Tuesday, March 13, 2018

Bố Đạt La Cung - Potala ở Tây Tạng (phần 2)

Xem lại => Bố Đạt La Cung - Potala ở Tây Tạng (phần 1)

Tượng Đức Phật Thích Ca (Shakyamuni) bằng vàng ròng tạc song song với tượng Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Losang Gyatso bằng bạc từ thế kỷ 17 

Tượng đồng của Phật A Di Đà (Amitabha hay Amitayus)

Và tất nhiên không thể thiếu được tượng bạc của đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa) là người sáng lập Hoàng Mạo Giáo (Gelugpa Sect) tạc từ thế kỷ 17

Bức tượng quan trọng nhất trong cung Potala: Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara) được mang vào Tây Tạng từ thế kỷ thứ 7 

Stupa Tomb của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 Thubtan Gyatso: cao 12.97m, rộng 7.83m, làm từ 18,870 lượng vàng ròng, bên trong có chứa cả di hài của Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây chỉ là 1 trong hàng chục Stupa bằng vàng ròng được lưu giữ trong cung Potala

Trong 4 bậc của Stupa tượng trưng cho Tứ Diệu Đế (có dịp điểm qua với bạn đọc ở bài trước), người Tạng trang trí bằng kim cương, đá quý, hồng ngọc, lục ngọc; mỗi viên có kích thước lớn và đều là tài sản vô giá:

Những Mandala (Mạn Đà La) 3D độc nhất vô nhị bằng đồng được đúc cách đây hàng trăm năm


Thangka cổ kể lại lễ hội năm 1695 sau khi cung Hồng Cung được xây dựng xong

Thangka cổ hoạ hình Đạt Lai Lạt Ma thứ 1 và thứ 3 – tác phẩm của trường phái Menthang:

Thangka vẽ từ thời nhà Đường cũng thuộc trường phái Menthang

Hình tượng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Manjushri) qua bút pháp của trường phái Khen-tse từ thế kỷ 17

Các báu vật khác trong cung: giáo huấn của Phật viết bằng tiếng Phạn trên giấy cọ (palm tree leaves)

Khèn làm bằng vàng của người Tạng để thổi báo hiệu giờ nghỉ khi tụng kinh

Những pho sách cổ nhất lưu giữ trong cung

Hy vọng vài hình ảnh trên cho bạn đọc cái nhìn chính xác hơn về những báu vật liên thành đang được bảo quản bên trong bảo tàng văn hoá Potala.Quay trở lại với bài viết, chúng tôi men theo con đường phía sau để đi xuống. Được biết con đường này vốn dành cho các nhà sư cưỡi ngựa lên Potala, riêng Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 còn lái xe ôtô lên xuống!


Khu vực công viên phía sau Potala nhìn từ trên cao


Cánh cổng cuối cùng của quần thể cung Potala, ra khỏi đây, chúng tôi lại bắt đầu một cuộc đi dạo mới, đó là đi hết vòng Kora lớn theo tường bao ngoài dưới chân cung điện

Con đường này đẹp tuyệt vời! hàng trăm chiếc kinh luân màu đồng óng ả in nổi câu kinh Om Mani Padme Hum xếp dọc theo tường, chốc chốc lại có người đi tra dầu bôi trơn cho từng chiếc, những đoàn người Tạng vừa đi vừa đẩy kinh luân xoay theo chiều kim đồng hồ giữa cái nắng trưa oi ả. Ở đây, người viết gặp nhiều người Tạng hơn cả, khác với bên trong cung điện Potala đa phần là khách thập phương





Ba stupa lớn trong công viên phía sau cung Potala

Con đường Kora kết thúc cũng là lúc du khách đến bến xe buýt trước cửa cung Potala




Chắc phải lâu lắm nữa tôi mới có dịp đứng ngắm Potala như thế này. Chưa thấy ai viết tặng Potala mấy vần thơ, tôi xin mượn ý thơ trong Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan sẽ hợp tâm trạng hơn:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương …


Chưa đến Potala thì chắc tôi không hình dung được bên cạnh dáng vẻ uy nghi hoành tráng, nơi đây đang trải qua những biến động ngầm, thách thức sự tồn vong của nền văn hoá cao nguyên lâu đời. Người Tạng thường làm ra những Mandala cát rất đẹp và công phu rồi lại quét bỏ đi như một cách biểu hiện tính vô thường của hiện hữu; phải chăng những gì họ tạo dựng được hàng nghìn năm qua đang phải đối mặt với một giai đoạn mới trầm luân hơn, như 1 quy luật của tạo hoá có thịnh có suy? Nói về cung điện Potala , vị đáo bình sinh hận bất tiêu (đi mà chưa đến cả đời hận khôn nguôi), nhưng liệu đắc đáo hoàn lai hận khả tiêu (đến rồi khi về có thực sẽ nguôi ngoai)?

Nguồn: Lê Minh Hưng Word Press

No comments:

Post a Comment