Wednesday, November 30, 2016

Hà Nội Cổ Xưa - Phố Hàng Buồm


Từ lâu đời tại kinh đô Thăng Long, triều đình phong kiến đã qui định luật lệ cư trú và địa điểm cư trú cho người nước ngoài, chủ yếu là Hoa kiều, nơi đó là phường Diên Hưng. Phố người Hoa kiều này, sách Dư địa chí của  Nguyễn Trãi gọi là phường Đường Nhân (phố người Tàu) bán áo diệp. Đại Nam nhất thống chí gọi là phố Việt Đông. Như vậy Hàng Buồm ban đầu chưa phải là nơi tập trung của Hoa kiều; họ ở phố Việt Đông (nay là Hàng Ngang) rồi ở lan sang mấy phố chung quanh đó như Hàng Bồ, phố Phúc Kiến (Lãn Ông) rồi đến Hàng Buồm. Nghề sở trường của họ là buôn bán mà Hà Khẩu - tên cũ là Giang Khẩu -  lại có vị trí trên bến dưới thuyền thuận lợi cho việc trao đổi hàng hoá với các địa phương, nên đã trở thành khu vực  cư trú chính của họ.

Phố Hàng Buồm, nơi sống tập trung của người Hoa tại Hà Nội, với cờ Quốc gia Việt Nam, cờ Pháp và cờ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Ảnh chụp khoảng sau năm 1949, khi người Pháp bắt đầu trao trả độc lập từng phần cho Quốc gia VN nằm trong khối Liên Hiệp Pháp.

Chắc chắn sự có mặt của Hoa thương ở Hàng Buồm rất sớm  và phố này bắt đầu thành một phố Tàu có lẽ từ thế kỷ thứ 19.

Phường Hà Khẩu khởi thuỷ là thôn xã Việt Nam, cư dân ở đây sát bên sông Nhị và trên bờ sông Tô Lịch hầu hết sống bằng nghề liên quan đến sông nước; người phố Hàng Buồm mua nhiều nguyên liệu cói của thuyền buôn Sơn Nam Hạ,  họ có nghề làm và bán các hàng cói đan như bị, giỏ, chiếu, buồm và một thứ mành mành buồm cũng đan bằng cói, có nẹp tre, những nhà có người mắc bệnh đậu mùa mua về che vào cửa.

Khi người Pháp đặt chân lên Bắc Kỳ (năm 1872), tên lái buôn Jean Dupuis đem lính thổ phỉ Cờ Vàng và lính Tàu Vân Nam ngang ngược vào Hà Nội làm việc buôn bán trái phép, thì Hàng Buồm đã đông nhà buôn Hoa Kiều, họ buôn bán lớn, đã có nhà Hội Quản. Nhiều tên lái buôn người Hoa bất chấp luật pháp của triều đình, lén lút cung cấp hàng hoá, lương thực cho Jean Dupuis;
rồi từ giao dịch trái phép  đến giúp đỡ làm gián điệp tiếp tay cho quân xâm lược. Đã thế quan lại Hà Nội lại dùng đám hoa thương làm chung gian để thương lượng với địch. Hội Quản Hàng Buồm là nơi gặp mặt của đại biểu hai bên.

Vì thế mà những năm biến động - 1873 và 1882 - Hà Nội trải mấy phen binh hoả, quân Pháp hai lần hạ thành trì, chúng đánh nhau với quân Cờ đen ngay trong thành phố Hà Nội sau vụ Cầu Giấy tháng 5/1882, các phố của người Việt Nam ít nhiều đều bị đốt phá cướp bóc, riêng chỉ có mấy phố của người Hoa Kiều vẫn được an toàn nguyên vẹn. Hoa kiều được quan Pháp bảo vệ để làm chỗ dựa, Hoa kiều được quân cơ đen nể nang vì cùng giống người Tàu; bọn giặc đứa nào muốn phá nhà cướp của cũng nhằm vào phố xá Việt Nam, ở đó dân chúng đã chạy loạn bỏ nhà về quê. Khu người Tàu ở Hàng Ngang - Hàng Buồm, vẫn giữ được cái cảnh đông vui ồn ào. Họ có cổng dựng chắc chắn ở đầu phố, có người canh gác ban đêm.

Những năm đầu thời kỳ tây mới đến Hà Nội, họ chưa xây dựng được gì, thì nhà Hội Quản Hàng Buồm thường được bọn quan chức Pháp mượn làm chỗ hội họp, tiếp tân khi có đại lễ;

Hoa thương lợi dụng tình hình chính trị và xã hội, làm giàu nhanh chóng; họ ở chật cả Hàng Buồm; họ biến Hàng Buồm thành một “phố khách”. Người Việt Nam gốc trong phố phải dọn nhà dần sang phố khác ở, nhượng lại cho Hoa kiều có nhiều điều kiện kinh tế hơn.


Phố Hàng Buồm có thể chia làm hai đoạn: đoạn đầu phía đông từ ngã tư Đào Duy Từ đến phố Tạ Hiện; đoạn sau ở đầu phía tây từ ngã ba Geraud đến Hàng Đường.

Đoạn đầu Hàng Buồm đa số  là nhà để ở hoặc đặt bàn giấy giao dịch của những hãng xuất nhập khẩu hàng Hương Cảng - Thượng Hải, hoặc kho chứa hàng, không có mấy nhà mở cửa hàng bán lẻ.

Tại đoạn phố Hàng Buồm này có nhà Hội Quản(Quảng Đông hội quán) số 22. Nhà đó làm từ đầu Gia Long 1830, kiến trúc Trung Hoa: gạch ngói màu, tường nóc trang trí hoa lá và tượng nhỏ. Trong hội quán có bàn thờ Quan Đế và Thiên Hậu, biểu thị tinh thần Hán tộc của những người bỏ nước đi ra ngoài kiếm ăn (Quan công tượng trưng cho lòng trung nghĩa và Thiên Hậu là một hoàng hậu cuối đời Tống chạy trốn giặc Mông)

Nói chung Hàng Buồm có rất ít gia đình Việt Nam mở cửa hiệu giao dịch và đại lý.

Đoạn Hàng Buồm từ nga ba Geraud(Tạ Hiện) trở xuống đến hết phố, giáp với Hàng  Đường - Hàng Ngang, thì dân phố gần như chỉ có Hoa kiều, người Việt Nam rất hiếm gia đình len được vào khu này. Đó là một đoạn phố buôn bán sầm uất, nhà nào cũng mở cửa hàng không to thì nhỏ.

Đoạn đầu phố phía Tây giáp Hàng Ngang có nhiều cửa hiệu Tàu chuyên bán thực phẩm và thuốc bào chế đông y; có những cửa hàng bán thịt quay và  có các cửa hàng bán hàng khô Trung Quốc.

Hàng Buồm có những hàng lớn nhập khẩu thuốc Bắc.

Ngoài các cửa hành ăn lớn bán đủ các loại món, phố Hàng Buồm còn có các hiệu cao lâu nhỏ làm ít món, nhưng đó lại là món ăn đặc biệt riêng nhà đó làm mới ngon.

Hàng Buồm còn có hai cửa hàng ăn của ngưiơì Việt xuất hiện  khoảng những năm cuối thập niên 30, bán cơm tám giò chả lòng lợn của người gốc làng ước Lễ (Hà Đông). Đó là cửa hàng nhỏ gần cuối phố; nhà Hanh Lợi (số 118) chỉ có hai, ba mét bề ngang cũng lát tường men trắng sạch sẽ không để mất vệ sinh như cao lâu Tàu.
Người Tàu sang ngụ cư ở nước ta nói chung - ở Hà Nội nói riêng - luôn luôn giữ đầy đủ đặc tính tập quán của họ, ít hoà lẫn với người bản xứ chung quanh. Họ sống trong vòng kép kín. Họ không kết hôn với người Việt Nam (phụ nữ Hoa không lấy chồng người Việt). Đa số khởi thuỷ là những anhTàu nghèo khó bỏ quê hương tha phương cầu thực sang nước ta; mới đầu đi làm công ít lương, rồi dành dụm có ít vốn và được đồng hương giúp đỡ, anh ta thành chủ hiệu nhỏ; anh ta có thể lấy một chị vợ Việt Nam - nói chung quá khứ không lấy gì làm đẹp lắm - vừa làm vợ vừa làm người làm công không lương cho anh ta. Có con thì con anh ta sẽ là người Tàu, vợ là ‘thím khách”. Con lớn lên nhiều khi bị đưa về Trung Quốc.

Chỗ nào có người Tàu  thì họ không bỏ một hoạt động sinh lợi nào. Riêng về Hàng Buồm ở Hà Nội, những năm quân Pháp mới đánh chiếm ổn định trật tự trong thành phố, khách trú ở đây đã thầu được ở chính quyền Pháp độc quyền nấu thuốc phiện. Hoa kiều Hàng Buồm còn thầu được cả việc mở sòng bạc công khai nộp thuế.

Hàng Buồm là phố người Tàu nên không thiếu gì tiệm hút thuốc phiện: tiệm sang ở trên gác nhà trông ra mặt phố, còn tiệm xoàng thì ở trong các phố nhỏ, các ngõ chung quanh. Hàng Buồm còn là nơi hành nghề của con hát Tàu kiếm ăn ở các đám tiệc lớn đặt ở cao lâu.

Chiến sự cuối năm 1946 đầu 1947 không làm đổ vỡ cửa phố Hàng Buồm, vì đây là chỗ cư trú của người nước ngoài, ta không làm chiến hào mà Pháp cũng không đánh vào.


Phố Hàng Buồm ngày nay


Nguồn: Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của Nguyễn Văn Uẩn

No comments:

Post a Comment