Tuesday, January 8, 2019

Champa Một Thuở - Võ Quang Yến


Mở đầu
Ngút ngàn ở giữa rừng xanh
Hiện lên ngọn tháp một mình cô đơn
Người xưa đã chọn mặt tường
Để lưu giữ lấy tâm hồn thiêng liêng
(Văn Lê)

Tổ tiên gia đình Võ tộc làng Nam Phổ ngoài Bắc nối gót Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong theo phong trào Nam tiến đầu thế kỷ XVII. Cách đây hơn mười thế hệ, họ sớm tách rời ra thành Cánh nhỏ lập gia phả riêng để dễ gần gũi, thân mật nhau hơn trong những ngày tảo mộ, hiệp kỵ. Chỉ ghi chép sơ lược để nhớ ngày mất, ít người được ghi rõ tên họ vợ, ngày giờ sinh và quê quán. Trong số các Cánh ấy có họ Võ Quang. Như trai trẻ thời ấy, họ là hai anh em còn trẻ cùng nhau đi phiêu lưu, lúc đầu làm nhà nông-binh sĩ khai phá đất hoang, tự lực bảo vệ cho đến lúc khai khẩn đủ đất đai để thiết lập thôn xã và được gia nhập vào lãnh thổ chúa Nguyễn. Năm 1949 đến lượt tôi có dịp đi du học ở Pháp. Trong gia đình tôi ở mỗi thế hệ thường có một người đi hoang, tôi tưởng tôi là người thế hệ ấy. Không ngở chính biến bùng nổ, vào khỏang 1975, gia đình nào cũng có người ra đi, đua nhau chạy tán loạn...Không gia đình, không vợ con, tôi thông cảm hai vị tổ tiên của tôi tìm ngưởi bạn đường bản xứ, lập gia thất với phụ nữ địa phương, chắc chắn không cùng văn hóa, ngôn ngữ, ở một môi trường phong tục, thủy thổ, tập quán, dù sao khác hơn thời buổi bây giờ. Hồi ấy, miền Trung Việt Nam là nơi định cư của nhiều nhóm Đông Nam Á, đặc biệt Môn Khơ Me, trong ấy có Chăm, Bru Van Kiêu, Cô Tu, Ê Đê...và Ta Oi. Gần đây, về Huế tôi được đưa viếng những trại trồng cây ở A Lưới và gặp được dân làng Van Kieu, Ta Oi, ít người Kinh. Nghe nói họ vừa mới bị buộc định cư, nhà cửa sạch sẽ, con cái đông đúc ...Tôi tưởng tượng trong cơ thể tôi cũng như biết bao đồng bào miền Trung, có thể có máu Chăm, Van Kiều hay máu Ta Oi, Ê Đê ...từ dạo ấy đã hoà lẫn mà không biết, có người cũng không muốn biết nữa.


Phụ nữ, trẻ em Van Kiêu, Ta Oi


Phụ nữ, trẻ em Van Kiêu, Ta Oi

Về làng, xem gia phả dòng họ, tôi nhận thấy không có tên con gái các cụ bà trong số những cặp ông bà đẩu tiên: phải chăng các cụ không phải là người Kinh? Như vậy thì như nhiểu đồng bào khác, máu người dân tộc trong cơ thể người Việt có đã từ lâu, sau mấy trăm năm đã bị loãng dần đến nỗi người dân không xác định đươc mình là ai. Hôm ở phòng thí nghiệm tại Paris, tôi có dịp tiếp một cô sinh viên tuổi đôi mươi, người Pháp, dong dỏng cao, tóc vàng, mắt xanh, xưng tên Huon. Tôi đánh bạo hỏi như một người rành biết dân cư Pháp: Cô là người vùng Bretagne? Cô cau mặt nhìn thẳng tôi, trả lời bằng tiếng Pháp trôi chảy như người Pháp, lẽ tất nhiên cô là công dân Pháp đã mấy đời: Dạ không, thưa ông, tôi là nguời Việt Nam! Tôi ngã người, sửng sốt, không dè mình đến tuổi nầy chưa phân biệt được người đồng hương, đồng xứ. Hỏi thêm cặn kẻ thì tôi mới biêt và giải thích cho cô hay ông cố của cô, dân Breton tùng chinh qua Việt Nam trước thế chiến, có con với một bà tên Hường, con gái một ông Chánh tổng, nhưng không cưới, có lẽ đã có vợ ở Pháp. Tuy vậy tôi có biết chuyện thân phụ ông Harter, giáo sư toán của tôi ở trường Trung học Khải Định, có bà mẹ cưới hỏi đàng hoàng, có tên ghi trong sổ bạ. Như nhiều người thời ấy (và ngay cả bây giờ) vì chỗ đứng trước sau, lầm lần tên với họ và khi làm giấy tờ, ông không muốn (hay không thể) để họ Pháp của mình và, trong trường hợp nầy, khai Hường là họ của vợ. Sau nầy về Pháp, họ Hường dần dần mất chữ g, dấu huyền, râu ư ơ vốn gốc Bồ, và còn lại Huon trần trụi. Sau bốn đời, tóc đen, răng nhuộm, nhường chỗ cho tóc vàng mắt xanh, thường được xem là không phải gen trội, thấy rõ trong một cô gái chỉ còn một phần tám máu dân tộc Kinh. Cô không nói tiếng Việt nhưng tự hào là người Việt! Cô Dominique Rolland, nhà dân tộc học, cháu ngoại ông Harter mấy đời, vẫn còn nhạy cảm với những vấn đề người Việt, chú ý đến thời sự ở Việt Nam.

Giờ đây, các cháu tôi, bà và mẹ người Pháp, đều có tóc vàng, mắt xanh, ít nhất khi mới sinh. Tôi có đứa cháu nội dáng dấp hoàn toàn người Âu, lúc còn nhỏ ở trường tiểu học, trước mặt bạn bè trong lớp ngạc nhiên, bảo một cậu bạn cùng lớp họ hoàng phái: gia đình mày có nợ với gia đình tao, nhân nói đến chuyện cụ Hồ Oai bị Đoàn Trung chém đứt lỗ tai khi đóng cửa thành nội để cứu sống vua Tự Đức! Ngay sau đó, vua Tự Đức ban cho ông cố ngoại tôi một chiếc tai vàng để tạ ơn và trong sử triều Nguyễn có sự tích Lỗ Tai Vàng. Tôi không biết người Chăm hay người Ta Oi có những đặc tính gì nên tôi không biết tôi có gì giống họ. Dù sao, tôi có dáng đấp người Đông Nam Á, thân thấp, tóc đen như bao bạn bè, thành thử khi qua Nam Dương tôi không lấy làm lạ khi anh bạn hướng dẫn Bali gọi đùa tôi cậu bà con phương xa. Một hôm, từ Katmandou, chúng tôi được đem xem mặt trời mọc ở chân Hy Mã Lạp Sơn. Thấy ông sĩ quan biên giới Nepal chăm chăm nhìn tôi, tôi nhờ anh hướng dẫn hỏi thì được giải thích: tôi giống người bản xứ Newa, những nghệ nhân chạm trổ đồ gỗ trong vùng, mà suốt buổi sáng chẳng nghe tôi nói một tiếng Newa! Thật vậy rất hiếm người Newa biết nói tiếng nước ngoài. Thành thử, khi về Việt Nam, đi viếng các tháp Chăm, bọn cháu khó hiểu khi tôi giảng máu chúng có thể hòa tan, tuy một phần nhỏ, máu Chăm của các nghệ sĩ đã xây dựng lên những kiệt tác nầy và những bà răng nhuộm đen, hút thuốc lá là hậu duệ tổ tiên bên ngoại. Định cư trên đất Pháp hơn một nửa thế kỷ, vào lúc gần đất xa trời, tôi cảm thấy đất nước Việt xa xăm mà sao lại gần gũi trái tim mình thế! Và di tích đền đài Cham Pa là di sản đang còn tồn tại trong lòng người miền Trung...


Phụ nữ, trẻ em Van Kiêu, Ta Oi

Phụ nữ, trẻ em Van Kiêu, Ta Oi


Giới thiệu


Nhóm Pô Klong Garai : Trái:tòa nam,mặt cắt dọc và mặt hướng bắc. Giữa mặt cắt ngang và đầu hồi đông

Ôi Cham Pa ngàn năm còn di hận.
Mảnh lụa đào phảng phất gái Cham Pa.
Rầm rập phương nam một dải sơn hà.
Nhớ những lúc phất cờ Chiêm bắc tiến
(Nổi buồn Cham Pa của Vân Trang)

Sau những buổi đi học lớp nghệ thuật Cham Pa do hội AFAO tổ chức ở Viện bảo tàng Guimet, nhà tôi và tôi quyết định đi xem tận nơi những ngôi tháp Chăm ở Việt Nam thường đuợc xem là có tiếng nhất trong số những di tích độc đáo ở Đông Nam Á như Borobodur ở Nam Dương, Pagan ở Miến Điện hay Angkor ở Cao Mên. Thế là trong hai năm liền (1998-99), mỗi lần về nước là chúng tôi thuê xe đi từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, ghé lại viếng thăm những ngôi tháp nằm dọc bờ biển hay xích vào trong một chút trừ những di tích trên Tây Nguyên hơi trái ngã đường. Những cuộc tìm biết nầy đã giúp chúng tôi sao tầm được một số hình ảnh mơi mẻ, hiếm trong số các ngôi tháp. Thường xe chạy đến chân mỗi tháp, trừ vài cái thì phải leo đồi như Pô Romé, Pô Klong Garai, vượt đồng án như Bình Lâm, còn Pô Đam thì phải cuốc bộ dọc đường rầy, cẩn thận nhảy xuống cạnh bên trong bụi rậm khi có tàu chạy ngang và nghe trước nhìn sau tránh qua cầu vào lúc tàu gần đến. Sau mấy tiếng đồng hồ lặn lội dưới ánh nắng gắt gao tháng tám, nuớc dừa mấy trái được dân làng hái xuống cho uống thật là ngon ngọt, mát dịu, xóa bỏ mọi nhọc nhằn...


Tháp Chăm nằm rải rác khắp miền Trung, từ Đèo Ngang vào đến Đèo Cả, được lần lượt xây dựng từ thế kỷ VII trong luôn mười thế kỷ. Chỗ chọn xây thay đổi từ nơi : trên đồi như Pô Klaung Garai, Thốc Lốc, Pô đam,  Pô Romé ; trên đồi gần cửa biển như Pô Nagar, Phú Hải ; trên đồi ven sông như Bánh Ít -Tháp Bạc, Tháp Nhạn ; ngay giữa đồng bằng gần sông như Bằng An, Thủ Thiện, Khương Mỹ, Bình Lâm ; hay trong thung lũng dưới một chân núi - thường đuợc gọi "Núi thiêng" -, dưới chân một ngọn núi quanh một con suối như tổng thể Mỹ Sơn.... Những nhà khảo cứu tin trước kia những đền tháp đều được dựng bằng gỗ, đến thế kỷ VII mới xây bằng gạch nhưng chỉ các điện thờ còn nhà trú thì vẫn còn bằng gỗ. Vật liêu nầy không chịu đựng được sức tàn phá của thời tiết, chiến tranh nên nay không còn tồn tại. Độc đáo của nghệ thuật Chăm là chế tạo một thứ gạch nung nhẹ lửa (khoảng 850°), không cứng để có thể chạm trổ hoa văn nhưng lại vô cùng bền chắt. Họ ít dùng sa thạch là vật liệu khan hiếm chỉ để trang trí ở các lanh tô, tym pan, khung cửa, trụ cửa, chóp tháp, đỉnh tháp,... Để kết dính các viên gạch, họ không dùng thạch cao, xi măng mà có sáng kiến dùng một loại hồ nhựa cây, có thể là dầu nước Dipterocarpus alatus Roxb. còn gọi dầu rái là một cây mọc nhiều ở miền Trung, rẻ tiền, thường dùng để trát ghe thuyền chống nước, trộn với gạch vụn hay đất sét, khi khô trùng hợp trở nên rất cứng. Nhiều thế kỷ sau, không còn dấu vết nhựa cây, chất kết dính nầy là một vấn đề nan giải cho các nhà khảo cổ, một bài toán bận đầu cho các nhà khảo cứu. Khi tường dựng xong, hoa văn đã chạm trổ, dầu trong suốt còn được phết lên một lớp trên gạch bên ngoài. Phối hợp gạch nung nhựa cây nầy đã bảo vệ được vách tường mọi sức ăn mòn, tác động của mưa nắng gió sương nhiều trăm năm sau.

Ở những thánh đô, kinh đô, đền tháp thường đuợc xây dựng để thờ phụng tổ tiên, Phật-vua, chư thần hay vương quyền. Những đền tháp Chăm không to lớn như những di tích khác ở Đông Nam Á nhưng nhờ không đồ sộ, chúng có một tính chất duyên dáng như một vật trang sức hơn là một thành trì kiên cố. Kiến trúc chịu ảnh hưởng nghệ thuật Ấn Độ, quần thể gồm có phần chính là một ngôi đền kalan tượng trưng cho ngọn núi Meru, trung tâm vũ trụ, bao quanh là những đền thờ nhỏ, các thiên thể, những bờ tường thấp, các đại dương. Thường các kalan, nơi trú ngụ của thần linh, hướng về phía đông, phía mặt trời mọc, có khi về phía tây như ở Mỹ Sơn, vì địa thế riêng biệt, hay phía nam như ở Po Dam trên sườn núi. Bên trong kalan chứa đựng trên chánh điện gharbarha hoặc bộ linh vật yoni-linga, hoặc tượng hình một vị thần Ấn Độ, Phật giáo hay một ông vua Cham Pa. Dưới chánh điện có một hầm vuông để rút nước thánh tẩy hay một lỗ soma-sutra thoát nước thánh ra ngoài. Quanh chánh điện một lối hẹp để tín đồ đi vòng theo chiều kim đồng hồ khi hành lễ pradakshina-patha. Ở chánh điện nhiều kalan như ở Po Klaung Garai, Po Rômé, Po Nagar, còn tồn tại một cánh cửa bằng gỗ quý che kín bên trong luôn bao trùm một lớp bóng tối, thành tường lởm chởm như một hang động. Chánh điện thông với bên ngoài qua một tiền điện hẹp, dài, u tối, có thần Nandin canh giữ như ở các kalan Pô Klong Garai, Pô Rômê. Trước cửa tiền điện, hai trụ bằng sa thạch hình tứ giác, bát giác hay tròn chạm trổ hoa văn, có khi ghi khắc văn bia như ở Po Nagar, Pô Klaung Garai. Trên hai trụ có lanh tô cũng chạm trổ hoa văn, ngay dưới một tym pan thể hiện hình tượng vị thần được thờ, thường là Siva múa điệu vũ trụ tandawa. Những phần nầy lúc trước được sơn đỏ nay chỉ còn thấy chút ít ở Mỹ Sơn. Trước bậc cấp bằng đá vào cửa, một phiến đá mỏng có chạm trổ những cánh sen.

Kalan hình vuông, có mái tháp hình chóp ba tầng, đỉnh nhọn bằng sa thạch, được chia làm ba phần tượng trưng cho thiên giới (đế tháp), thế giới tâm linh (thân tháp), thế giới thần linh (mái tháp). Đế tháp chạm trổ hình tượng hoa lá, động vật như voi, sư tử, kala-makara, vũ nữ, nhạc công, những hoạt cảnh thiên giới. Thân tháp có bốn cột trụ tường pilastre đứng hai bên một cái cửa giả lớn trang trí tinh vi, mang ở giữa hình tượng vị thần hộ trì lokapala ngôi tháp, hai tay chắp ngực, cầm đóa hoa sen. Trên các cửa giả nhỏ có ba tấm tym pan thường thể hiện hình tượng Laksmi, vợ thần Visnu. Các cột trụ tường vượt quá đế tháp xuống đến chân tháp cũng như coc nich tiếp giáp mái tháp đều chạm trổ hoa lá. Ở góc coc nich thể hiện hình tượng thiên nữ apsara, thủy quái makara hoăc ngọn lửa thiêng liêng. Mái tháp ba tầng, càng lên cao càng thu hẹp như một ngọn núi, trang trí ngẫu tượng và vật cưỡi của các vị thần Ấn Độ: chim thần Garuda, ngỗng thần Hamsa, bò thần Nandin, voi, sư tử,...Tầng thứ ba là chóp tháp amalaka, gồm có một phiến đá hình tứ giác, bát giác hay tròn chạm trổ mặt nạ thần Thời gian Kala, rắn thần Naga, bò thần Nandin hoặc tám vị thần hộ trì tám phương Astadikpalakas. Trên cao chóp tháp là đỉnh tháp, phần dưới trang trí những cánh sen, phần trên là khối đá nhọn bốn cạnh, tượng trưng núi thiêng Kailasa, nơi ngự trị thần Siva.

Mỗi đền tháp gồm có lúc đầu một kalan ở trung tâm, đối diện với một tháp cổng gopura có hai cửa hướng đông-tây. Trước tháp cổng là một nhà dài mái ngói mandapa có nhiều cửa sổ, hai cửa chính hướng đông-tây, nơi chuẩn bị lễ vật, múa hát cũng là nơi cầu nguyện, tĩnh tâm trước làm lễ thánh tẩy trong kalan. Bên mặt tháp nầy là kho lễ vật kosagrha bằng gạch, mái cong hình thuyền, cửa chính luôn hướng bắc, tượng trưng kho báu và sự trù phú cho vương quốc. Kho lễ vật, người địa phương gọi "Tháp lửa", còn là nơi nấu nướng thức ăn dâng cúng chư thần. Ngoại trừ những nhóm riêng biệt Po Klaung Garai, Po Rômé, Tháp Bạc, Cánh Tiên hay những quần thể lớn Po Nagar, Mỹ Sơn, có những nhóm gồm có ba kalan xây sát nhau như Hòa Lai, Khương Mỹ, Chiên Đàn, Dương Long, hay hai kalan như Hưng Thạnh. Hai, ba tháp những nhóm nầy thường được xây dựng trên những gò đất thấp, không đồng thời, trừ hai nhóm Hưng Thạnh (cuối thế kỷ XII) và Dương Long (giữa hai thế kỷ XII và XIII), nhưng kéo dài nhiều thập kỷ : nhóm Hòa Lai giữa hai thế kỷ VIII và IX, nhóm Khương Mỹ trong thế kỷ X, nhóm Chiên Đàn giũa hai thế kỷ XI và XII. Lúc đầu, những ngôi đền nhỏ, phụ, được xây cạnh kalan lớn, dần dần mới trở thành nhóm hai hay ba kalan. Chương trình cách thức xây dụng nầy do ảnh hưởng nghệ thuật Khmer giải thích vì sao ba ngôi tháp thường không có kích thước giống nhau, đằng khác ngôi giữa không nhất thiết phải lớn hơn hai ngôi kế cạnh.

Sau đây xin trình bày những bài đã đăng trong ChimViệt Cành Nam sắp thành 4 phần về những nhóm tháp chúng tôi đã thăm viếng theo thứ tự niên đại, phỏng theo cắch xếp đặt của Philippe Stern, thiếu những đền đài thuộc các phong cách Mỹ Sơn A, E, Đồng Dương, Trà Kiệu, Chánh Lộ, Tháp Mắm, Yang Mum.

A: Từ phong cách Hòa Lai qua phong cách Mỹ Sơn A
  • Phú Hài, Po Dam, Hòa Lai: phong cách Hòa Lai (thế kỷ VIII-IX) 
  • Khương Mỹ: phong cách Mỹ Sơn A (đầu thế kỷ X)
B: Từ phong cách Mỹ Sơn A1 qua phong cách chuyển tiếp Mỹ Sơn - Bình Định
  • Bằng An, Po Nagar, Chiên Đàn, Bánh Ít, Bình Lâm, Thủ Thiện: phong cách chuyển tiếp Mỹ Sơn - Bình Định (thế kỷ XI-XII)
C: Từ phong cách chuyển tiếp Bình Định - Mỹ Sơn qua phong cách muộn
  • Tháp Nhạn, Hưng Thạnh, Cánh Tiên, Dương Long, Phú Lốc: phong cách Bình Định (thế kỷ XII-XIV) 
D: Những phong cách Mỹ Sơn và Bình Định
  • Po Klong Garai, Po Romé: phong cách muộn (thế kỷ XIV-XVI) 
  • Thánh địa Mỹ Sơn

Mời bạn xem tiếp
👉 Champa Một Thuở : Tháp Chàm vào thế kỷ VIII - IX - đầu thế kỷ X
👉 Champa Một Thuở : Tháp Chàm vào thế kỷ XI - XII
👉 Champa Một Thuở : Tháp Chàm vào thế kỷ XII - XIV
👉 Champa Một Thuở : Tháp Chàm vào thế kỷ XIV - XV I

No comments:

Post a Comment