Nhà thơ Quang Dũng lúc 32 tuổi. Hình do Nhạc sĩ Trịnh Hưng cung cấp.
Phần 1
Phần 2
Nhà thơ tên thật là Bùi Đình Dậu, tức Bùi Đình Diệm, chào đời năm 1921 tại huyện Đan Phượng ở ven sông Đáy.
“Đường ấy, dừa trăng như cổ tích đường vào những truyện thuở ngày xanh đường qua bến lội ngang người cát biển thuỷ triều dâng mặn nước lành …” ( trích bài thơ “Đường trăng” )
Thân phụ ông được dân trong vùng gọi là Cụ Tổng, và trong ngôi nhà của gia đình, Quang Dũng có căn buồng mà từ khung cửa sổ, nhìn ra núi Ba Vì xa xa. Sông núi và vùng trời ấy, người đọc thơ Quang Dũng thấy hình ảnh và sắc màu giàn trải trong rất nhiều bài thơ của ông.
Bắt đầu làm thơ vào năm 16 tuổi với bài “Chiêu Quân”. Các bài thơ tình kế tiếp là “Cố quận”, “Suối tóc”, “Buồn êm ấm” … Nhưng rồi, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ! Như hầu hết thanh niên thời đó, nhà thơ này đáp lời non sông, lên đường chiến đấu. Một người thân thiết với ông thời kháng chiến là nhạc sĩ Trịnh Hưng, kể lại:
“Văn thơ giỏi này, nhạc giỏi này, đàn cổ nhạc giỏi lắm. Quân sự cũng giỏi. Là một thanh niên yêu nước ghê gớm lắm! Sang Tàu học, đỗ trường Hoàng Phố ra. Việt Minh khởi nghĩa mới nhận anh ấy vào làm Đại Đội trưởng.
Một trong những tấm tranh của hoạ sĩ Quang Dũng
Anh ấy quân sự giỏi mà cầm kỳ thi họa đủ hết. Tài ba nhiều thứ lắm, mà người cao lớn, đẹp trai. Thời kháng chiến, người ta nhìn anh ấy là một thần tượng vì vẻ đẹp nam nhi hùng tráng, có nhiều tài mà nói chuyện có duyên nữa. Được mọi người coi là thần tượng nhưng anh ấy là người đứng đắn, tử tế.”
Thy Nga : Về cái tên Quang Dũng do đâu mà có, nhạc sĩ Trịnh Hưng cho biết:
Trịnh Hưng : Lúc bấy giờ, anh ấy mới hai mươi tuổi, đi hoạt động đảng phái chống Tây. Khi đó, mấy ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng, Hoàng Đạo vào đảng Đại Việt hết để chống Tây.
Ông Quang Dũng lên Việt Bắc giúp con một người công chức đặc trách tỉnh đó, là cô Loan. Là gái mới, lại thấy ông này đẹp trai, học giỏi thành ra cô ấy yêu ông này ghê gớm lắm. Nhưng Quang Dũng lại không dám chuyện tình cảm vì sợ đang hoạt động trong đảng, hai nữa là thấy việc chống Tây chưa thành công, nên từ giã cô ấy, sang tỉnh khác hoạt động thì bị Mật thám Tây bắt, vì thế đảng mới đưa ông qua Tàu. Sang Tàu, ông ấy học trường Hoàng Phố.
Ông ấy vào đảng Đại Việt là để đánh Tây chứ ông ấy chẳng có chủ nghĩa gì cả. Sang Tàu thì gặp Hoàng Sâm sau về làm tường mới nâng đỡ Quang Dũng chứ ông ấy thuộc đảng khác mà về thì đảng Cộng sản đâu có dùng!
Trong lúc Quang Dũng ở bên Tàu thì tại Việt Nam, Nhất Linh viết lại mối tình cô Loan yêu ông ấy nhưng nói tên ra thì sợ không được, thành ra mới đổi tên là Dũng. In cuốn sách ra, Nhất Linh gửi cho ông ấy bên Tàu. Thấy đề tên là Dũng, ông ấy thích quá, mới bảo “Anh Tường Tam đặt cho mình cái tên Dũng hay lắm, bây giờ phải tìm một cái họ mà phải là họ nào anh hùng, hạp với tên Dũng cơ.”
Thì mẹ ông ấy họ Trần, ông ấy cũng thấy cụ Trần Hưng Đạo là người anh hùng, nên lấy họ Trần. Bây giờ phải thêm tên đệm, ông ấy nghĩ mãi ra cái tên “Quang” nên lấy tên là “Trần Quang Dũng”. Có tên Quang Dũng từ khi ông ấy ở bên Tàu.
Từ bên Tàu về qua Yên Bái, ông ấy gặp cô Bùi thị Thạch thì lấy làm vợ. Quang Dũng làm Đại đội trưởng nhưng Đảng Cộng sản họ ghét đảng khác lắm thành ra ông bị thất sủng. May mà còn sống chứ như mấy người đảng khác là chết đấy, bị thủ tiêu luôn. Khái Hưng bị Cộng sản giết.
Thy Nga : Thế mà lúc trước lại không dám gắn bó, y như Dũng trong truyện “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh. Rồi sau, Quang Dũng có gặp lại Loan không anh?
Trịnh Hưng : Loan có chồng con nhưng hằng năm, vẫn đến thăm ông ấy, thổi cơm cho ông ấy ăn. Khi người ta hỏi, Quang Dũng bảo là “Đây người tình cũ, nàng ấy cho ăn cá kho lá gừng.
Thế rồi, mùa lạnh, Loan thấy ông ấy rét quá, đắp cái chăn, kín đầu thì hở chân, mà kín được chân thì hở đầu. Thì cô ấy có cái áo khoác đẹp mới tinh, tặng Quang Dũng mặc cho đỡ lạnh. Áo khoác này là nhất đấy, ngoài Bắc không ai có cả.
Rồi ông ấy đi tàu hỏa thế nào mà bị ăn cắp mất. Ông ấy bảo tiếc quá, không vì cái áo mà tiếc vì cái tình. Sau, ông ấy làm bài thơ “Không đề” đó.
Thy Nga : Bài thơ này viết vào năm 1970 khi Quang Dũng lâm vào cảnh khốn khó đã 16 năm trời. Nhớ lại kỷ niệm đưa Loan đi chơi vườn ổi, Quang Dũng muốn níu giữ mãi cái tuổi thanh xuân ấy
Trong cảnh máu lửa, tâm hồn lãng mạn của chàng trai trẻ vẫn thể hiện qua các câu thơ. Như trong bài “Tây tiến” viết năm 1948, giữa những câu thơ hào hùng, lại có các câu man mác như “Trôi dòng nước lũ, hoa đong đưa” và bi tráng pha chất lãng mạn như
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Đây chính là câu thơ gây khốn khổ cho ông sau này …
Rong ruổi chinh chiến, một buổi trưa nắng gắt, ông dừng chân, ghé vào cái quán xiêu vẹo bên đường. Quán này do cô Atimi đi tản cư, mở ra để sống qua ngày. Cô là người Việt và sở dĩ có cái tên Nhật là vì trước đó ở Hà Nội, cô là gái nhảy trong một nơi ăn chơi của sĩ quan Nhật. Thương cho hoàn cảnh sa sút của cô gái nổi tiếng thời trước, Quang Dũng đề bài thơ “Quán bên đường”.
Đến năm 1948, Quang Dũng viết bài “Đôi bờ”, bài thơ mà đã gắn liền với tên tuổi của ông:
“Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai? Sông xa từng lớp lớp mưa dài Mắt kia em có sầu cô quạnh Khi chớm heo về một sớm mai
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự Bên này em có nhớ bên kia Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến Quạnh vắng chiều sông lạnh bến tề
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ Thoáng hiện em về trong đáy cốc Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em, người mỗi ngả Bên này đất nước nhớ thương nhau Em đi áo mỏng buông hờn tủi Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?”
Qua năm sau là năm 49, Quang Dũng viết về hoàn cảnh ly loạn nơi quê nhà, qua bài “Đôi mắt người Sơn Tây”. Đôi mắt này, rất nhiều người cho là của cô nào đó mà Quang Dũng yêu; nhưng thật ra, ông viết cho cô em ruột, là người có đôi mắt rất đẹp.
Một nhạc sĩ danh tiếng, có quê ngoại ở Sơn Tây, là Phạm Đình Chương đã phổ ý bài thơ ấy.
Mời quý vị thưởng thức bài “Đôi mắt người Sơn Tây” do chính nhạc sĩ Phạm Đình Chương trình bày “Đôi mắt người Sơn Tây” …
Có một điều Thy Nga được nghe thuật lại, là sau này … vào thời điểm khác nhưng tình cảnh ly tan chẳng mấy khác. Sau biến cố tháng Tư 1975, nhiều người Việt phải rời quê hương, đi lánh nạn. Những ngày chân ướt chân ráo trên xứ lạ, họ đã nghe đi nghe lại bài “Đôi mắt người Sơn Tây” tới nhão cả cuốn cassette truyền tay nhau.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã gom ý hai bài thơ tuyệt tác của Quang Dũng là “Đôi bờ” và “Đôi mắt người Sơn Tây” để phổ.
Quý vị đang nghe tác giả Phạm Đình Chương, tức ca sĩ Hoài Bắc trình bày nhạc bản “Đôi mắt người Sơn Tây” và Hồng Vân diễn ngâm bài thơ ấy …
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã gom ý hai bài thơ tuyệt tác của Quang Dũng là “Đôi bờ” và “Đôi mắt người Sơn Tây” để phổ. Quý vị đang nghe tác giả Phạm Đình Chương, tức ca sĩ Hoài Bắc trình bày nhạc bản “Đôi mắt người Sơn Tây” và Hồng Vân diễn ngâm bài thơ ấy …
Trên đường hành quân trong đoàn Tây Tiến, Quang Dũng lo âu không biết mẹ già và vợ con tản cư ra sao? Ông tình cờ gặp lại Atimi, cô gái nổi tiếng của Hà Thành nhưng nay phải mở quán nước để sống qua ngày.
“ … Hàng của em, chai lọ xác xơ nghèo Tôi nhìn lại, mảnh quần xưa đã vá Tôi chợt nhớ, chúng ta không nhà cửa Em tản cư, tôi là lính tiền phương Xa Hà Nội cùng nhau từ một thuở Lòng dưng dưng thương nhau qua dọc đường.” ( trích bài thơ “Quán bên đường” ) Hồng Vân ngâm …
Cũng chan chứa tình người, là bài thơ “Đêm Việt Trì” viết về hoàn cảnh một cô hát ngoài bến sông; “Chabbi Chabbi” cho người lính Tây mà ông thấy tên ghi trên mộ tại một nghĩa trang, trên đường về Hà Nội sau khi hết chinh chiến năm 1954. Chẳng quen biết tuy nhiên, Quang Dũng cảm thông tâm trạng chàng trai trẻ phải lên đường chiến đấu và bỏ xác tại xứ người.
Nhưng điều mà ông khó thể ngờ là về mình: đi chiến đấu về, sau khi đem hết nhiệt tình và lý tưởng ra đóng góp cho quê hương, thì lại bị chính người mình đày đọa! Nhạc sĩ Trịnh Hưng kể tiếp:
“Năm 2000, chuyến trở lại Việt Nam đầu tiên, tôi tìm gặp các nhà thơ Quang Dũng và Hữu Loan là hai người anh nuôi tôi trong thời kỳ kháng chiến, thì anh Quang Dũng đã chết.
Tôi đến thăm gia đình thì gặp vợ anh ấy. Thấy nhà chỉ có mỗi cái giường, khổ lắm! Hỏi thăm về anh thì chị ấy nói rằng từ ngày thắng Tây, anh về là bị Cộng sản mấy ông ấy trù.
Tố Hữu hay là Nguyễn Đình Thi ganh tài. Quang Dũng trội quá, thành ra họ ghét.”
Thy Nga : Làm thơ hay mà Quang Dũng còn có tài vẽ và viết nhạc - bài “Ba Vì” phải không anh?
Trịnh Hưng : Ba Vì là quê ông ấy. Quang Dũng làm xong bản nhạc thì đem đến Văn công, tập cho Kim Ngọc hát đầu tiên. Về sau, Kim Ngọc cứ hát bài đó mà nổi tiếng. Cô này hát ở Điện Biên Phủ cho các chiến sĩ bị mổ mà không cần thuốc tê! Cô ấy đứng hát không à.
Nhân vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ông Quang Dũng dây vào đấy, Cộng sản mới lục bài thơ “Tây tiến” ra. Bài này, ai cũng thích, mà ở ngoài khen lắm, báo chí Quân đội khen lắm. Nó mới đem bài ấy ra mổ xẻ, nói rằng có câu
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Nó kết ông ấy cái tội là trong thời kỳ kháng chiến mà ông ấy làm thơ tiểu tư sản, làm nhụt nhuệ khí đánh Tây. Nó giáng chức ông ấy, và cấm đăng bài thơ đó.
Ông ấy bị truất khỏi Hội Nhà Văn. Không có công ăn việc làm, thành ra đói khổ lắm. Từ ngày trở về Hà Nội tới khi chết, Quang Dũng chưa được bữa cơm nào ăn no. Một tay chị ấy nuôi 5 đứa con. Mỗi bữa, chị ấy chỉ ăn một củ khoai thôi, để dành cho chồng ăn. Rồi Quang Dũng lâm bệnh, xin nằm nhà thương mà không được.
Trong một cuốn băng, nghệ sĩ Kim Ngọc nói: “Khi tôi được tin là anh Quang Dũng ốm nặng quá (hai năm trời, anh ấy không nói được, cứ nằm một chỗ thôi) thì tôi và chồng tôi đến thăm anh ấy. Khi đến thì thấy anh không nói được gì mà chỉ nhìn và khóc thôi.
Chị Quang Dũng mới nói là Kim Ngọc hát cái bài của anh là bài “Ba Vì” cho anh ấy thoải mái một tí. Thì tôi cũng hát ngay.”
“Ba Vì” …
Vợ ông vốn cũng yêu văn thơ, từng làm bài thơ kết thúc với câu “Đã theo chồng, chấp cả!” . Đúng vậy, bà đã chấp mọi khổ cực. Chồng bị cấm làm việc thì bà lo toan cho gia đình.
Nhạc sĩ Trịnh Hưng kể tiếp về chuyến vào năm 2000, trở lại quê hương, ông tìm đến thăm gia đình nhà thơ Quang Dũng:
“Hoàn cảnh chị ấy khổ quá. 84 tuổi rồi, vẫn còn đi may thuê vá mướn. Mỗi tháng, Nhà nước cho được 30 ngàn đồng tiền tử tuất, tức là khoảng 2 đô-la chứ bao nhiêu, làm sao mà sống? Thấy thế, buồn quá, tôi mới biếu chị được ít tiền. Chị ấy cầm, khóc, nói rằng Từ ngày về Hà Nội đến giờ, chưa bao giờ được cầm món tiền lớn như vậy, hơn một triệu là lớn quá, anh em ngoài này cũng nghèo cả.
Về Pháp, tôi mới vận động thì tại Lyon, có hai người gửi giúp cho chị ấy. Lúc bấy giờ, chị ấy đau bệnh mà không có tiền nằm nhà thương. Vừa sao thì nhận được số tiền 2 triệu, chị ấy mừng quá, vào bệnh viện được.”
Cuối tháng 11 năm 2001, Nhà nước suy xét sao đó, làm lễ trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật cho thi sĩ Quang Dũng. Rốt cuộc, thi tài của ông, không ai có thể phủ nhận, kể cả những người quyền thế.
Từ nước ngoài thì ngưỡng phục tài năng Quang Dũng, chính phủ Thụy Điển tặng 25 triệu đồng để đúc tượng đồng cho ông, như lời nhạc sĩ Trịnh Hưng cho biết tiếp:
“Tượng đồng được đặt ngay tại trường học, chỗ nhà anh ấy. Các quan Nhà nước làm một cuộc vinh danh ghê gớm lắm để khánh thành. Mà lúc ông ấy sống thì trù ếm đó.”
Sông Mã xa rồi, Tây tiến ơi! Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm Heo hút cồn mây, súng ngửi trời Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa Gục lên súng mũ, bỏ quên đời ! Chiều chiều oai linh thác gầm thét Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa Kìa em xiêm áo tự bao giờ Khèn lên man điệu nàng e ấp Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ Có nhớ dáng người trên độc mộc Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu, anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây Tiến người đi không hẹn ước Đường lên thăm thẳm một chia phôi Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Phù Lưu Chanh, 1948
Và điều thú vị nữa về bài thơ “Tây tiến” từng gây khổ cho tác giả của nó
Trịnh Hưng : Cái bài thơ đó, sau này. các nghĩa trang liệt sĩ đều khắc vào bia đá toàn bài, tức là cả các câu mà hồi trước, nó trù ếm ông ấy.
Bây giờ thì nó khắc đủ trên bia đá, như tôi đã tới xem các nghĩa trang liệt sĩ tại Hòa Bình, Sơn La. Trước thì nó trù, bây giờ nó lại đăng luôn cả bài thơ đó, cũng hay ghê này!! Thơ Quang Dũng còn các bài khác viết trong thời kháng chiến, một số thơ tình, và khá nhiều bài về vùng quê quán của ông. Bài thơ “Kẻ ở” (hay còn được gọi là bài “Mai chị về”) người ta thấy để trong túi áo của ông nhưng tới giờ, chưa xác định được là có phải thơ Quang Dũng hay không.
Cô con gái út Phương Thảo thăm mộ cha
Nhạc sĩ Cung Tiến phổ bài thơ này, mời quý vị nghe qua giọng hát Lệ Thu “Kẻ ở” …
Nhà thơ Viên Linh, Chủ nhiệm, Chủ bút Nguyệt san Khởi Hành, nhận định:
“Chúng tôi nghĩ rằng trong 9 năm (từ 1945 đến 1954), nền văn học kháng chiến là nền văn học dân tộc. Hữu Loan, Quang Dũng, Hoàng Cầm, … là những người làm thơ kháng chiến, và kháng chiến dân tộc.
Những người cầm bút trong giai đoạn ấy không phải là theo một chủ thuyết cộng sản nào vì lúc ấy (1945-48) chưa có chủ thuyết Cộng sản nào đưa ra trong văn nghệ cả.”
Về tâm trạng giới văn nghệ sĩ thời đó, nhạc sĩ Tô Vũ nói: “Vì hoàn cảnh ờ nước mình, nhiều khi cũng rất tiếc. Tiếc không làm được cái này, không làm được cái khác. Đó là nỗi đau của rất nhiều văn nghệ sĩ. Cái ý nguyện của mình, cái khát vọng của mình thì phải nói là chưa đạt … thì đành chấp nhận như là số phận vậy.”
Câu này, Thy Nga xin mượn để kết thúc chương trình thơ nhạc về Quang Dũng. Chào tạm biệt quý thính giả.
“Đôi bờ” Trần Lãng Minh diễn ngâm …
Nguồn: RFA / Thy Nga - Thi sĩ Hữu Loan - Nhạc sĩ Trịnh Hưng
No comments:
Post a Comment