cuộc Cách mạng, tìm cách tấn công chính quyền mới còn non trẻ.
Chính trong bối cảnh loạn lạc nhiễu nhương đó là Alex Dumas đã có dịp chứng tỏ bản lĩnh của mình. Chiến tích đầu tiên của ông diễn ra vào mùa hè năm 1792. Dẫn đầu một nhóm quân nhỏ đi dọ thám, gần vùng biên giới với Bỉ, Dumas và nhóm kỵ binh của ông bất ngờ tấn công và bắt sống khoảng một chục tên kỵ binh Phổ, bất chấp sự chênh lệch về quân số trước đối thủ.
Trong suốt tám năm (1786-1794), Alex Dumas đã lập không biết bao nhiêu kỳ tích. Huyền thoại về các chiến tích của ông sau này đều được nhắc lại trong các công báo. Và đương nhiên nó cũng trở thành nguồn cảm hứng cho con trai ông, nhà văn Alexandre Dumas viết nên những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp bất hủ, trong đó có tác phẩm “Ba chàng lính ngự lâm” nổi tiếng.
Sự gan dạ và tài trí của Alexandre Dumas đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cấp trên. Từ một anh kỵ binh bình thường, Alex Dumas lần lượt leo từng nấc thang trong quân đội, hạ sĩ quan của Long Kỵ Binh, trung tá đội quân lê dương da màu (Legion Noire – 09/1792), trung tướng Bắc đạo quân (07/1793), trung tướng Tây-Pyrenée đạo quân (09/1793). Nhưng chỉ vài tháng sau, ông được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh đạo quân Alpes (05/1794), thống lĩnh 53.000 binh sĩ. Đây là một trong những vị trí quan trọng nhất trong quân đội Pháp lúc bấy giờ. Lúc này, Alexandre Dumas cũng vừa được 32 tuổi.
Khoảng thời gian này sự nghiệp binh chủng của Dumas lên như diều gặp gió. Nhưng cũng phải nhìn nhận một điều, giai đoạn này rất ưu đãi cho sự thăng tiến của một người da màu. Vào tháng 02/1794, các đại biểu Cách mạng đã thông qua đạo luật hủy bỏ chế độ nô lệ. Người ta có thể xem Dumas là một biểu tượng sống của cuộc cách mạng Pháp. Bởi vì, ông là người Pháp da màu đầu tiên leo lên được đến hàng tướng lĩnh. Nếu so cùng với Napoleon, những gì ông cống hiến cho nước nhà cũng là ‘kẻ tám lạng, người mười phân”.
Con Quỷ đen
Alex Dumas thu hút sự ngưỡng mộ của mọi sĩ quan và binh sĩ trong quân đội, không chỉ vì sức khỏe phi thường mà vì cả tài điều binh khiển tướng, sự gan dạ và lòng nhân từ. Napoleon trước mặt các sĩ quan khác từng ngợi khen và gọi ông là Horacius Cocles, một anh hùng huyền thoại của đế chế La Mã.
Ông không phải là người chỉ biết có ra lệnh và để cho cấp dưới dấn thân vào vòng nguy hiểm. Vào thời điểm ông thống lĩnh đạo quân Alpes, quân đội cách mạng phải chiến đấu chống lại quân Piemonte (đến từ vùng tây bắc nước Ý), đang xâm chiếm vùng Savoie trên dãy Alpes.
Đích thân tướng Dumas dẫn đầu một nhóm lính tinh nhuệ, leo vách núi bên dòng sông Madeleine và chiếm lấy ụ trọng pháo trấn giữ trên đỉnh đèo Mont-Cenis. Được trang bị giày đinh móc sắt, Dumas cùng với toán lính đã bất ngờ tấn công đồn lính ngay trong đêm.
Sức khỏe phi thường và sự can đảm của ông đến kẻ thù cũng phải khiếp vía. Khi ông phục vụ dưới trướng tướng Napoleon, tham gia chiến dịch Italy, chống lại quân đội hoàng gia Áo và Piemonte, một lần nữa ông chứng tỏ lòng quả cảm cũng như tài kiếm thuật khéo léo. Đến mức kẻ thù phải gọi ông là con ‘Quỷ đen’. Theo mô tả trong báo cáo của Dermoncourt, sĩ quan thư ký của Dumas: ‘Chiếc cầu thì hẹp và kẻ thù chỉ có thể tiến đến gần mỗi lúc hai hay ba người, và ông ấy đã hạ sát tất cả những ai đến gần ông ta”.
Sau chiến dịch này, Alex Dumas được Napoleon giao làm tư lệnh thống lĩnh đội kỵ binh của đội quân phương Đông trong chiến dịch Ai Cập. Theo lời thuật của nhiều nhân chứng, lúc này hào quang của ông có lẽ còn sáng chói hơn cả của Bonaparte.
Nhưng những thành tích, nỗ lực, công lao mà tướng Dumas hết mình cống hiến cho tổ quốc cho đến giờ vẫn chỉ là những nốt lặng trong một bản giao hưởng không tên. Napoleon Bonaparte mới chính là người hùng nước Pháp. Di thể của Napoleon được đưa về Bảo tàng Inavlides, và được đặt trong một hầm mộ trang trọng. Nước Pháp vinh danh hoàng đế Napoleon, một nhà quân sự tài ba. Nhưng nước Pháp cũng quên rằng trước khi có Napoleon, tướng Dumas là người từng tả xung hữu đột, bình trị giặc giã, trấn an bờ cõi, trong lúc nhiễu nhương, thù trong giặc ngoài, bốn bề thọ địch.
Rơi xuống vực thẳm
Tại sao lại có sự bất công như vậy? Là vì chính tướng Bonaparte, hoàng đế Napoleon tương lai đã tìm cách xóa sạch mọi dấu ấn của tướng Dumas. Và sự quên lãng đó vẫn kéo dài cho đến ngày hôm nay. Vị Tổng tài thứ nhất Bonaparte từng gào lên “Đừng bao giờ nhắc với ta về tên Dumas này nữa” khi có người muốn cầu xin sự khoan dung của Napoleon đối với quả phụ Dumas, bị cúp hết mọi nguồn trợ cấp.
Vì sao Napoleon, người đã từng hứa rằng nếu như tướng Dumas có con trai, thì chính ông ấy cùng với phu nhân, nữ hoàng Josephine tương lai sẽ là cha mẹ đỡ đầu, lại thù ghét tướng Dumas đến như vậy? Bởi vì ngay từ khi tham gia chiến dịch Italy lần thứ I, tướng Dumas đã nhận thấy có nhiều dấu hiệu của sự lệch lạc. “Điều làm tướng Dumas cảm thấy khó chịu hơn: cách hành xử của Bonaparte ngày càng không giống như là một đại tướng mà cứ như là một vị chúa tể, giả vờ tôn vinh những thành quả tốt đẹp của cách mạng nhằm củng cố quyền lực cá nhân”, theo như nhận định của sử gia người Mỹ Tom Reiss, trong “Dumas, bá tước da đen" .
Những bất đồng về quan điểm chính trị cũng phát sinh từ đây. Nhưng cũng phải đợi cho đến chiến dịch Ai Cập đầy tai hại, khi mà Bonaparte hèn nhát bỏ rơi quân đội để họ tự xoay sở kiếm lấy đường về, Alex Dumas,người luôn tin vào lý tưởng cách mạng và nền cộng hòa đã tập hợp một số sĩ quan để chỉ trích hành động phiêu lưu của người chỉ huy tối cao.
Qua chiến dịch thảm bại này, tướng Dumas hiểu ra rằng Bonaparte chỉ hành động theo quyền lợi cá nhân chứ không vì lợi ích quốc gia. Chả phải ông đã từng nói thẳng với Napoleon rằng: “Tôi nghĩ rằng lợi ích của nước Pháp phải được đặt lên trên quyền lợi của một cá nhân [...] Tôi tin rằng vận mệnh tổ quốc không nên phục tùng cho vận mệnh của một cá nhân nào”, theo như lời thuật của con trai ông, nhà văn tương lai Alexandre Dumas trong quyển ‘Hồi ký’.
Đưong nhiên tướng Dumas đã phải trả giá đắt cho sự thẳng thắn của mình. Chiến dịch Ai Cập kết thúc cũng là điểm khởi đầu cho sự tuột dốc đến chóng mặt sự nghiệp nhà binh của Alex Dumas. Sau kỳ đụng độ nảy lửa với Bonaparte, tướng Dumas được phép rời Ai Cập trở về Pháp. Chẳng may thuyền của ông bị đắm ngoài khơi vùng Tarente, thành phố biển phía nam nước Ý. Rồi ông bị vua thành Naple bắt làm tù binh và bị giam cầm trong điều kiện khắc nghiệt trong vòng hai năm. Trong khoảng thời gian đó, ông liên tục gởi lời thỉnh cầu can thiệp từ phía chính phủ Pháp, nhưng những gì ông nhận được chỉ là sự lãnh đạm.
Chắc chắn là bị đầu độc bằng arsenic, nguyên nhân chính dẫn đến chứng ung thư bao tử chết người sau này, từ một quân nhân cường tráng cao ngạo, tướng Dumas trở về với thân hình tiều tụy đến thảm hại, chân phải đi khập khiểng phải chống gậy, mắt phải hầu như bị lòa, một phần gương mặt trái bị tê liệt. Lúc này tướng Dumas chỉ mới có 39 tuổi.
Dù rằng tình trạng sức khỏe yếu, Dumas vẫn muốn chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Ông viết thư cho đối thủ của mình, lúc này đã trở thành Tổng tài thứ nhất sau cú đảo chính 18 Brumaire năm VIII (09/11/1799), đề nghị được tiếp tục phục vụ cho đất nước. Thế nhưng lời đề xuất đó đã bị rơi vào trong im lặng.
Bởi vì, sự thù ghét mà Napoléon dành cho tướng Dumas quá lớn. Bonaparte không đếm xỉa đến những công trạng vị tướng da màu đã cống hiến. Vài bức họa mô tả lại một số trận chiến oai hùng do chính Dumas lập công đã bị thay thế bằng chân dung của vị hoàng đế tương lai. Bonaparte nghĩ rằng để không có đối thủ anh hùng cạnh tranh, chỉ cần không có một chút bóng hình của tướng Dumas là đủ.
Lịch sử lãng quên
Tại sao như vậy? Hay là vì Napoléon kỳ thị chủng tộc? Mười năm cống hiến cho tổ quốc, nhưng cũng là mười năm đầy biến động của nước Pháp liên quan đến những người da màu. Cách mạng Pháp đã cải thiện rõ nét số phận của họ. Căng thẳng giữa những người chủ trương bỏ chế độ nô lệ và những kẻ bảo thủ muốn duy trì đã mang lại lợi thế cho phe đầu tiên. Nhờ vậy mà tướng Dumas khi ông đặt chân lên nước Pháp đã được đón tiếp trong các phòng trà sang trọng nhất mà không có chút biểu hiện kỳ thị.
Sự đăng quang của Napoléon cũng đặt dấu chấm hết cho phong trào cách mạng. Để làm hài lòng những điền chủ da trắng ủng hộ mình, hoàng đế Napoléon đệ I đã cho lập lại chế độ nô lệ trên các thuộc địa, cấm các cuộc hôn nhân “đa chủng tộc”, cấm người da màu đặt chân lên mẫu quốc và đề ra các biện pháp gạt những người da màu có mặt tại Pháp.
Tướng Dumas, lúc này đã bị thất sủng, có nguy cơ bị trục xuất khỏi lãnh thổ buộc phải xin giấy triển hạn để được phép ngụ lại trong chính ngôi nhà của mình ở Villers-Cotterêts, cùng với người vợ da trắng, một người hết mực thương yêu chồng con. Sau này, trong ‘Hồi ký’ của mình, nhà văn Dumas có viết rằng: “Sự căm ghét đó lan đến cả tôi nữa. Bất chấp mọi nỗ lực từ bao nhiêu bằng hữu của cha, tôi không bao giờ có thể đặt chân vào một trường của quân đội hay một trường trung học dân sự”
Nhưng nếu nói chỉ mình Napoléon kỳ thị chủng tộc không cũng chưa đủ. Đã hơn hai thế kỷ, trải qua bao đời cộng hòa, bao đời chính phủ, bao chiếc mề đay Bắc đẩu bội tinh đã được trao tặng hay truy tặng, nhưng chưa một lần có tên người anh hùng da màu đó, dù đó là ước nguyện cuối cùng của nhà văn nổi tiếng Dumas hay lời kêu gọi thiết tha của bao nhiêu tổ chức ủng hộ “Ba thế hệ Dumas”.
Thiện chí đó của Napoleon hầu như đã được hoàn thành. Sẽ không ai nhắc tới đến tướng Dumas trong một thời gian rất dài. Trong con mắt sử gia Tom Reiss, tướng Dumas có lẽ đã “bị kẻ thù lớn nhất của ông loại trừ một cách không thương tiếc và đã bị xóa sạch khỏi ký ức tập thể trong vòng hai trăm năm”. Ông còn nói thêm rằng: “Ông không chỉ là một anh hùng của Cách Mạng. Trước thời đại chúng ta, ông còn là một trong những nhà lãnh đạo da màu quan trọng nhất ngay trong lòng xã hội da trắng”.
Bất chấp một định mệnh đáng để noi gương, nhưng cho đến giờ Dumas vẫn là một trong những danh nhân bị lịch sử Pháp lãng quên. Thật ra dưới thời Đệ tam Cộng hòa, người ta có tạc tượng của ông và cho đặt ở quảng trường Malesherbes. Nhưng bức tượng đó đã bị quân chiếm đóng Đức quốc xã phá hủy vào năm 1941. Kể từ đó, không có bức tượng nào khác được dựng lên để thay thế.
Nguồn: RFI / Minh Anh (31/10/2014)
No comments:
Post a Comment