Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây
Trở thành điểm tham quan khó có thể bỏ qua khi đến đất Thăng Long kinh kỳ, ngôi nhà cổ 87 Mã Mây là thành quả của dự án trùng tu công trình cổ đầu tiên hợp tác giữa hai thành phố Hà Nội và Toulouse (Pháp) năm 1999. Công trình giúp du khách trong và ngoài nước hình dung ra được không gian sống và sinh hoạt của khu 36 phố phường bên kinh thành xưa với kiến trúc đặc trưng của nhà hình ống : chiều rộng nhỏ và chiều sâu lớn.
Phố Mã Mây nằm trong khu vực đất cao bên bờ sông Hồng, nơi « trên bến, dưới thuyền » với các hoạt động giao thương sầm uất, tấp nập. Trả lời ban tiếng Việt, đài RFI, kiến trúc sư Nguyễn Phú Đức, thuộc Ban quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết thêm : Phố Mã Mây nối với Hàng Buồm và gồm ba phố : Hàng Mã (không phải là phố Hàng Mã ngày nay), Hàng Mây, Hàng Buồm.
Mời bạn xem lại => Hà Nội Cổ Xưa - Phố Cờ Đen (Phố Mã Mây)
Ngôi nhà 87 Mã Mây là một trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX. Ngôi nhà đã thay đổi chủ nhiều lần. Năm 1945, một thương gia bán thuốc bắc mua lại ngôi nhà. Từ năm 1954 đến năm 1999, đã có 5 gia đình lần lượt sinh sống tại đây.
Kiến trúc sư Nguyễn Phú Đức nêu một vài nét đặc trưng của phố phường Hà Nội xưa :
« Ngôi nhà 87 Mã Mây là một ngôi nhà cấu trúc cổ nằm trong tổng thể của khu 36 phố phường Hà Nội. Đặc trưng của ngôi nhà hàng phố tuy riêng lẻ về ô đất nhưng các ngôi nhà thường lại buôn bán chung một loại mặt hàng, theo dạng phường hội, nên quen gọi là Phố Phường. Đây là khu vực các phường hội sản xuất sản phẩm phục vụ cho kinh thành nên còn gọi là phố thị : « thị » bên « thành » phía Đông.
Trước đây, lòng đường chỉ để cho xe tay, xe kéo và người đi bộ. Chính vì thế, trong quy định của lớp nhà ngoài, thì phần mái đua ra phía ngoài phải thấp hơn kiệu vua. Sau khi mở rộng đường ra, không theo cấu trúc đường dạng Trung cổ nữa, nên lớp nhà phía ngoài đã bị phá bỏ, các cổng ngăn tại mỗi phường vì thế cũng bị dỡ bỏ theo. Tuy nhiên, đến nay, trên một số tuyến phố vẫn còn các ngôi nhà đầy đủ cấu trúc xưa với lớp nhà phía ngoài thấp hơn kiệu vua khi rước qua khu phố phường này ».
Kiến trúc nhà hình ống đặc trưng của nhà hàng phố khu phố cổ Hà Nội
Ngôi nhà 87 Mã Mây có tổng diện tích đất là 157,6 mét vuông, trong đó mặt ngoài phố rộng 6 mét, bề mặt phía trong là 5 mét và chiều dài là 28 mét.
Ngôi nhà theo kiểu kiến trúc đặc trưng của nhà cổ xưa Hà Nội : Dạng hình ống và có nhiều lớp nhà, giữa các lớp nhà có sân để lấy ánh sáng và không khí. Sân là nơi bày cây cảnh, uống nước, ngắm trăng.
Mặt tiền ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, Hà Nội (RFI / Tiếng Việt)
Sau khu nhà chính là sân trời. Tiếp đến là gian nhà hậu, kho hàng và nhà bếp. Gian nhà hậu cũng có hai tầng. Tầng một làm nơi tiếp đón bạn hàng, khách giao dịch hoặc là nơi sản xuất. Trên tầng hai, gian phía ngoài thường dành đón tiếp cố nhân hoặc người thân từ quê lên chơi. Kiến trúc sư Nguyễn Phú Đức giải thích :
Khu vực tiếp khách thân quen và họ hàng. (RFI / Tiếng Việt)
Phòng ngủ của chủ nhà. (RFI / Tiếng Việt)
Cho đến sau năm 2000, mới dần dần bỏ được việc một số nhà cổ sử dụng xí thùng, với việc xây thành bệ cao, bên dưới là một thùng lớn chứa chất cặn bã. Chính vì vậy, sau mỗi dãy nhà luôn có một lớp đường đi rộng 2 mét, được gọi là « đường kỹ thuật » để dọn vệ sinh và cũng giúp khí từ nhà vệ sinh thoát nhanh, không bị ám mùi.
Hai lớp sân trong là nơi lấy ánh sáng cho hai gian ở hai bên và tạo ra khoảng cách biệt với không gian bên ngoài, thường được trồng cây cao hoặc thậm chí là giếng khơi. Ngoài ra, ngôi nhà luôn có luồng khí đối lưu và không bị nóng nực nhờ vào lớp cửa gỗ và mái nhà được lợp bằng ngói mũi hài, tạo ra các lỗ thoát khí ở giữa.
Mái ngói của các lớp nhà có độ dốc 30°, nhờ thế, tạo nên luồng không khí luôn luôn đối lưu. Việc đun nóng các loại thức ăn của người châu Á bốc lên trên và không bao giờ lan mùi ra phía ngoài, vì vậy tạo ra một không gian luôn luôn thoáng ».
Gắn bó với làng nghề cổ truyền
Dù sinh sống và buôn bán ở kinh kỳ, nhưng người dân luôn nhớ công ơn tổ nghề của họ. Điều này được thể hiện rõ trong không gian thờ ở mỗi nhà và đình ở mỗi khu phố, theo giải thích của kiến trúc sư Nguyễn Phú Đức :
« Mỗi phố nghề trong khu phố cổ Hà Nội thường gắn kết với một làng quê có nghề. Ví dụ nghề trên phố Hàng Đồng thì gắn với Đồng Xâm ở Thái Bình, nghề làm trống ở phố Hàng Trống gắn với Đọi Tam ở Hà Nam, thêu gắn với Quất Động, nghề bạc phố Hàng Bạc gắn với Châu Khê (Hải Dương)…
Các nghệ nhân lập phường hội trên kinh kỳ thì yêu cầu sản phẩm phải tinh xảo. Chính vì thế, những thợ vụng, thợ vườn sau một thời gian sẽ tự bị đào thải, không thể cạnh tranh. Chỉ còn lại những người làm đúng và lành nghề. Vì thế, những ngôi nhà này, không chỉ thờ tổ tiên, mà còn thờ nghề của mình ở quê.
Khung thêu
Với mục tiêu khôi phục ngôi nhà ống truyền thống, số nhà 87 Mã Mây được lựa chọn là công trình đầu tiên thực hiện trong khu Phố cổ Hà Nội. Ngôi nhà bắt đầu được trùng tu từ cuối năm 1998, hoàn thành vào ngày 27/10/1999. Năm 2013, ngôi nhà lần thứ 2 được cải tạo chống xuống cấp và vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ. Ngôi nhà 87 Mã Mây được xếp hạng Di tích Quốc gia (Quyết định số 06/2004/QĐ-BVHTT ngày 18/2/2004 của Bộ Văn hóa Thông tin).
Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây đã trở thành địa chỉ giới thiệu về kiến trúc ngôi nhà ống đặc trưng và lối sinh hoạt truyền thống trong Khu Phố cổ Hà Nội. Thành công của việc trùng tu nhà cổ Mã Mây đã mở đường cho nhiều dự án khác, nổi bật là đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào).
Giữa lòng Hà Nội vội vã vẫn còn những điểm lặng, đưa khách tham quan về những nơi tái hiện nên hình bóng phố phường Hà Thành xưa.
Nguồn: RFI / Thu Hằng
No comments:
Post a Comment