Wednesday, March 21, 2018

Năm Tuất Nói Chuyện Chó - Nguyễn Thanh Ty


Hình minh hoạ (Google)



Giọng đọc:  Bích Hà - Nguyễn Đình Khánh

Còn nhớ, cách đây khoảng hơn sáu mươi năm, nghĩa là lúc đó tôi mới năm, sáu tuổi, ôm cuốn sách Học vần lớp Đồng Ầu tới nhà thầy Tổng Lâm trong xóm để thầy ban phát cho ít chữ Quốc Ngữ a, bê, xê dắt dê đi ỉa, a, á, ớ đi chợ về chưa? Chỉ cách đó vài năm trước, mấy anh chị họ tôi còn phải ngồi xếp bằng ngay ngắn, trên chiếc chiếu cói trãi dưới đất, đầu lắc lư, miệng ê a đọc theo thầy đồ, khăn đóng áo dài, mớ Tam Tự kinh: thiên là trời, địa là đất, thất là mất, tồn là còn, tử là con, tôn là cháu…

Trên bìa cuốn sách có vẻ hình con chó và con gà đang châu mỏ nói chuyện với nhau rất ngộ nghĩnh , dưới có chua hai câu thơ:

Chó với gà một nhà thân thiết,

Khi rảnh rang mài miệt chuyện trò!

( Hai câu này mãi cuối năm học tôi mới đọc được)

Hình vẻ con chó nói chuyện với con gà một cách thân thiết làm tôi cứ thích nhìn và rờ rẫm mãi, đến nổi mấy tháng sau cái gáy và hai góc sách mòn sờn, rách bươm, cong lên như cái sâu kèn.

Thuở ấy nhà tôi cũng có nuôi một con chó vàng, cha tôi đặt tên là Vàng, và một bầy gà. Má tôi sợ mèo nên nhà không nuôi mèo. Con Vàng cứ rình mấy con gà từ sân sau lẽn vô nhà kiếm ăn là rượt chạy chí chết.

Tôi chẳng thấy hai con vật này trò chuyện với nhau bao giờ.

Ngược lại, cái câu: “Gấu ó như chó với mèo” là tôi thấy đúng phóc. Cô mèo hàng xóm vừa mới lượn lờ qua hiên nhà tôi là cậu Vàng đang nằm ở góc sân, lim dim mắt, tơ lơ mơ dưới nắng, lập tức mở choàng mắt, phóng mình tới, mồm nhe ra cả bó răng, cổ họng gầm gừ như muốn ăn tươi nuốt sống cô mèo yểu điệu thục nữ dễ thương kia.

Lúc này, nhìn dáng liễu yếu đào tơ của cô mèo phản ứng tự vệ mới thấu hiểu được hết ý nghĩa cái câu ngạn ngữ: “Đừng đánh thức con mèo đang ngủ”

Cô em đang mềm mại, ẻo lã dễ thương với dáng đi uyển chuyển quí tộc đó, bỗng chốc thành một mụ phù thủy cùng hung, cực ác với hai con mắt rực lửa, lông cổ xù lên dựng đứng như bờm sư tử, hai chân trước giơ lên với những móng chân sắc như dao cạo, quào tới tấp vào mặt đối phương, miệng kèm theo những tiếng gào the thé nghe nhức nhối cả tai.

Cậu Vàng nhà tôi tuy hùng hùng, hổ hổ vậy chớ cũng biết sợ và e dè khi người đẹp nổi giận. Cậu ta chỉ xử dụng mỗI cái chiêu duy nhất là “lấy thịt đè người”, ỷ vào cái to xác, hù em trong vòng “ba búa” đầu như Trình giảo Kim thôi.

Sau ba búa mà đối thủ không chạy thì ta… chạy.

Và mười lần y như một, cái trận chiến ban đầu tưởng chừng sẽ long trời lở đất, nhưng chỉ trong vòng vài phút, chờ cậu Vàng thối lui ba bước là cô mèo nhanh như chớp, ngoắc mình phóng lên cây cau, trèo tuốt lên cao.

Cậu Vàng gỡ gạc sĩ diện ra vẻ ta đây anh hùng, ngước mõm sũa theo mấy tiếng gâu… gâu…“tha cho làm phúc” rồi nhẫn nha trở lại góc sân, khoanh rế, tiếp tục giấc tơ lơ mơ.

Về phía cô mèo, từ trên cao dòm xuống, đỏng đảnh meo… meo…: “Ta nào có sợ chi mi. Đồ chó! Ta trèo lên cây cau là chỉ để “hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà” mà thôi! Mi hãy đợi đấy”!

Cái cảnh chó với mèo gấu ó nhau cứ y hệt như “tình hữu nghị đời đời bền vững của nước An-Nam-anh-hùng-ta với người anh em Trung-Quốc-vĩ-đại-ta, bắt nguồn từ cái lúc ông Mác râu xồm khai thiên, lập địa xướng ra cái chủ nghĩa vô sản quốc tế, anh em bốn biển một nhà vậy.

Sở dĩ tôi nhớ đến cuốn Học Vần Đồng Ấu ấy vì chợt nhớ ra năm con Gà (dịch) sắp hết, con Chó ( không biết dại hay khôn) đang chồm chồm trước ngõ muôn tuôn vô nhà.

Cứ mỗi lần Tết sắp đến, từ cái thuở “thanh bình ba trăm năm cũ” cho đến cái thời Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa, và bây giờ là Cộng Hòa Xã Hội ba mươi năm, là hàng loạt báo Xuân khổ lớn, khổ nhỏ đủ loại bày bán tưng bừng từ trong tiệm sách ra tới lề đường như trăm hoa đua nở. Muôn sắc muôn màu. Và dĩ nhiên, bắt buộc, không hẹn mà nên, báo nào cũng có hai bài nòng cốt chiếm mấy trang đầu, một cách trang trọng. Đó là Sớ Táo Quân dài lê thê y như Sớ Táo Quân thứ thiệt, “ráp bo” đủ thứ chuyện trên đời, từ trong làng ra ngoài xã, từ chuyện thời sự quốc nội lan ra ngoài chuyện quốc ngoại, quốc tế.

Và bài tiếp theo hấp dẫn nhứt của báo Xuân nhất định phải là nói về con vật cầm tinh năm đó.

Ối thôi! Đủ thứ chuyện hầm bà lằng xá cấu. Từ chuyện xưa cho đến chuyện nay. Chuyện Đông sang chuyên Tây đều được mấy ông văn sĩ khai thác tận tình. Trước để mua vui cho độc giả sau kiếm chút nhuận bút tiêu tết với thiên hạ,

Chẳng hạn năm sắp tới đây là năm Tuất, cầm tinh con chó. Thế là chuyện chó được bổn cũ soạn lại. Giòng họ tổ tiên chó tám mươi đời lại được lôi ra làm mới. Từ chuyện xưa như trái đất, con chó của tên đạo chích cắn vua Nghiêu bên Tàu cho đến con chó của Rinh Tinh Tinh trong phim hoạt họa bên Tây cũng được đem ra xào qua, nấu lại. Từ chuyện chó có nghĩa, chó trung thành, chó ma sũa trăng, chó hú trên đồi hoang, cách nuôi chó săn, chó nòi… cho chí chuyện xe cán chó, chó cán xe cũng được đem lên chưng bày đầy đủ trên mặt hàng, đầy nghẹt mấy chục trang báo.

Có báo còn lấp la, lấp lửng khiêu khích độc giả bằng cách trích đoạn truyện “Cậu Chó” của tác giả Nguyễn Đức Lai, có cái đầu trọc, nhẵn bóng như cái… mông Thẩm Thúy Hằng nữa chớ.

Những năm đó, Tết nào tôi cũng mua một lô về, đọc cho qua ba ngày Xuân, chán như cơm nếp nát. Thấy tờ nào cũng na ná như tờ nấy. Chừng ấy chuyện.

Tôi lại liên tưởng tới mấy thầy, cô giáo dạy học trò tập làm văn tả vật, tả người, cho học trò cái mẫu nhập đề trực khởi, đơn giản dễ làm như:

- Nhà em có…

Học trò dốt văn cứ thế mà làm, không sợ trật vào đâu được.

Khi đề bài ra tả con gà, trong lớp có bốn chục em thì hết ba mươi tám trò đều có câu nhập đề y chang:

- Nhà em có nuôi một con gà…

Hôm sau tả con chó thì cứ y:

- Nhà em có nuôi một con chó…

Gặp lúc tổ trác, ra đề: Hãy tả ông nội em. Thì không biết mấy ông thầy, bà cô cười dở hay khóc mếu khi đọc:

- Nhà em có nuôi một ông nội…

Nhưng bây giờ, cái thời nhà nước ta đang “hối hả từ từ”đổi mới để tiến nhanh, tiến mạnh, ba bước nhảy vọt, theo cái “kinh tế thị trường” của bọn đế quốc tư bản đang giẫy chết, để đuổi theo cho kịp mấy cái nước chung quanh, hồi xưa chỉ là bọn lạc hậu, chậm tiến bây giờ đã thành những con rồng Châu Á. Mấy cái xứ man ri, mọi rợ này thừa lúc Đảng ta đang bận bịu ngâm cứu cái Thiên đường Cộng Sản, bèn qua mặt cái vù, từ rắn biến thành rồng. Chúng lại xấc láo hùa nhau xếp nước ta vào hạng “Rùa cổ đại” mới đau chứ.

Vì vậy, bên cạnh khẩu hiệu: “Đảng Cộng Sản quanh vinh muôn năm” phải đi liền khẩu hiệu “Đổi mới hay là ngủm củ tỉ”.

Thế mà, báo Xuân cũng cứ y như “thuở thanh bình ba trăm năm cũ” đem chuyện chó ra bàn y như mấy cô cậu học trò nhỏ làm bài tập làm văn: Nhà em có nuôi một con chó thì e rằng… chẳng có ma nào đọc.

Thiên hạ lai chun mũi phán:

- Biết rồi! Khổ lắm…

Nhưng năm chó mà không nói tới chó, không tán chuyện chó thì có cái… chó gì để nói, để viết?

- Có đấy! Có khối chuyện chó… má để nói đấy!

Ấy là chuyện đổi đời. Chuyện chó nhảy bàn độc. Chó bỗng nhiên có giá trị cao hơn con người từ mười đến một trăm lần hay còn hơn thế nữa. Người ta đang đua nhau tung hê và quí trọng “khuyển quyền” hơn “nhân quyền”.Thời sự cập nhật, bây giờ trong nước không ai còn dùng con vật chó để thóa mạ nhau nữa như “Đồ chó đẻ!- Đồ chó má!” Hay than vãn “ Sao mà khổ như chó!”.

Lỗi thời rồi! Lạc hậu rồi!

Dùng tiếng “chó”để mắng nhau là vi phạm “khuyển quyền” nhằm vào luật hình sự có thể bị Công An còng tay và bị Viện Kiểm Sát truy tố ra ba tòa quan lớn về tội xúc phạm danh dự công khuyển.

Bây giờ ngôn ngữ thời thượng, người ta hay tặng nhau hai chữ âu yếm, nhẹ nhàng nhưng cay độc và nặng ký hơn tiếng chửi “Đồ chó!”nhiều.

Đó là “Đồ đểu!”.

Đã qua rồi thời “đồ đá”, đồ đồng”. Nước ta đã tiến lên thời “đồ đểu” hơn một thập niên.

Mỗi khi “ta” không đồng chí với nhau, và nhất là lúc ăn chia không đều trong các phi vụ “đánh quả” như rút ruột công trình, chia chát “cô ta” xuất nhập khẩu, xà xẻo đất đai v.v…

Ở Việt Nam hiện nay ai ai cũng đều nói:

- Sướng như chó!

Và than vãn:

- Khổ như dân nghèo! Thà làm chó nhà giàu còn hơn!

Tôi xa nhà hơn mười lăm năm, sống với bọn tư bản bóc lột, làm việc thiếu điều hộc máu mồm, máu mũi, mỗi ngày mười bốn tiếng đồng hồ, hai “giốp”, mới mua được chiếc xe cà tàng hiệu “Corola”, giá chưa tới mười lăm ngàn đô, mà phải còng lưng trả góp bốn năm mới hết nợ. Nói chi tới cái nhà phải trả góp ba chục năm nữa mới thực sự là nhà của mình, thì tới đời… cha nào cho hết nợ?

Bởi ba chục năm nữa thì với cái tuổi tôi, tôi đã thành ông Bành Tổ rồi!

Đâu phải cứ tuổi Tỵ, con rắn, là lột được da sống đời để cho đủ ba chục năm!

Nói chuyện nhà ra chuyện cửa. Cái bọn tư bản bóc lột chỉ có tài nói phét cái mồm. Tám mươi phần trăm bọn chúng chỉ tổ suốt đời, từ đời cha đến đời con, cứ ở nhà thuê và đi xe mướn. Chẳng bù với dân Việt tị nạn mình mới qua Mỹ có vài năm, đã chụp hình đứng dựa ngữa lưng vào cái xe hơi láng coóng trước căn nhà to sù, gửi về cho gia đình. Dưới bức ảnh có ghi dòng chú thích: “Nhà và xe của con đây Ba Má”. ( Sau này mới vỡ ra là toàn chụp hình ké xe và nhà của thiên hạ để dợt le chơi)

Khỏi cần phải “phụ đề Việt ngữ” để diễn Nôm thêm cái hoạt cảnh hả hê của ông bà già ở quê nghèo, lúc trố mắt nhìn tấm ảnh, phải hít hà, xuýt xoa, sướng rên mé đìu hiu cho con mình đã thành công, thành công, đại thành công ở xứ người.

Trong lúc bọn bản xứ, không nhà, không xe mà cứ chiều chiều dắt chó đi dạo nhởn nhơ. Hỏi ra, mỗi con chó trị giá tới mấy trăm đô. Bà vợ tôi cứ chắc lưỡi:

- Mấy trăm đô một con chó, bằng tiền lương hai vợ chồng mình đi cày cả tháng! Lại còn tiền ăn, tiền hớt lông, cắt móng, bảo hiểm y tế cho nó nữa chớ! Ui cha mẹ ơi!

Tôi thì lãng mạn, thơ mộng hơn, tiếc rẻ:

- Ngắm người đẹp tóc vàng, một tay dắt chó đi dạo vào buổi chiều mát trời, nắng vàng hiu hắt trên cành cây, ngọn cỏ là số một rồi! Nhưng cái tay kia với “năm ngón thiên thần” đang cầm bao ny lông đựng đầy cứt chó bên trong thì coi không hạp nhãn tí nào cả!

Mùa đông tuyết phủ đầy trời, lạnh tê người, giữa khuya, ai nấy đều quấn mền trong nhà như con sâu làm tổ thì mấy chị già, anh già Mỹ lóng cóng, run rẫy, chân thấp chân cao, dắt chó ra ngoài cho nó đi ị. Mà cái lũ chó khốn nạn lắm cơ. Chúng chỉ ị hay tè ở cái chổ chúng đã đi lần trước thôi. Không đúng chổ là chúng ỏng eo:

-Em chả! - Em chả chịu!

Vô phúc cho lần đầu, nếu chúng làm cái chuyện vệ sinh ấy cách nhà vài trăm thước thì càng khốn nạn thêm cho cái thân già giữa đêm đông giá rét cắt da, cắt thịt.

Bà vợ tôi lại chép miệng:

- Thiệt không có cái dại nào giống cái dại nào!

Nơi thành phố tôi ở có tới mấy chục cửa tiệm chuyên bán đồ ăn và vật dụng phục vụ cho chó mèo, chim chóc. Và cả hai cái bệnh viện lớn chuyên chăm sóc súc vật.

Hèn chi hồi mới qua, mấy ông bạn đi trước, truyền cho tôi câu khẩu quyết quan trọng về việc phân chia giai cấp trong xã hội Tây phương, dặn phải nhớ nằm lòng để dễ bề hội nhập xứ người là:

Thứ nhứt đàn bà, thứ hai trẻ con, thứ ba súc vật, thứ tư mới tới bọn đàn ông chúng mình.

Tôi cứ cho là nói phét. Ma cũ bắt nạt ma mới. Mấy anh bị Mỹ hóa, ăn theo, nói leo chứ mới có mấy năm, biết … chó gì mà cũng ra vẻ. Nhất định không tin.

Hóa ra, càng ở lâu càng thấm đòn. Càng ở lâu càng sáng mắt, sáng lòng, mới biết thế nào là sông sâu, núi cao.

Nhưng Mỹ là Mỹ. Việt là Việt. Đông Tây không bao giờ gặp nhau. Mấy Ngài Mỹ ăn no rững mỡ, cứ việc tốn tiền, tốn thời gian họp bàn làm ra luật này, lệ nọ. Lập Hội to, Hội nhỏ để bảo vệ súc vật. Còn dân Việt Nam anh hùng tôi, thì cứ thịt chó tì tì. Vàng, vện, đốm, nâu, đen, trắng gì cũng rựa mận, chả chìa tuốt luốt. Nói chung con gì mà ngo ngoe, ngọ ngoạy là dân tôi cứ chén tuốt.

Ở đó mà luật với lệ. Chỉ tổ rách việc.

Tôi đố các Hội Bảo Vệ Súc vật trên thế giới sang nước tôi tìm cho ra được các giống thú quí hiếm để bảo vệ tuyệt chủng và bảo tồn môi trường sinh thái thiên nhiên.

Nếu có, tôi xin đi bằng đầu.

Tất cả các giống ấy đều được săn bắt để làm món nhậu cao cấp hàng ngày cho các “đầy tớ dân” “bồi dưỡng” cho đủ “calori” để phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng.

Còn ba cái thứ chó mèo, rùa rắn, hươu nai, nhím sóc, chim chuộc…là thứ đồ xèng, bình dân, bán theo lề đường dành cho dân đen, ăn cho có sức để lao động vinh quang.

Nói nào ngay! Tôi cũng chán ở cái “xứ phồn vinh giả tạo” thừa mứa vật chất, nhà lầu, xe hơi này. (Đi mua mỗi chai nước mắm cũng lái xe hơi. Rõ chán mớ đời!) Bởi cái tạng của tôi chỉ thích cá kho dưa giá, mắm nêm, mắm ruốc, chớ không hợp với “bơ thừa sữa cặn đế quốc”. Và trong máu cũng còn chút “gien” của Ông Trần bình Trọng: “Ta thà làm quĩ nước Nam chớ không thèm làm Tổng Thống đất Mỹ” nên cứ đinh ninh trong bụng, ráng cầy cho đủ bốn chục cái “coa tơ rờ đít”* là ôm trọn món tiền hưu bổng “Pho Ô Oanh Cây”*, mặc áo gấm có in hình chử thọ, xênh xang nón mũ về làng, làm “Việt kiều yêu nước” theo lời kêu gọi của cái Nghị quyết 36 Đảng ta.

Nhưng bất ngờ đọc được hai bài báo trong nước nói về “giá trị thăng hoa tột đỉnh của chó” và “phẩm giá con người ngàn lần rẻ hơn chó” tứ chi bèn bủn rủn. Đầu óc quay mòng mòng, mụ mẫm, lú lẫn ngay lập tức. Bao nhiêu hỏa hầu công lực dành cho ngày “vinh qui bái tổ” phút chốc tiêu tan ráo trọi.

Hai bài báo đó có sức mạnh y như môn “hấp tinh đại pháp” của lão Nhậm Ngã Hành, Giáo chủ Ma Giáo, dùng để hút hết công lực của gã giang hồ Lệnh Hồ Xung vậy.

Cũng bởi-tại-vì hai bài báo nói trên, tôi mới chẳng đặng đừng có bài viết dài dòng nói tới chó trong năm Tuất. Mà thật ra để nói tới cái chó má của đời hơn là đụng chạm tới cái cái “địa vị cao sang của chó” hiện nay đang lên ngôi trong nước.

Xin trích vài đoạn ca tụng “phẩm cách” chó để quí vị thưởng lãm trước.

Nuôi chó thời @: nhan đề bài viết ở báo Khánh Hòa điện tử ngày 05/11/05. Tác giả: Nguyên Khôi.

“Nếu cách đây 5-10 năm, ai đó sở hữu một con chó Nhật, chó Bắc Kinh đã thấy “chảnh” lắm rồi. Còn bây giờ thì…”xưa rồi Diễm ơi”. Thời của chó Nhật, chó Bắc Kinh đã qua, có người lỡ nuôi rồi như cục nợ. Cho cũng không ai lấy…

Ngày nay, gần như tất cả giống chó cảnh trên thế giới đều có mặt ở Việt nam…

Một con chó Chihuahua lúc trưởng thành có trọng lượng từ 800 gam đến 1ký là đạt tiêu chuẩn, tương tự một con Fox càng ốc tiêu càng quí. Hiện nay ở Nha Trang đang “sốt” chó Chihuahua vì đây là giống chó dễ nuôi, giá cũng rẻ (2triệu đồng/con). Nếu gặp con đẹp thì người bán “hét” đến 5 – 7 triệu đồng…

Giống chó New Foundland gốc Canada có giá lên đến 25 triệu đồng/con.

Con Bulldog có khuôn mặt ngắn với những nếp nhăn chảy xệ trông rất ngầu và luôn nhìn bạn với ánh mắt băng giá nhưng cái giá của nó không phải là ít – 10 triệu đồng/con.

Giống Great Dane của Đan Mạch thì rất ngầu đời. Gía của nó dao động từ 10 – 15 triệu đồng/con.

Tuy nhiên, điều khá bất ngờ là giống chó đang được săn lùng và có giá trị hiên nay lại mang nhãn hiệu “Made in Việt Nam” đó chính là giống chó Phú Quốc trứ danh…

Ở thành phố HCM cũng chỉ có khoảng 5 con chó Phú Quốc thuần chủng với cái giá ngất trời – 30 triệu đồng/con.”

Đó là sơ sơ giá vài loại chó. Còn chăm sóc chó thì sao?

Tác giả Nguyên Khôi cho biết:

“Hiện nay, ở Nha Trang có khoảng 11.000 con chó, trong đó có khoảng 3.000 con chó cảnh. Chính vì vậy, nhu cầu chăm sóc chó cảnh rất là cao. Trong giới thú y, nổi tiếng mát tay là anh Hương, người chuyên môn thực hiện các ca mổ đẻ khó. Riêng anh Khiêm, thạc sĩ thú y là chuyên gia về châm cứu cho chó. Còn phải kể đến Bác sĩ Hạnh trên đường Trần quí Cáp. Ở Vĩnh Hải có phòng khám thú y với khu điều trị nội trú, có phòng khám, phòng mổ rất tươm tất.

Về phần quí ông, quí bà nuôi chó thì thế nào? Tác giả viết tiếp:

“Chuyện ăn của chó cũng rất nhiêu khê. Theo các tài liệu thú y, chó có nhu cầu về đạm cao gấp 4 lần và can xi cao gấp 10 lần so với nhu cầu của con người. Chính vì vậy, nuôi chó không phải cho ăn cơm thừa canh cặn như trước đây mà phải chọn khẩu phần ăn cho “cục cưng” giàu chất dinh dưỡng, hợp khẩu vị…

Xong phần ăn uống, chữa bệnh thì chó cũng cần được vui chơi, giải trí. Thậm chí để giảm stress cho chó vì bị nhốt trong nhà, người ta phải đưa nó đi dạo, ngắm cảnh. Vì thế mà gần đây xuất hiện nghề “quản thú”, chỉ với nhiệm vụ lo miếng ăn, giấc ngủ và chăm sóc sắc đẹp cho chó. Một doanh nhân nước ngoài ở đường Trần Phú thuê một người làm, trả lương 800.000 đồng/tháng chỉ để chăm sóc con chó Pug của mình, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là dắt chó đi dạo”.

Nhưng đó là người nước ngoài, chỉ là chuyện nhỏ, lẻ tẻ, không nhằm nhò gì với người Viêt trong nước ta, “chảnh” hơn nhiều. Tác giả Nguyên Khôi cho biết tiếp:

“Chị Hà ở Vĩnh Ngọc có con chó Bulldog mua với giá 12 triệu đồng. Mới tháng trước chị phải thay người giúp việc nhà vì không biết chăm sóc chó, chị này khi tắm để cho nước vào tai khiến “cục cưng” bị viêm tai giữa.

Chị Ánh ở đường Nguyễn Thiện Thuật có một con Cocker giống Tây Ban Nha bị bệnh ghẻ lở phải chữa trị qua hơn mười bác sĩ thú y. Chị phải thuê hẵn môt chiếc xe du lịch chở chó vào thành phố HCM chữa chạy. Mất một năm trời, tốn trên 14 triệu đồng nhưng vẫn chưa khỏi hẵn. Chị Ánh còn cử người vào thành phố HCM học lớp trang điểm, cắt lông cho chó với học phí 1,5 triệu đồng/khóa để về chăm sóc cho đàn chó của gia đình.

(Bài báo rất dài, còn nhiều chi tiết li kỳ hơn nữa. Ai muốn biết tường tận xin vào Web: khánhhòa.com đọc bài Nuôi chó thời @)

Ối! Trời thần, đất lở, thiên địa ơi!

Nha Trang tôi không có nhà máy, công xưởng, kỹ nghệ chi cả, chỉ có biển xanh cát trắng, một ít dân sống về nghề chài lưới, còn đại đa số sống nhờ ruộng đồng ở thôn quê, ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vẫn kiếm không đủ cơm ngày hai bửa, sao lại nảy nòi ở đâu ra những kẻ giàu có đột ngột quá vậy?

Mấy năm sau này, nhờ Đảng ta đổi mới, li dị đoạn giao với cái thời bao cấp, học đòi theo “kinh tế thị trường” của bọn tư bản đang giẫy chết, nhưng ta không dại gì giẫy theo chúng, nhờ phát huy sáng kiến, đeo thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” thần sầu quĩ khốc, nên nền kinh tế ta khá ra, hô biến một cái, (giống như tề Thiên Đại Thánh) lập tức có ba tỉ đô xanh từ “khúc ruột ngàn dậm” ào ạt gửi về đều đặn hàng năm.

Nhờ vậy mà thành phố Nha Trang tôi rộ lên cái dịch xây Hô-Teo cho Tây Ba lô, mặc quần đùi áo thun, đến tham quan học tập.

Nhưng trừ mấy cái khách sạn sang trọng 4 sao, 5 sao dọc theo bờ biển do ngoại quốc đầu tư, đặc biệt dành cho “mấy ảnh trển” tiếp khách Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore… để ký hợp đồng xuất khẩu lao động và gã chồng cho mấy em gái quê muốn làm giàu tắt, còn kỳ dư là quán nhậu lềnh khênh. Chẳng thấy cái gì có vẻ là thành phố du lịch hết.

Từ ngã ba Thành chạy dài cho tới Chụt, rẽ sang tận Đồng Đế, Hòn Chồng, Bãi Tiên đâu đâu cũng quán nhậu. Chổ nào cũng nem chua Ninh Hòa, Vịt nướng. Không đặc biệt thịt rừng thì cũng đặc sản đồ biển.

Chỉ thấy ăn nhậu chớ không thấy làm lụng.

Vậy thì tiền ở đâu mà có để ngày nào cũng ăn nhậu?

Vẫn theo báo Khánh Hòa điện tử cho biết, đạo quân bán vé số dạo, khắp hang cùng ngõ hẽm ở NhaTrang lên đến con sổ hãi hùng là 2.500 người. Trong khi đó, tổng số dân thành phố là 337.803 (theo thống kê năm 2000). Vậy tính theo tỷ lệ cứ hơn một trăm người một chút là có một người sống bằng nghề bán vé số dạo, thu nhập mỗi ngày chưa tới mười ngàn đồng.

Tác giả Xuân Thân, bài phóng sự: “Dưới mái nhà vé số” sau khi kể lại nhiều nỗi gian nan, đoạn trường, cay đắng cảnh cơ khổ của đoàn quân bán vé số dạo, chép miệng than:

“ Nghề bán vé số vốn khổ cực dầm mưa dãi nắng, vậy mà người bán vé số phải đối mặt với nạn giật vé, tráo vé…Chia tay những NBVS, trong đầu tôi luôn day dứt một câu hỏi: “Tại sao xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao nhưng số người hành nghề bán vé số lại càng ngày càng nhiều?Và tôi thầm mong, một ngày nào đó thần may mắn sẽ đến với họ - những người chuyên đi bán vận may cho thiên hạ - giúp họ thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn.

Xuân Thân

Chắc chắn cái anh Xuân Thân này sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời và điều thầm mong của anh ta chẳng bao giờ thành hiện thực bởi Đảng ta theo chủ nghĩa vô thần thì làm gì có thần may mắn mà xuất hiện ra tay cứu giúp.

Viết tới đây thì tôi nhận được cái E-Mail khẩn cấp của một người bạn từ quê nhà gửi sang cầu cứu: “Thằng D. bạn học với bọn mình ngày xưa, đi cải tạo về, chuyên bán vé số dạo hơn hai chục năm nay để nuôi con, đứa con gái bị bệnh tâm thần. Hôm qua nó dựa chiếc xe đạp trành bên gốc cây để đi tiểu cạnh đó. Lúc quay lại thì cái xe và toàn bộ vé số với mớ tiền bán được buổi sáng biến mất. Nó đang chới với vì không có tiền đền cho Đại lý và kiếm chiếc xe khác làm ăn để nuôi con. Mấy bạn ở nước ngoài thương tình cảnh của nó mà quyên góp kẻ ít, người nhiều giúp dùm cho nó trong cảnh ngặt nghèo này”.

Đọc xong cái “meo” lòng tôi cũng ngẩn ngơ. Cái câu than của anh chàng Xuân Thân bỗng nhiên buột ra cửa miệng tôi lúc nào không hay.

Có phải dân Nha Trang tôi bỗng chốc giàu lên nhanh chóng là nhờ biết khai thác tài nguyên sau hè nhà mình chăng?

Nhớ lại, thời gian đầu 75, cán bộ Đảng ta đêm nào cũng lùa dân ra trụ sở Phường để học tập đường lối, chính sách Đảng, có cho biết:

- Sỡ dĩ Đế quốc Mỹ xâm lược nước ta là vì chúng tham lam muốn chiếm lấy mỏ dầu của ta. Trữ lượng dầu của ta nhiều vô cùng tận. Dầu của ta nhiều ví như con voi. Dầu trên thế giới ví như con tem dán lên đít voi vậy. Đồng bào cứ việc ra sau hè nhà bới lên vài bới là có dầu nấu bếp và thắp đèn.

Cán bộ ta nói ngon lành. Nói rất ư là thành khẩn, y như chuyện có thật. Còn dân ngu khu đen ngồi la lết dưới đất, ôm bụng cười gần chết.

Không lẽ ba chục năm sau, lời cán bộ nọ lại trở thành sự thật chăng?

Ai mà ngờ được lời tiên tri quàng xiên, láo toét như thế mà thiêng. Bỗng dưng cái câu “rừng vàng biển bạc, đất kim cương” nói ví von cho vui vậy mà lại thành sự thật.

Có nhà ra sau hè đào lên thấy toàn là kim cương. Hốt một mớ xây nhà lầu hai ba “mê”*. Mua xe hơi xịn Mẹc xê đì. Sắm chó Phú Quốc 30 triệu một con.

Có nhà đào lổ trước sân trồng hoa, hốt lên toàn là vàng khối, chở cả xe tải. Lại lật đật xây khách sạn Muôn sao. Mua xe BMW kẻo trễ.

Dân đánh cá ngoài biển, kéo lưới lên được toàn bạc nén, sáng trưng chớ không phải cá. Nhiều ghe chở bạc khẳm be, suýt chút nữa bị chìm.

Biển bạc mà!

Mấy cái vũng sình trồng rau muống dọc theo hai bên lề đường, đoạn từ Mã Vồng lên Phú Vinh bây giờ cũng phọt lên dầu lửa ngày đêm. Dân ở đó cứ đem thùng hứng, đi bán thả ga. Giàu lên vùn vụt. Tiền đô tươi chảy vô nhà không kịp đếm.

Mấy trăm mẫu rừng quanh tỉnh bị chặt trụi lũi để làm củi, tưởng đâu đất bị sói mòn trơ ra đá sõi nào ngờ đá sõi lại biến thành vàng cục. Dân quê tha hồ đi lượm mõi tay.

Rừng vàng mà!

Khỏi cần tới cái nhà ông Hoàng trung Thông xúi trẻ ăn cứt gà nữa:

“Bàn tay ta làm nên tất cả,

Với sức người sõi đá cũng thành cơm.”

Thế kỷ thứ hai mươi mốt rồi. Ông Thông mơ ngủ ơi! Người dân đâu còn đủ sức nữa. Bây giờ là thời đại “a còng (tay)”. Người ta chỉ dùng mấy ngón tay là đủ có cơm. Chẳng hạn mấy ông có chức, có quyền chỉ cần mấy ngón tay nguấy ngoằn ngoèo cái chữ ký để phân phối “cô ta” hay quệt cái chử thập, ra lệnh trưng thu đất của dân rồi đem phân lô bán lại cho ngoại quốc là có tiền đô bạc tỉ rồi.

Còn dân đen thì chỉ cần bới bới, moi moi sau hè nhà như nói ở trên cũng là triệu phú đô la rồi.

Cám ơn Đảng. Cám ơn Nhà nước lắm lắm. Bây giờ thì “khúc ruột ngàn dậm” khỏi phải rót máu về tiếp cho thân nhân nữa rồi.

Chưa hết chuyện chó. Xin xem thêm một trích đoạn nữa trong Tuổi Trẻ Online để cho đủ bộ lệ: Chó má!

Trích báo Tuổi Trẻ

ttp://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=109249&ChannelID=

Chợ… người!

( Phóng sự của Thế Anh, Trần Huỳnh, Ngọc Diện)

Tôi đi mua… người!

TT: Khi mùa lũ tràn về phủ trắng ruộng đồng miền Tây cũng là lúc những phận người mưu sinh ồ ạt kéo lên thành phố. Có người may mắn kiếm được việc làm, nhưng không ít người trôi dạt vào những phiên “chợ người” mà nơi đó phận người được mua bán, trả giá như những món hàng vô tri vô giác.

“ Cần người bế em bé hay bế người lớn?”

“ Chẳng biết tự bao giờ, đoạn đưòng Ba tháng Hai thuộc Q.10, TP.HCM đã hình thành một phiên chợ mà nhiều người gọi là “chợ người”!

Đến đó, khi tôi mới nói cần tìm một bé gái chừng 14-15 tuổi biết bế trẻ con thì được giới xe ôm nơi này chào mời ngay: “Loại nào cũng có. Cần người bế em bé hay bế cả người lớn cũng được, ngồi lên tôi chở đi.”…

Mấy anh cò cho tôi một tấm danh thiếp rất ấn tượng: “D.-chuyên giới thiệu nữ giúp việc nhà, bán cà phê, bia, cơm, phở, may…”. Tôi tìm gặp chủ nhân tấm danh thiếp ghi trong hẻm 1099 đường Ba tháng Hai. Chủ nhân đang ngồi giữa, xung quanh là mấy người đàn ông đang nhìn bốn cô gái vừa đưa từ quê lên.

Mấy gã đàn ông vừa bình phẩm, cười cợt một cách khiếm nhã. Các cô gái không dấu được vẻ sợ hãi. Tôi nói với D. là mới mở quán cà phê đèn mờ, cần khoảng mười em. Không một chút đắn đo, D. nói ngay: “Cà phê ôm chứ gì? Nói toẹt ra để dễ làm ăn với nhau. Mấy quán cà phê ôm bên Q.7, Q.9, thậm chí trên Bình Dương điện nhờ tôi kiếm người hoài… Mà nói trước nha, hàng này khác giá ôsin nha…

“Bao nhiêu?”- tôi hỏi. “ Ba trăm một đứa”.

Điện thoại của ông chủ cứ réo vang liên tục, người gọi “đặt hàng” tới tấp: “ Mấy đứa?…Mười sáu, mười bảy tuổi hả, mai có người đưa lên liền, tui chặt cò mỗi đứa ba trăm, cho tháng lương đầu tiên…”

… Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đứng sau những “vựa người” trên đường Ba tháng Hai là cả một đường dây chăn dắt được nối mạng từ các miền quê có nhiều người thất nghiệp như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp…lên TP. HCM.

Mỗi đường dây đều có những người chuyên dắt mối để bán đi từng số phận mà cay nghiệt hơn là còn “cắn cò” vào thẳng tiền lương tháng của người lao động mà không cần biết công việc ổn định được bao lâu…

Những cuộc mua bán không…văn tự

“ Cái con đen đen kia giá bao nhiêu?” Một ông phốp pháp đậu chiếc Dylan đỏ chói giữa đường chỉ vào nhóm thiếu nữ tay xách, tay bị lấm lem bên lề đường. Một người đàn bà nhanh chân bước xuống đường: “ Ba trăm rưởi, lương bao cơm tám trăm, tết không cần về quê…” Cô bé da ngăm đen bước tới phân bua:” Bảy trăm con cũng làm nhưng tết con về lo mồ mả cha mẹ, con nói với dì rối mà!”.

Bà “cò” chống nạnh quát: “ Mày biết gì mà nói?Muốn kiếm việc mà còn eo xách! Hai vợ chồng đi xe hơi trờ tới. Người đàn bà ăn mặc sang trọng bước xuống nói với bà “cò”: “ Hai con đen rửa chén bốn trăm, năm thằng trắng chạy bàn năm trăm, chiều có được không bà?”. Bà “cò” nhỏ nhẹ: “ Hai chục đứa cũng có, nhưng dạo này tụi đen hút hàng lắm, chị cho năm trăm nghe, còn mấy thằng trắng em lấy chị giá cũ năm trăm…”.

Tôi ngạc nhiên với những tên gọi “trắng trắng, đen đen…”, anh Năm xe ôm giải thích: “Ở cái chợ này mấy tay “cò” gọi những người lao động gốc dân tộc thiểu số là “hàng đen” còn mấy cô cậu nông dân là “hàng trắng”. Trước đây “hàng đen” rẻ như bèo nhưng được cái rất siêng năng và khoẻ mạnh nên giờ người ta chuộng “hàng đen” hơn nên mấy tay “cò” mặc sức làm giá để ăn chênh lệch đồng lương của họ.

Hôm tôi trở lại chợ người tìm một cô bé giúp việc, bà “cò” mau mắn đưa ra một cô bé đen nhẻm khoảng 14-15 tuổi và bảo: “Xấu xí vậy mà siêng lắm nghen, lấy đi tui để cho một trăm!”.

Trong lúc bà “cò” quay sang tiếp mấy lượt khách khác vào xem “hàng”, tôi kéo cô bé ra hỏi chuyện. Em tên Trị, mới 14 tuổi, từ Sóc Trăng lên. Em cho biết đã từng đi làm cho một gia đình ở Cần Thơ, người ta trả 300.000 đồng, bao cơm. Có người bảo lên TP.HCM được trả giá cao hơn nên theo mấy anh “cò” ra bến xe và được đưa lên đây. Đã ba ngày trời người ta trả giá tới trả giá lui. Với em, chỉ cần trả 400.000 đồng là em làm ngay. Nhưng bà chủ vẫn chưa cho đi. Bà đang chờ giá cao hơn để ăn chênh lệch…

Thiên phóng sự rất dài, đăng những hai kỳ liên tiếp, nhưng tôi chỉ trích lại đôi chút để các bạn coi chơi cho biết cái “chó má” của sự đời. Nếu tôi trích nhiều thêm một chút nữa thì e rằng các bạn sẽ “lạc đường vào mê hồn trận” của cái cảnh đấu giá nô lệ da đen ở thế kỷ 15. Các bạn sẽ hoảng loạn tinh thần rồi tự véo vào bắp vế mình để biết đang tỉnh hay mê. Rồi hốt hoảng hô toáng lên rằng:

- Sao lại có cuộc buôn bán nô lệ mọi rợ ngay trên đất nước ta giữa thế kỷ 21 này?

Và tôi đoan chắc rằng bạn sẽ dụi mắt mấy chục lần mà vẫn không tin mình đang sống thực giữa cái xã hội “triệu lần dân chủ” có cái tên mỹ miều là Xã Hội Chủ Nghĩa này. Bạn cứ đinh ninh mình đang nằm mơ sống giữa thời Trung cổ, người ăn thịt người.

Tôi định viết một bài vui vui để các bạn đọc chơi ba ngày Xuân, nhưng khi đắm chìm vào hai bài báo trên, thật sự tôi không còn thiết tha gì nữa cả. Tôi cũng không còn lời nào để gọi là lời bàn Mao Tôn Cương hay lời bình Kim Thánh Thán được. Hai bài báo ấy đã nói lên hết cái “ưu việt” của cái xã hội hôm nay rồi.

Tôi chỉ muốn nhắc lại cho các bạn “nắm” các con số thôi, để khi nào có dịp “áo gấm về làng” thì bạn sẽ dễ dàng hội nhập vào cái xã hội ưu việt ấy .Và nhất là khỏi bị “hớ” giá.

Cái con đen đen: giá 100.000$. So với Con Chihuahua giá 2000.000$

Cái thằng trắng trắng: giá 500.000$. So với Con Phú Quốc: giá 30 triệu.

Người bán vé số dạo: thu nhập 10 ngàn đồng một ngày. So với Chợ người: Chặt “cò” mỗi đứa 300.000 đồng.

Đọc chuyện ta rồi ngẫm ra chuyện người. Thấy rằng:

- Ở xứ Mỹ có nhiều Bà, nhiều Cô, cả nhiều Ông nữa, sáng sáng, chiều chiều thong thả, nhàn nhã dắt chó đi dạo thật. Nhưng chưa từng thấy ai “ lemon question”* như Việt Nam ta. Thỉnh thoảng lại thấy có Cô hay Bà vừa bù lu, bù loa khóc như cha chết, mẹ chết, vừa đi dán mấy tờ giấy lên mấy cây cột đèn ở ngã ba, ngã tư rao thưởng cho ai tìm được con chó cưng hay con mèo cưng vừa thất lạc. Chứ chưa hề thấy có ai “mướn nguyên một chiếc xe du lịch để chở con chó đi chữa bệnh cả năm trời tốn 14 triệu bao giờ”.

Ôi cái xứ sở ta sao mà khốn khổ như thế không biết.

Đã hơn 70 năm, “Bác” du nhập cái Thiên đường Cộng Sản vào nước ta để cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, người không bóc lột người, ai ai cũng như nhau. Cớ sao càng xây dựng đất nước, càng đi lên Xã Hội Chủ Nghĩa mà giá trị con người lại tụt xuống, thua xa giá trị một con chó cả ngàn lần vậy?

Cái khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng khoét rộng ra, không còn cách gì vá víu lại được.

Thật là:

Trời sao trời ở chẳng cân,

Kẻ ăn không hết, người lần không ra?

Lại lẩn thẩn nghĩ rằng nước ta lắm tai trời, ách nước. Bão tố, lụt lội xãy ra liên miên. Dân chúng chịu cảnh lầm than, gió mưa lạnh lẽo, đói khát triền miên, sao mấy ông lãnh đạo từ Tổng Bí Thư xuống hàng Bộ Trưởng, không tỏ lòng nhân, véo bớt chút tiền lẻ trong số triệu triệu đô la gửi ngân hàng ngoại quốc để giúp cho đám con dân nghèo khổ?

Và quí Ông quí, Bà bỏ hằng mấy chục triệu ra chơi chó sao nở nhẫn tâm ôm “cục cưng” của mình vào lòng mà đứng nhìn kẻ cơ hàn lê la đầu đường xó chợ xin ăn?

Rồi lại hết phái đoàn này tới phái đoàn kia kéo nhau ra nước ngoài ngữa tay xin tiền cứu trợ.

Không biết nhục quốc thể hay sao?

Để giữ quốc sĩ, tôi xin hiến kế mọn, nhất cử mà có đến tam, tứ, ngũ, lục (đại) tiện, giúp cho nuớc ta giàu mạnh cấp kỳ, chẳng cần phải bị gậy đi xin (thằng chó) tư bản nào hết.

Cái kế này cũng chẳng phải tôi nghĩ ra hay mới mẻ gì, nó đã được áp dụng nhiều lần trong quá khứ rồi. Mà lần nào kế cũng thành công, đại thành công. Nói theo kiểu lưỡi gỗ chuyên nịnh hót của tên lưu manh Vi tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh ký thì là “đại công cáo thành”.

Lâu nay Đảng ta bận tr ăm công ngàn chuyện nên xếp nó ở trong xó. Vậy mà bọn thối mồm chúng cứ ì xèo với nhau rằng “Đảng ta ngủ quên trên chiến thắng!”

Quên thế nào được mà quên. Đó ngón võ độc tôn của các Ngài Mác Lê để lại. Ta chỉ vỗ béo chúng rồi thịt thôi.

Đó là “đánh tư sản” và “cải tạo công thương nghiệp”.

Kế sách này vừa theo đúng giáo điều Mác Lê ( chỉ cần nghe hai chữ “giáo mác” và “lưỡi lê” là bọn chuyên bóc lột đã teo bugi rồi) là vô sản hóa nhân dân ( tức là không cho thằng dân nào được giàu có, chỉ mỗi Đảng ta độc quyền giàu mà thôi) lại vừa triệt hạ được bọn doanh thương tư nhân. Cái bọn này rất “phản động” thấy ta vừa he hé cởi trói, (theo kiểu ta giả vờ theo cái “kinh tế thị trường” để bọn đế quốc mắc lõm kết nạp ta vào WTO đó mà), cho buôn bán chút đỉnh là được trớn làm tớI, muốn tranh ăn với “kinh tế quốc doanh” ta. Đừng có mà hòng! Cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của ta đàng sau, quất ngược một cú là đi đời nhà ma đấy con ạ! Hãy liệu cái thần hồn!

Tôi đề nghị hãy mau mau , cứ ba niên mần một quắn. Đừng để năm năm theo kế hoạch ngũ niên như lâu nay thì hơi chậm. Cứ ba năm đem đao ra làm một lần, chỉ cần mười lần, tức ba mươi năm sau, năm 2035, bảo đảm Việt Nam sẽ giàu có vượt bực, đứng đầu Đông Nam Á. Và lúc đó, bọn đế quốc mới biết gờm Việt Nam ta. Mới biết thế nào là lễ độ. Lúc đó thì hai cửa khẩu Nội Bài và Tân sơn Nhứt sẽ không đủ thì giờ và đủ chổ để cho máy bay AirBus, Boeing tấp nập lên xuống xin làm quen với ta.

Hồi trước Bác Mười múa đao hai bận đều thành công rực rỡ từ Bắc vô Nam rồi. Bây giờ Bác đã lên chức Thái thượng Hoàng, chắc Bác không cầm đao nữa. Bác chỉ ngồi trên cao làm cố vấn thôi. Có lẽ Bác sẽ truyền đao và bí kíp lại cho hai đệ tử xuất sắc là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn đắc Xuân. Hai người học trò này chỉ trong vòng có mấy ngày mà chôn sống hơn năm ngàn người dân Huế vô tội trong cái Tết năm Mậu Thân. Thành tích này chưa ai qua mặt được.

Hiện nay, Hoàng Phủ Ngọc Tường đang bận ngồi xe lăn, chỉ hoạt động cái lưỡi thôi, không cầm đao được. Có lẽ người kế vị Bác Mười sẽ là chú Nguyễn đắc Xuân.

Chú Xuân ngoài sở trường đao pháp ra, tính tình tàn độc hơn Bác Mười nhiều, lại kiêm thêm sở đoản là môn đạo văn thiên hạ nữa nên rất xứng đáng được Bác Mười tin tưởng truyền giao Y Bát.

Lại nhắc cho chú Xuân nhớ mấy câu khẩu quyết trong bí kíp võ công đao pháp “tàn chi quái đao” kẻo chú hăng lên rồi quên. Đó là:

Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ.

Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong.

Cho Đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng

Thờ Mao Chủ t ịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt.

( Binh pháp của Tổ Sư Bốn Lành ngoại hiệu là Tố Hửu)

Ôi tương lai xán lạn biết là chừng nào. Nói không hết được. Chấm “on bon phi nan” ở đây.

Năm con gà chưa hết. Con gà bị nạn dịch từ năm Thân cho tới gần hết năm Dậu mà vẫn cứ bùng phát mãi. Đến nay đã lan ra đến 17 tỉnh rồi.. Gà chết, người chăn nuôi chết theo vì tán gia bại sản chứ không chết vì cái con vi rút H5N1 gì gì đó. Đền bù 5000$ cho một con gà không đủ để thuê người mang đi chôn hay thiêu hủy. Nên nạn dịch cứ còn hoài.

Hiện nay bệnh dịch đã lây sang người, đã chết khá bộn, không biết con vi rút H5N1 này có lây lan sang chó hay không? E rằng sang năm Tuất, H5N1 biến dạng thành H6N2, nhiễm vào chó thành dịch chó dại không biết chừng.

Lúc ấy đại hoạ sẽ khôn lường.

Nhưng biết đâu lại là điều may! Chó dại sẽ quay lại cắn chết chủ nó để xã hội bớt đi những kẻ làm giàu bất chính trên mồ hôi nước mắt dân đen. Bớt đi những kẻ cậy quyền thế trong tay cướp đoạt tài sản đất nước làm giàu trên xương máu nhân dân.

Mong lắm thay.

Và để chấm hết chuyện năm Tuất nói chuyện chó, theo lệ xưa chúc xì xằng mấy câu: đa phước, đa lộc, đa thọ, đa tử, đa tôn, đa phú quí, xin nhại cụ Tú Xương mà rằng:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang,
Chúc nhau từ chó tiến lên quan.
Phen này ông quyết đi buôn chó,
Vừa bán vừa xua cũng đắt hàng.

Mùa Đông 2005
Thanh Thanh.
___________________________
* “coa tờ rờ đít”: quarter credit: 4 tín chỉ cần có trong 1 năm làm việc. Tối thiểu phải làm việc 10 năm, có đủ 40 quarter mới được hưởng hưu trí khi quá 65 tuổi.

* “ Pho ô oanh cây” 401 K: chương trình đặc biệt dành cho công nhân gửi tiền Hưu được miễn thuế và được Công ty cho thêm phần trăm trên số tiền lương trích gửi hàng tuần.

* “Lemon question”: tiếng lóng trong nước: chanh + hỏi= chảnh.

* “mê”: tiếng chuyên môn trong giới xây cất. 1 “mê” là một tầng.


No comments:

Post a Comment