Dòng nhạc tango của Argentina một khi du nhập vào châu Âu đã cho ra đời phong trào sáng tác nhạc khiêu vũ. Nhiều ca khúc tiếng Ý, tiếng Pháp hay Tây Ban Nha trở nên ăn khách qua điệu tango. Trường hợp của hai bài Chitarra Romana (Khúc đàn buồn) và L’amour c’est pour Rien (Tình cho không biếu không).
Nhạc phẩm Chitarra Romana (tựa tiếng Anh là Roman Guitar) ra đời vào năm 1934 dưới ngòi bút của tác giả Eldo di Lazzaro (1902-1968). Sinh trưởng tại Trivento, một thị trấn nằm cách thủ đô Roma khoảng 200 cây số về phía Đông, ông thành danh vào cuối những năm 1920 nhờ vào nghề soạn nhạc.
Nổi tiếng cùng thời với tác giả Giovanni D'Anzi (19063-1974), ông Eldo di Lazzaro đã góp phần làm giàu dòng nhạc tiếng Ý, một mặt duy trì truyền thống viết ca khúc Napoli, mặt khác hấp thụ ảnh hưởng văn hóa nước ngoài để làm mới các bài hát.
Khi sáng tác ca khúc, cả hai tác giả Eldo di Lazzaro và Giovanni D'Anzi thường viết theo kiểu stornello, một dạng ca dao bình dân, lời thơ rất ngắn nhưng phải có vần điệu. Lối sáng tác đoản khúc buộc tác giả phải viết lời cô đọng, biết tiết kiệm câu chữ nhưng vẫn khéo léo trong ẩn dụ, tài tình trong ý tứ
Theo nhà văn Gianni Borgna, tác giả quyển sách mang tựa đề "Lịch sử của các ca khúc tiếng Ý" (Storia della Canzone Italiana), nhạc sĩ Eldo di Lazzaro đã viết nhạc phẩm Chitarra Romana với tham vọng là bản tango tiếng Ý này sẽ nổi tiếng không thua gì bài La Cumparsita của Uruguay và Argentina. Nếu như nhịp điệu bài hát thuần chất tango, thì trong ca từ, tác giả này đã cài rất nhiều hình tượng tiêu biểu của kinh thành La Mã cổ kính.
Trong ca khúc, nhạc sĩ Eldo di Lazzaro gợi lên khung cảnh thủ đô Roma lộng lẫy dưới bầu trời đêm lợp đầy sao sáng. Kỷ niệm tình yêu chốn cũ vẫn còn, tuy rằng hình bóng tình nhân năm nào đã vội tan, cho nên người nghệ sĩ mới ôm đàn thở than, chỉ còn sâu trong tiếng nhạc nỗi cô đơn về làm bạn.
Người đầu tiên ghi âm ca khúc này là ca sĩ Carlo Buti (1902-1963). Sinh trưởng tại Firenze (thành phố Florence), ông nổi tiếng vào đầu những năm 1930 và được mệnh danh là Giọng ca vàng nước Ý, nhờ vào lối vuốt chữ rất mượt như Bing Crosby hay Frank Sinatra của Mỹ. Nhưng đặc điểm của Carlo Buti là ông có chất giọng tenorino, tức là một giọng nam cao (tenor) chuyên hát chẻ giọng óc.
Trong gần 30 năm sự nghiệp, ông Carlo Buti đã lập kỷ lục với gần 1600 ca khúc ghi âm, thể hiện hầu hết các ca khúc nổi tiếng của Ý và mở đường sau đó cho hàng loạt ca sĩ như Lou Monte hay Al Martino, chuyên hát tiếng Ý nhưng lập nghiệp ở Hoa Kỳ. Trong các bản nhạc tủ của họ, dĩ nhiên là phải có Khúc đàn buồn.
Đúng ba thập niên sau ngày phát hành bản nhạc Khúc đàn buồn, một bài tango nổi tiếng khác, viết bằng tiếng Pháp, ra đời vào năm 1964. Đó là nhạc phẩm L’amour c’est pour Rien, rất quen thuộc với người Việt vì bài hát từng được tác giả Phạm Duy dịch thành Tình cho không biếu không.
Bài tango này ra đời dưới ngòi bút của hai tác giả : Enrico Macias soạn nhạc, Pascal René Blanc đặt lời. Thế nhưng điều gì đã thúc đẩy Enrico Macias viết một bản tango trong khi thể điệu này không phải là sở trường của ông ? Enrico Macias thành danh tại Pháp vào năm 1963 với nhạc phẩm Adieu Mon Pays có nghĩa là Vĩnh biệt quê hương nói lên tâm trạng của nhiều gia đình phải rời bỏ Algêri trở về Pháp khi Algêri tuyên bố độc lập.
Bài này cũng như nhiều sáng tác khác cho thấy là Enrico có sở trường viết nhạc bolero, tiêu biểu qua các bài như Beyrouth, Le Voyage, La Nuit Mexicaine hay Solenzara (tựa tiếng Việt là Nắng Xuân), một ca khúc đảo Corse mà Enrico đã chuyển thể theo điệu nhạc này.
Vào năm 1964, Enrico Macias là giọng ca tuy chỉ vừa xuất hiện, nhưng lại rất thành công. Cùng với ca sĩ Richard Anthony, ông nắm giữ kỷ lục số bán nhờ sáng tác nhiều ca khúc ăn khách. Sự thành công đó giúp cho Enrico Macias đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc trong năm 1964, trong đó có giải sáng tác Vincent Scotto.
Tại Pháp, tác giả người gốc Ý Vincent Scotto (1874-1952) nổi tiếng nhờ viết ca khúc J’ai deux Amours cho Joséphine Baker, bản Prosper (Youp la boum) cho Maurice Chevalier, bài Marinella cho Tino Rossi. Ngoài ra, ông còn có sở trường viết nhạc khiêu vũ, trong đó có nhiều bài tango.
Nổi tiếng nhất vẫn là bản Le plus beau des tangos du monde (Bài tango đẹp nhất thế giới), mà tác giả Vincent Scotto đã viết cho con rể của ông là ca sĩ Henri Alibert. Luis Mariano và Tino Rossi sau đó đều có ghi âm bài này. Trong tiếng Ý bài hát này do Carlo Buti ghi âm với tựa đề Il Piu Bel Tango.
Khi được trao giải sáng tác Vincent Scotto, Enrico Macias do không hề chờ đợi, nên rất ngạc nhiên bất ngờ. Xúc động trước những tình cảm ưu ái mà khán thính giả dành cho ông trong bước đầu sự nghiệp, ông mới ngẫu hứng ôm đàn soạn ra một giai điệu trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ, thể điệu được chọn là tango để đánh dấu giải thưởng Vincent Scotto.
Người đặt lời cho ca khúc này là Pascal René Blanc, chứ không phải là tác giả Jacques Demarny, theo một số nguồn ghi chú, cho dù Jacques Demarny đã viết lời cho gần 150 ca khúc của Enrico Macias. Nhờ vào bài tango này và bản nhạc Solenzara, mà Enrico trở nên rất nổi tiếng ở Nhật Bản.
Năm 2013 đánh dấu 50 thành công sự nghiệp của ca sĩ Enrico Macias. Còn điệu tango truyền thống tiếp tục thành công cho tới năm 1974, thời kỳ trỗi dậy của tango đương đại, còn được gọi là tango mới, làm khựng lại phong trào sáng tác nhạc khiêu vũ không lời. Chỉ có những bản tango kinh điển, mới không trở nên lỗi thời.
Nguồn: RFI / Tuấn Thảo
No comments:
Post a Comment