Bức tượng Leonardo da Vinci trước nhà hát Tosca de Milano (Tuấn Thảo / RFI)
Năm 2019 đánh dấu 500 năm ngày Leonardo da Vinci qua đời. Sinh trưởng tại vùng Toscane của Ý, ông từ trần vào năm 1519 tại Amboise. Do vậy, năm nay vùng sông Loire nói riêng và nước Pháp nói chung đều long trọng tổ chức chương trình kỷ niệm thiên tài người Ý, tên tuổi của ông gắn liền với thời Phục Hưng.
Năm 1519 không những là năm Leonardo da Vinci (tiếng Pháp là Léonard de Vinci) qua đời, đó còn là thời điểm khởi công xây dựng lâu đài Chambord theo chỉ dụ của nhà vua François đệ nhất. Trong cùng một năm, Catherine de Médicis thuộc dòng dõi ‘‘Công tước truyền đời’’ đã sinh ra tại thành phố Florence (Firenze). Catherine de Medicis (1519-1589) sau đó trở thành hoàng hậu Pháp khi thành hôn với vua Henri đệ nhị (1533-1559).
Tất cả những nhân vật nổi tiếng này đều đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đem phong trào nghệ thuật Phục Hưng từ nước Ý du nhập vào Pháp. Phong trào Phục Hưng đặc biệt phát triển tại vùng sông Loire của Pháp. "Chiêu hiền đãi sĩ", nhiều đời vua Pháp đã tuyển mộ rất nhiều nghệ sĩ và nhân tài, các nhà trí thức hay kiến trúc sư để phát huy luồng tư tưởng tiên phong cũng như cả một nghệ thuật sống tại vùng sông Loire. 500 năm ngày giỗ của Leonardo da Vinci cũng có nghĩa là thời Phục Hưng khởi đầu cách đây 5 thế kỷ.
Ngoài Chambord, nhiều lâu đài khác cũng tham gia vào chương trình này. Trong đó, nổi tiếng nhất là các lâu đài Azay le Rideau, Valençay, Blois, Chenonceau và dĩ nhiên là lâu đài Clos Lucé, nguyên là nơi sinh sống và làm việc cuối cùng của nhà bác học Leonardo da Vinci. Do ông là cánh chim đầu đàn và hơn ai hết ông là gương mặt tiêu biểu nhất, nếu không nói là hiện thân của phong trào Phục Hưng của Ý. Qua hàng chục sinh hoạt lớn nhỏ khác nhau bắt đầu từ mùa xuân năm 2019, vùng sông Loire tìm cách tái tạo thời kỳ thịnh vượng này về mặt nghệ thuật và văn hóa thông qua một chương trình sự kiện phong phú, đa dạng.
Tâm điểm mùa lễ hội nằm tại lâu đài Clos Lucé, tư gia cuối cùng của thiên tài người Ý. Một cuộc triển lãm lớn diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9/2019, khai thác mối tương quan giữa Leonardo da Vinci với vua François đệ nhất, dẫn tới việc thực hiện bức kiệt tác ‘‘Bữa ăn tối cuối cùng’’ (L'Ultima Cena) của Đức Chúa Giê Su với các môn đồ (1495-1498). Bức họa này nằm trên tường tu viện Santa Maria thành phố Milano, không thể nào di chuyển được.
Để thay thế, một tấm thảm dệt theo bức bích họa được thực hiện tại Vatican sẽ được trưng bày tại lâu đài Clos Lucé.
Cách đó không xa, lâu đài Amboise tổ chức triển lãm theo chuyên đề ‘‘1519, ngày giỗ của Leonardo da Vinci’’ xoay quanh bức tranh sơn dầu và bộ sưu tập tranh khắc ‘‘Cái chết của Leonardo da Vinci’’ của danh họa François Guillaume Ménageot (1744-1816), cho thấy tài năng của thiên tài người Ý tiếp tục gợi hứng cho nhiều nghệ sĩ đời sau. Một cách tương tự, Viện bảo tàng Sologne và Quỹ Fondaton du Doute tại Blois tổ chức chương trình sinh hoạt theo chủ đề "Nguồn cảm hứng của Leonardo da Vinci" tồn tại cho đến tận bây giờ.
Bức tranh Dama con l'ermellino, do Leonardo da Vinci vẽ vào 1489 (Reuters)
Riêng lâu đài Chambord sẽ tổ chức cùng lúc hai sự kiện do ngày giỗ của Leonardo da Vinci cũng đánh dấu ngày khởi công xây dựng Château de Chambord. Cuộc triển lãm ‘‘Chambord 1519-2019’’ là giao điểm giữa quá khứ và tương lai, từ tháng 5 đến tháng 10/2019, dựa vào bề dày lịch sử của lâu đài, ban tổ chức đã mời nhiều kiến trúc sư quốc tế thử đưa ra một tầm nhìn xa, dùng máy vi tính và công nghệ cao cấp để thực hiện một sơ đồ hiện đại ba chiều của lâu đài Chambord trong tương lai. Còn chương trình lễ hội chính thức kỷ niệm 500 năm lâu đài Chambord sẽ diễn ra từ ngày 28/06 đến ngày 13/07/2019.
Hoàng hậu Catherine de Médicis cũng là một nhân vật lịch sử quan trọng đối với thời Phục Hưng, đặc biệt thông qua cuộc triển lãm "Các bức thảm của Hoàng hậu" tại lâu đài Chaumont sur Loire, từ tháng 9 đến tháng 12/2019. Song song với cuộc triển lãm này, còn có chương trình liên hoan "Nghệ thuật Sống thời Phục hưng" tại lâu đài Châteaudun, giới thiệu trang phục cũng như nghệ thuật ẩm thực có từ thế kỷ XVI. Tương truyền rằng bánh hạnh nhân macaron chính là do Catherine de Médicis đem từ nước Ý vào Pháp những năm 1533-1534 khi bà thành hôn với Henri đệ nhị và sau đó trở thành hoàng hậu nhiếp chính của nước Pháp.
Louvre trưng bày nhiều kiệt tác thời Phục Hưng, trong đó có La Joconde của Leonardo da Vinci (REUTERS/Charles Platiau)
Từ tháng 5 cho tới tháng 10/2019, lâu đài Villandry tổ chức chương trình ‘‘Đêm muôn ánh lửa’’, khi toàn bộ lâu đài chỉ được thắp sáng bằng nến, chứ không hề dùng đèn điện. Còn Azay-le-Rideau thử dùng công nghệ tối tân, đèn laser để thắp sáng lâu đài qua một chương trình biểu diễn kết hợp âm thanh và ánh sáng. Lâu đài Valençay tổ chức cùng lúc nhiều sự kiện trong đó có liên hoan Talleyrand và lễ hội âm nhạc xung quanh các nhạc khí thịnh hành vào thời Phục hưng.
Đó là những sự kiện quan trọng nhất, bên cạnh đó còn có nhiều thành phố khác như Orléans, Bourges, Blois, Amboise, Chambord hay là Tours đều có tổ chức chương trình chiếu ánh sáng theo chủ đề Phục Hưng lên các lâu đài và nhà thờ nổi tiếng nhất của các thành phố. Chương trình vinh danh Leonardo da Vinci kết thúc vào cuối năm 2019 với đỉnh điểm là các sinh hoạt văn hóa có tầm cỡ hàng đầu như triển lãm tại Trường Mỹ thuật Paris, đối chiếu tài năng hội họa của Leonardo da Vinci thông qua các bức phác họa với các tác phẩm của nhiều thế hệ nghệ sĩ như Raphael, Benozzo Gozzoli hay là Filippino Lippi. Viện bảo tàng của Công tước Henri d’Orléans tại Chantilly tổ chức triển lãm xung quanh bức tranh ‘‘Joconde khỏa thân’’ theo trường phái của thiên tài người Ý.
Bức tranh Ba vì vua dâng lễ tại Viện bảo tàng Florence (ANDREAS SOLARO / AFP)
Cuối cùng, từ 24/10/2019 cho tới cuối tháng Hai năm 2020, Viện bảo tàng Louvre dàn dựng cuộc triển lãm cực kỳ hoành tráng về Leonardo da Vinci. Cho tới nay, Louvre luôn trưng bày nhiều bức kiệt tác của thời Phục Hưng, trong đó có La Joconde của ông. Lần này, ngoài bộ sưu tập của Louvre, còn có thêm các tác phẩm đến từ Pinacoteca de Breira thành phố Milano (Portrait de Musicien), Viện bảo tàng thành phố Parma (La Scapigliata), Viện bảo tàng Mỹ thuật Venise (L’Homme de Vitruve), Viện bảo tàng Vatican (Saint-Jérôme) cũng như Viện Bảo tàng Florence (L’Annonciation & L’Adoration des Mages).
Sở dĩ Louvre là viện bảo tàng cuối cùng tôn vinh Leonardo da Vinci do đã từng có tranh luận giữa Pháp và Ý liên quan tới việc cho mượn các tác phẩm nổi tiếng của Ý. Ban điều hành Viện bảo tàng Louvre giữ lễ bằng cách chờ cho tới khi nào triển lãm tại các bảo tàng Ý kết thúc thì lúc ấy Louvre mới tổ chức chương trình kỷ niệm, đúng theo phương châm : tiên chủ hậu khách.
Nguồn: RFI/ Tuấn Thảo (đăng ngày 15/1/2019)
No comments:
Post a Comment