Về mặt lịch sử, Potala Palace hay Bố Đạt La cung được khởi công từ thời vua Songtsen Gampo nhưng lúc đó mới ở dạng hành cung nhỏ. Đến đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Losang Gyatso thì Potala mới chính thực được chọn làm cung điện của Hoàng Mạo Giáo và nơi đây được kiến thiết lại với quy mô cực lớn, xây cất trong suốt 50 năm mới hoàn thành, tính đến nay đã hơn 6 thế kỷ mà không bị biến động thiên tạo hay nhân tạo nào làm hư hại. Sau này, cùng với sự ra đời của cung điện mùa hè Norbulingka, nơi đây chính thức trở thành cung điện mùa đông của các đời Lạt Ma.
Về mặt kiến trúc, Potala toạ lạc trên đỉnh Hồng Đồi (Red Hill hay Marpori) cao 91 m so với mặt bằng thành phố – ngọn đồi được tin là tượng trưng cho Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara); là 1 trong 3 ngọn đồi thiêng của thủ đô Lhasa: hai ngọn đồi còn lại là: đồi Chokpori tượng trưng cho Kim Cương Thủ Bồ Tát (Vajrapani), và đồi Pongwari tượng trưng cho Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Manjushri).
Nhìn vào chính giữa cung Potala là Hồng Cung (Red Palace), tường đắp màu son đỏ mà theo văn hoá người Tạng đó là biểu trưng quyền lực. Trên nóc của Hồng Cung là nơi lưu giữ thi hài của các Đạt Lai Lạt Ma.Bên phải Hồng Cung là Bạch Cung (White Palace) có tường đá trát đất sét trắng, được người Tạng coi là biểu tượng của hoà bình, cũng là nơi sinh hoạt của các Lạt Ma khi còn tại vị. Kiến trúc lưỡng tông Hồng-Bạch này còn áp dụng cho tất cả các cung điện lớn nhỏ khác xây trong Tây Tạng:
Nhìn sang hai bên ở chánh Tây và chánh Đông là các vọng gác; cánh trái trên hình là Namgyal Dratsang – nơi sinh hoạt của Tăng ni:
Ở cổng này có bàn kiểm tra hộ chiếu khách du lịch, nếu bạn mang hộ chiếu Việt Nam thì thủ tục kiểm tra nhanh chóng đến bất ngờ sau đó là khu vực máy scan an ninh – mọi thứ chất lỏng dạng chai lọ cỡ vừa và lớn cùng với đồ dao kéo, đồ bắt cháy … đều phải bỏ lại. Sau cửa này du khách mới thực sự đặt chân vào quần thể cung Potala, hình ảnh chánh Tây của cung – khu vực này không mở cửa cho khách vào thăm:
Con đường từ của phía Tây hợp lưu với đường vào từ cổng chính đi đến trạm soát vé thứ hai:
Từ đây đã có cái nhìn bao quát hơn về quảng trường phía trước Potala:
Tiền sảnh Bạch Cung:
Nếu được vào cửa chính Hồng Cung, du khách sẽ gặp cổng lớn khác cũng bằng gỗ đỏ nhưng buộc lụa trắng, phía trên là dòng chữ: Con đường dẫn đến sự giác ngộ tâm thức hoàn toàn (The path to perfect spiritual enlightenment). Tuy nhiên cổng chính Hồng Cung thì hiếm ai được ngắm, lý do vì lộ trình đi thăm Potala xuất phát từ Bạch Cung rồi đi thông vào Hồng Cung từ trên nóc, đến lúc xuống thì ra bằng cửa hậu nên không qua cửa chính. (Tham khảo từ sách The Potala do Unesco xuất bản).
Trong truyện Phong thần của Hứa Trọng Lâm có tích Ma Giai Tứ Tướng với câu chuyện bốn anh em họ Ma (Ma Lễ Thanh, Ma Lễ Hải, Ma Lễ Hồng, và Ma Lễ Thọ) phò Trụ Vương Ân Thọ đánh Tây Kỳ có nét tương đồng với tứ đại thiên vương. Tuy nhiên khắc hoạ của Ma Giai Tứ Tướng mang phong cách của Đạo giáo chứ không phải Phật giáo, xét về niên đại cũng ra đời trước rất lâu – khi đó nhắm vào cuối thời Ân Thương trước công nguyên và nhà Chu dựng cơ nghiệp đất Thần Châu; còn Phật giáo phải đến thời Đường sau công nguyên mới trực tiếp ảnh hưởng vào Tây Tạng. Các bức tranh tường của bốn vị Hộ pháp ở cung Potala thể hiện thuần tuý quan niệm của người Tạng chứ không hề có sự lai tạp nào.Tiếp tục đi qua các dãy hàng lang ngắn, du khách sẽ đến được sân trong của Bạch Cung (tiếng Tạng gọi là Deyangshar) vốn là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội Phật giáo; bên phải sân là khu nhà 2 tầng màu vàng là nơi sinh sống của Tăng ni, bên trái là phòng tu học của Tăng ni, còn ở giữa là chính điện Bạch Cung:
Ra đến ngoài cửa sau của Hồng Cung, khách du lịch ai cũng thấy hụt hẫng! Nội cung chiến thành vĩ đại của người Tạng đó sao? Cung điện mùa đông của Đạt Lai Lạt Ma chỉ là nhiêu đó?
Có lẽ do chủ ý của Trung Quốc làm khách thăm quan không ai chiêm ngưỡng được vẻ đẹp quý báu thực sự của Potala: hàng người này đến hàng người khác xô đẩy luồn lách trong những hành lang nhỏ tối om om; giọng hướng dẫn viên oang oang vẳng vào từng góc nhỏ; những căn phòng đóng cửa, những ổ khoá im lìm, camera bí mật bố trí ở tất cả các cửa ra vào; ánh sáng vàng vọt le lói trên cao không đủ soi tỏ bệ thờ, những pho tượng nghìn tuổi được khoá sau những hàng rào gỗ cao quá đầu người, những tấm thangka và tranh tường khuất sau lưới sắt, những mandala 3D cất trong tủ kính mờ, những câu kinh Phạn-Tạng cuộn thành từng gói nằm phủ bụi trên kệ; những tấm biển chú thích sơ sài dưới chân những Stupa vàng ròng cực lớn … Người ta không cảm thấy được sự thâm nghiêm và cao quý của nơi đây, cái hồn xưa cũ của Potala dường như đi vắng!
Chúng tôi may mắn trong lúc sắp rời khỏi Hồng Cung đã kịp mua cuốn sách The Potala của Unesco, ấn bản 1993 giá 160RMB, dành riêng để giới thiệu về cung. Cuốn sách này không bán ở bất cứ đâu ngoài khu vực cung Potala!
Sau khi mua, cuốn sách được đóng một triện màu đỏ 3 thứ tiếng Anh-Tạng-Trung: A Souvenir of the Potala Palace. Sách dày 165 trang, tất cả đều in màu chụp lại toàn bộ các điểm nhấn kiến trúc của Potala, các điện thờ quan trọng của Hồng Cung và Bạch Cung, những Stupa chính cùng các pho tượng Phật quý giá cất bên trong cung, kiến trúc mái vòm kinh điển của cung . Đây là 1 tài liệu tham khảo cực kỳ quý giá để khách phương xa hiểu được những giá trị văn hoá và thấy hết vẻ đẹp mà cung Potala sở hữu.
Xin được giới thiệu với bạn đọc một số hình ảnh chụp lại từ sách, những hình ảnh này hầu như chưa xuất hiện trên mạng, và kể cả có đi thăm Potala ngày nay chắc cũng khó lòng mà mục kích được:- Bên trái là cổng tiền sảnh Bạch Cung, bên phải là cổng tiền sảnh Hồng Cung:
Mái cung Potala toát lên sự oai nghiêm quyền lực:
Ảnh là đỉnh mái vàng (Golden Dome) của Stupa lớn chứa thi hài Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, xây năm 1936. Kiến trúc mái vòm Potala được trang trí đầu chim thần garuda, bên dưới mái là kết cấu ngàm đỡ nhiều tầng vô cùng chắc chắn, đảm bảo vòm chịu được chấn động và gió lớn:
Ngoài tượng thân của 13 vị Đạt Lai Lạt Ma giữ bên trong cung, Potala còn có tượng vua Songtsen Gampo và các quan đại thần Thổ Phồn:
Xem tiếp => Bố Đạt La Cung - Potala ở Tây Tạng (phần 2)
No comments:
Post a Comment