Audio
Nhưng Marianne là ai ? Do đâu mà nàng Marianne trở thành một biểu tượng hàng đầu của nước Pháp ? Lần giở những trang sử, nàng Marianne trở thành biểu tượng từ thời Cách Mạng Tư Sản Pháp 1789. Và vào thời đó, việc chọn một phụ nữ làm biểu tượng có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại, với chiếc mũ phrygien màu đỏ của những người nô lệ sau khi được người chủ giải phóng, tượng trưng cho tự do.
Về nguồn gốc tên Marianne, theo nhiều tư liệu, vào thế kỷ XVIII, Marie và Anne là hai tên gọi rất phổ biến của phụ nữ Pháp thuộc tầng lớp bình dân, và Marianne là tên ghép lại từ hai tên gọi bình dân Marie và Anne. Cái tên Marianne cũng được xuất hiện trong lời bài hát « La Guérison de Marianne ». Bài hát được sáng tác năm 1792, chỉ mươi ngày sau khi thành lập Nền Cộng Hòa. Chuyên gia về lịch sử, phóng viên Frank Ferrand giải thích trên kênh Europe 1 : « Bài hát này kể rằng một người bệnh tên là Marianne đã được chữa khỏi bệnh. Một cách ẩn dụ, người ta nói tới nền cộng hòa non trẻ có từ năm 1792 và đang bị công kích, tấn công từ mọi phía. Và ở miền nam, người ta cũng quen với câu hỏi : « Marianne thế nào rồi ? », có nghĩa là « Chế độ chính trị mới tiến triển thế nào rồi ? »
Đó là lần đầu tiên tên Marianne mang tính tượng trưng cho sự thay đổi chế độ. Từ biểu tượng cho tự do mà Cách Mạng Tư Sản Pháp 1789 đạt được, nàng Marianne trở thành biểu tượng cho nền Cộng Hòa. Các nhà cách mạng cũng lấy Marianne làm biểu tượng cho « mẹ Tổ quốc », hình ảnh người mẹ chở che, nuôi dưỡng những người con của nền Cộng Hòa Pháp non trẻ.
Hình ảnh nàng Marianne ban đầu được chọn dựa theo hình ảnh người thiếu nữ ngực trần, một tay phất lá cờ ba màu xanh - trắng - đỏ, một tay cầm binh khí, đầu đội chiếc mũ frygien, trong bức tranh nổi tiếng « Tự do dẫn đường cho nhân dân » của danh họa Eugène Delacroix. Hình ảnh người thiếu nữ đó tượng trưng cho sự vùng lên tranh đấu, dẫn dắt dân tộc hướng tới tự do.
Bức tranh được lấy cảm hứng từ một sự kiện lịch sử có thật : vào ba ngày 27-28-29/07/1830, người dân Pháp nổi dậy lật đổ vị vua Charles X - vốn không được lòng dân và đưa Louis Philippes d’Orléan lên ngôi vua.
Từ năm 1848, ở thời Đệ Nhị Cộng Hòa, người ta còn thấy xuất hiện hình ảnh nàng Marianne được khắc họa với một cái cân tượng trưng cho sự bình đẳng, hai bàn tay đan vào nhau ngụ ý nới tới tình đoàn kết, lòng bác ái. Và như vậy, hình ảnh nàng Marianne bao hàm cả các giá trị cơ bản của nước Pháp : tự do, bình đẳng, bác ái.
Theo dòng lịch sử, khi thì nàng Marianne mang dáng vẻ nghiêm trang, hiền dịu, đầu đội vòng nguyệt quế (theo ý nguyện của những người cộng hòa bảo thủ), khi thì nàng Marianne để ngực trần, đội mũ frygien đỏ, mang dáng vẻ của một thủ lĩnh tranh đấu (theo ý nguyện của những người cộng hòa chủ trương cách mạng).
Mang ý nghĩa tượng trưng cho Cách Mạng, vào thời các hoàng đế Napoléon, nàng Marianne không còn được coi là biểu tượng. Các bức tượng nàng Marianne được thay thế bằng tượng của hoàng đế Napoléon. Tới năm 1852, hoàng đế Napoléon III còn cho thay hình nàng Marianne trên đồng xu và tem thư bằng hình của mình.
Tới thời Đệ Tam Cộng Hòa 1870, việc sử dụng biểu tượng Marianne được chính thức hóa. Tượng nàng Marianne bắt đầu được đặt trong các tòa thị chính trên khắp nước Pháp, thay thế cho tượng của Hoàng đế Napoléon III. Điều này thể hiện sự cắt đứt với Đệ Nhị Đế Chế và sự hòa giải của những người cộng hòa sau những biến cố thời Công Xã Paris. Tòa thị chính Paris đặt tượng nàng Marianne đội mũ phrygien vào năm 1880. Các bức tượng Marianne, dù là tượng bán thân hay toàn thân, dù không có khuôn mẫu nhất định nhưng thường gợi nhắc về những thời khắc Cách Mạng quan trọng trong lịch sử Pháp : 1789, 1830, 1848.
Sang thế kỷ XX, dưới chế độ Vichy trong Đệ Nhị Thế Chiến, nàng Marianne đại diện cho nền Cộng Hòa chống lại chế độ Vichy và đại diện cho cuộc chiến chống phát xít Đức, nên bị chính phủ Vichy cấm hoàn toàn. Hình nàng Marianne trên tem thư bị thay bằng hình thống chế Philippe Pétain.
Từ năm 1944, sau khi nước Pháp được giải phóng khỏi ách thống trị của phát xít Đức, hình ảnh nàng Marianne mới xuất hiện trở lại. Theo ý tưởng của Hiệp hội các tòa thị chính của Pháp, tượng nàng Marianne mang dáng vẻ một phụ nữ đương thời. Nguyên mẫu của tượng nàng Marianne thường là các ngôi sao màn bạc hoặc danh ca có tên tuổi của Pháp, như cô đào Brigitte Bardot (1968), diễn viên Michèle Morgan (1972), ca sĩ Mireille Mathieu (1978), nữ diễn viên huyền thoại Catherine Deneuve (1985) vốn nối tiếng ở Việt Nam với diễn xuất xuất sắc trong bộ phim Dông Dương, diễn viên Sophie Marceau (2012) …
Vào năm 1989, nhân kỷ niệm 200 năm nàng Marianne, 200 năm Cách Mạng Tư Sản Pháp, lần đầu tiên gương mặt một người mẫu được chọn để khắc họa nàng Marianne. Đó là người mẫu Inès de la Fressange. Tới năm 2000, vinh dự trên lại thuộc về người mẫu Laetitia Casta.
Những gương mặt nàng Marianne trên tem thư của Pháp
Vào năm 1849, giai đoạn Đệ Nhị Cộng Hòa, lần đầu tiên con tem thư in hình nàng Marianne được bưu điện Pháp phát hành. Nước Pháp khi đó vẫn là nước nông nghiệp và nàng Marianne đầu tiên trên tem thư được khắc hoạ qua hình ảnh Céres, nữ thần mùa màng trong thần thoại Hy Lạp.
Trong những năm qua, bưu điện Pháp đã phát hành vài chục phiên bản tem thư Marianne khác nhau, khi thì tem thư nàng Marianne mang ý nghĩa « thương mại và hòa bình hợp nhất và ngự trị trên thế giới » (cuối thế kỷ XIX), khi lại mang hình ảnh của « người gieo hạt » khi mặt trời đang lên với ngụ ý nước Pháp đang tiến bước và gieo ý tưởng (1903).
Năm 1982, bưu điện Pháp cho phát hành một con tem mới với tên gọi « Nouvelle Marianne », tạm dịch là « nàng Marianne mới ». Con tem « nàng Marianne mới » là do tân tổng tổng Pháp năm đó, ông Francois Mitterand, lựa chọn. Cho phát hành một con tem mới là truyền thống của các tổng thống thuộc nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp vốn có từ trước đó. Cũng giống người tiền nhiệm là tổng thống Giscard d’Estaing, tổng thống Francois Mitterand rất chú ý tới việc lựa chọn một hình ảnh đại diện cho nhiệm kỳ 7 năm lãnh đạo đất nước.
Tổng thống Giscard d’Estaing (nhiệm kỳ 1974-1981) đã chọn hình ảnh nàng Marianne dựa theo hình ảnh trong bức họa của thiếu nữ Sabine trong một bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Jacques-Louis David được vẽ vào năm 1799 và được lưu giữ tại bảo tàng Louvre, Paris. Bức tranh có tên gọi - tạm dịch là « Những thiếu nữ Sabin ngăn cản cuộc chiến giữa người La Mã và người Sabin », tượng trưng cho hòa giải quốc gia và tinh thần đoàn kết dân tộc.
Tổng thống Francois Mitterand, khi đó muốn một nàng Marianne khác hẳn nàng Marianne dưới thời người tiền nhiệm Giscard d’Estaing, đã chọn dựa theo hình ảnh người thiếu nữ trong bức tranh nổi tiếng « Tự do dẫn đường cho nhân dân » của danh họa Eugène Delacroix, làm hình ảnh đại diện cho nhiệm kỳ tổng thống 1982-1889, với hàm ý dân tộc Pháp kiên cường bất khuất hoặc nổi dậy, hoặc dùng lá phiếu lật đổ lãnh đạo không được lòng dân và lựa chọn người xứng đáng hơn lên nắm quyền.
Tháng 12/2003, lần đầu tiên trong lịch sử, Bưu Điện Pháp tổ chức cuộc thi quốc gia về thiết kế tem thư Marianne dành cho mọi người dân Pháp trong độ tuổi 4-94 với chủ đề « nàng Marianne vì môi trường và các giá trị cơ bản của nước Pháp ». Tổng thống là người chọn con tem thắng cuộc. Hơn 50.000 bức vẽ dự thi đã được gửi tới ban tổ chức. Năm 2008, tổng thống Nicolas Sarkozy lựa chọn tem thư với đề tài nàng Marianne và Liên Hiệp Châu Âu.
Năm 2013, nhân ngày Quốc Khánh Pháp 14/07, con tem thư với hình ảnh một nàng Marianne mới đại diện cho nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống François Hollande được công bố. Khác với các tổng thống tiền nhiệm, François Hollande không tự chọn hình ảnh nàng Marianne mới mà trao quyền lựa chọn cho học sinh các trường học trung học của Pháp thông qua một cuộc thi bình chọn với chủ đề « Marianne của giới trẻ ». Vượt qua khoảng 60 đối thủ dự thi, họa sĩ Olivier Ciappa, một nhà tranh đấu ủng hộ hôn nhân đồng giới đã được chọn với hình ảnh nàng Marianne với nguyên tác là Inna Shevchenko, lãnh đạo phong trào nữ quyền FEMEN. Đó là phong trào phái nữ để ngực trần phản kháng trước các vấn đề của xã hội hiện đại. FEMEN khởi phát từ quốc gia Đông Âu Ukraina.
Tại Pháp, FEMEN gây nhiều tranh cãi trong dư luận sau những hành vi phản kháng gây sốc ở những nơi uy nghiêm, linh thiêng, chẳng hạn vào tháng 02/2013, 8 phụ nữ theo phong trào FEMEN đã cởi áo khoe ngực trần trong nhà thờ Đức Bà Paris để « ăn mừng » sự kiện giáo hoàng Benedicto XVI thoái vị và việc Pháp thông qua luật hôn nhân đồng giới. Việc chọn tác phẩm của nhà đấu tranh cho hôn nhân đồng giới, hơn nữa gương mặt đại diện cho nàng Marianne lại là nhân vật tiêu biểu của FEMEN đã khiến nhiều người dân Pháp và đối thủ chính trị của tổng thống François Hollande phẫn nộ và kêu gọi tẩy chay.
Theo dòng thời gian, với những đổi thay của thời cuộc, ý nghĩa biểu tượng của nàng cũng có nhiều thay đổi, từ tượng trưng cho các giá trị cốt lõi của nước Pháp, hoặc là biểu tượng của cách mạng, tự do, của nền Cộng Hòa, là hiện thân của những người tranh đấu hay người mẹ chở che bao bọc những người con của dân tộc Pháp …, nàng Marianne đã trở thành một biểu tượng mang tính khái quát cao, như ông Jean-François Kahn, sử gia, nhà văn, nhà báo, người sáng lập tuần báo Marianne nhận xét : « Marianne tượng trưng cho quốc gia, Marianne tượng trưng cho dân tộc, cho nền Cộng Hòa, cho nước Pháp. Đó là một biểu tượng mang nhiều ý nghĩa. Và tôi nghĩ rằng chính sự không rõ ràng đó khiến những người có xuất thân, tư tưởng, thái độ chính trị - xã hội khác nhau cùng quy tụ về quanh biểu tượng nàng Marianne »
Với những ý nghĩa quan trọng đó, trải qua qua bao thăng trầm kể từ thế kỷ XVIII, nàng Marianne hiện vẫn là một trong năm biểu tượng chính thức của của dân tộc Pháp và hiện diện nhiều nơi trong cuộc sống hàng ngày của người dân Pháp.
Nguồn: RFI/ Thùy Dương (đăng ngày 9/2/2018)
No comments:
Post a Comment