Audio
Tin bà Trần Lệ Xuân tức bà Ngô Đình Nhu, người từng được coi là Đệ nhất phu nhân của Việt Nam Cộng Hòa trước đây từ trần tại Roma cách đây đúng một tuần, ngày chủ nhật 24/4, đã khiến cho dư luận trong và ngoài nước hết sức chú ý.
Sau cuộc đảo chính năm 1963, hầu như không ai biết gì về bà, vì bà sống ẩn dật, hầu như không có một tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài. Người ta chỉ biết là bà đang viết một cuốn hồi ký.
Sinh năm 1924 trong một gia đình danh gia thế phiệt, thân phụ là luật sư Trần Văn Chương, thân mẫu là cháu ngoại của vua Đồng Khánh và là em họ của vua Bảo Đại, năm 19 tuổi bà lập gia đình với ông Ngô Đình Nhu. Khi ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, thì ông Nhu làm cố vấn chính trị, và vì ông Diệm độc thân nên bà Trần Lệ Xuân luôn là người đứng ra tiếp các phu nhân của các vị quốc khách.
Bà Trần Lệ Xuân cũng là dân biểu Quốc hội, chủ tịch phong trào Phụ nữ Liên đới. Bà đã đưa ra đạo Luật gia đình cấm người đàn ông lấy hai vợ, Luật bảo vệ luân lý và thuần phong mỹ tục, đồng thời có nhiều hoạt động xã hội khác. Chiếc áo dài cổ hở do bà đề xướng, vào thời đó được gọi là « áo dài bà Nhu », cũng là một dấu ấn mà bà để lại đến ngày hôm nay. Là một phụ nữ tài giỏi, xông xáo, nhưng bà cũng có những phát biểu gây sốc làm cho không ít người bất bình.
Tháng 10/1963, bà và con gái là Ngô Đình Lệ Thủy đi Hoa Kỳ và Roma với dự định tố cáo âm mưu lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm của Tổng thống Kennedy và CIA. Nhưng ngày 1/11/63 đã xảy ra đảo chánh, ông Diệm và ông Nhu đều bị sát hại. Bà rời Mỹ với lời tuyên bố : « Tôi không thể sống ở Mỹ, đơn giản vì chính phủ Mỹ đã đâm sau lưng tôi ». Bà sống lặng lẽ ở Paris cho đến cách đây một năm sức khỏe yếu dần, thì sang Roma với người con lớn cho đến khi mất. Một trong những câu nói nổi tiếng của bà là : « Ai đã có người Mỹ là đồng minh thì chẳng cần phải có kẻ thù ».
Luật sư Trương Phú Thứ, người chịu trách nhiệm biên soạn và in ấn cuốn sách của bà Trần Lệ Xuân cho biết, theo dự định thì tác phẩm này sẽ được ra mắt vào năm 2012. Khi được hỏi, cuốn sách do chính bà viết ra hay có ai chấp bút cho bà, ông Trương Phú Thứ nói :
Bà viết ra tự tay bà viết ra chứ không có ai viết thay bà hết, vì bà không có liên lạc với bẩt cứ một người nào hết. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai : các con bà ở mỗi người một nơi. Bà viết cái này khi bà còn ở bên Paris, tức là khi sức khỏe của bà còn tốt. Bà viết trong căn phòng appartement có một mình bà thôi, thì bà đâu có nhờ ai viết được, bà tự viết lấy.
Tiếng Việt của bà thì kém lắm, tiếng Pháp rất là giỏi. Tiếng Pháp bà viết còn hơn cả những người có bằng cấp về văn chương Pháp ở Pháp. Tiếng Pháp của bà rất giỏi nhưng mà tiếng Việt thì kém lắm, thành ra bà phải viết bằng tiếng Pháp. Thế thì bà đưa cho mình, và mình có nhiệm vụ dịch ra tiếng Việt Nam.
Thưa anh, một nhân vật như bà Nhu thì chắc chắn nhiều người rất là trông chờ để biết vì mấy mươi năm nay không có tin tức gì của bà hết. Như vậy liệu cuốn sách đó có đáp ứng được mong đợi của người đọc không ?
Cái này thì tùy theo quan điểm của người đọc. Những người nào tò mò muốn biết về đời tư của bà như thế nào, hoặc thái độ đối xử của bà đối với những người đã gây ra những đau khổ cho bà, hoặc những người vu oan nói xấu bà này nọ, thì không có. Bà không đề cập đến chuyện đó, vì bà coi đấy là những chuyện không đáng để nói tới. Quyển sách của bà truyền đạt những suy tư, tư tưởng của bà đối với thân phận con người, đối với tạo hóa, và rất có thể là nhiều người đọc sẽ thất vọng lắm. Nhưng những cái gì của bà viểt ra thì mình sẽ đưa ra cho công chúng như vậy thôi, mình không thể nào thêm bớt được hết. Một dấu phẩy, một dấu chấm mình cũng không thay. Thứ nhất là bây giờ bà chết rồi mình phải tôn trọng cái đó một cách tuyệt đối.
Như vậy đây không phải là một cuốn tự truyện ?
Không phải là tự truyện mà cũng không phải là hồi ký. Thông thường người ta hiểu hồi ký là viết lại những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, những chuyện vui chuyện buồn, chuyện của một cá nhân của một con người. Thế nhưng bà đã quên hết rồi. Bà đã sống 48 năm từ khi lưu vong ra nước ngoài, trong một căn phòng, một chỗ ở rất nhỏ hẹp, sống một cách quá cô độc, không tiếp xúc, không có liên lạc với bất kỳ một người nào hết. Bà chỉ đi ra ngoài mỗi buổi sáng. Thời gian mà bà còn khỏe mạnh thì bà đi ra ngoài, đi lễ ở nhà thờ Saint Léon.
Lâu nay vẫn có nhiều dư luận trái chiều nhau về bà Trần Lệ Xuân. Như vậy trong sách có nói gì về những lời đồn đãi chung quanh tính cách của bà không?
Chuyện đó thì không có. Bà Ngô Đình Nhu hay bất kỳ một người nào trên thế gian này cũng có người ghét người thương. Không ai có thể nói là mình được tất cả mọi người thương mến, kính phục hết, cũng có người này gièm pha ba câu, người kia đố kỵ…Thế nhưng bà Nhu không hề động chạm, đề cập đến bất kỳ một chuyện lớn nhỏ nào như thế. Từ khi bà chọn một cách sống, ở một mình trong một căn phòng, tức là bà đã muốn quên hết, muốn bỏ lại đằng sau lưng tất cả. Những chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện vui chuyện buồn bà bỏ hết. Bà sống như một người khổ tu, gần gần như một người khổ tu vậy.
Ngay cả vấn đề ăn uống, bà cũng chẳng có nấu nướng gì hết. Tôi thấy trong bếp của bà cũng chẳng có một cái nồi, cái chảo hay thìa muỗng gì hết. Trong tủ lạnh mở ra thì độc có một vài chai nước, chỉ có vậy thôi.
Thế thì bây giờ người ta hỏi bà ăn ở đâu, bà cũng phải ăn chứ ! Thì thường thường những người Pháp ở trong chung cư đó, họ biết bà như vậy nên thường một hai ngày họ nấu đồ ăn họ mang tới cho bà.
Còn nếu không thì bà sống như thế nào nếu bà không ăn uống gì ạ?
Bà ăn rất ít. Có một lần bà nói với tôi, đây nè anh Thứ à, hai ngày hôm nay tôi chưa ăn và uống gì. Thế rồi bà cười, bà nói là vì tôi không ăn uống nên tôi không có bệnh gì hết.
Nhưng phải nói là bà rất khỏe. Bà chỉ cảm thấy yếu từ đầu năm 2010. Mới đây thôi. Thứ nhất là vì cái tuổi già, đến đầu năm 2010 thì bà bắt đầu cảm thấy yếu. Nhưng mà cách đây chừng độ hai tháng, bà gọi điện thoại cho tôi, tiếng nói của bà vẫn còn rất là to, rất là khỏe. Bà cũng cười vui vẻ lắm trên điện thoại, thì tôi nghĩ là bà khỏe lắm. Thế nhưng mà sau đó thì vì tuổi già, sức khỏe sụt xuống một cách quá mau lẹ.
Thì bà cũng qua đời vì tuổi già thôi, chứ thật ra chẳng có bệnh tật gì. Có một cái vấn đề về sức khỏe là cái chân của bà bị gẫy từ xưa, thành ra đôi khi cũng hơi đau đau chút chút vậy thôi, nhưng không có đau đớn nhiều lắm. Ai đến tuổi già thì cũng bệnh như vậy thôi, cũng suy sụp như vậy thôi, chứ không phải riêng gì bà Nhu. Có nhiều người già phải nằm trên giường bệnh hết năm này qua năm khác. Nhưng mà bà Nhu nằm trên giường bệnh chưa đến một tháng, khoảng độ ba bốn tuần lễ vậy thôi. Bà đi một cách rất là bình an, như vậy thì tôi nghĩ cũng là một phước lành, một phúc đức của bà.
Và cũng có người thân chung quanh ?
À, các con cái thì như cô biết là bây giờ bà còn hai người con trai và một cô con gái. Anh con trai lớn là Ngô Đình Trác thì có vợ con, vợ anh người Ý. Còn cô con gái út là cô Ngô Đình Lệ Quyên thì chồng cũng là người Ý luôn. Nhưng con trai giữa là Ngô Đình Quỳnh thì sống độc thân một mình, không có vợ con gì hết, ông làm việc bên Bỉ.
Khi bà Nhu về La Mã, bà ở căn nhà của gia đình Ngô Đình Trác. Nhà đó cách thủ đô La Mã khoảng 10 cây số. Cái nhà đó là nhà trệt, không có tầng lầu, nhưng mà dưới có một cái tầng hầm. Gia đình ông Trác ở trên, và gia đình của cô Lệ Quyên ở dưới. Họ sống với nhau cả bao nhiêu năm trời rồi, rất là vui vẻ, rất là hòa thuận.
Khi bà yếu quá, ông Trác đưa vô trong nhà thương… Bên đó chắc là mấy người con cũng bận rộn với vấn đề lo tang lễ cho bà, không biết là ngày nào giờ nào nhưng mà tôi biết chắc chắn là sẽ tổ chức rất là kín đáo, trong gia đình mà thôi.
Giám đốc giáo xứ Việt Nam ở Paris, đức ông Mai Hữu Vinh có cho biết là nhiều người tới xin lễ cho bà…
Ở đây, ở California tối hôm qua cũng có làm một buổi lễ để cầu nguyện cho bà Nhu, và trong nhà thờ rất đông, vì họ cũng quý mến bà lắm. Và tôi có được thông báo là tiểu bang Oregon chiều thứ bảy này họ cũng xin lễ ở nhà thờ để cầu nguyện cho bà. Thôi thì bà chết như vậy mà được mọi người nhớ đến trong một cái ân tình như vậy, tôi cũng mừng cho bà lắm.
Vâng, thì thôi cũng tốt cho bà, với những sóng gió mà bà đã trải qua…
Bây giờ cô thấy nhé, một người đàn bà sống trong bốn bức tường nho nhỏ, trong một căn phòng nho nhỏ, một hai ngày thì còn chịu được. Bà sống như vậy 48 năm liền, tức là từ năm 1963 cho tới ngày bà qua đời. Thế thì bà sống bà chỉ còn có một cái hy vọng duy nhất thôi, tôi nói là hy vọng cũng không đúng, bà sống chỉ có một cái chờ đợi thôi, là đến một ngày nào đó được gặp lại người chồng của bà. Bà Nhu rất yêu mến và kính trọng ông Nhu.
Như cô biết là khi mà ông Nhu bị thảm sát như vậy, thì bà Nhu lúc đó mới có 39 tuổi. Một người phụ nữ 39 tuổi còn quá trẻ, nhưng mà bà vẫn ở vậy. Bà ở vậy để chờ đợi đến ngày gặp ông chồng. Và khi bà quá vãng ở cái tuổi 87, bên Việt Nam mình thì tính là 88, riêng cá nhân tôi thì tôi mừng cho bà, thấy đó là một sự giải thoát cho bà.
Nhưng một người phụ nữ trẻ đẹp, góa chồng lúc còn trẻ, ở cái tuổi đó mà đã từng nắm trong tay quyền lực rồi, đã nổi tiếng, thì chọn lựa một cuộc sống ẩn dật bao nhiêu năm có lẽ là không dễ.
Bởi vậy tôi mới nói là bà có một nghị lực rất là phi thường. Bà có nghị lực cao lắm. Chứ nếu ở một người bình thường có thể họ bị suy sụp về tinh thần, mà suy sụp tinh thần kéo theo suy sụp về thể xác. Tôi nghĩ là những người không có cái nghị lực như bà Nhu thì chắc sống không có lâu được như bà Nhu đâu. Mà bà từ hồi mà phải đi lưu vong ra ngoại quốc rồi đến khi bà chết là 48 năm, nửa thế kỷ chứ đâu phải một hai tháng gì.
Mà tại sao trước bao nhiêu dư luận như vậy bà lại im lặng ?
Vì bà đóng kín cửa, bà có nghe thấy dư luận gì đâu ! Bây giờ người ta có nói tốt hay nói xấu cho bà, bà cũng không nghe thấy. Bà đóng cửa kín không giao thiệp với ai, không biết gì hết. Thì tôi nói như hồi nãy là bà sống như một người nữ tu, mà nữ tu khổ hạnh lắm, chứ không phải nữ tu thường đâu. Bên đạo Công giáo có những dòng tu họ chỉ đóng cửa cầu nguyện với Chúa thôi, chứ chẳng có tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thì bà Nhu cũng như thế. Đóng kín cửa không giao thiệp với ai, làm sao bà biết được ai nói xấu, ai nói tốt cho bà. Bà không biết !
Hồi đó bà vốn là người lăng xê thời trang áo dài cổ hở, người ta gọi là « cổ bà Nhu », nhưng mà khi anh tiếp xúc với bà thì anh có thấy bà ăn diện không ?
Không. Khi tôi tiếp xúc với bà thường thường thì bà hay mặc cái áo kimono của Nhật. Bà nói với tôi những cái áo kimono này là của một vài người bạn Nhật, mỗi năm họ gửi cho vài ba cái để mặc ở trong nhà.
Còn về cái áo khoét cổ, thì khi tôi nói chuyện với bà, bà nói ở Sài Gòn nóng quá - bà lấy hai ngón tay ra dấu như cái kéo - thì tôi cắt cái cổ đi cho nó mát. Bà nói là, tôi mặc như vậy thì Tổng thống không có bằng lòng. Tôi nghĩ là về sau thì nhiều người theo cái mốt của bà Nhu cũng mặc áo dài hở cổ, thì chắc là ông Tổng thống cũng chẳng để ý đến cái chuyện đó nữa.
Có vẻ như là vì bà Nhu lấy chồng khi còn trẻ quá, nên cả ông Diệm lẫn ông Nhu coi bà như một người em gái nhỏ thì phải ?
Có thể là đối với ông Nhu thôi, còn đối với ông Tổng thống là đâu ra đó, trên dưới lễ phép đàng hoàng. Một người thân cận với Tổng thống là nghị sĩ Lê Châu Lộc, vốn là tùy viên, cũng xác nhận mỗi lần bà Nhu muốn vào gặp Tổng thống là phải ăn mặc chỉnh tề, và phải xin sĩ quan tùy viên vào trình với Tổng thống. Tổng thống cho vào gặp thì mới được gặp, còn không thì bà vẫn vui vẻ ra về như thường. Tức là không có cái chuyện vì bà nhỏ tuổi mà bà hành xử thiếu tôn ti trật tự, vì gia đình của họ là một gia đình nền nếp, có trên có dưới, và rất là tôn trọng lẫn nhau. Thứ hai nữa là bà phải tôn trọng người anh chồng của bà là một vị Tổng thống chứ không phải là một người anh chồng thường. Thành ra mỗi lần bà muốn gặp hoặc là thưa trình với Tổng thống là phải có sự xếp đặt của các viên chức phụ giúp Tổng thống.
Bà có kể cho tôi nghe một câu chuyện. Hồi đó ông Tổng thống Ngô Đình Diệm không có vợ, thành ra mỗi một lần có các vị quốc khách đi với phu nhân đến Sài Gòn, thì người đứng ra tiếp đón các vị phu nhân đó chính là bà Nhu chứ không ai khác. Tôi nhớ bà là người rất giỏi giao thiệp, tiếng Anh tiếng Pháp cũng rất lưu loát. Hồi đó bà không có cái gì để mà chưng diện khi tiếp đón các phu nhân ngoại quốc. Không biết bà được ai đánh tiếng là có một bà vợ một ông bộ trưởng muốn bán một bộ vòng tay, nhẫn…với cái giá sáu ngàn đồng Việt Nam, họ nói là nếu bà cố vấn muốn mua thì họ bán lại cho. Bà Nhu không có tiền, bà trình Tổng thống, ông thấy chuyện đó cũng được nên lấy tiền lương của ông cho bà để mua bộ nữ trang đó, nhưng với điều kiện là bắt người bán phải viết một tờ giấy trình bày lai lịch của nữ trang và quyền sở hữu. Bà nói với tôi đó là lần duy nhất Tổng thống cho tiền, và bây giờ bà cũng không biết những nữ trang đó thất lạc ở đâu.
Bà có hay kể cho anh những chuyện tương tự vậy không ?
Thì khi trong câu chuyện hễ bà nhớ đến cái gì, hay khi mình hỏi cái gì thì bà cũng nói. Đại để là khi nói chuyện với bà tôi tuyệt đối không nói về những vấn đề chính trị, hay những ngày bà còn ở Dinh Độc Lập ; những chuyện có thể gây khó chịu hoặc đau khổ cho bà tôi không nói tới. Thường thường là những chuyện mưa nắng thôi chứ chẳng có gì quan trọng hết.
Vì những gì bà muốn tâm sự là với khối người Việt Nam, cả cộng đồng người Việt Nam, chẳng những ở ngoại quốc mà cả trong nước Việt Nam nữa, thì bà đã viết trong cuốn sách của bà rồi. Thành ra mai mốt khi nào quyển sách đó ra, người đọc sẽ có những phán đoán, nhận xét về những tư tưởng của bà.
Trong sách bà không đề cập đến những vấn đề chính trị, những vấn đề mà đa số người muốn biết. Thí dụ như thái độ của bà đối với những người cầm khẩu súng mà bắn vào đầu chồng bà như thế nào. Có nhiều người nghĩ là bà sẽ chửi rủa những người kia, sẽ nói nặng lời với họ, nhưng tuyệt đối bà không nói một câu. Bà không để ý tới những chuyện đó nữa. Bà muốn quên, bà bỏ lại đằng sau lưng tất cả, và đặc biệt là bà muốn tha thứ tất cả.
Bà muốn tha thứ là vì bà là người rất sùng đạo. Bà nói, Chúa đã tha thứ cho bà, thì bà phải tha thứ cho tất cả mọi người, đơn giản vậy thôi. Bà không có thù oán, và không bao giờ nói nặng nhẹ đến những người đã gây khổ đau cho gia đình bà, không nói tới một câu.
Như vậy đây không phải là hồi ký mà gần như là những tâm sự, suy tư về cuộc đời ?
Như tôi đã nói, đó không phải là một hồi ký thông thường. Thành ra những người nào muốn tò mò chuyện thâm cung bí sử, những oán trách… thì không có. Đừng trông chờ những cái đó trong quyển sách của bà. Khi anh Lê Châu Lộc trả lời phỏng vấn của một đài truyền thanh, thì anh nói một câu rất đúng : đọc quyển sách đó anh có cảm tưởng như sách của một vị nữ tu. Nhưng quyển sách của bà tôi nghĩ người nào mua về đọc thì họ sẽ giữ lại, sẽ nghiền ngẫm, đọc lui đọc tới để mà hiểu.
Nhưng dù sao bà Nhu cũng là một chứng nhân của lịch sử, và có những chuyện chỉ có người trong cuộc biết, nếu bà ôm cái bí mật đó theo thì có uổng không ?
Bây giờ có cái gì là bí mật nữa đâu. Tất cả mọi chuyện đã phơi bày ra ánh sáng hết cả rồi. Ai giết ông Tổng thống, ai giết chồng bà ấy, những thế lực nào đứng đằng sau cuộc đảo chánh, hoặc là bà có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu đồn điền…thì người ta biết hết cả rồi, chả có gì gọi là bí mật nữa.
Bà có đặt tựa cho cuốn sách đó chưa ?
Có. Bà lấy một cái dẫn dụ trong Cựu Ước để đặt tựa cho cuốn sách.
Và anh sẽ là người dịch ?
Tôi có sự giúp đỡ rất quý báu của anh Nguyễn Kim Quý, rất giỏi tiếng Pháp. Anh có bằng tiến sĩ văn chương Pháp, và là giáo sư Pháp văn của các trường đại học ở Mỹ. Anh giúp tôi về chuyện đó.
Khi viết cuốn sách này bà Nhu có ước vọng gì, dành cho người Việt hay cho độc giả các nước ?
Bắt đầu cách đây khoảng chừng mười năm, lần đầu tiên tôi gặp bà cố vấn Ngô Đình Nhu, thì bà viết bằng tiếng Pháp, và có ý định sau khi viết xong thì bà sẽ tự tay dịch sang tiếng Anh và tiếng Ý. Thế nhưng về sau có thể có nhiều lý do, như là sức khỏe không được tốt như hồi trước, hoặc là bà bận bịu, nên bà chỉ viết bằng tiếng Pháp mà thôi. Mà ngay cả bản bằng tiếng Pháp thì cũng còn phần cuối dang dở. Thành ra để vài ba tuần lễ nữa, khi gia đình lo tang lễ cho bà xong thì lúc đó tôi sẽ hỏi để lấy cái phần cuối cùng đó.
Có dài lắm không ạ ?
Dài ! Nguyên bây giờ thì cũng đã gần 500 trang rồi, nhưng in ra thì tôi nghĩ khoảng 300 trang thôi vì chữ viết của bà to.
Bà Nhu muốn quyển sách này đến với độc giả khi bà còn sống, chứ không phải là khi bà chết rồi. Thế nhưng khi còn sống bà chưa làm được chuyện đó, thành ra bây giờ khi bà mất mình giúp đỡ để hoàn thành giấc mộng của bà là đưa quyển sách, đưa tư tưởng, suy tư của bà đến với độc giả, đến với người Việt Nam.
Anh dự định cho xuất bản ở đâu ?
Tôi sẽ in và phổ biến bên Mỹ này thôi, còn đương nhiên là sau đó tôi sẽ gởi đi những quốc gia có cộng đồng người Việt Nam đông như là Anh, Pháp, Đức…
Các con của bà có ý kiến gì về cuốn sách này không ?
À, hầu như là không. Vì họ lớn lên ở ngoại quốc, họ tôn trọng tính độc lập của từng cá nhân. Các con của bà thì đương nhiên rất là yêu mến và kính phục bà, nhưng họ không có xen vào những chuyện mà bà làm.
Và những người con của bà Nhu có vẻ cũng kín tiếng như bà ?
Thì như cô thấy đó, từ hồi năm 1963 cho đến giờ các con của bà có ai ra ngoài công chúng, có nói năng gì đâu, không ! Họ rất là im lặng, y như bà vậy thôi. Họ cũng giữ một cái khoảng cách quá xa xôi đối với thế giới bên ngoài
Qua thời gian tiếp xúc với bà Nhu, anh có cảm tưởng như thế nào về bà ?
Cảm tưởng của tôi thì cũng như rất nhiều người đã nhận xét về bà. Bà là một người đàn bà tài giỏi, can đảm, dám nói và dám làm. Chẳng hạn một chuyện trong quá khứ, khi bà đưa ra đạo luật về gia đình ở Việt Nam, đề cao nhân phẩm của người phụ nữ. Đạo luật đó được Quốc hội biểu quyết thông qua, cấm đàn ông lấy hai vợ, và những vấn đề khác nữa, để nâng cao đời sống của người phụ nữ Việt Nam lên. Mặc dầu hồi đó có những sự chống đối nhưng bà vẫn can đảm vượt qua.
Một phụ nữ như thế mà chọn cuộc sống ẩn dật có lẽ không dễ ?
Tôi thấy là khi chọn lựa một cuộc sống như vậy, chắc là bà phải có những suy nghĩ và quyết định rất là khôn khéo. Từ khi mà bà phải sống lưu vong ở ngoại quốc sau vụ đảo chánh ngày 1/11/63 ở bên Việt Nam, gần như không có ai nói tới bà nữa. Nhưng không phải là người ta sẽ để cho bà yên. Trường hợp nếu bà có một cái manh động, một lời nói, cử chỉ sao đó, đương nhiên họ sẽ nói tới rất nhiều.
Hồi xưa lúc chồng bà chết rồi thì bên Mỹ Tổng thống Kennedy cũng bị giết, thì bà Kennedy cũng là góa phụ. Thế nhưng bà Kennedy về sau đi đến đâu thì người ta theo dõi đến đó, người ta có những bản tường trình đầy đủ, chuyện xấu cũng có mà chuyện tốt cũng có. Thế nhưng đối với bà Nhu thì tuyệt nhiên không, vì bà không đi đâu hết ! Bà tự giam hãm mình trong một căn phòng. Ngay cả buổi sáng đi lễ bà cũng mặc quần áo rất kín đáo, đội mũ, che đầu… để không ai nhận ra bà hết.
Về phần ông linh mục ở nhà thờ Saint Léon, bà đã đi lễ ở nhà thờ đó nhiều năm rồi mà về sau ông mới biết đó là bà Ngô Đình Nhu. Ngay cả sau khi lễ xong bà ở lại dọn dẹp, trang hoàng nhà thờ thì ông cũng nghĩ đó là một giáo dân bình thường thôi. Mãi mấy năm sau, không biết người nào nói với ông thì ông mới biết !
Cũng có nhiều người muốn có một tấm hình của bà lúc về già, nhưng tôi nghĩ là chẳng có ai chụp được cái hình nào hết. Đương nhiên là bà phải già đi, nhưng trông vẫn còn khỏe lắm và vui tươi. Tôi có nhận xét, mỗi lần bà cười trông bà trẻ lắm, làm tôi nhớ lại những hình ảnh mà tôi được coi trên báo chí, trông rất trẻ !
Khi bắt đầu cuộc sống lưu vong ở nước ngoài từ năm 1963, bà không có một đồng trong túi…
Như vậy làm sao bà mua được hai căn nhà ở Paris ?
Hai căn nhà là mãi sau này, do một bà bá tước người Ý cho. Mà bà này cho rất là kín đáo, bà Nhu không biết. Thì bà Nhu có một số tiền rất lớn, tôi không biết là bao nhiêu nhưng mà căn hộ đó dù ở trên tầng lầu thứ 11 nhưng cái tòa nhà ở khu đó đắt lắm. Bà nhờ một ông cựu bộ trưởng thời chính phủ De Gaulle mua giùm hai cái appartement.
Có nhiều người đặt câu hỏi, vì sao lại có một số tiền trên trời rớt xuống như vậy, thì vấn đề có nguyên do của nó. Tức là Ngô Đình Trác, con trai lớn của bà lấy một cô vợ người Ý, mà gia đình cô này là một trong những gia đình thế phiệt, vọng tộc, giàu có nhất của nước Ý, thì từ chỗ đó mà ra. Người ta thấy bà sống vất vưởng không có nhà cửa thì có một người cho một số tiền nhưng ẩn danh, không nói cho bà Nhu biết. Mãi đến bốn năm sau, bà kia chết thì bà Nhu mới biết đó là người đã cho mình tiền để mua nhà.
Xin phép được tò mò thêm một câu, tên đề trên hộp thư và interphone tại tòa nhà nơi bà sống là bà Trần Lệ Xuân hay là bà Ngô Đình Nhu ?
Tôi nghĩ có thể bà ghi tên trên hộp thư là bà Ngô Đình Nhu, vì mỗi lần tôi gửi sách cho bà thì tôi đề là Madame Ngô Đình Nhu, bà đều nhận được hết.
Xin cám ơn luật sư Trương Phú Thứ từ Hoa Kỳ đã vui lòng dành thì giờ trao đổi với RFI Việt ngữ hôm nay về bà Trần Lệ Xuân tức bà Ngô Đình Nhu.
Nguồn: RFI / Thuỵ My (ngày phát thanh 01/ 5 /2011)
No comments:
Post a Comment