Saturday, February 19, 2022

Tiếng "Dạ" miền Nam



Tôi cảm nhận tiếng “dạ”, tuy có âm dấu nặng nhưng không nặng nề mà sâu lắng bền gốc trong tâm hồn người dạ và người nghe. Thật sự tiếng dạ có hình ảnh của một cái cúi đầu không phải để tuân phục cũng không phải cố bám giữ lời hứa, không khách sáo lấy lòng mà cũng không để kiêu kỳ lên mặt, tất thảy tiếng dạ là biểu hiện đồng thuận chân thật.

Người miền Nam từ xửa từ xưa, sau các tiếng gọi ba, gọi má, gọi ông, gọi bà; thì tiếng dạ nối liền theo từ đầu đời để thành người Việt cho đến khi lìa đời để thành hồn ma người VIệt. Trong cộng đồng hàng ngày nói: Dạ, tiếng dạ vừa như một dòng sông lớn vừa như từng giọt nước ngấm dịu ngọt vui lòng từng người, rồi mở ra mênh mông sự hài hòa dung bồi tánh chân thật của cộng đồng.

Tôi đã học nói tiếng dạ, đã lắng nghe tiếng dạ, đã dạy con tiếng dạ từ bao lâu rồi? Nếu có ai đó, quyền lực chuyên chế muốn chuẩn hóa tiếng Việt để thay tiếng dạ bằng tiếng khác thì sao? Tất nhiên với thế hệ tôi thì không chấp nhận, nhưng với thế hệ hiện nay thì các em cháu đó không có quyền chọn lựa hoặc bị tập có thói quen bỏ và quên không nói tiếng dạ nữa.

Tôi nhớ nhiều chục năm trước khi ra Hà Nội, lúc đi ăn tối với bạn, khi gọi tính tiền, người đàn ông bán hàng nói gì đó tôi không hiểu, tôi có hỏi lại và cố lắng nghe vẫn không hiểu, nên bạn đi cùng tôi phải giải thích rằng: “Ông ấy nói: vâng, vừa xin”. Tôi hiểu, và cái cảm giác đã hiểu được khiến tôi vừa thấy hay vừa chính xác, bởi tiếng vâng đó khác hẳn với tiếng vâng của các cô nàng xinh đẹp, anh chàng điển trai làm MC, bình luận viên, diễn viên… đang nói “vâng” liền miệng khắp hệ thống tuyên truyền từ Bắc tới Nam mà đố ai biết họ có thật lòng “vâng” như kiểu họ tía lia không. Thấy tội đến tức cười khi nghe người nói đúng giọng miền Nam mà lại một “vâng”, hai “vâng”, ba cũng “vâng” tuốt luốt.

Tiếng dạ, cũng có khi được dùng như tiếng đệm, tiếng nối, tiếng kết một câu nói nhưng người miền Nam ít chọn sử dụng tiếng “dạ” kiểu đó. Với tôi, người thân của chúng tôi, tiếng dạ được sử dụng bình thường, rất bình thường để biểu lộ sự đồng ý, đồng tình, đồng thuận thật lòng; và trên hết tiếng dạ còn chứng minh lòng tôn trọng, kính trọng, tín thác không một chút phân biệt giai tầng, địa vị, sang hèn, giàu nghèo… với người được mình dạ và dạ lại với người vừa dạ mình.

Tôi biết là trong tham vọng ngông cuồng chuẩn hóa tiếng Việt của giới cai trị, có thể một ngày nào đó em cháu tôi sẽ chỉ nói “vâng” với tôi. Tôi không viết bài này như cách phân tích lợi hay hại của các nhà ngôn ngữ học về phát âm vùng miền. Tôi viết vì tôi thương, tôi quý, tôi tôn kính tiếng dạ tôi dùng và được người dùng cho tôi. Áp đặt quyền cai trị chuyên chế cho tiếng Việt đó là quyền của họ. Tôi chọn thủy chung nói tiếng dạ là phẩm giá ý thức và tình yêu chân thành mà chúng tôi thuộc về, bởi đến từng ngọn cỏ, nụ hoa, côn trùng… của đất trời miền Nam sinh dưỡng nên chúng tôi cũng từng phút, từng giờ được con người thật lòng nói: Dạ, cám ơn!


******************


Nhiều người vẫn lầm tưởng khi dùng chữ ‘dạ’ là tỏ thân phận hèn kém, bề dưới, lép vế, hay hèn mạt. Hoặc thậm chí hiểu sai luôn khi cho rằng chỉ người dưới mới cần dạ với người trên. Chữ ‘dưới’ ở đây được hiểu là người nhỏ tuổi hơn trong xã hội, hay vai em/con/cháu trong gia đình.

Mình đi dạy kèm. Ông nội đứa học trò ngang tuổi ba mình. Vài lần tới sớm nhóc chưa kịp tắm hoặc ăn cơm, hay những khi mưa to phải ngồi chờ cho dứt cơn mới về là bác hay tiếp chuyện mình. Bác cẩn thận hỏi ba mẹ mình nhiêu tuổi. Khi biết ba mình hơn bác một tuổi bác khiêm tốn xưng chú và cười thẹn: “Thật là có lỗi với bác bên nhà quá.”. Mình cũng chữa thẹn cho bác, nói: “Dạ, con cũng như em út của các anh chị bên đây nên bác là bác cũng phải mà.”.

Điều đặc biệt là mỗi câu trả lời của bác luôn có chữ ‘Dạ’ đệm ở đầu câu: “Dạ, hồi còn thanh niên tui cũng ham chơi lắm cô.”, “Dạ, cháu nó còn dở dang chén cơm cô vui lòng ngồi chờ chút.”, “Dạ, xin lỗi cô, hai bác bên nhà năm nay chắc còn mạnh?”. Những năm sau này không tiện ghé thăm bác mình gọi điện hỏi thăm. Ngôn ngữ bác dùng trên điện thoại lại càng trang trọng hơn: “Dạ thưa cô cháu nó lớn rồi mà tui cũng còn lo lắm”, “Dạ thưa cô năm nay cũng không đi lại nhiều bị cái chân nó không còn được như xưa”, “Dạ, bà nhà tui kỳ này cũng ít còn may vá”.

Mỗi lần gọi học sinh phát biểu, tụi nhỏ không chịu trả lời ngay mà cứ “Dạ thưa cô”, “Thưa cô con đọc bài” nghe cũng sốt ruột nhưng nghĩ lại đó là nếp lễ nghi cần duy trì nên cũng kềm bớt cái tính nóng nảy lại.

Dạo còm-men thấy dân tình đối đáp có chữ dạ, chữ thưa sao mà thấy vui quá. Mình dạy tiếng Anh nên không ác cảm với chữ “OK” như một số người hiểu lầm là lối nói xấc xược. Nhưng thấy mọi người hay chốt câu chuyện bằng chữ “Dạ anh”, “Dạ chị”, “dạ chú”, “Dạ bác” thì vẫn thấy vui hơn chữ “OK” gọn lỏn.

Những gia đình còn cố giữ lễ nghi, phép tắc vẫn dạy con luôn có chữ “Dạ” đầu câu. Cô hỏi con mới đi Đà lạt về hả, trò trả lời “Con mới về á cô.”. Mẹ quay qua nhắc con: “Con phải nói dạ con mới về”. “Con 5 tuổi”, con phải nói là “Dạ thưa cô con 5 tuổi”, “Con ăn rồi.”, con phải nói là “Dạ con ăn cơm rồi”.

Lang thang quán xá, “Chị ơi tính tiền.”, “Dạ, của em 5 chục nha”. Ra khỏi quán, anh bảo vệ hỏi đi hướng nào để dắt xe giùm, ngại quá bảo anh cứ để em, “Dạ, không sao chị. Chị cứ để tui.”

Xứ Đàng Trong, chữ “Dạ” đệm đầu câu cho câu nói thêm dịu dàng, khiêm tốn, và để thể hiện con nhà có giáo dục, lễ nghi, phép tắc. Nào phải đớn hèn, nhục nhã gì đâu! Chỉ sợ sau này thứ văn hóa đ.u m.ẹ, đ.éo biết, đ.ịt con m.ẹ mày, bố mày lên ngôi thì 2 mẫu tự tạo nên con chữ ngọt ngào ấy cũng sẽ tuyệt chủng.

No comments:

Post a Comment