Bức tối hậu thư gửi Giám đốc WHO của Tổng thống Donald Trump được ông chia sẻ lên Twitter.
Xin mời nghe audio
Vào ngày 14/4/2020, tôi tạm dừng các khoản đóng góp của Mỹ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong khi chờ đợi chính quyền của tôi tiến hành một cuộc điều tra đối với những thất bại của tổ chức của ông trong phản ứng chống dịch bệnh COVID-19. Cuộc điều tra này đã xác thực rất nhiều quan ngại nghiêm trọng mà tôi đã nêu lên hồi tháng trước cũng như xác định được các vấn đề khác mà WHO đáng lẽ đã phải giải quyết, đặc biệt là việc thiếu độc lập một cách đáng báo động trước Trung Quốc. Dựa vào cuộc điều tra này, nay chúng ta biết được những điều sau:
- WHO liên tục phớt lờ các báo cáo đáng tin cậy về việc virus đã lan rộng ở Vũ Hán vào đầu tháng 12/2019, thậm chí sớm hơn, trong đó có báo cáo từ tạp chí y khoa Lancet. WHO cũng không tiến hành các cuộc điều tra độc lập đối với các báo cáo đáng tin cậy nhưng mâu thuẫn trực tiếp với tuyên bố của chính quyền Trung Quốc, thậm chí khi các báo cáo này đến từ những nguồn tin ở trong chính Vũ Hán.
- Tới thời điểm không muộn hơn ngày 30/12/2019, văn phòng WHO ở Bắc Kinh đã biết rằng có “một vấn đề y tế cộng đồng to lớn” tại Vũ Hán. Giữa ngày 26/12 và 30/12, truyền thông Trung Quốc báo cáo có bằng chứng về một chủng virus mới xuất phát từ Vũ Hán, dựa vào thông tin bệnh nhân gửi tới nhiều công ty nghiên cứu hệ gien tại Trung Quốc. Thêm vào đó, trong khoảng thời gian này, Bác sĩ Trương Kế Tiên (Zhang Jixian), làm việc tại Bệnh viện Đông, Tây Y kết hợp tỉnh Hồ Bắc, nói với chính quyền Trung Quốc rằng một chủng virus corona mới đang gây ra một loại bệnh mới, mà cho đến thời điểm đó, đã lây nhiễm cho xấp xỉ 180 bệnh nhân.
- Cho tới ngày hôm sau, chính phủ Đài Loan đã gửi thông báo tới WHO, trong đó chỉ ra loại virus này có khả năng lây từ người sang người. Tuy nhiên WHO đã chọn không chia sẻ bất kỳ một thông tin quan trọng nào trong số này với thế giới, có lẽ vì lý do chính trị.
- Quy định Y tế thế giới yêu cầu các quốc gia báo cáo rủi ro xảy ra một tình trạng khẩn cấp y tế trong vòng 24 giờ. Nhưng Trung Quốc đã không thông báo cho WHO về các ca viêm phổi Vũ Hán chưa rõ nguồn gốc cho tới ngày 31/12/2019, khi mà nhiều khả năng họ đã biết về các ca bệnh này nhiều ngày thậm chí nhiều tuần trước đó.
- Theo Bác sĩ Trương Vĩnh Chấn (Zhang Yongzhen) làm việc tại Trung Tâm Y tế Lâm sàng Công cộng Thượng Hải, ông đã báo cáo với chính quyền Trung Quốc vào ngày 5/1/2020 rằng ông đã tìm được trình tự bộ gien của virus mới. Không có bất kỳ việc công bố thông tin này cho đến 6 ngày sau, ngày 11/1/2020, khi bác sĩ Zhang tự đăng tải công tình của mình lên mạng. Ngày hôm sau, chính phủ Trung Quốc đóng cửa phòng thí nghiệm của ông để “sửa chữa”. Thậm chí WHO đã phải thừa nhận, việc bác sĩ Zhang đăng tải thông tin lên mạng là “một hành động minh bạch vĩ đại”. Nhưng chính WHO lại im lặng một cách đáng ngờ về cả việc đóng cửa phòng thí nghiệm của bác sĩ Zhang lẫn việc ông khẳng định đã gửi cho chính quyền Trung Quốc nghiên cứu đột phá của mình nhiều ngày trước.
- Ngày 14/1/2020, WHO, một cách vô căn cứ đã xác nhận lại tuyên bố mà nay đã bị chứng minh là sai lầm của Trung Quốc rằng virus corona không thể truyền từ người sang người, nói rằng: “Các cuộc điều tra ban đầu tiến hành bởi chính phủ Trung Quốc không tìm thấy bằng chứng virus corona mới (2019-nCoV), phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, lây nhiễm từ người sang người”. Khẳng định này mâu thuẫn trực tiếp với các báo cáo bị kiểm duyệt từ Vũ Hán.
- Ngày 21/1/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình được đưa tin là đã gây áp lực yêu cầu ông không được tuyên bố dịch virus corona là một tình trạng khẩn cấp. Ông đã cúi đầu trước sức ép này và ngày hôm sau, ông nói với thế giới rằng virus corona không đe dọa gây ra một Tình trạng khẩn cấp Sức khỏe công chúng hoặc không gây Lo ngại Quốc tế. Nhưng chỉ một tuần sau đó, ngày 30/1, các bằng chứng dồn dập đến đã khiến ông phải đảo ngược lại lời nói của mình.
- Vào ngày 28/1/2020, sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập tại Bắc Kinh, ông đã ca ngợi chính phủ Trung Quốc vì “sự minh bạch” trong việc xử lý virus corona, ông tuyên bố rằng Trung Quốc đã thiết lập được “một tiêu chuẩn mới trong việc kiểm soát dịch bệnh” và “giúp thế giới có thời gian phản ứng”. Ông không hề đề cập đến việc Trung Quốc đã bịt miệng và trừng phạt nhiều bác sĩ vì nói về virus và cấm các tổ chức của người Trung Quốc đăng tải thông tin về virus.
- Thậm chí sau khi ông tuyên bố muộn màng rằng dịch bệnh là một vấn đề Y tế Khẩn cấp gây lo ngại toàn cầu vào ngày 30/1/2020, ông cũng không hề thúc ép Trung Quốc chấp nhận kịp thời đội ngũ y tế của WHO bao gồm các chuyên gia y khoa toàn cầu. Kết quả là, mãi tới 2 tuần sau đó đội ngũ trọng yếu này mới được tới Trung Quốc, vào ngày 16/2/2020. Và thậm chí khi đó, các chuyên gia cũng không được tới Vũ Hán cho tới những ngày cuối cùng trong chuyến công tác của mình. Đáng lưu tâm là, WHO đã im lặng khi Trung Quốc từ chối hoàn toàn 2 thành viên người Mỹ của đội ngũ chuyên gia được tiếp cận Vũ Hán.
- Ông cũng ca ngợi Trung Quốc hết lời về chính sách hạn chế đi lại nội địa nghiêm khắc của họ, nhưng lại phản đối một cách khó hiểu việc tôi đóng cửa biên giới Hoa Kỳ với người đến từ Trung Quốc. Tôi đã đặt lệnh cấm này bất chấp mong muốn của ông. Trò chơi chính trị của ông về vấn đề này thật gây chết người, bởi các chính phủ nước khác đã nghe theo các phát ngôn của ông mà trì hoãn việc cấm nhập cảnh người từ Trung Quốc mặc dầu đây là một chính sách quan trọng cứu mạng. Một điều không thể tin nổi là vào ngày 3/2/2020, ông lại tái khẳng định lập trường của mình, phát biểu rằng bởi vì Trung Quốc đã làm quá tốt công việc bảo vệ thế giới khỏi virus corona, các lệnh hạn chế đi lại với họ gây ra “nhiều thiệt hại hơn là ích lợi”. Nhưng đến lúc đó thế giới đã biết rằng trước khi phong tỏa Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã cho phép hơn 5 triệu người dân rời khỏi thành phố này và rất nhiều người đã đi tới các địa điểm khác nhau khắp nơi trên thế giới.
- Tính đến ngày 3/2/2020, Trung Quốc vẫn mạnh mẽ gây sức ép lên các nước khác, yêu cầu họ gỡ bỏ hạn chế đi lại với người Trung Quốc. Chiến dịch gây áp lực này lại được củng cố thêm bởi các tuyên bố sai lầm của ông. Ngày hôm đó, ông nói với thế giới rằng việc lây nhiễm của virus bên ngoài Trung Quốc là “cực kỳ ít và chậm chạp” và “cơ hội để dịch bệnh lan ra bất kỳ đâu bên ngoài Trung Quốc là rất thấp”.
- Hôm 3/3/2020, WHO trích dẫn số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc để làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng của việc lây nhiễm không triệu chứng, nói với thế giới rằng “COVID-19 không dễ lây nhiễm như bệnh cúm” và không giống như bệnh cúm, COVID-19 không lây truyền mạnh chủ yếu bởi những “người bị nhiễm virus nhưng không bị ốm”. WHO khẳng định rằng bằng chứng của Trung Quốc “cho thấy chỉ 1% các ca nhiễm virus được báo cáo là không có triệu chứng, và hầu hết đều phát triển triệu chứng trong vòng 2 ngày”. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia, dẫn thông tin từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác đã mạnh mẽ đặt dấu hỏi cho các khẳng định này. Nay chúng ta đã rõ tuyên bố của Trung Quốc được WHO lặp lại là hoàn toàn không chính xác.
- Tới khi ông cuối cùng cùng chịu tuyên bố virus corona là một đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020, nó đã giết chết hơn 4.000 người và truyền nhiễm cho hơn 100.000 người ở ít nhất 114 quốc gia trên thế giới.
- Vào ngày 11/4/2020, nhiều đại sứ Châu Phi đã viết gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc báo động tình trạng phân biệt đối xử với người Châu Phi liên quan đến dịch bệnh tại Quảng Châu và các thành phố khác ở Trung Quốc. Ông đã biết Trung Quốc tiến hành chiến dịch cưỡng ép phong tỏa, đuổi khỏi nhà và từ chối dịch vụ đối với những người dân của các quốc gia này. Ông đã không bình luận gì về hành động phân biệt đối xử chủng tộc của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông lại dán nhãn vô căn cứ rằng Đài Loan là một kẻ phân biệt chủng tộc khi họ chỉ trích một cách đầy đủ lý lẽ rằng ông đã phạm sai lầm trong đại dịch này.
- Trong suốt cuộc khủng hoảng này, WHO đã luôn ca ngợi Trung Quốc một cách khó hiểu về cái mà ông gọi là “minh bạch”. Ông đã luôn luôn có mặt trong các lời ca tụng Bắc Kinh, mặc dầu Trung Quốc không hề có một chút minh bạch nào. Chẳng hạn vào đầu tháng Một, Trung Quốc đã ra lệnh hủy bỏ các mẫu virus, xóa bỏ một thông tin trọng yếu đối với thế giới. Thậm chí đến ngày nay, Trung Quốc tiếp tục phá hoại Quy định Y tế Thế giới bằng cách từ chối chia sẻ thông tin kịp thời và chính xác, các mẫu và thể tách virus, và bằng việc giấu kín thông tin quan trọng về virus và nguồn gốc của nó. Và tới ngày hôm nay, Trung Quốc tiếp tục từ chối đội ngũ quốc tế đến tiếp cận các nhà khoa học và các cơ sở có liên quan của họ, trong khi đổ tội bừa bãi, vô căn cứ và kiểm duyệt các chuyên gia của chính họ.
- WHO đã không công khai kêu gọi Trung Quốc cho phép một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus, bất chấp chính Hội đồng Khẩn Cấp của họ gần đây đã chuẩn thuận việc này. Thất bại của WHO trong việc này đã khiến các nước thành viên của WHO thông qua Nghị quyết “phản ứng COVID-19” trong năm nay tại Đại hội đồng Y tế Thế giới. Nghị quyết này phản ánh lời kêu gọi của Mỹ và rất nhiều nước khác về việc tiến hành một cuộc đánh giá công bằng, độc lập và toàn diện việc WHO đã đối phó với cuộc khủng hoảng này như thế nào. Nghị quyết còn kêu gọi tổ chức điều tra về nguồn gốc của virus, một điều cần thiết để thế giới hiểu được làm sao để đối đầu tốt nhất với căn bệnh này.
Rõ ràng là các bước đi sai lầm liên tục của ông và tổ chức của ông trong việc đối phó với đại dịch này đã khiến thế giới phải trả cái giá quá đắt. Con đường phía trước duy nhất của WHO chỉ tồn tại nếu các vị có thể thực sự chứng minh mình độc lập khỏi Trung Quốc. Chính quyền của tôi đã bắt đầu thảo luận với ông về các phương án cải tổ tổ chức này. Nhưng các ông cần hành động nhanh chóng. Chúng tôi không có thì giờ để lãng phí. Đó là lý do vì sao, tôi với trách nhiệm là Tổng thống Hoa Kỳ, thông báo với ông rằng, nếu WHO không cam kết cải tổ thực sự và to lớn trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ biến việc tạm thời đóng băng ngân sách đóng góp cho WHO thành vĩnh viễn và tái xét địa vị thành viên của Mỹ ở trong tổ chức này. Tôi không thể cho phép tiền thuế của người Mỹ tiếp tục nuôi dưỡng một tổ chức mà trong tình trạng hiện tại, rõ ràng là không phục vụ cho lợi ích của người Mỹ.
Sincerely,
Donald J. Trump
Ngày 18/5/2020
No comments:
Post a Comment