Saturday, April 28, 2018

Ký Ức Tháng Tư: Chuyện của Vân


Tất cả đã đến nơi, riêng Mẹ thì bị hải tặc bắt lại. Gia đình Vân trước khi đi vượt biên


Có những ký ức thật khó khi đối diện vì nó buộc người ta phải sống lại nỗi đau một lần nữa. Và cái điều khó khăn nhất khiến cho ký ức đau thương khó có thể được kể lại chính là nỗi sợ nhìn thấy sự thương cảm trong mắt người khác. Vì nó đóng đinh nạn nhân vào nỗi đau, và nhắc họ về biến cố buồn thảm đó. Đó là một trong những lý do khiến rất nhiều câu chuyện buồn thảm của người Việt - những nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của cái gọi là thống nhất đất nước đã không được kể lại. Mỗi mẫu ký ức Việt của thế hệ nạn nhân cộng sản là một mẫu lịch sử thật. Ký Ức tháng Tư kỳ 2 của loạt bốn kỳ kỳ này: Chuyện của Vân - kể về chuyến đi định mệnh năm cô 6 tuổi chứng kiến mẹ và một người thân khác bị hải tặc bắt đi.
Đó là buổi sáng đầy gió.

Tôi tới nhà Vân sớm theo lời hẹn để nghe Vân kể chuyện mẹ cô bị hải tặc bắt đi trên chuyến vượt biên khi cô mới 6 tuổi.

Đúng ra là Bình-chồng Vân, hẹn tôi sau một tuần lặng tăm, “8 giờ tụi em đi nhà thờ. 9 giờ chị tới. Đến 10g tụi em lại có việc phải đi.”

Tôi đóán chắc một người anh quen trong nhóm có nhắc thì Bình mới gọi tôi cho cái hẹn. Cách hẹn cũng có phần cả nể và xí bùm bum cho xong việc.

Đây là lần thứ hai tôi gặp hai vợ chồng.

Lần đầu là đi nhờ xe Bình Vân chở tới nhà người anh bạn quen chung nọ, thấy hai người trẻ sống lâu ở Úc mà nói tiếng Việt sỏi tôi hỏi xã giao chắc trong nhà hay nói chuyện tiếng Việt với ba mẹ.

Bình nói “Tụi em gặp nhau lấy nhau lúc cà hai không có mẹ. Hai đứa em đi vượt biên. Em đi một mình còn mẹ Vân bị hải tặc bắt lúc 6 tuổi.”

Vân nghe chồng nói chỉ ngồi im. Tôi hỏi Vân khi nào tiện cho chị gặp hỏi chuyện Vân nói "Dạ được" nhưng một tuần sau khi tôi hẹn kiếm thì mãi mới gặp được Bình.

Vợ chồng Bình đồng ý cho tôi gặp nhưng chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ sáng Chủ Nhật.

Tôi muốn hẹn vào chiều tối nhưng Bình nói bận cả.

Buổi chiều thì lòng người có phần chùng xuống, dễ nói chuyện cũ hơn là sáng mới bảnh mắt.

Chẳng ai mới ngủ dậy bắt đầu một ngày mới mà nhớ ngay đế chuyện cũ trong xó xỉnh ký ức bao giờ.

Nhưng vì Bình nói không có giờ nào khác. Và vì tôi cũng chẳng biết ai hơn để hỏi, nhưng đĩều quan trọng hơn đó là một mẩu ký ức không dễ dàng, mà người ta chịu kể lại thì đó mới là điều đáng quan tâm hơn hết cả.

Tôi tới nhà lúc Vân và Bình đang ăn sáng cùng cậu con trai. Quần áo hai vợ chồng chỉnh tề, tôi đoán họ đi nhà thờ về.

“Mọi khi tụi em bận lắm, nhưng sáng nay tụi em quyết định nghỉ ngơi. Vân cũng sẽ không đi ra shop sáng nay. Chị ngồi chơi chờ bọn em chút.” Bình ngượng ngịu nói.

Đứa con gái lớn của hai vợ chồng từ trên lầu đi xuống Bình đưa mắt nhìn con trông đợi.

Con bé không nhìn cha cất tiếng “Chào cô”, mặt Bình giãng ra nhẹ nhõm.

Căn nhà rộng đầy đủ tiện nghi như mọi gia đình có thu nhập ổn định nhưng rõ ràng đó là  tiện nghi theo cách phù hợp với người đi làm suốt ngày.

Bình mời tôi tới bàn phòng khách đặt cạnh cửa sổ để trò chuyện. Tấm sáo kéo hơi sụp xuống khiến cho ánh sáng trong phòng xam xám. Bên ngoài cửa sổ là bức tường cũng xam xám của nhà hàng xóm.

Vân ngôi xuống khi tôi lấy máy ghi âm ra, mặt tịnh không biểu hiện gì.

Tôi nói “Ngoài có sân vườn, mỉnh ra ngoài ngôi được không?"

Tôi không muốn nói là tôi không thích ngồi trong một cái hộp dù đó là một phòng khách đẹp.

Bức tường xám bên ngoài cửa sổ tịnh không một cái lá xanh khiến tôi thấy buổi nói chuyện chưa bắt đầu nhưng có mòi giống như một buổi cán bộ phường đi lấy lời khai nhân khẩu.

Bình hỏi đi hỏi lại “Ngồi ngoài gió lạnh chị chịu được không.”

Sydney vào đầu thu dù hai hôm nay trời đầy gió nhưng thời tiết khá dễ chịu.

Tôi nói tôi đi bộ tới trời này với tôi không sao. Nói vậy nhưng tôi cũng sợ lạnh. Nhưng chừng nào lạnh thì hay chứ tôi sẽ không hỏi chuyện ở trong căn phòng như là lấy lời khai nhân khẩu này.

Vân thấy tôi và chồng đứng lên thì cũng đứng lên nói yếu ớt “Nhưng ngoài sân đâu có ghế ngồi.”

Bình quay lại nhìn vợ có phần dàn hoà “Có cái salong mình ngồi được em.”

Tôi rời hẳn cái bàn lớn cầm theo ly trà của mình và cười với hai vợ chồng.

Ra đến sân có thể nhìn thấy hai cậy xoài trồng sát hàng rào bên cạnh cây nhãn xanh um, cả ba cây trồng rất gần.

Tôi để hai vợ chồng ngồi gần nhau nhìn ra cây xoài và cây nhãn. Những câu chuyện thế này không dễ dàng gì, và một mảng xanh trong mắt sẽ dẫn ký ức người ta đi xa hơn là bức tường xám trong nhà.

Tôi ngồi góc bên cạnh.Vân.

Mặt Vân vẫn bình thản không biểu lộ cảm xúc, nhẫn nạị cho sự viếng thăm của tôi dù câu chuyện chưa bắt đầu.

Tôi biết ký ức của cô bé 6 tuổi có thể sẽ rất nhạt nhoà, có thể tôi sẽ không biết được nhiều lắm nhưng dù gì tôi cũng không muốn câu chuyện kể là Vân thuật lại nhửng gì mà người lớn nói về chuyến đi định mệnh của gia đình cô, về việc mẹ cô bị hải tặc bắt đi mất tích.

Tôi muốn nghe cô nói về mẹ từ ký ức của cô. Ký ức nhỏ nhoi của khoản thời gian cô có mẹ. Ký ức của riêng cô về mẹ.

Chuyện của Vân

"Em không nhớ gì nhiều. Lúc đó em mới 6 tuổi, đứa em kế cách em một năm và đứa em út mới một tuổi. Ba bị đi tù vì vượt biên, mẹ phải đi làm, tụi em ở với nội. Em cũng không nhớ mình có được mẹ cột tóc hay không, em chỉ nhớ mẹ em hiền và đẹp lắm.

Mẹ của Vân- người bị hải tặc bắt đi cùng bốn phụ nữ khác trên chuyến tàu định mệnh năm 1981

Vào cái đêm đi vượt biên nội ôm em vào lòng, khóc và nói “Nội thương con lắm.” Nội cứ nói đi nói lại câu đó hoài mà em không hiểu vì sao hôm nay nội kỳ vậy. Tối đó cả nhà ngủ chung trong phòng trên một cái giuờng.

Nữa đêm mẹ đánh thức em dây và đi. Em chỉ nhớ lúc đó trời tối lắm, không nhìn thấy gì, rồi thì cả nhà lên tàu.

Ba em ở trên lái tàu. Tàu em đi bị hải tặc ba lần. Hai lần đầu tụi nó chỉ lục lấy vàng vòng rồi bỏ đi. Lần thứ ba nó bắt hết cả tàu lên tàu lớn của tụi nó, xong rồi nó cho đàn ông với con nít đi xuống chỉ giữ đàn bà lại.

Có tất thảy 5 người đàn bà trong đó có một chị có bầu 6 tháng nó cũng bắt nữa. Nó đếm đầu người thiếu người nào là không được. Bà thím vợ của ông chú ruột mới đám cưới dẫn nhau đi cũng bị bắt.

Thím đẹp lắm, đẹp như tiên vậy, da trắng muốt. Thím từ lúc xuống tàu đã lấy lọ nghẹ với dầu nhớt trét khắp mặt mũi tay chân làm cho dơ dáy xấu xí đi nhưng cũng bị tụi nó bắt.

Hai người phụ nữ trong tấm hình này đã bị hải tặc bắt đi: thím (cô dâu) và Mẹ Vân (áo nâu ngoài cùng bên trái)

Lúc nó thả đàn ông với con nít về lại tàu bà thím tìm cách lẫn vô đi xuống theo nhưng tụi nó đếm thấy thiếu một người nó bắt phải đưa cái người đó ra không thì nó đâm lủng thuyền. Vậy là nó bắt bà thím đi luôn, năm người hết thảy.

Tàu của tụi em chết máy trôi năm ngày trên biển thì được tàu Đức cứu. Chiếc tàu Đức này còn đi lòng vòng trên biển mấy ngày để cứu thêm những người đi vượt biên khác cũng sắp chết để đưa vào đảo tị nạn.

Lúc mẹ bị bắt đi em không biết gì nhiều, cứ nghĩ là mẹ đi một chút thì sẽ được trả về. Hoặc là mẹ sẽ được về lại nhưng mà chờ hoài chờ hoài không thấy mẹ. Không thấy mẹ.

Bốn cha con ở đảo hai năm. Không hiểu sao tui em lúc đó nhỏ nhưng cũng biết tránh không nói nhiều về mẹ với ba. Thấy ba im lặng không nhắc mẹ tui em cũng không hỏi hay nhắc.

Những ngày trên đảo ba đi làm tụi em tự chơi với nhau. Em cũng không nhớ tụi em đã qua những ngày đó như thế nào chỉ nhớ cực lắm. Không có gì nhiều để ăn, không có chổ ở.

Ba chị em Vân (ngoài cùng bên trái) lúc mới tới Úc

Hai năm sau thì nhà em được vào Úc. Năm đó em 8 tuổi vô trường đi học.  Ba mướn một cái nhà gần trường tụi em học.  Ban ngày trước khi đi làm ba nấu một nồi cơm, đồ ăn để đó. Tụi em dậy tự mặc uniform tư đi đến trường.

“Lunch?” Lunch… Có gì ăn nấy chị à. Không nhớ mình ăn cái gì. Cũng không như bây giờ là phải có một trái táo hay phải ăn rau. Thấy cái gì ăn cái nấy. Có khi là một bịch chip, mấy cái bánh biscuits.

Không ai tới hỏi thăm, chị à, hồi đó vắng lắm. Năm 1983 lúc đó chưa có nhiều người Việt. Sydney chưa nhiều người, đường phố còn vắng. Nhà có khi mở cửa bỏ ngỏ cũng không sao.

Ba đi làm suốt ngày. Có những chuyện ba biết ba nói ba chỉ cho, nhưng có những chuyện phải cần một người phụ nữ thì tự em lớn lên đến đâu biết đến đó. Em cũng không biết là mình có phải làm mẹ trẻ cho hai đứa em của em không.  Có lần trên đảo em ham chơi. Em chạy chơi con em út em chạy theo bị té lọi tay.

Chưa bao giờ ba đánh hay la em. Lần đó ba đánh em không coi con út để nó té lọi tay. Ba đánh em nhớ hoài là em phải lo cho em em.

Nhà em dơ và hôi lắm. Đâu có biết phải làm sao đâu. Em nhớ có lần em rủ đứa bạn về nhà chơi, bước vô nhà nó bịt mũi hỏi mùi gì hôi vậy. Em hỏi “Mùi gì? Tao đâu có nghe gì đâu.” Chị biết toilet là phải chùi rửa cho nó sạch nó mới không có mùi. Tụi em đâu có biết mà làm. Rồi mình ở trong nhà nghe quen không nhận ra cái mùi hôi nữa.

Hồi đó ông chú Út là người hay dẫn tụi em đi chơi. Ông chú Út đi vượt biên trước qua Úc, chính ông là người bảo lãnh mấy cha con em và chú em qua. Chú Út là người dẫn tụi em đi Easter Show. Ổng biết tụi em không có mẹ ổng thương tụi em như con.
Một thời gian sau thì bà Nội em qua. Nội gấp rút làm giấy tờ qua sớm để ở với tụi em. Chị biết không. Nội bay chuyến bay dài như vậy. Từ Sa Đéc lên Sài Gòn rồi qua Úc. Vừa xuống máy bay bước chân vô tới nhà là Nội đi liền xuống bếp lấy cái xong ra nấu cơm hỏi “Con ăn gì nội nấu.”

Lúc đó em nghĩ “Sao bà này kỳ vậy, sao tự nhiên vừa vô nhà người ta đòi nấu cơm” (Khóc).

Câu chuyện không chỉ một lần khóc.

Trong câu chuyện rất nhiều nước mắt mà lần đầu tiên Vân kể lại về những điều cô giấu kín không chỉ riêng mình mà cả các em và những người xung quanh câu chuyện này ngay cả với Bình chồng cô. Cô nói “Không muốn câu chuyện của mình là người khác buồn”.

Mỗi tuần các em về nhà cô như về nhà mẹ ăn uống, ba chị em rất thân thiết với nhau. Và họ đều tránh nhăc lại chuyện cũ.

Ba cô về sau lặp gia đình với một phụ nữ ông quen trên đảo sau này gặp lại ở Úc.

Bình, chông Vân nói, "Hồi em găp Vân lúc đang đi thư viện học chợt thấy một cô Châu Á tóc dài đẹp quá, thích luôn. Thích cô rồi khi về nhà gặp ba Vân với mấy ông chú thấy ai cũng hiền hết, rât tử tế dù mới gặp, vậy là tình cảm cứ thế mà tiến tới luôn.

"Ba Vân rất ít nói. Ngồi cả buổi nói chừng hai câu hà. Mà hồi gặp, em không hiểu sao ở ai cũng có vẻ buồn buồn thế nào đó đằng sau họ. Sau này rồi thì mới biết.

"Quen nhau hồi còn đi học high school , ngoài hai mươi là tụi em cưới nhau rồi. Vân ít nói. Em thì lí lắc. Khác với Vân em là con út được cưng chìu từ nhỏ. Đi vượt biên thì qua đây ở với anh, có chị dâu chăm sóc coi như lúc nào cũng có người lo cho mình.

Em thích Vân vì Vân đẹp, tthương Vân vì Vân chu đáo chăm lo gia đình. Có những lúc Vân ngồi im càng lặng hơn mọi khi. Cứ lặng đi như vậy. Em phải giả lả “Sao mặt hầm hầm vậy cười cái cho đẹp coi” cho bả vui lên. "

Vân chưa bào giờ thử đi tìm mẹ. Cô nói cô không biết bắt đầu từ đâu.

Trước đây cô vẫn hy vọng mẹ mình còn sống ở đâu đó và sẽ đi tìm chị em cô.

Nhưng hy vọng nhỏ dần dần và từ mười năn nay thì chị em cô quyết định lấy ngày Vu Lan làm ngày giỗ mẹ.

Cô nói chắc mẹ cô đã về trời và đang phù hộ cho cô.

“Có nhiều kỳ lạ xảy ra như có những lần em lái xe thấy đụng tới nơi nhưng có có gì đã đỡ cho và nó không xảy ra. Mẹ em ở trên trời đang dõi theo tụi em chị à,” cô nói.

Tôi hỏi Vân "Có bao giờ em ước giá như gia đình mình đừng có đi vượt biên không?"

"Dạ có," Vân nói ngay. "Cũng chưa ai hỏi em nhưng em cũng tự hỏi mình 'Em sẽ ra sao nếu như em ở Việt Nam?' Năm nào em cũng về Việt Nam nhất là lúc còn mẹ anh Bình. Lần đầu tiên em về lại Việt Nam là năm em 18 tuổi. Em về lại nhà mình em không nhận ra bất cứ cái gì nữa hết. Cái gì cũng xa lạ đối với em. Việt Nam đối với em như là một giấc mơ thôi chị."

"Nếu em cứ nghĩ mình không có mẹ, và so bì với những bạn bè có mẹ thì chắc là em sẽ khó khăn lắm. Em cứ nghĩ không có mẹ thì em sẽ biết nâu cơm sớm hơn. Biết làm nhiều thứ hơn và tự lập hơn so với các bạn đồng lứa. Em phải nghĩ khác đi mới được chị ạ."

Chuyện của Vân cũng có thể là chuyện của bất kỳ người nào đi bên cạnh chúng ta ngoài phố. Không ai biết người đi bên cạnh mình ăn mặc đẹp đẽ cười nói ngỗn ngang đang ẩn chứa tâm sự gì đằng sau đó.

Chia sẽ câu chuyện để người Việt nhân hoà với nhau hơn biết đâu cái người mà ta vừa đi đã từng trãi qua những biến cố kinh hoàng nào trong đời họ.

Và nếu có thể xin đừng nhìn Vân như chuỵện của Vân, mà là chuyện của đất nước mình: Việt Nam.

Mỗi mẫu ký ức Việt của thế hệ nạn nhân cộng sản là một mẫu lịch sử thật.

Nó cần phải được ghi lại như là cách góp phần khai chiều cho chính thời đại chúng ta ngày nay và cho đời sau để đối chọi lại cái lịch sử dối trá tạo dựng đang được xây đắp một cách có chủ ý và hệ thống.

Nếu không kể, những mẫu lịch sử thật đó của đất nước sẽ cùng chủ nhân của nó tan vào hư không.

Trong phần audio có sử dụng bài hát Quan Thế Âm của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư do Khánh Ly trình bày trong tập Đạo Ca.

Chị Vân có nhắc tới chiếc tàu Cap Anamur của Đức, Nora xin gửi quý khách đọc lại =>  Hình ảnh những chiếc tàu Cap Anamur cứu mạng thuyền nhân Việt đi tìm tự do sau 30 tháng Tư 1975,  Tiến sĩ Rupert Neudeck 

===

Nếu có ai tình cờ biết thông tin ít nhiều gì về mẹ của Trần Tố Vân cùng bốn người phụ nữ trên chuyến đi định mệnh trong đó có Thím của Vân và một phụ nữ có bầu 6 tháng bị hải tặc Thái lan bắt đi vào năm 1981, xin vui lòng liên lạc SBS Vietnamese qua SBS Vietnamese Facebook.

Nguồn: SBS / Mai Hoa Pham (21/4/2018)

No comments:

Post a Comment