Wednesday, November 1, 2017

Nhớ về cố nhạc sĩ Trịnh Hưng (1924 - 10/5/2008) - Thy Nga

Nhạc sĩ Trịnh Hưng (1924 - 10/5/2008)

Video: Tôi Yêu Quê Tôi của nhạc sĩ Trịnh Hưng

Audio


Tin buồn là ông đã qua đời. Vâng, nhạc sĩ Trịnh Hưng đã từ trần vào ngày 10 tháng 5 vừa qua tại Créteil ở ngoại vi Paris bên Pháp, thọ 78 tuổi.

Thưa quý vị, nhạc sĩ Trịnh Hưng đã dự định sang vùng thủ đô nước Mỹ cùng với nhà thơ Đỗ Bình và nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên cho buổi sinh hoạt thơ và nhạc chiều 19 tháng Tư.

Nhưng trước khi khởi hành vài ngày thì mọi chuyện bỗng thay đổi. Không nghe tin ông qua, Thy Nga phone sang hỏi thăm thì ông nói là bị ngã (ông kể là ban đêm lò dò lấy nước uống trong tủ lạnh xong, lùi ra thì bị ngã ngửa) trong người rất đau, phải hủy bỏ chuyến đi. Thật tiếc vì nhạc sĩ Trịnh Hưng vẫn luôn thích sang Mỹ, nơi mà ông nói là người Việt hải ngoại có môi trường hoạt động văn nghệ, chứ ở Pháp thì sinh hoạt này còn bị gò bó.

Một tuần sau đó, Thy Nga phone lại thì nhạc sĩ Trịnh Hưng nói rằng đã đi bác sĩ nhưng sao vẫn đau lắm.

Thế mà chuyện không xong: Vào trưa ngày 10 tháng 5, tin về sự ra đi vĩnh viễn của nhạc sĩ Trịnh Hưng được giới yêu nhạc truyền nhau qua email, và loan tải trên các diễn đàn của người Việt hải ngoại.

Quý thính giả theo dõi mục này lâu nay, chắc còn nhớ chương trình Thy Nga viết về nhạc sĩ Trịnh Hưng.

Sau đó, ông đã giúp Thy Nga rất nhiều trong việc viết về nhà thơ Hữu Loannhà thơ Quang Dũng
.
Ảnh của nhạc sĩ Trịnh Hưng (http://trinhhung.blogspot.com/)

Phải nói là nhạc sĩ Trịnh Hưng có trí nhớ đặc biệt, chuyện từ hơn nửa thế kỷ mà ông kể vanh vách, giọng nói sang sảng dù rằng khi đó, đã 76, 77 tuổi. Nơi chốn nào, và ai ra sao, ông nhớ từng chi tiết, lại thêm những chuyện từ 3 chuyến về Việt Nam nên Thy Nga đã ghi được các tài liệu hiếm có về hai nhà thơ vừa nói.
Ảnh của nhạc sĩ Trịnh Hưng chụp năm 1950 tại Bắc Việt khi Ông theo Việt Minh (http://trinhhung.blogspot.com/)

Tiếp đến, nhạc sĩ Trịnh Hưng còn viết thư, kể những giai thoại về các nghệ sĩ cùng thời với ông (kèm theo cả ảnh chụp), và tình cảnh đưa đến sự ra đời các tác phẩm nổi tiếng, … Thư nào cũng cả chục trang (ông không sử dụng được computer) ông viết bằng bút mực trên cả 2 mặt giấy mỏng, thành ra đọc xong là hoa cả mắt! nhưng Thy Nga ráng đọc vì biết rằng đó là những tài liệu hiếm quý: Nhạc sĩ Trịnh Hưng đã trải qua các khúc quanh lịch sử đất nước, lại có dịp quen biết những văn nghệ sĩ mà Thy Nga cần ghi lại tình tiết về họ.

Đến đây, chúng ta hãy nghe lại giọng nói của nhạc sĩ Trịnh Hưng qua câu chuyện khi đó với Thy Nga.

Về chuyện ông bị tù vì viết nhạc khúc chống chế độ, khi thấy đứa con trai lớn của mình bị Công an đánh chết, ông nói

Tôi tức quá, tôi làm bản nhạc chửi, Chị biết là tôi cũng gan lắm à. Người ta nói là tôi cũng phúc lắm chứ không thì tử hình a, hay là cũng chung thân, nhưng quất tôi 8 năm tù.

Tù ở Hàm Tân từ năm 82 đến năm 90, tôi ra, tôi sang Pháp đấy chứ.

 “Saigon ơi, xa em rồi” qua giọng hát Tấn Đạt …

Với sự bảo lãnh của con gái lớn có chồng người Pháp ở Lyon, nhạc sĩ Trịnh Hưng qua Pháp định cư. Rồi, ông xoay sở bảo lãnh cho bà vợ (mà thực ra là đã ly dị) qua được, kèm theo 3 người con. Tuy nhiên, do bản tính phóng khoáng, nhạc sĩ Trịnh Hưng sống một mình, như đã bốn mươi mấy năm qua. Hoàn cảnh đó, ông ghi lại trong bài thơ “Một mình” Thy Nga đã yêu cầu ông đọc:

 “Một mình uống, một mình ăn

 một mình một chiếu, một chăn một giường

 một mình nhớ một mình thương

 một mình thao thức đêm trường năm canh …

Một mình lắm lúc ngồi ì

 Hai mình có phải diệu kỳ hơn không?”

 ( trích bài thơ “Một mình” )

Trịnh Hưng : Người ta hỏi tôi tại sao làm câu này, tôi nói là “Diệu kỳ hơn không” nhưng mà ở một mình thì buồn, hai người thì có lẽ thêm bực.  Anh em hỏi, tôi bảo “Có thể hai mình hơi bực, cãi nhau suốt ngày, bực lắm à”.

Tôi ở một mình, nó tự do, lắm lúc cũng buồn lắm. Các anh em văn nghệ ở đây thì lúc nào cũng mời tôi đi họp hành, vui thì vui thế, mà lúc về nhà một mình thì buồn quá, tôi mới ngồi nghĩ, tôi làm bài thơ “Một mình” đấy chứ.

 “Tìm quên” Trường Lam hát …

Nhạc bản “Tìm quên” là bài tình ca duy nhất mà ông viết cả nhạc và lời. Nhà thơ Đỗ Bình là người đã lo đưa nhạc sĩ Trịnh Hưng từ Lyon lên thủ đô Paris nên biết khá rõ về ông, thuật lại:

Ở Lyon thì anh ấy cô đơn lắm. Anh ấy không có những người bạn để có thể chia sẻ được. Có được một vài người nhưng mà cũng ở khá xa.

Khi mà tôi xuống Lyon, thấy hoàn cảnh anh Trịnh Hưng, tôi mới về Paris nhờ người bạn liên lạc với cái “foyer” thì mang được anh Hưng lên cái foyer cho người già, mà anh Hưng ở đó.

Thy Nga : Xin thưa cùng quý vị: “foyer” mà nhà thơ Đỗ Bình vừa nói, là một tòa nhà trong hệ thống an sinh xã hội của Pháp với những dịch vụ rất tốt dành cho người cao niên. Foyer này ở Créteil vùng ngoại ô Paris, và Trịnh Hưng được trợ cấp một căn phòng.

Thy Nga hỏi chuyện tiếp nhà thơ Đỗ Bình về tính tình nhạc sĩ Trịnh Hưng.

Nhà thơ Đỗ Bình : Anh ấy rất ghét đạo đức giả bởi vì cuộc sống của anh ấy cũng trôi nổi lắm.

Anh ấy thẳng tính, nghĩ sao nói vậy. Anh ấy coi tất cả mọi sự rất là tầm thường, mà anh ấy chỉ trọng nhân nghĩa thôi. Nếu mà người nào tử tế, người nào nhân nghĩa mà anh ấy nhìn thấy thật thì anh ấy kính phục lắm. Còn người nào mà lem nhem thì có nhiều lúc, nặng tay, anh ấy viết những bài anh ấy kể, thì làm cho một số người họ ngại.

Anh Trịnh Hưng sống rất phóng khoáng, đồng bạc mà anh ấy có trong túi, là anh ấy phải xài cho hết, đó là một cái cách sống của anh ấy.

Cách sống thứ hai là anh ấy sống cho bạn bè nhiều hơn là cho bản thân. Anh ấy bất cần, ai mà rủ thì anh ấy đi, đâu anh ấy cũng đi hết. Nghĩa là anh ấy sống buông thả, cái đó nó gây ảnh hưởng đối với gia đình anh ấy. Bà vợ cả chia tay ông ấy vì bà ấy không chịu nổi cách sống phóng khoáng của ông ấy.

Trong foyer chỉ có một cái phòng chật chội. Anh ấy ngủ, chẳng thèm đóng cửa. Ăn uống thì có sao, ăn vậy. Cái điều đó nó quá nghệ sĩ đi, thì anh chị em nghệ sĩ đến giúp đỡ anh ấy, mỗi người giúp một tí. Con anh ấy nó cũng giúp cho anh ấy, nhưng mà anh ấy không lấy tiền của con, không thích nhờ con.

Thy Nga : Thì ra … đây là một trong những trường hợp người cao niên ở hải ngoại. Những vấn đề va chạm giữa người lớn tuổi với bản tính Việt Nam, và đám con đã hội nhập xã hội nước sở tại, là trường hợp của Trịnh Hưng có rể người Pháp.

Đỗ Bình : Sống trong nhà anh ấy, anh ấy được thoải mái hơn, theo kiểu Việt Nam. Còn đến con, thì anh ấy không tới. Nhưng rồi, con cái cũng đến anh ấy. Con gái anh ấy ở Paris, hằng tuần đều mang thức ăn đến. 

Thy Nga : Mấy chuyến nhạc sĩ Trịnh Hưng về Việt Nam, anh thấy ra sao.

Đỗ Bình : Về mà gặp những ông như là Hữu Loan, Quang Dũng, Yên Thao hay một số những nhà văn, nhà thơ cũ đó, thì quả thật rất khó, hồi khi anh ấy về. Tôi phải nói là anh Trịnh Hưng bạo lắm. Anh ấy ra ngay cái chỗ mà gọi điện thoại, đánh Internet công cộng, là địa điểm đầy rẫy Công an, anh ấy không thích Cộng sản mà anh ấy nói oang oang.

Trong sinh hoạt văn hóa thì tôi quý là quý những tác phẩm, quý cái tình mà anh ấy cư xử với bằng hữu, những người mà còn ở trong nước. Anh ấy muốn chia sẻ lắm nhưng mà không có tiền. Tôi hiểu được cái tấm lòng của anh ấy.

Thy Nga : Vào cuối đời, nhạc sĩ Trịnh Hưng mang bệnh viêm gan, tiểu đường, và cả ung thư nữa. Khúc quanh tới với vụ ông ngã vừa rồi. Khi tình trạng trở nên nguy kịch, người con trai đưa ông vào nhà thương. Nhạc sĩ Trịnh Hưng rơi vào hôn mê, rồi rời xa mãi mãi. Các con ông đã nhờ nhà thơ Đỗ Bình giúp báo tin đến những người quen biết, và hướng dẫn nghi thức đám hỏa táng. Nhà thơ Đỗ Bình kể tiếp:

Con cái anh Trịnh Hưng nhờ tôi giúp đỡ, hướng dẫn các cháu làm đám tang. Tang lễ có rất nhiều hội đoàn chính trị cũng như văn hóa, đến tiễn đưa anh Trịnh Hưng lần cuối. Mục sư Huỳnh Ngọc Bá lo về mặt tôn giáo bởi anh Trịnh Hưng lúc trong tù thì anh ấy theo đạo Tin Lành.

Về phần nghi thức đời, thì tôi đứng lên mời những đại diện các tổ chức, hội đoàn, nhân sĩ, văn nghệ sĩ phát biểu điếu văn.

Những ca khúc của Trịnh Hưng dễ hát, dễ thuộc nên rất phổ biến. Nổi tiếng nhất, là bài “Tôi yêu” chúng ta hay nghe hát vang trong những buổi sinh hoạt của người Việt các nơi.

Có điều này, không hiểu có phải là cái điềm hay không mà cách nay mới mấy tháng, trung tâm băng nhạc Thúy Nga đã chọn nhạc bản “Tôi yêu” làm tiết mục cuối của chương trình về ba miền quê hương, và là bài hát chia tay của buổi đó.

Nhạc sĩ Trịnh Hưng cho Thy Nga hay, là ông rất vui lòng khi nhận được tiền tác quyền. Nay thì ông đã từ bỏ tất cả. Sự ra đi vĩnh viễn của nhạc sĩ Trịnh Hưng là một mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, lời ca chân phương, trong sáng, cùng với tiếng nhạc rộn ràng của ông còn mãi dư âm trong lòng những người yêu nhạc Trịnh Hưng.

 “Tôi yêu” Như Loan, Hồ Lệ Thu và Thanh Trúc hợp ca …

Thy Nga xin kết thúc chương trình tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Hưng với ca khúc “Tôi yêu” … chào tạm biệt quý thính giả …

Nguồn: RFA / Thy Nga - Nhà thơ Đỗ Bình

p.s:

Các tác phẩm  do nhạc sĩ Trịnh Hưng sáng tác:


  • Bên kia Bến Hải
  • Có bao giờ anh nhớ
  • Con có Chúa
  • Chỉ yêu cuộc tình
  • Dấu xưa
  • Đất đẹp miền Nam
  • Hẹn ngày Bắc tiến
  • Lối về xóm nhỏ (1956)
  • Lúa về đêm trăng (viết chung với Phạm Thế Mỹ)
  • Lúa mùa duyên thắm
  • Miền Nam mưa nắng hai mùa
  • Mùa hoa sim nở
  • Mẹ là
  • Ngày về Hà Nội
  • Ngợi khen Cha
  • Nhớ
  • Nhớ quê
  • Sài Gòn ơi xa em rồi
  • Tạ ơn Chúa
  • Tôi yêu quê hương
  • Tôi yêu (thơ Hồ Đình Phương)
  • Trăng soi duyên lành
  • Tiếng ca dân lành
  • Tìm quên
  • Yêu Chúa
  • Yêu tình người

No comments:

Post a Comment