Vũ Hoàng(RFA) trò chuyện cùng nhạc sĩ Dương Thụ
Mời bạn Lắng Nghe Mùa Xuân Về với giọng ca Bằng Kiều (trích từ Thúy Nga CD369)
Trong thời khắc Giao Thừa đang tới, xin một lần tĩnh tại lòng mình để nghe tiếng Xuân về thật chậm, thật nhẹ nhàng, thật lặng lẽ, có chút gì vương vấn, có chút gì xuyến xao, có gì muốn níu giữ lại những cảm giác trôi vuột. Đó là tâm trạng của nhạc sĩ Dương Thụ đã trải nghiệm khi viết bài Lắng Nghe Mùa Xuân Về.
Bài hát này được ông viết sau nhiều năm sinh sống ở Sài Gòn, thế nhưng khi giai điệu và tiếng ghi ta vang lên, người nghe vẫn thấy thấm đẫm hình ảnh của Hà Nội thoắt ẩn thoắt hiện thuở nào. Ở đó là cánh đào hé nở, là giọt mưa Xuân tí tách bên thềm nhà, ở đó là chút gì thật tĩnh lặng của thời khắc Giao Thừa mà tác giả đang nghe lòng mình nao nao, bay bổng.
Nhạc sĩ Dương Thụ kể rằng ông không chủ tâm viết về nhạc Xuân, không đi theo một đề tài Xuân cụ thể mà chỉ trong thời khắc đất trời giao mùa, ông viết cho bản thân mình và để mặc cho những dòng tâm sự cứ tuôn chảy. Có lẽ vì thế khi nghe ca khúc này, người nghe thấy gì đó thoáng buồn, lưu luyến và tiếc nuối những ngày tháng cũ vừa trôi qua.
“Tôi không sáng tác nhạc Xuân bao giờ đâu, tôi không viết theo đề tài, nhưng chẳng qua lúc mình viết là đêm Giao Thừa, một năm qua và tuổi mình cũng qua, cuộc đời phía trước để lại đằng sau, cho nên mình có một chút gì đó bình yên.
Ai cũng thế, đêm Giao Thừa mình thấy mất đi một cái gì đó, mình từ biệt một điều gì đó, làm sao mà níu kéo những ngày tháng trước được, những kỷ niệm đã sống trong những năm tháng trước được. Nhưng cũng lại mơ một cái gì đó, vì không biết năm mới sẽ đến như thế nào, vì thế có gì vừa nao nao buồn, vừa bay bổng như mơ, đó là cảm xúc.
Chẳng qua bài này viết vào đúng lúc Giao Thừa, tôi là người tả thực tâm trạng của mình, phút ấy như thế nào thì nó như thế. Ai cũng vậy, cái nao nao buồn, nếu bạn ngồi trong đêm bạn sẽ có cảm giác đó.
Tôi là người viết nhạc và tôi đặt lời sau, chẳng qua cảm xúc và chủ đề của bài hát là lắng nghe mùa Xuân về, và ngay trong lắng nghe mùa Xuân về nó đã có âm nhạc, và mình là người nhạc sĩ thì tư duy câu đó sẽ bằng âm nhạc chứ không thể tư duy câu đó bằng ngôn ngữ thông thường, thì nó sẽ ra một giai điệu, có cảm xúc và ngồi vào đàn, viết tới và sau đó mình đặt lời vào, lời giống như phiên dịch nốt nhạc đó ra. Tôi có khả năng dịch được nốt nhạc của mình một cách chính xác bằng ngôn từ. Cho nên giữa lời bài hát và giai điệu nó gắn với nhau và không tách rời được."
Nhạc sĩ Dương Thụ kể rằng bài hát Lắng Nghe Mùa Xuân Về đã được ông viết cách đây chừng 20 năm, ông vẫn nhớ rất kỹ kỷ niệm lần đầu tiên bài hát được phổ biến:
“Hồi đó tôi làm chỉ đạo nghệ thuật sân khấu ca nhạc chuyện nghiệp quận 10, người hát đầu tiên là cô Trang Kim Yến; cô là một ca sĩ Sài Gòn cũ, thấy bài hát Lắng Nghe Mùa Xuân Về có gì đó hợp với cô, thì cô xin hát bài đó, và khi bài hát đang tập thì người ta nghe nó lạ tai, và một số người chạy đến hỏi tôi “bài gì đó anh?” mùa Xuân sao nghe lạ thế, thì tôi nói rằng, tôi đâu có viết bài nhạc Xuân đâu, chẳng qua có bài hát mình viết lúc ấy, thì tự nhiên nó vậy thôi.
Bài này nói lên với các bạn một điều, tức là chắc chắn cuộc sống chúng ta phải mất đi một cái gì đó, đó là điều đương nhiên, chẳng ai giữ cho mình được tất cả mọi thứ. Nhưng chúng ta phải biết tiếc, chúng ta phải biết buồn chúng ta đã mất đi rất nhiều thứ trong cuộc đời và chúng ta cũng phải biết mơ nữa, mơ những cái mà chúng ta chưa đến được, chưa chạm tay được, chưa nói được. Có nghĩa là sống tích cực, sống biết buồn, khao khát sống và muốn cái gì đó tốt đẹp hơn trong những ngày tới, mùa Xuân thì mình nghĩ thế.
Cho nên trong tất cả các bài hát của tôi, bạn nghe thấy bài nào cũng hơi buồn buồn đấy, nhưng cái buồn không ủy mị, bạn nghe thấy yếu tố tiết tấu và giai điệu trong sáng và nhiều khi kích động.”
Nguồn: RFA/ Vũ Hoàng
No comments:
Post a Comment