Bờ biển Nha Trang của Khánh Hòa
Núi Thạch Bi ở Phú Yên xưa là nơi Vua Lê Thánh Tông phân ranh giới với nước Chiêm Thành
Bờ biển dưới chân núi Đại Lãnh, xưa thuộc về nước Chiêm Thành
Sách Địa dư chí của Nguyễn Trãi Chép : “ Khoảng niên hiệu Hồng Đức, Trà Hòa (Trà Toàn) nước Chiêm vào cướp ở Hóa Châu, Thánh Tông (1460-1497) thân đi đánh, phá được thành Đồ Bàn, thu phục bờ cõi cũ, lại mở đất đến núi Thạch Bi ...” (1) .
Vì có sự kiện vua Chiêm là Bà Bật (Bà Tấm, Bà Tranh) vào năm 1653 đời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) vượt núi Thạch Bi quấy phá đất Phú Yên nên vùng đất Khánh Hòa hôm nay đã có 356 năm mở đất. Sách Đại Nam nhất thống chí - tỉnh Khánh Hòa chép : “ Đời Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế Nguyễn Phúc Tần năm thứ 5 là năm Quý Tỵ (1653) .... sai Cai Cơ Hùng Lộc đánh dẹp. Người Chiêm hàng, do đấy chiếm lấy đất từ sông Phan Rang trở về phía đông đến địa giới Phú Yên, đặt dinh Thái Khang 泰 康 gồm 2 phủ Thái Khang 泰 康 , Diên Ninh 延 寧 và 5 huyện (Thái Khang lãnh 2 huyện Quảng Phúc 廣 福 và Tân Định 新 定 , Diên Ninh lãnh 3 huyện Phúc Điền 福 田 , Vĩnh Xương 永 昌 và Hoa Châu 花 洲 ) “ (2).
Chúa đặt tên đơn vị hành chánh cho vùng đất mới mở này đều mang nhiều ý nghĩa và nhiều ước mong. Qua các tên đặt cho dinh, phủ, huyện, ta thấy được điều đó. Dinh là dinh Thái Khang, THÁI 泰 có nghĩa là to lớn, an vui và KHANG 康 cũng có nghĩa là vui vẻ, an ổn, bình yên, đó là điều ước mong quan trọng nhất trong cuộc sống của nhân dân, của đất nước. Và đó cũng là một niềm vui rất lớn của người dân Đại Việt, không những đưa lại sự bình an, thái bình ở miền biên trấn, đến một vùng đất mà còn vui vì đất đai Đại Việt được mở rộng bờ cõi về phương Nam. Phủ có tên là phủ Thái Khang, là phủ Diên Ninh, DIÊN 延 là kéo dài, NINH 寧 bình yên, mong được sự bình yên lâu dài. Tên huyện lúc đầu Chúa đặt ở miền đất mới cũng có những ý nghĩa tốt đẹp : huyện Quảng Phúc, QUẢNG 廣 rộng rãi, PHÚC 福 việc tốt, may mắn, Chúa mong rằng những gì tốt đẹp, may mắn sẽ đến được muôn dân khắp huyện, cũng mong rằng vùng đất mới (TÂN 新) được yên ổn (ĐỊNH 定), ruộng nương (ĐIỀN 田) được mùa đem no ấm, hạnh phúc (PHÚC 福) đến nhân dân, thịnh vượng (XƯƠNG 昌) sẽ mãi lâu dài (VĨNH 永), một vùng bờ bãi sông nước (CHÂU 洲) tươi đẹp như hoa (HOA 花) này.
Trải qua các đời Chúa, đời vua triều Nguyễn, từ dinh Thái Khang đến dinh Bình Hòa 平 和 (1803), trấn Bình Hòa (1808), tên dinh đã được thay đổi sau 150 năm mở đất. Tất cả những gì Chúa Nguyễn Phúc Tần mong ước trên vùng đất mới này đều được thể hiện. Và cho đến khi Gia Long mới lên ngôi được chưa được hai năm, đã quyết định đặt tên một vùng đất luôn bình an, người dân hiền hòa, khí hậu hiền hòa, vùng đất hiền hòa ... này là BÌNH HÒA. Thiên nhiên đã tạo nên một mảnh đất tươi đẹp, hiền hòa và cũng tạo nên con người hiền hòa, thuần hậu như nhà viết sử triều Nguyễn đã nhận định trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí – Tỉnh Khánh Hòa : “ Phong tục thuần hậu, tập quán quê mùa. Kẻ sĩ chất phác mà trầm tĩnh, nhân dân kiệm mà lành...” (3) .
Vào năm 1832, vua Minh Mạng đã có một sự cải tổ lớn về đơn vị hành chánh trong toàn quốc. Đại Nam Thực Lục có ghi : “Nhâm Thìn, năm Minh Mạng thứ 13 (1832), tháng 10, ngày mồng 1, : Bắt đầu chia hạt, đặt quan từ Quảng Nam trở vào Nam » (…) 1. Chia tỉnh hạt : …. Tỉnh Khánh Hòa 慶 和 : trước là Bình Hòa, thống trị phủ Diên Khánh, Ninh Hòa và 4 huyện Phúc Điền, Vĩnh Xương, Quảng Phúc, Tân Định. Trước 2 huyện Hoa Châu và Phúc Điền, nay gộp lại thành huyện Phúc Điền “ (4).
Tên dinh Bình Hòa đã được đổi lại là tỉnh Khánh Hòa, cách 179 năm từ lúc đầu mở đất và sau 29 năm mang tên Bình Hòa. Chữ BÌNH 平 đổi thành chữ KHÁNH 慶 nghĩa là mừng, chúc mừng cho vùng đất luôn HÒA này. Chữ KHÁNH trong huyện Diên Khánh 延 慶 cũng là mong ước niềm vui được kéo dài, được bình yên, thuận hòa như tên huyện Ninh Hòa 寧 和 mà vua triều Nguyễn đã đặt.
Tỉnh Khánh Hòa từ thời Minh Mạng (1820-1840) đến thời vua Khải Định (1916-1925) ranh giới hành chánh kéo dài về phía Nam đến phần đất của tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay. Đến năm 1922, sau khi thành lập tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Khánh Hòa có diện tích như ngày nay.
Ngày 29 tháng 10 năm 1975, hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên sáp nhập vào nhau, gọi là tỉnh PHÚ KHÁNH, lấy hai tên đầu của hai tỉnh mà đặt cho tỉnh mới. PHÚ 富 là giàu có, YÊN 安 là an ổn, bình an. Hai tên tỉnh ghép lại cũng đồng một ý nghĩa. Đến ngày 30 tháng 6 năm 1989, hai tỉnh lại tách ra, thành tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên như cũ. Và tháng 6 năm nay, năm 2009, đã có 20 năm từ ngày tách tỉnh trôi qua rồi.
Tỉnh Khánh Hòa ngày nay là một tỉnh rộng lớn, dân cư đông đúc, có diện tích 5.217, 6 km2, dân số 1.147.000 người, 1 Thành phố Nha Trang (đô thị loại 2), 1 thị xã Cam Ranh và 7 huyện : Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, huyện đảo Trường Sa.
Nói về sự AN BÌNH tại tỉnh Khánh Hòa, như Quách Tấn, trong Xứ Trầm Hương đã nhận định : “ Gần 20 năm trời, dinh Bình Khang dưới quyền cai trị nhà Tây Sơn, được yên ổn. Nhân dân an cư lập nghiệp ” (5). Và : “ Từ đời Gia Long (1802-1820) đến cuối đời Tự Đức (1847-1883), ở Khánh Hòa không xảy ra việc gì quan trọng. Nhân dân được yên ổn làm ăn “ (6).
Chỉ khi Nguyễn Ánh tranh bá đồ vương với nhà Tây Sơn và sau này khi thực dân Pháp xâm lược vào Việt Nam thì mới xảy ra những cuộc giao chiến, cuộc sống không được an bình như cũ. Nhưng, dù cho sau này nữa, lúc đế quốc Mỹ xâm lược thì Khánh Hòa không phải là nơi chiến trường lớn nên sự tàn phá của chiến tranh không tác hại nhiều.
Còn nói đến cái HÒA của Khánh Hòa, không những ĐẤT HÒA, NGƯỜI HÒA mà KHÍ HẬU cũng ÔN HÒA. Khánh Hòa có hai mùa mưa nắng. Nhưng mưa nắng rất “điều độ” (chữ dùng của Quách Tấn), không nắng nóng khô hạn như ở một số tỉnh miền Trung, không lạnh cắt da, thấu xương như các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Còn mưa thì có thể tháng nào cũng có mưa, nhưng mưa không kéo dài, ào ào rồi dứt, không dầm đề như mưa Huế. Về bão lụt thì Khánh Hòa ít tiếp nhận, có người nói có Bà Thiên Y “đỡ” cho dân lành, sự thiệt hại không nhiều như một số tỉnh khác. Khánh Hòa nổi tiếng nhiều cọp “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” , nhưng theo Quách Tấn, cọp Khánh Hòa “ rất nhát gan, hễ thấy người thì lo tránh. Cho nên người lịch lãm thường nói : “ hiền như cọp Khánh Hòa ” (7) .
Quách Tấn còn kể câu chuyện : “ Thời Pháp thuộc, đời Duy Tân (1907-1916), nhà chí sĩ Trần Cao Vân vào Khánh Hòa vận động cách mạng. Không có kết quả, than cùng một ông bạn:
- Nhân sĩ Khánh Hòa hiền lành quá !
Ông bạn cười đáp :
- Cọp còn thế huống chi nguời !
(...) Cọp hiền là do thủy thổ. Cũng như người, cọp “dĩ hòa vi quý”. Bởi vậy, tuy xứ nhiều cọp, cổ nhân vẫn xem mặt đặt tên : KHÁNH HÒA “ (8) .
Vũ Bão, nguyên Ủy viên Thường vụ Quốc Hội, nhân kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm (1653-2003) đã gửi một bài báo mang tên TÌM HIỂU VỀ NGUỒN GỐC HAI CHỮ KHÁNH HÒA 慶 和 đăng trên Báo Khánh Hòa vào ngày 2-4-2003, tác giả đã phân tích nguồn gốc hai chữ Khánh Hòa và nay xin được mạn phép tác giả trình bày lại để độc giả thưởng lãm và càng hiểu sâu sắc hơn về ĐẤT KHÁNH NGƯỜI HÒA:
“
KHÁNH : chữ KHÁNH 慶có nguồn gốc như sau : Người xưa, khi có chuyện vui họ thường chúc mừng nhau và tặng tấm da hươu để biểu thị tình cảm. Cho nên chữ KHÁNH vốn do chữ LỘC (tức Hươu) (鹿) và chữ TÂM (心) hợp thành. Vậy chữ KHÁNH có nghĩa là chúc mừng người khác. Nghĩa mở rộng là THIỆN (善), là PHÚC (幅). Chữ KHÁNH 慶 còn có nghĩa mừng ngày kỷ niệm, ngày hội …, ví dụ như QUỐC KHÁNH (國 慶). Trước đây chữ KHÁNH được viết đầy đủ là : 慶. Sau này người ta viết giản tiện, thành : ( ). Trong chữ KHÁNH có chữ QUẢNG (廣)chữ TÂM (心). Chữ QUẢNG có các nghĩa : rộng rãi, bao la, sự nghiệp lớn; quảng đại, khoáng đạt mà lại kiên trì, chịu khó; tính tình độ lượng, bao dung, tha thứ. Chữ QUẢNG có nguồn gốc từ bộ MIÊN 宀 . Bộ MIÊN có nghĩa là : cái mái nhà; sự che chở, bao dung; sự ấm áp, yêu thương.
HÒA : chữ HÒA 和 có nguồn gốc là một loại nhạc cụ cổ. Đó là một loại sáo, gọi là THƯỢC 龠. Trong chữ THƯỢC có bộ NHÂN 人 và 3 bộ KHẨU 口. Bộ NHÂN có nghĩa là : chỉ về con người là động vật cao cấp nhất; nhân hậu, phúc đức; thông minh, thông thái. Bộ KHẨU có nghĩa là : Cái mồm; khẩu khí hoạt bát, nói năng lưu loát; lanh lợi, khéo léo, khôn ngoan. Chữ THƯỢC được cải tiến và sau này được thay bằng bộ KHẨU. Trong chữ HÒA có bộ KHẨU và bộ HÒA. Bộ HÒA có nghĩa là cây lúa, mùa màng, thu hoạch, giàu có, ấm no; giản dị, chất phát, chất quê mùa dễ thương.
NGHĨA TỔNG QUÁT CỦA KHÁNH HÒA
1. Khánh Hòa là vùng đất rộng lớn, giàu có. Mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no (bởi bộ QUẢNG và bộ HÒA).
2. Con người chịu khó, khắc phục gian nan để có cuộc sống ấm no, yên lành (bởi trong chữ QUẢNG nói lên sự nghiệp lớn, muốn có sự nghiệp lớn thì phải gian khổ phấn đấu, cần cù, chịu khó).
3. Người dân thông minh, hoạt bát, nói năng hùng biện, có lý có lẽ (bởi có tới 3 bộ KHẨU trong chữ THƯỢC).
4. Người dân khát khao cuộc sống yên lành, hạnh phúc. Đối nhân xử thế có trước có sau, thủy chung. Biết độ lượng, bao dung, vị tha. Biết che chở cho kẻ nghèo hèn, thất thế, sa cơ lỡ bước (bởi bộ MIÊN là mái nhà, mái ấm tình thương).
5. Tính tình cởi mở, chan hòa, sống có tâm đức, không thủ đoạn, thích hòa bình, hòa giải (bởi bộ TÂM và chữ HÒA).
Những phân tích ở trên rất phù hợp với thực tiễn của tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể :
Diện tích trên 5.000 km2 . Dân số trên 1 triệu người . Tỉnh lỵ là TP Nha Trang và có 7 huyện, thị xã : Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, huyện đảo Trường Sa và thị xã Cam Ranh (năm 2003 chưa thành lập huyện Cam Lâm ).
Khánh Hòa là tỉnh có tiềm năng lớn về kinh tế và du lịch : Có cảng Cam Ranh là cảng thuận lợi nhất của đất nước; có vịnh Vân Phong, thắng cảnh Đại Lãnh, Hòn Chồng, Bãi Trũ; Hòn Tằm, Hòn Mun; khu vực khai thác yến quan trọng nhất nước.
Có nhiều di sản, kỳ tích thuộc văn hóa Chămpa.
Tháp Chàm tại Nha Trang Khánh Hòa
Đặc biệt, cùng với thiên nhiên tuyệt vời, tiềm năng phong phú thì yếu tố con người rất quan trọng. Với truyền thống lịch sử lâu đời, với tiềm năng lớn lao về con người, Khánh Hòa đang hướng tới ngày mai tươi sáng” .
Ngô Văn Ban
Chú thích :
(1) NGUYỄN TRÃI TOÀN TẬP, tập 2, NXB Văn Học và Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, 2001, trg. 475.
(2) QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hóa, Huế, 1992, trg 88-89.
(3) Đại Nam nhất thống chí, sđd, trg. 92.
(4) QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Đại Nam thực lục, tập 3, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2007, trg. 392 và 393.
(5) QUÁCH TẤN, Xứ Trầm Hương, Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa xb, 2002, trg. 14.
(6) Xứ Trầm Hương, sđd, trg. 16.
(7)(8) Xứ Trầm Hương, sđd, trg. 61.
No comments:
Post a Comment