Wednesday, May 27, 2020

Chào theo kiểu Pháp : “Hôn má” bao nhiêu thì đủ ?

Khi anh gặp em nhứt định hông được hun má, em sợ lây 😊


Một tác phẩm nghệ thuật ngoài trời tại khu Saint-Germain des Prés, tháng 01/2012.


Mời nghe audio

Hôn má chào nhau là truyền thống đặc trưng của người Pháp. Vượt khỏi khuôn khổ gia đình, cử chỉ thân mật này thể hiện tình cảm và sự bình đẳng, song cũng ẩn chứa nhiều “bí mật” mà ngay cả nhiều người Pháp cũng không hiểu rõ.

Khi gặp nhau, vừa nói “Bonjour” hoặc “Salut”, theo phản xạ tự nhiên, người Pháp vươn ra phía trước để “hôn má” người kia. Trong trường hợp mới gặp lần đầu, một trong hai người, tùy theo tuổi tác, có thể đề xuất trước “On se fait la bise!” (kiểu : Mình hôn má chào nhau nhé!)

Một thói quen rất đơn giản và tự nhiên đối với người Pháp đôi khi khiến người nước ngoài bối rối, đặc biệt với người châu Á vì “Tây quá”. Pisey Mâm và Xiao Li, hai nhà báo thuộc ban Cam Bốt và Trung Quốc tại RFI, nói về cảm tưởng lần đầu tiên “chào theo kiểu Pháp” của họ.

“Lúc đầu, tôi thấy cách chào hôn má của người Pháp hơi kỳ cục, vì người Cam Bốt chúng tôi không có kiểu chào này và đặc biệt là sự tiếp xúc thân thể. Cách chào của chúng tôi chỉ đơn giản là nụ cười và hỏi “Có khỏe không?”. Chúng tôi không có từ chào hỏi thực sự. Vì thế, chào bằng cách má chạm má có gì đó hơi quá, vì nó có vẻ riêng tư. Với chúng tôi, cách chào thân thiện bằng cách đặt tay lên vai hay bắt tay không gây sốc bằng”.

“Nó có vẻ hơi kỳ cục một chút nhưng không hề gây sốc. Tôi còn thấy khá vui, vì ở Trung Quốc, đó là điều không bình thường, trừ khi bắt tay. Trước đó, phụ nữ và đàn ông còn không đụng chạm vào nhau. Thế mà ở đây, người ta hôn chào nhau ngoài phố và miệng còn phát tiếng kêu “Chụt”, nên tôi thấy rất hay. Hơn nữa, nhờ những bộ phim, tôi cũng biết là người phương Tây vẫn làm như thế. Nhưng giữa đường phố, hôn má 2 rồi 4 cái để chào nhau, khi nhìn thấy lần đầu tiên, với tôi, một điều gì đó thật sự khác thường, nhưng không bị sốc”.

Chào hôn má thể hiện sự bình đẳng và thân mật

Chào bằng nụ hôn lên má phá vỡ khoảng cách giữa những người không quen biết nhau lắm. Theo giải thích của nhà triết học Gérald Cahen, tác giả cuốn Le Baiser : Premières leçons d’amour (tạm dịch : Nụ hôn : Những bài học đầu đời về tình yêu, NXB Autrement, 2001), đó cũng là cách thể hiện dân chủ và bình đẳng trong một xã hội mà người ta cần tái dựng sự tương tác ngày càng trở nên hiếm hoi.

Với David Le Breton, chuyên gia về nhân chủng học và là tác giả cuốn Passions ordinaires (tạm dịch : Những đam mê bình thường, NXB Armand Colin, 2002), “Hôn má để chào là cơ hội để bày tỏ tình cảm, tình bạn hay lòng tôn trọng của mình”. Vì vậy, chào bằng cách này thường phổ biến ở giới trẻ và có vẻ ít hơn ở người có tuổi và trong quan hệ công việc, như giải thích của một nhà báo Pháp của RFI :

“Hôn má để chào là điều rất quen thuộc. Bản thân tôi chỉ chào hôn má với những người mà tôi quen biết hoặc thân thiết. Về nguyên tắc, chúng ta phải bắt tay, chứ không hôn má người mà mình chưa biết. Người ta cũng không hôn má chào sếp của mình hay một đồng nghiệp không thân thiết lắm.

Thế nhưng, hôn má để chào cũng là vấn đề thuộc về thế hệ và tuổi tác. Với giới trẻ, họ thường tự nhiên chào nhau theo kiểu này dù không quen biết nhau. Nhưng tôi không thích, tôi chỉ hôn chào những người mà mình đã biết”.

Ngoài đặc tính xã hội còn có sự tiếp xúc cơ thể vì đó là cơ hội hiếm hoi được chạm vào má của một người khác. Chuyên gia David Le Breton phân tích : “Lý thú ở chỗ lấy khuôn mặt làm nền, nơi thường được ít chạm tới trong tương tác của con người. Và má, bộ phận cơ thể ít được chú ý, lại trở thành trung tâm thể hiện tình cảm”.

Người ta nhận thấy có “rào cản” xã hội vô hình từ ngưỡng 40 tuổi. Thường bắt đầu từ độ tuổi này, nên giữ một khoảng cách và người trẻ tuổi hơn chờ tín hiệu trìu mến này từ người lớn tuổi hơn.

Hôn má là cả một nghệ thuật…
Má kề má hay môi kề má ? Phớt qua má hay chu môi “chụt” gió ? Và khi nào phải nhấc kính ra ? Chào nhau với nụ hôn lên má là cả một nghệ thuật, cần sự đồng bộ và thêm một chút hiểu biết về truyền thống địa phương.

Cộc đầu nhau vì “nhầm” má là điều khó tránh vì một số người bắt đầu từ má trái, một số khác thì từ má phải. Theo thăm dò của trang Combiendebises.com (tạm dịch : Bao nhiêu nụ hôn), “tiết kiệm” nhất là người dân hai tỉnh Finistère và Deux-Sèvres (tây bắc nước Pháp) chỉ chào nhau bằng một nụ hôn lên má. “Hào phóng” nhất với bốn nụ hôn là một số tỉnh ở miền trung ngược lên phía bắc nước Pháp (Eure-et-Loire, Sarthe, Maine-et-Loire, Vendée, Calvados, Yonne, Aube, Haute-Marne). Người dân miền nam thường hôn ba cái và bắt đầu từ má phải. Riêng vùng Haute-Loire không có quy tắc gì hết, mỗi người làm theo thói quen và người kia “lựa” theo. Cuối cùng, người Paris, cũng như phần lớn các địa phương khác, chào nhau với hai nụ hôn lên má và bắt đầu từ má trái, phía trái tim.

Vào thời Trung Cổ, không nhất thiết phải hôn má nhau để chào, chỉ cần vài lời nói là đủ. Nếu hai người hôn chào nhau, thì thường đi kèm thêm vài động tác, như nhấc mũ và cúi đầu. Hôn chào nhau còn tùy thuộc theo giai tầng, như tầng lớp tư sản thường hôn lên má, còn các nhà quý tộc thì hôn môi.

Từ thế kỷ XIV, hôn má không còn thịnh hành, một phần do nạn dịch hạch hoành hành nên người ta tránh tiếp xúc cơ thể. Chỉ sau Thế Chiến I, nụ hôn mới quay trở lại : hôn tay được ưa chuộng trong xã hội văn minh, còn hôn má thịnh hành trong giới bình dân.

Theo một số sách chuyên luận về phong cách sống, khoảng giữa thế kỷ XX, cách chào “chuẩn” là hôn một cái, đôi khi người ta vẫn chấp nhận hai, nhưng hôn ba cái là thể hiện nguồn gốc nông dân và bị giới quý tộc coi thường. Hiện giới nhà giầu Pháp vẫn thường khẽ chạm má khi chào nhau giống kiểu hôn tay, thay vì chạm mạnh như những người khác.

Dù được cho là di sản từ cách mớm thức ăn nuôi con thời tiền sử hay dấu hiệu tỏ lòng biết ơn của những giáo dân đầu tiên, nụ hôn má đã tồn tại qua nhiều giai đoạn và phong tục để trở thành một hành động giao thiệp trong xã hội và là biểu tượng cho phong cách sống của người Pháp.

Với người nước ngoài, thì nên “nhập gia tùy tục” tùy theo mức độ thích nghi, như ý kiến của Xiao Li và Pisey Mâm.

“Thú thật, đó là điều tôi không thích lắm. Nhưng vì chúng ta ở Pháp nên tôi làm theo những gì mọi người vẫn làm. Hơn nữa, tôi không biết phải bắt đầu hôn từ má trái hay má phải, hôn hai hay ba cái, thậm chí nhiều lúc là bốn cái. Khá phức tạp! Bản thân tôi không thích chào bằng cách thơm má lắm!”

“Nếu tôi gặp những người bạn thân, hoặc những người mà mình biết rõ, thì tôi hôn má chào họ không vấn đề gì hết. Nhưng nếu là người mà tôi không biết, thì tôi không làm được. Tuy nhiên, cũng tùy theo hoàn cảnh, vì tuần trước, khi đến nhà bạn chơi, tôi gặp rất nhiều bạn của gia đình đó và tôi vẫn hôn chào họ dù đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp  nhau. Đôi khi, tôi cũng chờ “tín hiệu” của người kia, nếu họ do dự, tôi sẽ không tiến tới hôn chào họ”.



Nguồn: RFI/ Thu Hằng

No comments:

Post a Comment