Tuesday, June 5, 2018

Thiên An Môn : Món « Vịt quay Tứ Xuyên » trong tù cải tạo





(Le Figaro) - Nhân tưởng niệm 29 năm vụ thảm sát Thiên An Môn (04/06/1989), dành cho độc giả một trang giới thiệu nhà thơ Liêu Diệc Vũ (Liao Yi Wu), « Soljennitsine Trung Hoa », bạn thân của khôi nguyên Nobel Hoà Bình Lưu Hiểu Ba.


Với đầu cạo trọc, cặp kính trắng và nụ cười đôn hậu, Liêu Diệc Vũ trông giống như một nhà sư. Nhà thơ được mệnh danh là « Soljennitsine Trung Hoa » sau bốn năm tù « cải tạo lao động », vượt biên sang Việt Nam và cuối cùng tị nạn tại Berlin. Theo Herta Muller, Nobel văn học, Liêu Diệc Vũ là nhà thơ Trung hoa lớn nhất của thế hệ « lời thơ là tiếng nói từ những vết thương không lành của cơ thể » : Thảm sát, Âm Phủ, kể lại những nhục hình trong bốn năm bị giam cầm trong khuôn khổ chiến dịch đàn áp phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh.

Trong nhà giam, ông chịu nhiều nhục hình tra tấn được đặt tên bằng một món ăn ngon : « Vịt quay Tứ Xuyên » là dùng lửa đốt bộ phận sinh dục. « Mỳ nước trong » là nhét giấy toilette nhúng nước tiểu vào miệng tù nhân, còn món « Lẩu Cá vàng » là ghìm đầu tù nhân vào cầu xí….. Nhờ sự can thiệp của thủ tướng Angela Merkel, nhà thơ « lý tưởng », theo sự mô tả của chính đương sự, mới được tạm tha để sang Đức dự liên hoan sách ở Kiel, nhưng cuối cùng bị chận ở phi trường Bắc kinh. Đó là lần « vượt biên » thứ 18 bị thất bại.

Năm sau, chính quyền Trung Quốc nhượng bộ, Liêu Diệc Vũ được sang Đức dự liên hoan sách, được tiếp đón như một anh hùng. Nobel văn học Herta Muller nài nỉ ông ở lại, nhưng ông từ chối. Trở về nước ông bị ba công an « đón » tại phi trường Bắc kinh, « mời uống trà » để thông báo giấy phép xuất cảnh đã bị rút lại. Cuối cùng, năm 2011, Liêu Diệc Vũ đi lậu sang Việt Nam và ông được sứ quán Đức tại Hà Nội âm thầm giúp sang Đức.

Mẹ nhà thơ còn ở lại không bị khó khăn gì, nhưng « kẻ khốn khổ » là anh chàng công an quản chế, than thở là « nhiều đêm mất ngủ », theo lời mẹ ông kể lại qua điện thoại.

Đối với nhà thơ sinh năm 1958 thì chế độ cộng sản « hậu Mao » còn tàn độc hơn Mao : chính quyền đã thành công đưa người dân Trung Hoa vào quỹ đạo của tiền bạc, cả xã hội chỉ lo chạy theo đồng tiền, cả một dân tộc bị mù quáng. Tâm sự với nhà báo Pháp Patrick Saint Paul, Liêu Diệc Vũ tiếc thương cho một thế hệ sinh viên 1989 « bị hy sinh » và những người bạn đã chết. Ông nói là không bao giờ trở về Trung Quốc. Người dân có mắt, được đi ra ngoài để thấy sự khác biệt giữa chế độ Bắc Kinh với thế giới Tây phương nhưng họ không dám tranh đấu. Bởi vì tranh đấu là chết ngay.


Niềm hy vọng duy nhất của Liêu Diệc Vũ là cứu được bà Lưu Hà, vợ góa của cố giáo sư Lưu Hiểu Ba . Công an đặt điều kiện là nếu nhà tranh đấu này chấp nhận ra nước ngoài thì họ sẽ thả kể từ ngày 13 tháng 07, ngày giỗ của khôi nguyên Nobel Hoà Bình 2010. Liệu chính quyền có thực hiện lời hứa ?

Nguồn: RFI / Tú Anh (đăng ngày 4/6/2018)

No comments:

Post a Comment