Nhạc sĩ Nhật Ngân (24/11/1942 - 21/1/2012)
“Ngày vui qua mau” … Trong chương trình kỳ trước, Thy Nga có gửi đến quý thính giả nhạc khúc “Ngày vui qua mau”, một tác phẩm nổi tiếng của Nhật Ngân. Thực ra thì với người nhạc sĩ này, những ngày vui vẫn còn, không sôi động như thuở nào (dĩ nhiên với cái tuổi 66 rồi) mà an bình trong cuộc sống.
Cuộc sống êm ả ở hải ngoại
Hiện nay, Nhật Ngân sống êm ả với gia đình tại vùng Quận Cam, Nam California, Hoa Kỳ. So với hầu hết những nhạc sĩ đã có tuổi, ở hải ngoại và ở trong nước, thì Nhật Ngân quả là tốt phước.
Các con ông nay đã thành đạt, vợ ông vẫn làm trong ngành y tá: Gánh gia đình nhẹ tênh, Nhật Ngân chỉ phải lo giữ gìn sức khoẻ bản thân. Cách nay 16 năm, ông phải mổ, cắt đi 2/3 bao tử bị ung thư do đó, để ngăn chặn sự phát triển của chứng bệnh này, sáng nào, Nhật Ngân cũng để ra mấy tiếng đồng hồ, nào là tập khí công, dưỡng sinh, nào là đánh tennis … Có lẽ, sự lạc quan và năng hoạt động đã góp phần giúp ông duy trì sức khỏe được tốt.
Ra hải ngoại, tuy rằng cuộc sống bị thay đổi, Nhật Ngân vẫn không ngừng viết nhạc. Theo ông thì việc sáng tác chẳng khác nào cái máy, nếu không chạy đều thì sẽ bị trục trặc, rồi rỉ sét. Vì thế, ông vẫn trình làng các sáng tác mới, và cũng nhờ hoạt động nhiều trong lãnh vực văn nghệ, Nhật Ngân có dịp phổ biến các tác phẩm của mình.
Trong câu chuyện với Thy Nga, nhạc sĩ cho biết
Thưa Chị Thy Nga và thưa quý thính giả của đài RFA, số bài tôi viết ở hải ngoại nhiều hơn số bài tôi viết ở trong nước tại vì từ năm 75 thì tôi đâu có được viết đâu. Tới năm 1982 ra khỏi nước, tôi mới bắt đầu viết lại, thành ra là số bài ở ngoài này tính ra có thể gấp 3 lần những bài tôi đã viết ở Việt Nam.
“Xuân này con về, Mẹ ở đâu” qua giọng hát Quang Lê ….
Bài này, nhạc sĩ Nhật Ngân viết để tiếp nối bài “Xuân này, con không về” mà Duy Khánh hát rất thành công.
“Xuân này, con không về” …
Bài “Xuân này, con không về” quý vị đang nghe Duy Khánh hát, ghi tên tác giả là Trịnh Lâm Ngân (tức là tên ba nhạc sĩ Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân ghép thành) nhưng Duy Khánh hát quá thành công khiến nhiều người lầm tưởng Duy Khánh là tác giả.
Sinh trưởng ở Bắc, lớn lên ở xứ Quảng, Nhạc sĩ Nhật Ngân nói giọng Bắc nhưng một số tài liệu lại ghi rằng ông là nghệ sĩ xứ Quảng. Thy Nga hỏi nhạc sĩ về chuyện này.
Nhạc sĩ Nhật Ngân:
Thưa Chị, tôi gốc ngoài Bắc, ông Cụ tôi hồi xưa là công chức, khi mà đổi vào Huế năm 1952 thì đưa cả gia đình vào. Thì tôi lớn lên ở Huế, rồi tôi vào Đà Nẵng học Trung học. Cái gắn bó của tôi với Quảng Nam - Đà Nẵng thì hơi nhiều, và cứ mặc nhiên là những người nào ở Quảng Nam - Đà Nẵng họ quý mến mình, họ gắn cho mình là dân xứ Quảng thì tôi nghĩ cái đó cũng chẳng thành vấn đề gì, tại vì cả một cái thời tuổi trẻ của tôi ở Trung học cũng như là đi vào văn nghệ, thành tôi rất yêu mến xứ Quảng Nam - Đà Nẵng.
Nhạc sĩ Nhật Ngân cho hay tổng cộng từ trước tới giờ, ông sáng tác được gần 200 bài, gồm nhiều thể loại, từ nhạc tình cảm, nhạc thiếu nhi, nhạc thời trong quân đội, nhạc viết về quê hương, về nơi theo học Trung học và trưởng thành là ở Đà Nẵng, phổ thơ, đặt lời Việt cho nhiều nhạc khúc ngoại quốc.
Nhật Ngân:
Đầu tay của tôi là bài “Tôi đưa em sang sông.
“Tôi đưa em sang sông” qua giọng hát Vũ Khanh …
Khung cảnh bản tình ca này, theo như Nhật Ngân kể lại, là bến đò An Hải trên sông Hàn. Năm 1960, danh phận chưa có, chàng trai đành ngậm ngùi khi nghe tin người yêu phải theo lời gia đình, đi lấy chồng. Ghi lại tình cảm của mình qua nhạc bản này, viết xong Nhật Ngân gửi vào Saigon nhờ một nhạc sĩ đã có tên tuổi là Y Vân phổ biến giùm. Y Vân sửa đổi vài câu cho hợp với đường lối của Bô Thông Tin khi đó, rồi ghi tên người em là Y Vũ vào chung với Nhật Ngân.
Tuổi trẻ đầy ắp tình cảm, chẳng bao lâu sau, trong sinh hoạt ca nhạc, Nhật Ngân để lòng cảm mến một nữ ca sĩ với giọng hát nũng nịu.
Nhật Ngân:
Hồi đó mình còn trẻ, tình yêu nó rất là đam mê. Tôi yêu thích một cô ca sĩ thời đó. Khi mà cô ấy đi lấy chồng thì tôi viết bài “Đêm nay, ai đưa em về” coi như một lời tiễn đưa cho người yêu của mình.
Người yêu của mình, chứ không phải là người yêu mình.
Lệ Thanh hát “Đêm nay, ai đưa em về” thâu vào năm 1965 …
Những ca khúc về đời lính
Cũng năm đó, Nhật Ngân nhập ngũ, vào Cục Tâm Lý Chiến. Một năm sau thì được chuyển về làm Trưởng Ban Văn nghệ tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Thời gian này, Nhật Ngân viết nhiều ca khúc về đời lính, trong số đó, có các bài quen thuộc như “Người tình và quê hương”, “Lính xa nhà”, “Mùa Xuân của Mẹ”, “Xuân này, con không về”, …
Khi cuộc hòa đàm Ba Lê diễn ra, ông vui mừng viết bài “Ngày đá đơm bông” và “Một mai giã từ vũ khí” đề tên là Ngân Khánh (tên con gái ông). Cũng với niềm tin tưởng ấy, nhóm ba nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân có bài “Qua cơn mê”.
“Qua cơn mê” Nhật Trường hát …
Nhật Ngân:
Tôi cũng như mọi người ở Việt Nam, tôi nghĩ là khi mà hòa bình đến thì mình coi như qua một cơn mê, mình trở về đi học lại, mình làm mọi thứ của tuổi trẻ mà mình đã không làm được vì phải nhập ngũ.
Thế nhưng điều mà Nhật Ngân cũng như bao nhiêu người tin tưởng, đã tan tành.
“Qua cơn mê” … Sau biến cố 30-tháng Tư 1975, Nhật Ngân xoay sở kiếm sống, và cùng với một số nghệ sĩ trong hoàn cảnh tương tự, đi các tỉnh, hát “chui”.
Tình trạng u ám như vậy nhưng ông vẫn không e sợ mà viết lên điều chất chứa trong đầu óc mọi người “Anh giải phóng tôi, hay tôi giải phóng anh?”. Ca khúc châm biếm chế độ này, được nhiều người biết, nhờ chuyền tay nhau.
Năm 1982, Nhật Ngân vượt biên một mình. Đến được Thái Lan nhưng phải ở trại tỵ nạn, tới năm 84 được nữ ca sĩ Thanh Thúy bảo trợ vào Mỹ. Một thời gian sau, ông đến ở chung nhà với nghệ sĩ Nguyễn Long tại vùng Quận Cam, Nam California.
Xa quê hương, xa vợ con, Nhật Ngân vùi đầu vào làm việc, và vẫn cố gắng sáng tác. Nhạc bản đầu tiên của Nhật Ngân tại hải ngoại là “Hương” dựa trên một bài thơ của Nguyễn Long.
“Hương” Nguyễn Hưng hát …
Kỷ niệm với ca sĩ Ngọc Lan
Nhật Ngân cũng tiếp tục việc đã làm từ trước 1975 là đặt lời Việt cho nhạc ngoại quốc. Ông thuật lại là có cuốn CD gồm cả chục nhạc khúc Pháp như “Joe le Taxi”, … để giọng hát Ngọc Lan trình bày.
Thy Nga:
Ngọc Lan có giọng hát trữ tình, giọng hát thanh và quý phái, thế nhưng cô ấy lại đoản mệnh. Anh có kỷ niệm nào về người nữ ca sĩ ấy không ạ?
Nhạc sĩ Nhật Ngân:
Tôi có nhiều kỷ niệm về Ngọc Lan lắm. Phải công nhận là: Người mà trân trọng âm nhạc, trân trọng cái nghề nghiệp của mình, tôi phải nói là Ngọc Lan. Một bài hát tôi đưa cho Ngọc Lan, hoặc bất cứ một nhạc sĩ nào đưa cho Ngọc Lan thì cô ấy đều tập dợt kỹ lưỡng, cô ấy tìm hiểu sâu sắc từng cái ý của bài hát, cách luyến láy, mọi cách để diễn tả bài hát cho hay. Khi mà cô ấy ra đi, tôi rất tiếc. Ngọc Lan ra đi, tôi nghĩ là một sự mất mát cho rất nhiều nhạc sĩ, trong đó có tôi.
Khoảng giữa thập niên 1980, các bài do Ngọc Lan hát và diễn trên Vidéo tape làm say mê biết bao người. Mời quý thính giả và các bạn thưởng thức ca khúc “Mưa trên biển vắng” Nhật Ngân viết lời Việt …
Năm 1990, vợ con ông sang đoàn tụ. Cô con gái lớn, Ngân Khánh theo chân bố vào lãnh vực âm nhạc, và đã tốt nghiệp Piano tại đại học Fullerton. Hiện, Ngân Khánh dạy Piano tại Học Khu, nơi cả gia đình định cư. Như có nói ở phần trước, nhạc sĩ Nhật Ngân ghi tên Ngân Khánh dưới các bài “Một mai giã từ vũ khí”, “Cám ơn” cũng như vài tình khúc.
“Một mai giã từ vũ khí” qua giọng hát Thái Thanh …
Viết chung với nhạc sĩ Trần Trịnh thì lấy bút hiệu Trịnh Lâm Ngân.
Hồi đó, Trần Trịnh là chồng của ca sĩ Mai Lệ Huyền, và chính Trần Trịnh đã cùng với Nhật Ngân tạo ra việc Mai Lệ Huyền hát kích động nhạc với Hùng Cường.
Các bút hiệu khác của Nhật Ngân là Song An, và Phan Trần (khi viết với Mặc Thế Nhân).
Trong sinh hoạt văn nghệ, Nhật Ngân không những viết nhạc mà với chiếc guitar, còn đàn hát nữa.
Từ năm 1987, ông làm Giám khảo nhiều cuộc tuyển lựa ca sĩ Giải Tượng Vàng tổ chức tại San Jose, Bắc California.
Từ năm 93 thì tham gia Trung tâm Thúy Nga trong việc viết nhạc cảnh, nhạc khúc mà chương trình nào cần.
Lời khuyên cho các ca sĩ trẻ
Ông cũng hướng dẫn những ca sĩ trẻ, và tiếp tay chấm thi trong kỳ “Paris by Night / Talent show 2007”.
Thy Nga hỏi tiếp nhạc sĩ Nhật Ngân là qua các dịp tiếp xúc với những người trẻ mang ước muốn trở thành ca sĩ, hay là mới bước vào con đường ca hát, ông nhận định thế nào về triển vọng của họ:
Nhật Ngân:
Dạ thưa chị Thy Nga, các giọng ca trẻ ở bên này (Mỹ) phần lớn, họ hát có giọng lắm nhưng mà phát âm tiếng Việt thì thường là không có chuẩn. 10 người thì có thể có 1, 2 người phát âm tương đối chuẩn, thì đó là những người mới từ Việt Nam sang, chứ các em lớn lên ở đây, có giọng hát rất tốt nhưng khi phát âm thì không rõ lời Việt. Với lại, không có cái hồn của nhạc Việt. Tại vì các cô các cậu không hiểu rõ cái nội dung của bài hát. Vốn tiếng Việt yếu quá vì vậy diễn tả bài hát không trọn vẹn được.
Theo tôi nghĩ, muốn hát nhạc Việt thì phải hát cho rõ để cho mọi người nghe mà hiểu được cái nội dung bài hát.
Cái thứ hai nữa là phải lựa bài hát phù hợp với giọng của mình. Thường thường, các cô các cậu trẻ bên này thấy người ta hát hay cái bài đó, thì tưởng là mình cũng hát hay nhưng mà thật sự, khi lựa bài để ra hát thì không hợp với giọng của mình. Thành ra thường thường bị chấm ít điểm là tại vì lựa bài không đúng, với lại không phát âm chuẩn tiếng Việt.
Điều mà tôi muốn khuyên các bạn trẻ là phải nghe những người mà hát nhạc Việt chuẩn, nghe nhiều để mà thấm cái tiếng Việt vào với trong người. Khi hát mà mình đã thấm cái tiếng Việt vào thì mình hát nó ra hồn nhạc lắm. Còn mình hát nhạc Việt mà cứ như là một người ngoại quốc hát nhạc Việt thì đã không dẫn dắt được người nghe, mà còn làm cái bản nhạc đó hư đi.
Ngoài ra, nhạc sĩ Nhật Ngân còn tham gia tích cực cho sinh hoạt văn hoá của đồng hương vùng Quảng Đà. Lâu nay, ông là Trưởng ban Văn nghệ Hội Cựu Học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, và Hội Quảng Đà / Nam California.
“Bao giờ gặp lại em” …
Ca khúc “Bao giờ gặp lại em” qua giọng hát Khánh Ly kết thúc chương trình về nhạc sĩ Nhật Ngân. Thy Nga hẹn tái ngộ quý thính giả vào kỳ tới.
Nguồn: RFA/ Thy Nga - Nhật Ngân
No comments:
Post a Comment