Monday, March 27, 2017

Paris khám phá tranh của hoạ sĩ Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần


Hoạ sĩ Đinh Cuờng (1939 Thủ Dầu Một, Việt Nam - 7/1/2016 Virginia, Hoa Kỳ)

Chiều 28/10/2010, phòng trưng bày Annam Héritage ở Paris đã khai mạc một cuộc trưng bày sáng tác mới nhất của hai họa sĩ Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần, hiện định cư ở Hoa Kỳ.

Triển lãm giới thiệu 17 bức tranh sơn dầu của Đinh Cường và 10 bức khác của Nguyễn Đình Thuần, tất cả đều cỡ vừa hoặc nhỏ.

Đối với họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, hiện định cư ở Orange County tiểu bang California, đây là lần đầu tiên anh ghé Paris, còn đối với Đinh Cường, đây là lần thứ hai trong vòng một năm. Và lần này, Đinh Cường đã cống hiến cho người yêu tranh một số hồi ức về Paris trong lần ghé thăm trước, đã được ghi lại trong các tác phẩm như « Paris trong trí nhớ », « Góc phố ».

Audio: Paris khám phá tranh của hoạ sĩ Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần

Trả lời RFI, ngay tại buổi khai mạc phòng tranh, họa sĩ Đinh Cường đã nêu bật niềm vui của anh khi trở lại Paris lần này và triển lãm chỉ là cái cớ để anh gặp lại bạn bè :

"Đây không hẳn là một cuộc bày tranh, nhưng là một chuyến đi thăm bạn bè, đem theo một ít tranh trong va-li, bày ra để có cớ thăm lại bạn bè, vậy thôi. Viếng thăm Paris và thăm bạn bè là chính. Năm ngoái khi tôi qua đây, các bạn có dẫn tôi tới đây xem cái galerie này, và tôi đã hứa sẽ trở lại bày một số tranh… Lần này tôi đem khoảng gần hai mươi bức tranh nhỏ bỏ trong va-li, để có một cái dịp gặp lại bạn bè chiều nay – một buổi chiều rất dễ thương ở Paris, mặc dù là đã có những cuộc đình công và biểu tình".
Phật chỉ trăng
Nhưng mà trong chuyến trở lại Paris lần này, Đinh Cường cũng mang theo những ký ức Paris mà anh đã thể hiện qua một số tranh được trưng bày : "Tôi là người sống bằng những hoài niệm, những ký ức, và tới một thành phố nào, dù ở Việt Nam hay nơi khác, thì tôi vẫn ghi nhớ trong ký ức của mình, và tôi vẽ lại bằng những ký ức đó, cộng với những tình cảm quý hiếm của bạn bè đối với tôi. Paris rất gần với tôi từ thưở đi học, qua sách vở, qua những bài thơ, bài hát. Paris lại gần với Sài Gòn..., nó có những cái gì đó gần gũi, ở phố xá, ở những quán cà phê lề đường. Và nhất là những người bạn thân thiết của tôi ở đây cũng còn đông".
Phật ngồi trên phiến đá
Trong loạt tranh của Đinh Cường cũng có một bộ ba mang tên "Vòng luân hồi", đậm sắc đỏ. Đinh Cường giải thích : "Đến một cái tuổi nào đó, tự nhiên người ta sáng tác tranh như thế, từ những tranh trừu tượng lớn, rồi tự nhiên như năm ngoái tôi ra một loạt tranh Phật. Đến một một tuổi nào đó, mình thấy tự nhiên mình trầm xuống, rồi thêm những người bạn của mình lần lượt ngả bịnh, mình thấy cuộc sống có đó, rồi mất đó. Có rồi không, đến rồi đi, cuộc đời không có cái gì là vĩnh viễn, quan trọng, thành ra có một loạt tranh ra như vậy, một kiểu buông thả, không thấy gì là quan trọng nữa".
Vách đá
Còn màu đỏ là một cái technique. Từ một gương mặt Phật giống như trong một hoa văn, một đầu hồi, ban đầu là một cái phông đen cho nổi hình Phật màu vàng ở giữa, nhưng rồi sau tôi nhìn tới nhìn lui, cái màu đen thấy không thích, tôi lại chuyển qua màu đỏ. Thì màu đỏ cũng dính tới màu đen ở dưới - một cái cách như vậy".

Một điểm lý thú là Đinh Cường đã triển lãm ở rất nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tiên anh triển lãm ở Paris : "Thời trước 75, có Phủ Văn hóa (ở Sài Gòn) chọn tranh đem qua đây triển lãm thôi, triển lãm chung với tất cả các họa sĩ ở miền Nam. Còn triển lãm cá nhân thì tôi chưa có dịp. Thời những năm 87, 88, Nhà Việt Nam Paris  có đem một số tranh của tôi qua triển lãm ở đó, nhưng cũng triển lãm chung với anh em".
Dâng
Phải nói là tên tuổi Đinh Cường không xa lạ gì với giới hâm mộ hội họa Việt Nam. Các tác phẩm của anh đã chu du thế giới, trong hàng chục cuộc triển lãm, cá nhân cũng như tập thể. Là người Thủ Dầu Một, nhưng Đinh Cường lại rất gắn bó với Huế, nơi anh tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật rồi giảng dậy hôi họa nhiều năm. Sau năm 1975, Đinh Cường qua Hoa Kỳ định cư ở tiểu bang Virginia.

Bảo Thạch, một người hâm mộ Đinh Cường từ hàng bao nhiêu năm nay, đã ghi nhận nhiều cái mới nơi Đinh Cường nhân cuộc triển lãm lần này ở Paris.

"Đây là một cuộc triển lãm khiêm tốn, khoảng 17 bức tranh, cỡ nhỏ và vừa, nhưng dành nhiều ngạc nhiên cho khách. Ngạc nhiên là bởi vì bên cạnh một số tranh ''thiếu nữ '', một phong cách đã nổi tiếng của Đinh Cường , hôm nay còn có loạt sáng tác về Paris, bộ ba mang chủ đề Phật giáo mang tên là ''Vòng luân hồi'', và một số thử nghiệm mới mà tôi tạm gọi là ''expressionniste'', (biểu hiện chủ nghiã). Đó là 3 bức ''Đứng trên đá tảng'', ''Những cửa sổ đỏ'', ''Dâng''.
Người ngồi trên chiếc ghế cũ kỹ
Nhưng chủ đề có thế nào đi chăng nữa, cách biểu hiện và màu sắc có thay đổi chăng nữa, Đinh Cường vẫn là Đinh Cường, mềm mại, tinh tế, thanh tao. Cái cốt cách Huế sang trọng vẫn reo ca trong các tảng màu hoặc vây quanh đường nét nhân vật thiếu nữ.
Niệm
Đối với riêng tôi, thật là cảm động trước loạt tranh về Paris, và bức về dãy nhà phố Commerce với nóc nhà thờ. Bởi vì năm ngoái, Đinh Cường sang Paris, về khu này vài ngày. Ngờ đâu, dãy phố bình dị này đã lọt vào ký ức của anh và đẹp hẳn lên trong tác phẩm"
Niệm
Theo Bảo Thạch, một nghệ sĩ như Đinh Cường, với sự nghiệp trải dài nửa thế kỷ mà vẵn luôn luôn tìm tòi cái mới rất đáng được vinh danh.

"Tôi quen biết anh Đinh Cường vào những năm 80 tại Sài Gòn, nhưng tôi ngưỡng mộ tranh của anh từ rất lâu. Đối với tôi, Trịnh Công Sơn thế nào trong âm nhạc thì Đinh Cường là như vậy trong hội họa. Họ là hai người bạn chí thân đã cùng chia sẻ một thời tuổi trẻ, cùng một thế giới thi ca, một cung cách cảm thụ. Hơn nữa, cả hai đều có vốn ''Tây'' học, cho phép họ đạt được tầm hiểu biết rộng.

Có thể vì cả hai đều gốc Huế, cho nên họ nhạy cảm sâu sắc với cái chất lãng mạn rất đặc biệt mà riêng người Huế mang trong dòng máu. Họ hoài niệm về một cõi Chân Thiện Mỹ mà họ bắt gặp được một vài phản ảnh qua nghệ thuật.

Vào những năm 80, khi về Sài Gòn, lúc nào tôi cũng bắt gặp Trịnh Công Sơn trong phòng vẽ của Đinh Cường, ngày nào Đinh Cường cũng rủ tôi sang thăm nhà anh Trịnh Công Sơn.

Có lần khi chiêm ngưỡng màu xanh lam thăm thẳm của Đình Cường trên một tác phẩm, tôi hỏi anh khu này là ở đâu, kỷ niệm với nó là thế nào. Đinh Cường trả lời : đó là mầu xanh của Đơn Dương, một nơi không xa Đà Lạt, mà trước đây, anh và Trịnh Công Sơn đã từng đến phiêu bạt giang hồ !

Năm ngoái khi Đinh Cường đúng 70 tuổi, anh sang Paris chơi, tôi ra sân bay đón. Lúc chờ xe, anh lôi một quyển vở ghi chép tay ra, tôi thấy có ảnh của Trịnh Công Sơn, và Đinh Cường cho biết, đó là kỷ niệm mà lúc trẻ thúc đẩy anh sáng tác thành một vần thơ như sau : ''Đêm mù sương ngoài trời thấp nhang.''
Đêm thắp nhang ngoài trời mù sương

Lần này, sang Paris triển lãm, trong số tranh trưng bày, có một chân dung của Trịnh Công Sơn, tôi hỏi thì Đinh Cường trả lời ngắn gọn: ''Mang Sơn theo mình sang Paris, để nó phù trợ cho mình''.

Đinh Cường là như vậy, rất tử tế với bạn bè, rất tốt, rất trung thành. Đinh Cường gần đây bị kẻ tiểu nhân phỉ báng, lăng mạ, nhưng anh cũng mặc kệ, chẳng cần thanh minh, chỉ vì đã trót nhiều năm xem nó như bạn.

Nhưng đối với tôi, quý nhất là những kỷ niệm cho tôi khám phá một Đinh Cường nghệ sĩ. Năm ngoái, dẫn anh bảo tàng Georges Pompidou, anh lặng lẽ, thảng thốt trước tranh của Chagall mang tên ''Người đàn bà mang mặt nạ''.

Năm nay, cùng với anh dạo phố Paris, tôi thấy anh say sưa với nóc nhà thờ Saint Germain Des Prés, anh còn ghép vào quyển vở mang theo mình một vài lá cây vàng ủ của mùa thu. Tôi bất chợt hiểu rằng : tất cả sẽ là chất liệu cho nhiều tác phẩm mai sau. Có lẽ, một hạt cát, một tia nắng cũng sẽ được thăng hoa trong những bức tranh mà ký ức của anh dường như đang thanh lọc.
Đinh Cường là nghệ sĩ không bao giờ ngơi nghỉ. Một tài hoa như anh mà sự nghiệp trải dài nửa thế kỷ có thể lên đến hàng ngàn bức tranh, sơn dầu, sơn mài, ký họa, quả là con người hiếm hoi, đáng vinh danh".

Riêng về Nguyễn Đình Thuần, anh là một họa sĩ cũng xuất thân từ Huế, được rất nhiều người ở Hoa Kỳ biết đến, và ba lần triển lãm chung với Đinh Cường. Đặc điểm của Nguyễn Đình Thuần : đây là lần đầu tiên anh ghé Paris, một nơi nổi tiếng là kinh đô của nghệ thuật :

"Cách nay rất là lâu, từ hồi tôi học trường Mỹ thuật Huế, tôi khi nào cũng ước ao một lần tới được Paris. Hồi xưa học Art, hình như kinh đô mỹ thuật là ở Paris. Về sau dần dà mấy chục năm, thì trong tâm tưởng khi nào mình cũng ước ao được đến Paris một lần. Tôi tới đây ngày 25/10, bây giờ ngày khai mạc là 28, mới trải qua có mấy ngày, nhưng mà cũng bồi hồi. Hình như những cảnh ở đây nó còn trong trí nhớ, do đọc sách báo hồi xưa tìm hiểu về Paris".

Tựa đề tranh Nguyễn Đình Thuần mang qua triển lãm ở Paris lần này nói rất nhiều về hoài niệm, về thời gian. Anh giải thích : "Thường thường tựa đề là những cái nấc để đưa người thưởng ngoạn đi tìm hiểu vào trong tranh của mình. Hoài niệm hoặc là về những cái cũ, để mình nhớ những kỷ niệm. Hình như những hoài niệm đó là xúc tác để mình nhớ lại, hỗ trợ cho những sáng tác của mình".

Về phương diện màu sắc, tranh Nguyễn Đình Thuần có những bức có thể nói rất dữ dội, nhưng bên cạnh đó cũng những bức màu nhạt, màu pastel. Theo anh sắc màu đã biến đổi theo nội tâm của anh : "Trong sáng tác, cái náo động là do tâm tính. Rồi thỉnh thoảng có thể lòng mình chùng xuống, thành thử ra nó theo cảm xúc của mình. Một đoạn thời gian nào đó lòng mình thấy buồn, chùng xuống, hoặc là mình thấy mang mang một cái gì đó. Thành ra couleur thường nó diễn đạt được cái tâm cảm của mình".


Nguồn: RFI / Trọng Nghĩa

Mời bạn xem thêmn tranh của hoạ sĩ Đinh Cường => ....

No comments:

Post a Comment