Thursday, January 30, 2020

Những điều cần biết về Corona Virus và ngăn dịch bệnh phát triển - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ


Thời gian ủ bệnh của virus này được cho là từ khoảng 2-14 ngày. Trong giai đoạn ủ bệnh, người bệnh không có triệu chứng rõ ràng và rất dễ bị lọt qua các trạm kiểm soát dịch. – TS Nguyễn Hồng Vũ. (Ảnh minh họa/Damian Ryszawy/Shutterstock)

Sau đây là những kiến thức khoa học (theo cách viết bình dân giúp dễ hiểu) mà mọi người cần hiểu để hình dung đối tượng Corona virus 2019-nCoV là như thế nào và cách phòng dịch bệnh hiệu quả nhất phải làm sao.

1. Virus khác vi khuẩn

Vi khuẩn là vi sinh vật đơn bào phát triển mạnh trong nhiều loại môi trường khác nhau, một số có thể sống trong những môi trường đặc biệt như rất nóng hoặc rất lạnh. Một số sống cộng sinh trên cơ thể người như trong ruột giúp tiêu hóa thức ăn và thậm chí giúp tăng cường hệ miễn dịch. Hầu hết các vi khuẩn không gây hại cho con người, nhưng vẫn có một số ngoại lệ gây bệnh cho người như lao, viêm họng, đường ruột, tiết niệu,…

Trong khi đó, so với vi khuẩn, virus rất nhỏ, không phải là một tế bào có đầy đủ các bào quan để có thể sống độc lập trong môi trường mà đòi hỏi “phải có vật chủ để sống” – như tế bào người, thực vật hoặc động vật – để nhân lên và phát triển. Nếu không, chúng sẽ chết. Khi virus xâm nhập vào cơ thể bạn, nó xâm nhập vào trong một số tế bào của bạn và chiếm lấy bộ máy tế bào, chuyển hướng bộ máy đó để phục vụ cho nó, tạo ra virus mới và nhiễm tiếp người khác (Hình A).

Do vậy, “kháng sinh” là các chất có tác động lên sự sống của vi khuẩn như tác dụng lên sự hình thành màng tế bào vi khuẩn (Ampicillin, Penicillin, Amoxicillin,…) hoặc tấn công lên sự tổng hợp protein của vi khuẩn (Kanamycin, Streptomycin, Tetracycline),… sẽ không có tác dụng lên sự sống của virus (vì virus không có những thứ đó!). Cho nên, khi bị bệnh bởi virus thì không nên tùy tiện dùng kháng sinh vì nó không hiệu quả mà lại ảnh hưởng xấu đến vi khuẩn tự nhiên cộng sinh trong cơ thể bạn như vi khuẩn đường ruột!

2. Virus từ động vật “thỉnh thoảng” có thể lây sang người

Tôi dùng từ “thỉnh thoảng” bởi vì virus thường có những vật chủ riêng và chúng thường chỉ ở trong vật chủ đó. Thông thường virus không thể tự ý vào tế bào mà không phải là vật chủ của nó. Mọi người có thể hình dung như một người cần vào nhà thì phải có chìa khóa, virus của dơi thì có chìa khóa vô tế bào của dơi, virus của người thì có chìa khóa vô tế bào của người. Chìa khóa mà virus dùng thường là các protein trên bề mặt của chúng, trong trường hợp Corona virus đó là các cấu trúc như hình vương miện hay trong khoa học gọi là “viral spike glycoprotein” (Hình A).

(Hình ảnh: FB Vu Hong Nguyen)

Thông thường các virus đối xử với vật chủ của nó “không tệ” dù rằng nó vô tế bào vật chủ là nó sẽ tùy tiện sử dụng các vật dụng trong nhà vật chủ để nhân bản chúng lên nhưng chỉ thường gây những bệnh nhẹ cho vật chủ. Các chủng Corona thuần chủng của người (types 229E, NL63, OC43, and HKU1) thường chỉ gây cảm sốt thông thường rồi qua nhanh. Cũng tương tự vậy đối với các virus có vật chủ là động vật như chim, dơi, chồn, rắn,v.v…

Tuy nhiên, hiện tượng “thỉnh thoảng” lây chéo của virus từ động vật sang người xảy ra khi các chủng virus của người và của động vật có “cơ hội” gặp nhau để “trao đổi” các chìa khóa cho nhau. Điều này xảy ra khi người ta ăn thịt những động vật có mang virus, nhất là khi ăn sống hoặc không nấu chín kỹ, hiện tượng này trong khoa học gọi là “tái tổ hợp” (recombination) để tạo chủng mới mang 2 loại chìa khóa (hoặc hơn) cả người và động vật… lúc này nó có thể nhiễm dễ dàng vào tế bào của người. Do chúng là một virus “lạ” đối với người và cách chúng hành xử thông thường trong tế bào động vật có thể là quá mức đối với người nên chúng ta thường sẽ bị mắc bệnh nặng hơn so với cùng loại virus thuần chủng của người.

3. Tại sao cần tìm nguồn gốc động vật chứa virus gây bệnh ở người khi dịch xảy ra?

Mục đích của việc này là để “cách ly” các động vật này khỏi con người trong lúc dịch bệnh, càng xa càng tốt để hạn chế việc virus có thể sống trong chúng và truyền lại cho người. Trong kết quả nghiên cứu gần đây nhất cho thấy rắn có thể là vật chủ của con virus 2019-nCoV và con này có thể đã tái tổ hợp với con virus có nguồn gốc từ dơi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các nhà khoa học khác vẫn cho là chưa thuyết phục và họ nghi ngờ động vật khác thuộc loài có vú hoặc chim. Do vậy, cho đến hiện giờ thì việc tốt nhất là nên cấm đánh bắt và buôn bán các động vật hoang dã, ít nhất là rắn và dơi để hạn chế nguồn chứa virus tối đa.

4. Cách giảm tình trạng dịch bệnh

Bệnh do nhiễm virus Corona thường sẽ tự hết khi tế bào miễn dịch của cơ thể nhận biết sự hiện diện của chúng trong cơ thể và tấn công các tế bào bị nhiễm. Tôi có để một hình minh họa quá trình nhiễm của virus SARS và phản ứng các tế bào miễn dịch (Hình B). Mọi người có thể thấy phần màu tím là biểu hiện bệnh viêm phổi (pneumonitis) và màu vàng là số lượng virus trong cơ thể tăng trong giai đoạn đầu và giảm dần khi cơ thể có những đáp ứng của các tế bào miễn dịch (các đường màu đỏ, xanh lá, xanh dương). Virus sẽ bị tiêu diệt hết bởi tế bào miễn dịch cho đến lúc cuối kỳ bệnh.
Do vậy, cách để ngăn chặn dịch hiệu quả nhất mà các nước đang làm với loại virus này là “cô lập” người/nhóm người mắc bệnh để hỗ trợ điều trị, không cho virus có cơ hội nhiễm tiếp sang người khác. Do không có khả năng tự sinh sống ngoài môi trường và không còn ở được trong cơ thể người bệnh (do hệ miễn dịch đã nhận ra) nên virus sẽ bị tiêu diệt hết trong không gian bị cô lập này khi những người bệnh hồi phục.

Vì thế, trong tình trạng hiện nay, có một số bằng chứng cho thấy virus này có khả năng lây từ người sang người, khi bạn bị nhiễm bệnh không nên giấu mà nên đến trung tâm Y Tế đã được chỉ định để được kiểm tra và cách ly nếu cần thiết. Việc này vừa bảo đảm cho bạn có sự trợ giúp Y tế thích hợp để vượt qua cơn bệnh một cách tốt nhất vừa có thể giúp bảo vệ cộng đồng để dịch bệnh không tiếp tục bùng phát.

5. Cách phòng ngừa lây nhiễm
  1. Tránh đến chỗ đông người
  2. Rửa tay thường xuyên bằng xà bông (Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn).
  3. Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không rửa sạch.
  4. Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
  5. Làm sạch và khử trùng các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào (Ánh nắng mặt trời cũng là một nguồn năng lượng tốt để diệt các virus trong môi trường)
  6. Ăn đồ nấu chín, uống nước đun sôi để nguội.
  7. Giữ gìn sức khỏe để nếu cần chiến đấu với virus.
Nói chung, trong tình hình dịch bệnh của virus Corona 2019-nCoV thì việc “cách ly” là rất quan trọng! Việc ngưng các chuyến bay, chuyến du lịch của người Trung Quốc, đặc biệt từ Vũ Hán trong thời gian này là rất cần thiết để kiểm soát dịch tại chỗ và các nước lân cận. Thời gian ủ bệnh của virus này được cho là từ khoảng 2-14 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng rõ ràng và rất dễ bị lọt qua các trạm kiểm soát dịch!

Nguồn:  Facebook Tiến Sĩ Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA) ( đăng ngày 24/01/2020)

Tài liệu tham khảo:
https://www.cdc.gov/coronavirus/about/index.html  (About Human Coronaviruses)
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/index.html (2019 Novel Coronavirus, Wuhan, China)
https://jvi.asm.org/content/84/3/1289 (Cellular Immune Responses to Severe Acute Respiratory Syndrome Coronavirus (SARS-CoV) Infection in Senescent BALB/c Mice: CD4+ T Cells Are Important in Control of SARS-CoV Infection)
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/nuccore/MN908947 (Wuhan seafood market pneumonia virus isolate Wuhan-Hu-1, complete genome)
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/nuccore/NC_004718.3 (SARS coronavirus, complete genome)


No comments:

Post a Comment