Sunday, January 13, 2019

Champa Một Thuở : Tháp Chàm vào thế kỷ XII - XIV

Mời xem lại 👉 Champa Một Thuở : Tháp Chàm vào thế kỷ XI - XII

Từ phong cách chuyển tiếp Bình Định - Mỹ Sơn qua phong cách muộn: Tháp Nhạn, Hưng Thạnh, Cánh Tiên, Dương Long, Phú Lốc: phong cách Bình Định (thế kỷ XII-XIV)

X - Tháp Nhạn


Xây dựng vào khoảng thế kỷ XI trên núi Nhạn, một thắng cảnh của thị trấn Tuy Hòa, tỉnh lỵ Phú Yên, soi bóng sông Đà Rằng, tháp Nhạn là một kalan hướng phía đông, hình dáng cao mảnh trông rất thanh nhã. Bốn tầng phong cách giống nhau chồng chất, mỗi tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, mỗi tầng có một tháp con ở góc nhưng phần lớn đều rơi mất. Tiền sảnh không còn, trang trí hầu hết bị xói mòn trên các cửa giả mang bên trên một cái vòm dựa lên hai cột nhỏ. Nòng cốt của các bức tường là những cột trụ xen lẫn với các phần nổi trơn tru. Chóp tháp nguyên là một phiến đá hình tháp, dưới vuông có chạm cánh sen, trên nhỏ dần thành hình nón, cao 1m30, cạnh rộng 0m90, nay rơi xuống đất, một phần bị chôn khó thấy nên người ta có thể tưởng là một linga hay một cái bia. Trong tháp không biết lúc trước thờ ai, ngày nay có một bàn thờ đặt trên một yoni với một hình tượng được Việt hóa. Tuy nhiên các miếu xung quanh tháp và miếu lớn trước tháp thờ Thiên Y A Na Diên Ngọc Phi được truyền tụng là vị thần đã phù hộ dân cư làm ăn sinh sống, ghe thuyền ngư dân vượt qua sóng to gió lớn mà các tân sắc các vị vua triều Nguyễn có ghi rõ công lao. Ngay trong thời kỳ chiến tranh, tháp đã được trùng tu, sửa chữa những chỗ nứt lở, đúc móng xi măng để cũng cố cho khỏi bị lún xuống,…Ngày nay, tháp rất sạch sẽ cả trong lẫn ngoài, chứng tỏ dân cư luôn chăm lo chuyện thờ phụng.










XI- Tháp Thủ Thiện


Thủ Thiện là một ngôi tháp độc nhất ở làng Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, sách Đại Nam nhất thống chí gọi Thủ Hương cổ tháp (Thủ Hương là tên cũ Thủ Thiện), người Pháp có tên Tour de Bronze (Tháp Thau). Xa quốc lộ, không nằm trên đồi cao, mà là giữa ruộng nương, vườn tược, xa sông Kôn khoảng 1km, nên tháp được thấy từ xa. Kiến trúc bình đồ hình vuông mỗi cạnh 8m5, thân cao, hơi thóp ở giữa. Các cột ốp trơn, phẳng, không có hoa văn trang trí, ô dọc trên tường giữa các cột không coa chạm khắc nhô ra thành gờ. Cửa tháp mở về phía đông, vòm cửa bị sập nhiếu, nhưng ba cửa giả ở các hướng tây, nam, bắc còn tương đối nguyên vẹn với những mũi lao cao vút xếp thành nhiều lớp. Trên của có ô khám thờ nhưng không còn hình tuợng hoặc phù điêu. Giữa thân và mái, bộ diềm nhô khá hư hại nhô ra bốn phía nâng đở ba tầng nóc đồng dạng, nhỏ dần lên trên, có các tháp nhỏ nhiều tầng trang trí bốn góc. Bên trong tháp có nhiều bết gắn phù điêu, nơi đặt tượng thờ. Tháp Thủ Thiện khác những ngôi tháp xây dựng cùng thời cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII ở điểm giản lược trang trí. Nó được kê vào phong cách chuyển tiếp Mỹ Sơn A1 và phong cách Binh Định tuy đậm nét phong cách Bình Định.

XII-Tháp Hưng Thạnh


Hưng Thạnh là một khu tháp ở phường Đống Đa thành phố Qui Nhơn tỉnh Bình Định. Khu có hai tháp (thay vi ba) nên còn được gọi là Tháp Đôi. Tuy bị hư hại nhiều, nhưng được trùng tu năm 1990, cả hai tháp trông rất sạch sẽ, trang trí, cấu trúc giống nhau, thân khối vuông, mái hình tháp mặt cong, mất chóp, quay mặt về hướng đông. Tháp phia bắc cao hơn tháp phía nam, ngày nay còn có bốn thanh đá đánh dấu một khung cửa hình chữ nhật. Toàn bộ chân tháp được đặt lên những tảng đá khổng lồ tượng trưng một đài sen. Trang trí những cánh sen là hình tượng vũ nữ, voi, sư tử. Còn trên bộ diềm mái bằng đá bên trên thì có hình tượng khỉ nhảy múa, những con vật đầu voi, mình sư tử, những ngưòi ngồi sáu và tám tay, đặc biệt những thần điểu Garuda ở bốn góc. Với hai tay dương cao, hình tượng các thần điểu nầy chịu ành hưởng phong cách Khơ Me thời Angkor Vat. Tuy nhiên, thân tháp giữ kiến trúc Cham Pa với các của giả, cột ốp, mặt nổi giữa các cột ốp, vòm trên cửa giả hướng lên cao thành mũi lao. Tháp phía bắc nhỏ hơn tháp kia, bị hư hại nhiều hơn nhưng những vết tích còn lại cho thấy củng kiến trúc, trang trí. Hưng Thạnh được xây dựng thời phong cách Bình Định, cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, vào lúc giao lưu giữa Cham Pa và vương quốc Khơ Me lên cao.











XIII- Tháp Dương Long


Cụm di tích Dương Long gồm có ba tháp tọa lạc trên một đồi cao thuộc hai thôn Vân Tương xã Bình Hòa và An Chánh xã Tây Bình, huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định, phía nam núi Trà Sơn, cạnh thành dân sự phế tích Phú Phong. Người Pháp có tên Tour d’Ivoire (Tháp Ngà). Nằm theo trục bắc-nam, bình đồ hình vuông, mỗi cạnh 12m gấp khúc nên trông như hình đa giác, các tháp được xây bằng gạch, các góc và mái bằng đá lớn. Tháp giữa (30m) cao hơn hai tháp kia cũng là tháp còn lại cao nhất trong các tháp Chăm. Thân tháp cao vút, các trụ ốp trơn tru nâng toàn bộ mái tháp. Các cửa chính hình mũi lao mở ra hướng đông. Tượng thần Garuda chân quắp đầu rắn trang trí hai trụ cửa bằng đá. Các cửa giả có hình lá nhĩ, thân rắn uốn quanh bên ngoài, mặt Kala dữ tợn khạc rắn bảy đầu bên trong. Diềm đá ngăn cách thân và mái chạm khắc tinh vi những hình voi và sư tử kết thành dải chạy quanh rất linh động. Bốn mái gốm có bốn tầng nhỏ dần với một búp sen trên chóp. Hai tháp kia trang trí có phần khác : ngoài các hình voi, sư tử Kala, còn có rắn Naga, bò Nadin, những con, vật kì dị cùng những hình người, các đạo sĩ ngồi thiền,…Chịu nhiều ảnh hưởng nghệ thuật Khmer, tháp Dương Long có thể được xây trong thời gian Khmer đô hộ, xếp vào phong cách Bình Định, khoảng hai thế kỷ XII-XIII.










XIV- Tháp Phú Lốc


Phú Lốc là một ngôi tháp đơn tại thôn Châu Thành, phường Nhơn Thành, làng Phú Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, còn mang tên Phú Lộc, Phước Lộc, Thốc Lốc, Phốc Lốc, người Pháp gọi Tour d’Or (Tháp Vàng). Tháp bằng gạch bình đồ hình vuông, mỗi chiều 9,7m, chỉ cao 15m nhưng với nền đá cao lại được xây trên một đỉnh đồi nên trơ trọi nổi bật trên bầu trời. Từ tháp tầm mắt phóng bốn hướng bao quát cà miền đồng bằng An Nhơn, Phù Cát. Đặc biệt, các chân cột ốp, diềm mái cho thân và các tầng của tháp đều bằng đá, điêu khắc chỉ định thờ thần Siva. Các cột ốp ở góc, các ô dọc giữa các cột ốp trơn tru nhô mạnh ra. Cửa chính hướng về đông, ba của giả ba tầng nhỏ dần lên trên tựa ba lưỡi mác nhọn vút lên sát diềm mái, trang trí hoa văn xoắn kết dài. Các vòm trên cửa giả được trang trí với các phù điêu. Cửa trên mái tháp trông như những khám thờ, bao quanh trên vòm cửa nhọn có hoa văn lá lật xơắn đối xứng trang trí. Tháp thuộc phong cách Bình Định, được xây dựng vào đầu thế kỷ 12, có lẽ trong thời kỳ quân Khmer chiếm đóng kinh đô Vijava, vì vậy có nhiều ảnh hưởng kiến trúc và nghệ thuật Angkor. Tháp Phú Lộc được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1995.








Mời xem tiếp 👉 Champa Một Thuở : Tháp Chàm vào thế kỷ XIV - XVI

No comments:

Post a Comment