Saturday, March 21, 2020

Vòng vây thắt lại: Tổng thống Trump gọi đích danh coronavirus là Chinese Virus - Virus Tầu


1. Tình trạng đáng âu lo tại Hoa Kỳ: 176 trong tổng số 177 giáo phận phải đình chỉ thánh lễ

Tính đến sáng thứ Năm 19 tháng Ba, trên toàn thế giới, số trường hợp tử vong đã lên đến 9,277 người thiệt mạng và 225,438 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Tại Hoa Kỳ, tổng số trường hợp nhiễm bệnh đã lên đến 9,464 người trong đó 155 người đã thiệt mạng vì coronavirus. Đến chiều ngày 18 tháng Ba vùng hạn chế di chuyển đã mở rộng chi phối cuộc sống của ít nhất 10 triệu người.

Trong bối cảnh đó, 176 trong tổng số 177 giáo phận và tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Latinh tại Hoa Kỳ đã phải đình chỉ việc cử hành các Thánh lễ dành cho công chúng. Đến nay, các thánh lễ dành cho công chúng chỉ còn được cử hành tại Giáo phận St. Thomas thuộc Quần đảo Virgin của Hoa Kỳ. Tổng giáo phận quân đội Hoa Kỳ không ban hành một lệnh đình chỉ chung nhưng để cho các cha tuyên úy quyết định tùy theo tình hình cụ thể tại căn cứ của mình.

8 trong số 18 giáo phận Công Giáo nghi lễ Đông phương cũng đã phải đình chỉ các thánh lễ dành cho công chúng.

Trong cuộc họp báo vào sáng thứ Năm 19 tháng Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là Cảnh Sảng đã lên tiếng phản đối tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vì trong hai ngày liên tiếp tổng thống Donald Trump đã cố ý dùng thuật ngữ “Chinese virus”, nghĩa là “Virus Tầu”.

Trước đó, trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc vào hôm thứ Tư, một ký giả hỏi tại sao tổng thống lại không dùng các từ ngữ như coronavirus hay covid19. Ký giả này nêu ra lo ngại rằng thuật ngữ “Virus Tầu” xem ra có vẻ kỳ thị.

Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông sử dụng thuật ngữ này vì Trung Quốc đã cố đổ lỗi virus cho quân đội Mỹ.

Ông Trump nói hôm thứ Tư:

“Vì nó đến từ Trung Quốc. Không phân biệt chủng tộc gì cả, không, không hề. Nó đến từ Trung Quốc, đó là lý do. Tôi muốn chính xác”.

Khi được hỏi một lần nữa, tổng thống nói: “Tôi có tình yêu lớn với tất cả mọi người từ đất nước chúng ta, nhưng như bạn biết, Trung Quốc đã cố gắng nói rằng... đó là do quân đội Mỹ gây ra. Không thể muốn nói gì thì nói. Tôi không để họ làm như thế, bao lâu tôi còn là Tổng thống. Nó đến từ Trung Quốc.”

2. Giáo Hội tại Anh và xứ Wales đình chỉ các thánh lễ có công chúng tham dự

Tại Anh, trong một video được công bố hôm 18 tháng Ba, Đức Hồng Y Vincent Nichols, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales nói:

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Để đối phó với đại dịch coronavirus, rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta phải thay đổi. Điều này bao gồm những cách mà chúng ta công khai bày tỏ đức tin của mình. Điều rõ ràng rằng, theo lời khuyên chính thức và để giữ an toàn cho nhau, giữ mạng sống mình và hỗ trợ cho ngành y tế, tại thời điểm này, chúng ta không được tập hợp để thờ phượng công cộng trong các nhà thờ của chúng ta. Điều này sẽ bắt đầu từ tối thứ Sáu, ngày 20 tháng 3 năm 2020, cho đến khi có thông báo mới.

Các nhà thờ của chúng ta vẫn sẽ mở. Các nhà thờ không đóng cửa. Các nhà thờ sẽ là một tâm điểm cầu nguyện, nơi anh chị em tìm thấy niềm an ủi và sức mạnh. Khi đến thăm nhà thờ của chúng ta tại thời điểm này, chúng ta cần tuân giữ rất cẩn thận các thực hành vệ sinh và hướng dẫn về giữ khoảng cách với nhau.

Tuy nhiên, việc cử hành Thánh lễ, Chúa Nhật này sang Chúa Nhật và ngày qua ngày, sẽ diễn ra mà không có cộng đoàn tham dự.

3. Đức Thánh Cha cử hành lễ kính Thánh Cả Giuse, cầu nguyện cho các tù nhân

Lúc 7 sáng thứ Năm 19 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ trọng thể kính Thánh Giuse tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho những người đang sống trong tù, là những người đang phải lo ngại về mạng sống của chính mình và gia đình. Theo Đức Thánh Cha, các tù nhân trong các nhà tù Ý hiện nay đang phải đối diện với sự bất định, hoang mang, và đau khổ.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho các anh chị em đang ở trong các nhà tù. Họ phải chịu đựng rất nhiều vì không chắc chắn những gì có thể xảy ra trong nhà tù trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Họ cũng đang nghĩ về gia đình không biết họ xoay sở ra sao, có ai nhiễm bệnh không, liệu họ có qua khỏi không. Hôm nay chúng ta hãy gần gũi những người trong tù. Họ đang phải chịu đựng rất nhiều trong thời điểm bất định và đau đớn này.

Bài giảng của Đức Thánh Cha xoay quanh bài Tin Mừng trong ngày, và tập trung vào vị thánh mà Giáo hội tôn vinh ngày hôm nay, là Thánh Giuse.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 2, 41-51a).

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người.

Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bắt đầu bài giảng của ngài bằng cách nêu bật Thánh Giuse, là người công chính. Ngài nói:

Thánh Giuse là người công chính không chỉ vì ngài tin, mà bởi vì ngài đã sống niềm tin đó.

Những lời của Đức Thánh Cha về ơn gọi Thánh Giuse thật sự rất cảm động:

Ngài được chọn để dưỡng dục một vị là phàm nhân đích thực, nhưng cũng là Thiên Chúa. Chưa từng có ai như thế. Chúa đã chọn một người công chính, một người có đức tin, một người có khả năng vừa là người phàm và vừa có khả năng nói chuyện với Chúa, đi vào mầu nhiệm của Chúa. Đây là cuộc sống của Thánh Giuse.

Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng Thánh Giuse là một người đàn ông rất chính xác. Trong nghề thợ mộc, ngài chính xác đến mức có thể bào gỗ, hoặc điều chỉnh một góc tới mức hoàn hảo của một milimet. Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Giuse đã bước vào mầu nhiệm Thiên Chúa với sự chính xác và tự nhiên tương tự trong nghề mộc của mình.

Ngài rất chính xác, nhưng cũng có thể đi vào mầu nhiệm mà ngài không thể kiểm soát. Đây là sự thánh thiện của Thánh Giuse.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngay cả Tin Mừng cũng nói về giấc mơ của Thánh Giuse, điều đó khiến chúng ta hiểu được rằng ngài đã bước vào mầu nhiệm Thiên Chúa.

Sau đó, những suy nghĩ của Đức Thánh Cha đã hướng về Giáo Hội mà Thánh Giuse là Quan Thầy. “Các thành viên của Giáo hội, bao gồm cả Giáo hoàng, có khả năng đi vào mầu nhiệm không?” ngài đặt câu hỏi.

“Họ có khả năng đi vào mầu nhiệm hay họ cần kiểm soát thông qua các quy tắc và quy định bảo vệ họ trước những gì họ không thể kiểm soát được? Khi Giáo hội mất khả năng đi vào mầu nhiệm, Giáo Hội mất đi khả năng tôn thờ. Lòng sùng kính tôn thờ chỉ xảy ra khi một người bước vào mầu nhiệm của Chúa.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng không bước vào mầu nhiệm, Giáo Hội chỉ là nửa vời, chỉ là một hiệp hội ngoan đạo hoạt động dưới các quy tắc và quy định.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ân sủng này.”

Cầu xin cho Giáo hội có thể sống trong sự cụ thể của cuộc sống hàng ngày và trong đó ‘sự cụ thể’ của mầu nhiệm. Đi vào mầu nhiệm không phải là mơ. Đi vào mầu nhiệm chính xác là tôn thờ. Đi vào mầu nhiệm là làm hôm nay những gì chúng ta sẽ làm trong tương lai. Khi chúng ta đến trước mặt Chúa: hãy tôn thờ Ngài. Xin Chúa ban cho Giáo hội của Ngài ân sủng này.
Nguồn: Việt Catholic News / Kim Thuy (đăng ngày 19/3/2020)

No comments:

Post a Comment