'Chánh Nghiệp' là một trong tám 'con đường tu' rất căn bản và quan trọng của 'Bát Chánh Đạo' nhằm giúp người tu dứt được những nguyên nhân xa gần của mọi khổ đau trong đời sống thường ngày. Đức Phật đã thuyết giảng đề tài này ngay sau khi Ngài thành đạo, rồi tiếp tục suốt 45 năm hoằng pháp, kể cả những ngày cuối đời.
'Chánh nghiệp' là những nghề nghiệp, việc làm chân chính, ngay thẳng, dựa vào chính sức lực của tim óc và bắp thịt của mình để mưu cầu cuộc sống. Vì thế, ta có thể nói rằng đạo Phật đã có một hướng đi đúng đắn làm nền tảng cho bộ môn Kinh-Tế-Học Phật-Giáo.
Tại những quốc gia mà đa số dân chúng tin theo đạo Phật thường bảo rằng họ muốn gìn giữ đức tin theo chánh pháp của Phật giáo. Ở Miến Điện, người dân thường nói rằng “Chúng tôi không thấy có sự đối nghịch nào giữa giá trị tôn giáo và sự tiến bộ của kinh tế cả. Sự an lạc của 'thân' và sự thanh tịnh của 'tâm' vẫn thường trợ duyên cho nhau mà không hề có tương phản nào” hoặc là “Chúng tôi có thể kết hợp những giá trị tôn giáo và truyền thống tâm linh với những lợi ích có được từ kỹ thuật tân kỳ rất thành công.” hay là “Người dân Miến Điện chúng tôi có bổn phận phải biết dung hợp một cách hài hòa giữa 'mộng' và 'thực' trong đức tin của mình, và suy nghĩ đó vẫn luôn luôn mang lại kết quả viên mãn.
Cũng thế, có những quốc gia khác lại cho rằng họ có thể theo mẫu mực thiết lập kế hoạch phát triển kinh tế hiện đại, và rồi sẽ mời gọi các kinh tế gia từ những quốc gia tân tiến đến hướng dẫn họ phác họa chương trình có tầm cỡ để phát triển kinh tế theo những loại như 'Kế Hoạch Ngũ Niên' chẳng hạn. Và không ai có thể ngờ rằng phương cách sống theo đạo Phật, mà ta có thể gọi là kinh tế học Phật giáo, giống như nếp sống duy vật chất hiện đại, lại có thể mang đến sự thăng tiến như thế.
Ngay cả những kinh tế gia, cũng như hầu hết mọi chuyên gia khác, vẫn thường loay hoay trong cái mù quáng có tính siêu hình của mình mà cứ cho đó là khoa học của sự thật tuyệt đối cố định, và không được định hình từ trước. Có một số vị lại cho rằng những luật kinh tế đều không mang 'tính siêu hình' hay 'tính giá trị' như định luật của trọng lực. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên bận tâm đến những cuộc tranh cãi về phương pháp luận mà chỉ nên suy gẫm về một số điều căn bản nhất rồi thử nhìn sự việc bằng cặp mắt của một kinh tế gia hiện đại và một kinh tế gia Phật giáo để xem sự thể như thế nào.
Gần như ai cũng đồng ý rằng sức lao động của con người chính là cội nguồn căn bản của mọi sự giàu có trên đời. Trong khi đó thì những kinh tế gia lại cho rằng 'sức lao động' hay việc làm lao công chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu rất bình thường của con người. Còn đối với một chủ nhân ông của thời kỳ hiện-đại-hóa thì phải giảm đến mức tối thiểu sức lao động này, và nếu cần thì làm triệt tiêu luôn, để làm giảm giá thành sản phẩm. Nhưng với cách nhìn của người công nhân thì đó là sự bất công, vì khi lao động , con người đã hy sinh thời gian rảnh rỗi và sự thoải mái của đời mình để đổi lấy đồng lương, coi như là một đền bù cho sự hy sinh, mất mát đó.
Vì thế nên người chủ chỉ muốn có sản phẩm ra khỏi nhà máy mà chỉ phải sử dụng thật ít sức lao động của thợ thuyền, còn giới công nhân thì mong được làm việc để lãnh lương và không phải lo bị thất nghiệp.
Trong thực tế, không dễ gì áp dụng một trong hai phương cách trên và phải loại bỏ phương cách kia, mà nên dung hòa bằng cách biết sử dụng máy móc ở một mức độ thích hợp nhằm giảm bớt công việc nặng nhọc cho người lao động, như thế năng suất lao động sẽ tăng lên và sản phẩm sẽ xuất xưởng nhiều hơn. Đồng thời cũng nên áp dụng chế độ khen thưởng để khích lệ tinh thần làm việc. Phương pháp chia việc ra từng phần nhỏ để tăng thêm việc, và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người có ít tay nghề. Sự thật thì cách vận hành này cũng đã được áp dụng từ thời xa xưa.
Khi sắp xếp lao động , người Phật tử thường nhìn đến ba phương diện : trước tiên là tạo cơ hội cho công nhân thi thố tài năng, thứ đến là giúp cho mỗi người cùng cộng tác với các đồng nghiệp để tự xóa dần tính vị kỷ,(chấp ngã), và sau cùng là mang đến nhiều phúc lợi để cuộc sống được an lạc trong tự tại. Và như thế, phương cách này nên được áp dụng liên tục và mãi mãi.
Nếu sự tổ chức công việc mà luộm thuộm, không hợp lý, không gây được hứng khởi, mà chỉ tạo căng thẳng tinh thần, dễ gây ra bất đồng, mất đoàn kết và đưa đến bạo động, nghĩa là chỉ tạo điều kiện cho tội lỗi phát sinh. Nếu người chủ thiếu lòng từ bi, chỉ quan tâm đến sản lượng mà không để ý gì đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của người thợ là đã cố ý hay vô tình làm thui chột ý thức muốn hướng về chân, thiện, mỹ của họ. Mọi cố gắng đem sự thoải mái vào việc làm sẽ giúp cho người thợ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Đó là những yếu tố rất cần thiết cho thực tế cuộc sống có đạo lý.
Cũng từ nhận thức đó, người Phật tử đã thấy rõ sự khác biệt giữa việc sử dụng máy móc như công cụ phục vụ con người, làm thăng hoa cuộc sống, và việc dùng con người làm nô lệ cho máy móc. Để làm sáng tỏ ý nghĩa này, Ananda Coomaraswamy , một người rất am tường về nét đặc thù của nét hiện đại phương Tây và nét cổ truyền phương Đông đã phân tích : “Một người thợ thủ công giỏi bao giờ cũng thấy được sự khác biệt giữa một chiếc máy và một dụng cụ cầm tay. Cái khung cửi dệt thảm được chuẩn bị một cách cẩn thận, giúp cho người thợ khéo tay, sử dụng thật tài tình các ngón tay của mình đê luồn lách đưa từng sợi chỉ màu khác nhau với con thoi tay để có thể dệt một tấm thảm đạt đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật, diễn tả hết nét đẹp tuyệt vời của văn hóa dân tộc anh, mà chiếc máy dệt tân kỳ thì không làm sao diễn đạt được nét tuyệt mỹ ấy.” Từ cách suy nghĩ này ta có thể phân biệt được kinh tế học Phật giáo và kinh tế học hiện đại. Người Phật tử thấy được cái tinh túy của văn minh nhân loại trong sản phẩm hơn là chấp chặt vào sản lượng trong văn minh cơ khí hóa. Tính cách nhân bản này, thực sự đã hình thành từ khi con người đã biết sản xuất. xác định được nhân cách và nhận thức chuộng sự tự do muốn chọn cho mình một phương cách sản xuất. Một triết gia, cũng là một nhà kinh tế người Ấn Độ Ông J.C.Kumarappa đã đúc kết rằng :
“Nếu mọi người biết quí trọng đúng mức đặc tính của việc làm, thì sẽ thấy ra giá trị cao hơn trong tương quan nhân quả của việc và sản phẩm, giống như sự liên hệ giữa sức khỏe của cơ thể con người và thực phẩm được hấp thụ. Nhận thức đó sẽ nuôi dưỡng và tạo duyên cho con người sáng suốt hơn, thăng tiến khả năng sản xuất của mình, hun đúc thêm tinh thần cầu tiến và cũng biết tự chế lòng ham muốn thấp hèn để luôn luôn có chỗ đứng xứng đáng trong mọi giai tầng của công việc. Đồng thời, khả năng thi thố cũng được nâng cao để thể hiện tư cách, phẩm giá của mình.”
Nếu một người bị mất việc, thì anh ta sẽ rất lo lắng và thất vọng, vì không những chỉ mất đồng lương, mà còn thiếu cả nguồn sống từ vật chất đến tinh thần là những giá trị khó có gì thay thế được. Một kinh tế gia thời nay có thể tính toán hết sức chuẩn xác làm sao để mọi người đều có việc làm cố định và được hưởng lương, hoặc một cách kinh tế hơn, là bảo đảm được đồng lương trong khi việc làm có thể thay đổi, biến động theo tình thế, v.v.. Tiêu chuẩn căn bản của sự thành công trong kinh doanh hiện nay vẫn là tổng sản lượng hàng hóa phải xuất xưởng trong một thời gian qui định.
“Nếu mức độ tiêu thụ hàng hóa bị giảm sút nghiêm trọng, thì sẽ khó tránh được tình trạng phải sa thải công nhân ở những mức độ khác nhau, hoặc vừa phải hoặc ào ạt” như giáo sư Gaibraith đã viết trong tạp chí The Affluent Society, và hơn thế nữa: “Nếu vì sự ổn định của lợi nhuận mà phải chấp nhận sa thải công nhân thì phải cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho những người bị mất việc, để họ có thể giữ được mức sống bình thường, như một biện pháp cần thiết không thối thoát được”.
Theo cách nhìn của người Phật tử thì họ cũng thấy được trong thực tế thì còn nhiều người vẫn coi trọng sản phẩm hơn giá trị con người, và số lượng hàng hóa được tiêu thụ vẫn quan trọng hơn phẩm chất của sản phẩm mang tính sáng tạo. Nghĩa là đã xem nhẹ cái tài hoa khéo léo của người thợ, hay nói một cách khác, là hạ thấp giá trị nghệ thuật của người thợ đi, để tôn vinh cái gì ô uế, xấu xa theo thị hiếu thường tình. Điều quan trọng hơn hết trong quan niệm kinh tế của Phật giáo là làm sao cho mọi người đều có công ăn việc làm ổn định để kiếm sống. Đó không phải là một cường điệu trong sự tạo việc làm, hoặc sự gia tăng tối đa sản lượng. Khi những người phụ nữ của gia đình phải đi tìm việc ở các văn phòng hay những nhà máy thì đó là chỉ dấu thất bại nghiêm trọng của kinh tế. Cụ thể như là phải nhìn thấy các bà mẹ đang làm việc trong xưởng máy và bỏ các đứa con của mình chạy chơi rong ngoài đường phố là không hợp lý một chút nào trong ánh mắt của nhà kinh tế Phật giáo. Còn đối với các kinh tế gia thời hiện đại thì bất kỳ ai là người thợ giỏi thì đó là người chiến sĩ can trường của mặt trận sản xuất.
Trong khi những người ham sống xa hoa, mong muốn có nhiều hàng hóa để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, thì người Phật tử chân chính chỉ nghĩ đến sự giải thoát khỏi những vướng mắc vật chất thường tình. Dựa vào con đường “Trung Đạo” của Phật giáo, người Phật tử sẽ không thấy có gì là khúc mắc trong sự an lạc của tự thân . Sự giàu có không có chỗ đứng trong sự giải thoát, mà đó chỉ là vướng víu trở ngại mà thôi. Họ không cho hưởng thụ vật chất là thú vui, mà đó chỉ là những thèm muốn của dục vọng thấp hèn. Nét căn bản của kinh tế Phật giáo là tính giản dị và tinh thần bất bạo động. Từ cách nhìn của một người làm kinh tế Phật giáo thì tính mầu nhiệm trong cách sống đạo hạnh có thể làm toát ra sự hợp lý của từng mẫu mực – có khi với những phương tiện bé nhỏ đến bất ngờ lại có thể mang đến các kết quả mỹ mãn thật tuyệt vời.
Đối với một kinh tế gia hiện đại thì điều này thật là khó hiểu. Ông ta thường đo lường mức sống thường ngày bằng số lượng hàng hóa tiêu thụ hằng năm của một người, và cho rằng bao giờ một người biết tiêu thụ nhiều thì đời sống của anh ta phải tốt hơn so với một người ít biết tiêu thụ.
Một kinh tế gia Phật giáo thì nghĩ khác, và cho rằng sự tiêu dùng phung phí là không hợp lý, vì như thế là trái với sự quân bình của con người. Mục tiêu mà người Phật tử phải đạt được chính là sự an lạc tối thượng của thân tâm, và đó phải là kết quả của sự hưởng thụ có chừng mực. Vì thế, nếu ta chỉ cần quần áo để mặc đủ ấm đối với thời tiết và đủ đẹp khi được nhìn thì hà tất phải chạy theo thời trang để phải vứt bỏ đi một cách uổng phí những quần áo không còn hợp thời nữa. Như thế, ta sẽ có đủ thời gian, sức khỏe và phương tiện để chăm sóc làm đẹp cuộc sống tinh thần, nghệ thuật và tâm linh. Thật là không kinh tế chút nào khi chúng ta phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để nuôi dưỡng những kỹ nghệ may mặc tây phương trong khi còn quá nhiều người nghèo trên khắp địa cầu không có đủ mảnh vải để che thân và cần sự giúp đỡ, chia xẻ của chúng ta. Kinh tế học Phật giáo đã nghiên cứu một cách có hệ thống nhằm chấm dứt mọi nhu cầu xa xỉ bằng ý thức “tri túc “ và “thiểu dục”.
Một mặt khác thì kinh tế học hiện đại lại quan niệm rằng sự tiêu thụ là cứu cánh tối thượng và cũng là mục tiêu chính của mọi sinh hoạt xã hội, nên phải sử dụng nhiều đất đai,cũng như sức lao động và vốn liếng để làm phương tiện phát triển sản xuất.
Nói tóm lại, tùy vào cách nhìn của hai nền kinh tế Phật giáo và hiện đại, ta thấy được sự dị biệt tùy thuộc ở giá trị tinh thần và vật chất của hai quan niệm này về sự tiêu thụ hàng hóa. Từ đó, ta cũng biết được áp lực đè nặng trên vai của người dân tại hai nước Miến Điện và Hoa Kỳ khác biệt như thế nào. Một nơi thì mọi người được sống thanh thản, còn nơi kia thì sự căng thẳng cứ triền miên, mặc dù ở Miến Điện tỉ lệ sử dụng máy móc thay cho sức người lao động so với Hoa Kỳ thì thật là khiêm tốn.
Ai cũng biết rằng tính bất bạo động có liên hệ rất mật thiết với cách sống giản dị, nên khi nhu cầu tiêu dùng ở mức độ vừa phải thì ta sẽ thấy tinh thần được thảnh thơi, bớt được nhiều nỗi lo toan, chạy vạy cho có đủ phương tiện tiền bạc nhằm thỏa mãn ý thích. Như thế là đáp ứng được ý lời Phật dạy: “luôn tránh điều xấu ác, làm nhiều điều thiện lành, và giữ tâm thanh tịnh ".
Củng vì tài nguyên thiên nhiên ở khắp mọi nơi đang cạn dần, và nếu mọi người đều tự bớt nhu cầu tiêu dùng thì sẽ giúp làm giảm thiểu được những tranh giành, cướp giật đầy tính bạo hành mà ta thường thấy xảy ra ở những quốc gia, dân chúng đang sống dựa vào nền kinh tế toàn cầu.
Mọi nền sản xuất khởi đi từ tài nguyên của địa phương nhằm thỏa mãn nhu cầu của dân chúng cùng sống trong vùng, thì đó là phương cách rất thích hợp với quan điểm kinh tế Phật giáo. Nếu phải tùy thuộc vào nguồn hàng hóa nhập từ một nơi xa xôi, và được sản xuất bởi những người xa lạ thì đó là những trường hợp ngoại lệ và chỉ được áp dụng rất giới hạn trong cộng đồng Phật giáo.
Chính vì kinh tế gia hiện đại chấp nhận một sự tốn kém khi để một người phải di chuyển thật xa từ nhà đến nơi làm việc, và cũng không hợp với tiêu chuẩn của nếp sống cao, nên kinh tế gia Phật giáo đã thấy ra đó là một sự thất bại khi phải dùng nhân sự đến từ một nơi xa xôi để thỏa mãn theo ước muốn của họ, thay vì sử dụng những người sống trong vùng lân cận.
Thống kê kinh tế hiện đại thường dựa vào sự tăng trưởng của các con số 'tấn hàng hóa' hoặc 'dặm đường vận chuyển' tính trên đầu người của dân số mỗi quốc gia. Phương pháp này được xem như là tiêu chuẩn của sự phát triển kinh tế, thì những số liệu thống kê này lại trở thành chỉ dấu của sự tàn hại các mẫu mực nhận thức về nhu cầu trong cuộc sống của người có đức tin Phật giáo.
Một nhận định rất nổi cộm về sự khác biệt giữa hai nền kinh tế này đối với việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của trái đất. Bertrand de Jouvenel, một triết gia về chính trị rất nổi tiếng người Pháp đã định hình “Con người Tây phương” theo lời mô tả rõ ràng của một kinh tế gia hiện đại là:
Ông ta có khuynh hướng không kể bất kỳ thứ gì là phí tổn, mà chỉ chú tâm vào sự nỗ lực của con người, ông ta có vẻ như không màng đến tài nguyên mà mình đã phí phạm, và tệ hại hơn nữa, là có bao nhiêu sinh linh mà ông ta đã hủy diệt. Ông ta tỏ vẻ như không cần biết rằng nếp sống của con người là một phần lệ thuộc vào một hệ thống kinh tế gồm nhiều hình thái của đời sống. Vì thế giới này như bị chi phối bởi những thành phố mà ở đó người ta bị tách ra từ hình thái nào đó của đời sống không phải là tính người, và cảm giác về những gì là sở hữu của hệ thống kinh tế coi như là đã mất hẳn. Điều này đưa đến những hệ quả rất tệ hại không lường trước được trong cách hành xử đối với những thứ mà con người phải rất cần đến, giống như đối với nước uống và cây rừng vậy .
Hơn nữa, đức Phật cũng truyền dạy mọi người nên đối xử từ bi không những chỉ đối các sinh vật như loài người và động vật mà cả với cây cỏ nữa. Mỗi Phật tử nên phát tâm thường xuyên trồng thêm cây và chăm bón cho đến khi cây có đủ sức tự lớn mạnh. Nhìn vào sự kiện này, người Phật tử có thể xác định tính độc lập của nền kinh tế, nghĩa là không cần sự trợ giúp nào từ bên ngoài mà vẫn có thể tự phát triển. Có nhiều quốc gia ở vùng đông nam Á châu (và cả một số các vùng khác trên thế giới) vẫn bị chậm tiến một cách tủi hổ vì coi thường việc trồng cây gây rừng.
Còn kinh tế học hiện đại thì không để ý vào sự dị biệt giữa những vật liệu tái sinh được và không tái sinh được, mà chỉ lo tính cho quân bình và đủ số lượng của những vật liệu ấy bằng cách dùng trị giá của đồng tiền để chi trả. Vì thế, khi phải sử dụng những loại nhiên loại có thể thay thế cho nhau như than đá, dầu hỏa, cây rừng, hoặc sức nước, thì các kinh tế gia hiện đại chỉ nói đến trị giá tương đương của từng loại để phân biệt. Và dĩ nhiên loại nào rẻ nhất sẽ được ưu tiên dùng đến, vì nếu không là như thế thì chẳng hợp lý và kinh tế chút nào! Theo quan điểm của kinh tế gia Phật giáo thì dĩ nhiên không phải là như thế, vì sự khác biệt giữa hai loại nhiên liệu không tái sinh được như dầu hỏa hay than đá và tái sinh được như cây rừng hay sức nước thì không thể được xem xét quá giản dị như thế. Đối với loại nhiên liệu không tái sinh được thì chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết, và phải hết sức cẩn trọng vì lý do cần được bảo tồn. Sử dụng bừa bãi và lãng phí loại nhiên liệu này là một hành động mang tính bạo động. và để chu toàn việc gìn giữ tính bất bạo động trên trái đất này là điều khó đạt được. Bổn phận của mỗi con người là phải hướng đến mục đích lý tưởng là làm bất cứ việc gì cũng không được bạo động.
Chính như một kinh tế gia hiện đại ở Âu châu có thể không nghĩ rằng nếu tất cả tài sản nghệ thuật đã bán sang Mỹ với giá hấp dẫn thì không phải là một động thái thành công về kinh tế. Còn kinh tế gia Phật giáo thì nhấn mạnh rằng nếu dân chúng chỉ sống dựa vào những loại nhiên liệu không tái sinh được như dầu hỏa hay than đá thì cũng như là sống bám vào tư bản thay vì dựa vào thu nhập của chính mình. Nếp sống ấy sẽ không bao giờ được thường xuyên ổn định mà phải được điều chỉnh sao cho được thích hợp một cách tạm thời. Vì nếu những nguồn nhiên liệu như than đá, dầu hỏa và khí đốt được khai thác quá đáng và phân bố không đều đặn trên toàn cầu, thì ắt hẳn đó là một hành động có tính bạo lực đối với thiên nhiên và sẽ không tránh đưa tới sự bạo động giữa con người.
Riêng sự kiện này thôi cũng là chất liệu cho những quốc gia Phật giáo phải suy nghĩ. Cho dù họ không quan tâm gì đến những giá trị tôn giáo và tâm linh trong truyền thống của mình, họ vẫn rất mong được ôm cả chủ nghĩa duy vật của kinh tế học hiện đại càng nhanh càng tốt. Trước khi cởi bỏ được quan niệm kinh tế học Phật giáo, vì đó chỉ là một giấc mơ muốn 'trở về cố hương' không hơn không kém, thì họ cũng rất muốn sẽ đi được trên con đường phát triển của nền kinh tế hiện đại, và rồi sẽ dẫn họ đến một nơi mà họ muốn tới.
Dẫn chứng ở phần cuối của tác phẩm đáng khích lệ của mình là quyển 'The Challenge of Man's Future 'giáo sư Harrison Brown ở viện kỹ thuật California đã đánh giá:
Như chúng ta thấy một cách căn bản rằng xã hội công nghiệp thì không còn ổn định nữa, mà phải bị biến dạng thành một hình thái mang tính nông nghiệp, và trong đó, những điều kiện cho tự do cá nhân cũng không còn chỗ đứng với khả năng tránh được những tình trạng bị áp bức bởi một hình thái tổ chức chặt chẽ với sự kiểm soát độc đoán. Thật vậy, khi chúng ta quan sát tất cả những khó khăn có thể hăm dọa sự sống còn của nền văn minh công nghiệp, mà ta đã biết từ trước, thì thật là không dễ gì tìm ra phương cách để vẫn giữ được sự ổn định của nó cho đến cuối và bảo toàn được sự tự do cá nhân như một dung hợp hài hòa.
Cho dù hiện tượng này đã không còn nữa trong cách nhìn dài hạn, nhưng ta vẫn phải đối diện với vấn đề tức thời là liệu “sự hiện đại hóa”- vẫn đang tồn tại bất chấp những giá trị tôn giáo và tâm linh- có còn thực sự sản sinh được những hệ quả chấp nhận được hay không. Những khối lượng được thấy được thì thật là kếch xù, nhưng hậu quả thì cũng thật là khủng khiếp – nền kinh tế nông thôn thì đã sụp đổ, tình trạng thất nghiêp thì lan tràn khắp mọi thành phố và quốc gia, còn sự tăng trưởng tính vô sản thành phố thì không có khả năng nuôi dưỡng được con người cả phần thể chất lẫn cả tâm hồn nữa.
Dù cho ai còn tin tưởng rằng sự tăng trưởng kinh tế là quan trọng hơn những giá trị tôn giáo và tâm linh, thì dưới ánh sáng của cả kinh nghiệm thực tiễn trong hiện tại và viễn ảnh tương lai dài hạn, việc nghiên cứu kinh tế học Phật giáo vẫn rất cần được quan tâm. Vì đó không phải là việc chọn lựa giữa “sự lớn mạnh hiện đại” và “sự trì trệ cổ điển”, mà là vấn đề tìm ra một con đường đúng cho sự phát triển. Đó chính là con đường “Trung Đạo” giữa sự thờ ơ của các “sứ giả duy vật” và sự bất động của các “nhà tồn cổ”. Hay nói một cách ngắn gọn là tìm cho ra con đường của“Chánh Nghiệp”./
Dịch giả Nguyễn Hiến Lê
No comments:
Post a Comment