Tuesday, November 8, 2016

Nước hoa và thời trang Chanel : Một thế kỷ lung linh huyền thoại


Gabrielle Bonheur "Coco" Chanel (19/8/1883 - 10/1/1971)

Video - Marilyn Monroe quảng cáo thương hiệu nuớc hoa Chanel 5


Audio


Tại thủ đô Paris, khi nhắc đến số 24 phố Faubourg Saint Honoré, người ta nghĩ đến cửa hiệu thời trang Hermès. Còn khi nói tới số 31 đường Cambon, phụ nữ Pháp biết ngay đó là địa chỉ của thương hiệu Chanel.

Được khai trương vào năm 1912, tức cách đây vừa đúng 100 năm, cửa hiệu Chanel nằm ở một góc phố nên thơ, vẫn được giữ nguyên cho đến tận bây giờ.

Bà Gabrielle Chanel, mà nhiều người còn gọi một cách thân mật là Coco Chanel đã vào nghề thời trang từ (năm 1903) một thập niên trước đó. Năm 1909, bà rời tỉnh lẻ lên thủ đô Paris để lập nghiệp. Tại số đường 160 trên đại lộ Malesherbes, bà mở một cửa hàng nho nhỏ, ở phía đằng sau là một xưởng làm nón, còn phía trước là một quầy buôn bán.



Người yêu của bà thời bấy giờ là nhà kinh doanh người Anh Arthur Capel mới thuyết phục bà Chanel khuếch trương hoạt động, bằng cách ‘‘dời đô’’ về phố Cambon. Arthur Capel xuất thân từ dòng họ Pereire, làm giàu nhờ ngành ngân hàng, đã chi vốn đầu tư để giúp cho bà Chanel trong những bước đầu sự nghiệp. Từ chỗ quen biết này, mà cửa hiệu Chanel ban đầu chỉ là một xưởng may nằm trên gác lửng lại trở thành một cửa hàng chính thức theo đúng nghĩa của nó. Không ai có thể tiên đoán được rằng bà Chanel sau đó sẽ gầy dựng cả một cơ nghiệp đồ sộ khổng lồ. Trước hết vì bà vào nghề bằng cách kinh doanh mũ nón, chứ chưa có thiết kế y phục thời trang. Kế đến nữa là cửa hàng phố Cambon nằm trên một con đường nhỏ, chứ không tọa lạc trên quảng trường Vendôme, nơi mà tầng lớp khách hàng thuộc giới thượng lưu quý tộc thường đi mua sắm nữ trang kim hoàn hay các mặt hàng thời thượng. Vậy mà cửa hiệu Chanel trên đường Cambon lại góp phần thay đổi diện mạo của làng thời trang hạng sang của Pháp.

Tập đoàn Chanel giờ đây đạt đến gần hai tỉ euro doanh thu hàng năm. Do bà Chanel không có người kế thừa sau khi qua đời vào năm 1971, cho nên dòng họ của ông Pierre Wertheimer, từng hợp tác với bà Chanel từ những năm 1920 dưới dạng người góp công, kẻ chi của. Tài sản của gia đình Wertheimer hiện lên đến 4 tỉ rưỡi euro, nằm trên danh sách 10 nhân vật giàu có nhất nước Pháp.

Thành công vượt bực của thương hiệu Chanel dựa vào nhiều bí quyết, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là tính tiên phong sáng tạo trên cả hai vế : làm khác với những gì đã làm và làm trước những điều mà người ta chưa nghĩ tới. Chiến dịch quảng cáo rầm rộ gần đây nhất cho mùi nước hoa Chanel 5 có thể minh họa cho phương thức này. Thật vậy, lần đầu tiên một hiệu thời trang cỡ hàng đầu thế giới đã chọn một người đàn ông để tôn vinh một mùi hương dành riêng cho phụ nữ. và người đàn ông ấy không ai nào khác ngoài thần tượng điện ảnh Brad Pitt.

Từ trước tới nay, tuyệt đại đa số các hãng mỹ phẩm đều ký hợp đồng quảng cáo với các nữ minh tinh nổi tiếng nhất màn bạc, nhưng chưa có công ty nào nghĩ đến chuyện đề cao sản phẩm làm đẹp của phái nữ thông qua góc nhìn say đắm của phái nam. Theo lời cô Virginie De Barnier, giáo sư chuyên ngành quản trị kinh doanh tại trường đại học Aix en Provence, và cũng là tác giả của quyển sách mang tựa đề De la stratégie marketing à la création publicitaire (Từ chiến lược tiếp thị tới sáng tạo quảng cáo), nước hoa số 5 là sản phẩm tiêu biểu nhất của Chanel. Các đợt quảng cáo dành cho Chanel số 5 lúc nào cũng mang tính đột phá táo bạo.

Sau khi hợp tác với những người đàn bà thuộc hàng xinh đẹp nhất hành tinh (Marilyn Monroe, Catherine Deneuve, Nicole Kidman …), Chanel đã tạo ra sự ngạc nhiên khi thuyết phục Brad Pitt đóng phim quảng cáo cho Chanel số 5, trong lúc mà Lancôme tung chiến dịch quảng cáo với ngôi sao màn bạc Julia Roberts và Dolce Gabbana với người mẫu Laetitia Casta.

Các hãng mỹ phẩm này đều làm lại những gì đã làm và thật sự chưa nghĩ tới chuyện dùng hình tượng của người đàn ông để nói lên sức lôi cuốn kỳ lạ của người đàn bà. Mùi hương Chanel số 5 lại càng làm cho phái nữ hấp dẫn thêm, một ma lực quyến rũ không thể nào tránh khỏi, không đời nào thoát nổi. Tính tiên phong này đã gợi hứng cho các hãng mỹ phẩm khác vì sau Chanel, đến lượt công ty Avon của Mỹ mời nam danh ca Jon Bon Jovi về làm quảng cáo cho dòng sản phẩm Unplugged của cả hai phái, nữ cũng như nam.

Kể từ giữa năm nay, Chanel đã bắt đầu tiến hành chiến dịch chinh phục lại thị phần theo từng giai đoạn. Điều này cũng dễ hiểu vì vào năm 2012, nước hoa J’adore của hiệu thời trang Dior lần đầu tiên đã soán ngôi bá chủ thị trường cua Chanel số 5. Mức chênh lệch giữa hai kiểu nước hoa này không có là bao, cho nên Chanel đã lên chương trình, chuẩn bị kế hoạch phản pháo.

Sau đợt quảng cáo với Brad Pitt, kênh truyền thông trên mạng Inside Chanel cũng vừa tung ra các bộ phim bao gồm các tư liệu quý hiếm, trong đó có đoạn ghi âm của ngôi sao màn bạc Marilyn Monroe. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí : Ban đêm, cô mặc gì khi đi ngủ ? Marilyn cho biết cô không mặc gì cả ngoài vài giọt nước hoa Chanel 5. Một câu nói đã trở nên bất hủ. Mùi hương số 5 lại càng bất tử. Number Five vẫn là Number One.

Chanel không chỉ đơn thuần là mùi hương quyến rũ, y phục đắt tiền, hay những phụ kiện thời trang tân kỳ kiểu cách. Chanel đã trở thành một biểu tượng hàng đầu của ngành may mặc nhờ muôn thuở trung thành với phương châm tối hậu bất di bất dịch : La simplicité fait l’élégance – Sự đơn giản làm nên nét thanh lịch. Theo thời thì có lúc cũng sẽ lỗi thời, chỉ có phong cách tinh tế mới tồn tại với thời gian, năm tháng.

Kể từ đầu những năm 1920, Coco Chanel đã chọn đúng hướng đi cho mình khi thiết kế các bộ trang phục phụ nữ đơn giản mà tiện lợi, đường nét tối thiểu nhưng không kém phần gợi cảm. Vào thời mà phụ nữ Tây Âu còn vướng mắc với những kiểu áo nịt thắt eo cầu kỳ, những chiếc váy quá dài, xếp chồng nhiều tầng lớp, có thể nói là Chanel đã giúp ‘‘cởi trói’’ người đàn bà khi lược bỏ những kiểu may phức tạp, những chi tiết rườm rà, bởi vì theo quan niệm của bà, những ràng buộc đầu tiên đối với phụ nữ chính là sự đóng khung qua trang phục.

Có lẽ cũng vì thế mà rất nhiều kiểu áo của Chanel đã trở thành kinh điển, không sợ già với thời gian, trong đó có kiểu áo “Little black dress”, một kiểu áo đầm mà phụ nữ có thể mặc để đi dự dạ hội, để đi làm hay dạo phố. Các tạp chí thời trang nổi tiếng nhất từ Vogue, Elle cho đến Harper Bazaar đều xem kiểu áo này như một cuộc cách mạng trong làng thời trang, tháo gỡ những ràng buộc để đem lại cho phái đẹp sự tự do trong cách ăn mặc.

Little black dress

Ra đời cách đây gần một thế kỷ, kiểu áo “Little black dress” cho tới nay vẫn còn rất thịnh hành. Thông qua cuộc triển lãm ảnh chụp của Karl Lagerfeld tại viện bảo tàng Grand Palais từ trung tuần tháng 10 năm 2012, người xem có thể hiểu rằng, muôn ngàn kiểu áo sau này chỉ là các khúc biến tấu từ những đường nét thanh tao, do bà Chanel đã vẽ ra gần 100 năm trước đó.

Dòng sản phẩm của Chanel, từ quần áo, trang sức, giày dép, túi xách, nước hoa cho đến các phụ kiện, đã trở thành những sản phẩm không thể thiếu của giới ghiền thời trang. Không ai có thể ngờ rằng Chanel trở thành một trong những biểu tượng của thế kỷ khi mà cách đây 100 năm, một cô gái trẻ chân ướt chân ráo rời vùng tỉnh lẻ lên thủ đô Paris lập nghiệp, không có bằng cấp hay nhiều tiền trong túi, mà chỉ có cái tài đo may làm hành trang. Một cái nghề mà bà Chanel đã học do hoàn cảnh bắt buộc nhiều hơn là do sở thích.

Ban đầu học may vá từ khi còn ở trường dòng (cistercien), bà Chanel sau đó làm việc cho một công ty sản xuất mũ len, nón đan và vớ. Cũng không ai có thể ngờ rằng bà Chanel, thời còn nhỏ phải sống trong viện cô nhi, do các bà xơ nuôi nấng dạy dỗ, lại có ý chí phấn đấu lớn đến như vậy. Tinh thần vươn lên đó một khi đã cắm rễ ở số 31 đường Cambon giúp cho Coco Chanel từ cô bé lọ lem đăng quang nữ hoàng, muôn thuở thời trang.

Nguồn: RFI / Tuấn Thảo

No comments:

Post a Comment