Wednesday, March 25, 2020

Y tá gốc Việt Hailey Đắc ở Dallas kể chuyện dùng thuốc Ký Ninh chữa bệnh nhân COVID-19




Cô Hailey Đắc, y tá bệnh viện Medical City Healthcare, Dallas, Texas. (Hình: Nhân vật cung cấp)

LTS: Mới đây, cô Hailey Đắc, y tá tại bệnh viện Medical City Healthcare, Dallas, Texas, có kể chuyện bệnh viện dùng thuốc Ký Ninh chữa sốt rét chữa cho bệnh nhân COVID-19. Kênh YouTube Nửa Vòng Trái Đất TV đã thực hiện cuộc phỏng vấn này, và đồng ý để Người Việt đăng lại.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Cô Hailey Đắc, một nữ y tá gốc Việt ở Dallas, Texas, chia sẻ trên trang nhà cá nhân của mình về những gì cô “mắt thấy, tai nghe” trong quá trình điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19, thậm chí còn bị sốc khi chứng kiến bệnh nhân mới 34 tuổi không hề có tiền sử về bệnh lý đã qua đời vì virus này. Xin chị có thể nói sơ qua tình hình bệnh viện chữa COVID019 ra sao không?

Cô Hailey Đắc: Bệnh viện của tôi bắt đầu nhận bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 hơn một tuần trước. Hệ thống bệnh viện Medical City Healthcare có 13 bệnh viện, trong đó bệnh viện tôi làm có khoảng 3,000 giường. Bệnh viện dùng một lầu riêng để cho bệnh nhân COVID-19 bị nặng, tức là hồi sức cấp cứu, rồi có cả thêm một lầu dành cho những người có bệnh nhưng khoẻ hơn, tức là có thể tự thở được mà không cần đến máy móc.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Với những kinh nghiệm của chị thì chị có thể cho biết các triệu chứng của những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 ra sao không?

Cô Hailey Đắc: Triệu chứng thường thấy nhất là sốt và đi kèm với ho mà phần lớn là ho khô, đau rát cổ họng, chỉ có một, hai trường hợp là ho ít đờm. Còn trường hợp ói mửa thì rất ít, đo thân nhiệt vào khoảng 103 đến 104 độ F, tức khoảng 40 độ C.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Hiện tại, các loại thuốc mà bệnh viện dùng cho bệnh nhân COVID-19 trước đó thông thường là dùng để chữa trị cho những trường hợp nào?

Cô Hailey Đắc: Bệnh viện dùng thuốc nước IV truyền vô tĩnh mạch, dùng cho tất cả các loại bệnh bị viêm. Các bệnh nhân bị nhiễm bệnh sau khi được chụp X-quang xong sẽ phát hiện bị viêm phổi, phổi bị tổn thương. Họ sẽ cho thuốc vancomycin và levaquin, là loại thuốc trụ sinh. Trước khi COVID-19 xảy ra, đối với những người bị bệnh, bác sĩ thường hay cho các loại thuốc trụ sinh nặng, rồi sau đó họ sẽ lấy máu đem đi thử. Sau khi xét nghiệm và tìm ra được loại vi khuẩn gây bệnh, các bác sĩ sẽ cho thuốc kháng sinh chống lại vi khuẩn đó.

Còn hiện giờ, tôi chưa thấy bác sĩ dùng loại thuốc anti-viral, là các loại thuốc dùng chống lại vi khuẩn. Bác sĩ dùng các loại kháng sinh như là tacfunal, thường chỉ dùng cho bệnh nhân trẻ tuổi và không có tiền sử bệnh tim.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Hiện tại vẫn chưa có một loại thuốc đặc trị nào có thể chữa trị virus COVID-19. Khi bệnh viện dùng các loại thuốc kháng sinh như cô kể thì họ dựa trên sự chia sẻ thông tin với các bệnh viện khác cũng đang chữa trị trường hợp bị nhiễm COVID-19 hay dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ chữa trị?

Cô Hailey Đắc: Đó là theo kinh nghiệm của bác sĩ từng chữa trị vì thật sự đến giờ vẫn chưa có thuốc chữa virus này. Nếu bệnh nhân bị nhiễm có ruột không hoạt động được, bác sĩ sẽ cho Tylenol đưa vào hậu môn. Nếu bệnh nhân bị sốt cao thì sẽ cấp một loại mền nước lạnh đắp lên người giúp giảm nhiệt độ. Các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm cho biết vẫn chưa có thuốc đặc trị cho con virus này.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Trong những ngày qua trên mạng chia sẻ thông tin rằng có thể dùng thuốc sốt rét có thể chữa COVID-19. Với kinh nghiệm của cô và tại bệnh viện cô đang làm, họ có dùng phương cách chữa trị này không?

Cô Hailey Đắc: Bệnh viện tôi có sử dụng phương cách chữa trị này và số người hồi phục nhiều hơn số người bị nặng hơn hoặc tử vong. Loại thuốc plaquenil chống viêm, nó còn được dùng cho các bệnh thấp khớp, bị tiêu chảy hay bị sốt xuất huyết do bị muỗi Phi Châu cắn.

Tôi không thấy bác sĩ dùng loại steroid thường chống viêm khi bệnh nhân khó thở, bị suyễn.

Cô Hailey Đắc trong giờ làm việc tại bệnh viện Medical City Healthcare, Dallas, Texas. (Hình: Nhân vật cung cấp)


Nửa Vòng Trái Đất TV: Vậy có nghĩa là những bệnh nhân bị nhẹ thì mới sử dụng thuốc sốt rét, đúng không?

Cô Hailey Đắc: Đúng vậy, và phải là những người không có tiền sử bệnh tim vì thuốc đó làm nhịp tim dài ra, sẽ gây hại cho những người có bệnh tim.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Biểu hiện triệu chứng của những người bị nhiễm COVID-19 nhẹ và nặng khác nhau thế nào?

Cô Hailey Đắc: Những người nhẹ thì họ chỉ ho và sốt khoảng 38, 39 độ C, và có đau nhức khắp người nhưng họ có thể thở được mà không cần máy trợ thở. Triệu chứng ói thì ít, không nhiều. Còn người nặng thì không thể tự thở được. Hôm qua có một bệnh nhân 44 tuổi nhập viện sốt 40 độ C, khi đi cấp cứu trên xe cứu thương đã phải đeo ống trợ thở oxy, thậm chí máy không giúp được vì oxy không thể vào phổi.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Những người khoẻ mạnh bị nhẹ khi sử dụng thuốc sốt rét có hữu hiệu hay không?

Cô Hailey Đắc: Theo tôi thấy thì có cải thiện, vì bác sĩ cũng có bàn bạc kỹ trước khi đưa ra phát đồ điều trị. Bác sĩ cho uống thử một toa buổi sáng và một toa buổi chiều, nếu thấy khoẻ hơn thì họ sẽ cho uống tiếp. Còn những ai cho dù kháng thể khoẻ nhưng có tiền sử bệnh tim thì nhất định sẽ không được thử.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Trên Facebook, cô có chia sẻ lời khuyên rằng một người 34 tuổi không mắc bệnh gì hết lại không cứu được. Cô có thể nói rõ hơn về tình trạng này.

Cô Hailey Đắc: Tôi cảm thấy buồn, thất vọng và hơi sốc. Tôi làm trong phòng cấp cứu cũng được 10 năm rồi. Những ca bệnh mà mình biết trước người ta không qua khỏi, mình còn chấp nhận. Còn trong trường hợp này, người bệnh không có bệnh nào hết mà chỉ bị sốt mấy ngày. Khi bệnh nhân vào bệnh viện, con virus tấn công phổi nên tôi cảm giác bất lực, uất ức, tức, tại sao lại có một con virus như thế làm cho những người trẻ bị bệnh và chết. Tại sao nó không giống như những loại cúm thường khác, chỉ gây bệnh cho người già, em bé hay những người có kháng thể yếu mà virus này còn gây nguy hiểm cho cả thanh niên khoẻ mạnh.

Điều thứ hai làm tôi buồn là người bệnh không hề có người thân ở kế bên, vì bệnh viện sợ họ lây cho người thân rồi người thân sẽ lây lan cho người khác trong cộng đồng. Điều này làm cho tất cả những người làm trong bệnh viện không thấy quen.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Người bệnh 34 tuổi mà cô kể khi nhập viện là đã có triệu chứng quá trễ để chữa?

Cô Hailey Đắc: Người bệnh nhập viện là đã trễ. Biểu hiện của người bệnh khi ở nhà thì thấy sốt, nhưng cứ nghĩ là sốt cảm thông thường nên chỉ uống Tylenol, rồi khi ho thì uống thuốc ho. Khi người bệnh nhập viện thì có thân nhiệt 40 độ C, khi đo oxy thì dưới 70, chụp X-quang thì phổi bị trắng xóa hết.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Những người bị nhiễm bệnh thông thường là được khám ở nơi khác rồi mới chuyển đến bệnh viện cô làm hay là có biểu hiện rồi đến thẳng bệnh viện?

Cô Hailey Đắc: Cả hai trường hợp đều có. Có người đi khám ở phòng khám gia đình hoặc các nơi chữa bệnh khẩn cấp, có người chỉ thấy rát cổ, ho ít, nên chỉ nghĩ là viêm họng nên chỉ cho thuốc về nhà uống. Sau khi thấy không đỡ thì đi bệnh viện sau ba đến năm ngày. Có người thì đến thẳng bệnh viện.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Hiện tại, ở tiểu bang Texas có ai là người gốc Việt bị nhiễm COVID-19 không?
Cô Hailey Đắc: Hiện tại tôi chưa thấy tên người Việt Nam. Tại bệnh viện tôi làm đa số bệnh nhân là người gốc Hispanic.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Khi tiếp nhận những người bị bệnh nhiễm COVID-19 thì bệnh viện có cấm người thân vào thăm hay những người bị bệnh khác có được người thân vào thăm không?

Cô Hailey Đắc: Hôm Chủ Nhật tuần trước thì bệnh viện cho phép một người thân vào thăm một người bệnh và chỉ chọn một người thăm thôi, chứ không phải là hôm nay chồng đi thăm, mai con đi thăm, và mốt là người khác thăm.

Khi ngày càng có nhiều ca bị nhiễm tăng lên thì bệnh viện quyết định cấm người thân đi thăm những người mắc bệnh COVID-19 ở phòng cấp cứu. Còn đối với những người vào bệnh viện với lý do khác, chẳng hạn như đi sanh, chỉ có chồng được theo thôi chứ không cho nhiều người. Bệnh viện hạn chế một bệnh nhân là một người thăm.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Là người làm nhiều năm trong nghề, theo cô thì sự nguy hiểm của virus COVID-19 so với các trường hợp bệnh mà cô từng chứng kiến thì ở mức độ như thế nào?

Cô Hailey Đắc: Theo tôi thì con virus này chọn lựa cơ thể có phù hợp với nó hay không. Những người khoẻ mà bị tấn công phổi thì họ hồi phục được. Tùy theo cơ thể kháng thể của mình, nếu cơ thể có thể tự diệt nó được. Virus này nguy hiểm ở chỗ là bị lây từ người này sang người khác lúc nào và nó có thể giết bất cứ ai, thậm chí là một người đang khoẻ mạnh bình thường vì cơ thể của họ không có hệ miễn nhiễm cho virus này.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Công việc của cô và đồng nghiệp trong thời gian khi làm việc với tình hình bệnh tăng cao thay đổi như thế nào?

Cô Hailey Đắc: Công việc vẫn diễn ra bình thường, lúc nào cũng bảo đảm có đầy đủ y tá. Khi mở thêm các lầu dành riêng cho người nhiễm COVID-19, bệnh viện sẽ chuyển các y tá ở khoa hồi sức cấp cứu sang đây. Nhân lực, thiết bị, dụng cụ đều không bị thiếu.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Cô có lời khuyên nào dành cho những người lớn tuổi gốc Việt không rành tiếng Anh khi có triệu chứng bệnh thì nên làm thế nào?

Cô Hailey Đắc: Trước hết thì họ nên liên lạc với bác sĩ gia đình và báo các triệu chứng mình mắc phải. Bác sĩ gia đình sẽ kêu người bệnh đến khám hoặc đến cấp cứu ở bệnh viện. Bác sĩ cũng sẽ hỏi và tìm hiểu xem người bệnh từng đi đâu và tiếp xúc với ai và cho đi làm xét nghiệm. Còn nếu có triệu chứng nặng như ho, đau c, và ho đến mức khó thở, thì phải đến bệnh viện liền chứ đừng ở nhà tự chữa trị.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Cám ơn cô Hailey Đắc dành thời gian cho buổi phỏng vấn.

Nguồn: Nửa Vòng Trái Đất TV / Người Việt

No comments:

Post a Comment