Friday, April 20, 2018

Nice Leng'ete: Cô gái đã giúp thay đổi một hủ tục cắt bộ phận sinh dục ở Kenya





Nice Leng'ete, một cô gái trẻ ở bộ tộc Masaai ở Kenya, năm 8 tuổi, đã công khai phản đối nghi lễ hủ tục cắt bì bộ phận sinh dục nữ. Và từ đó đến nay, cô vẫn tranh đấu cho việc đó. Không chỉ cho mình, cô đã góp phần giúp 7000 phụ nữ, bé gái ở Kenya và Tasania không phải chịu hủ tục này.

Bạn có biết rằng, để đánh dấu sự trưởng thành của các cô gái và làm giảm ham muốn tình dục của họ, người dân ở vùng hẻo lánh tại Kenya dùng dao lam để cắt "bì” bộ phận sinh dục nữ cho các bé trước khi đến tuổi trưởng thành. Nghi thức này luôn là nỗi ám ảnh đối với phụ nữ Kenya bởi họ phải chịu sự đau đớn về da thịt đến tột cùng mà không được dùng bất kỳ loại thuốc gây tê nào.

Người dân ở nhiều vùng tại châu Phi quan niệm rằng nam nữ đều có bao quy đầu. Chúng là nếp gấp da bao quanh cơ quan sinh dục, và con người phải cắt chúng rồi khâu lại để giảm ham muốn tình dục.

Hủ tục có thể khiến các bé đau đớn, nhiễm trùng và ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản nhưng nghi lễ vẫn diễn ra ở nhiều vùng xa xôi. Hơn 1/4 trẻ em gái và phụ nữ ở Kenya đã trải qua nghi lễ cắt bộ phận sinh dục, theo số liệu của Liên Hợp Quốc.

Nhưng có một cô bé Kenya đã không đứng yên nhìn hủ tục đó tiếp diễn và đã đứng lên để thay đỏi điều đó, không chỉ cho mình, mà còn cho hàng ngàn bé gái ở khắp Kenya và Tanzania. Nice Leng'ete, năm nay 27 tuổi.

Nice nhớ lại rằng, đó là vào năm cô mới lên 8. Cô và chị gái 11 tuổi của mình chuẩn bị cho lễ cắt bao quy đầu lần đầu tiên, tiếp đó sẽ là một cuộc hôn nhân sắp đặt và rồi, dường đến trường từ đó cũng sẽ trở nên xa với với họ. Từng chứng kiến tình cảnh của một cô bạn đồng lứa khác, người cũng chịu đau đớn, ngất đi và chảy máu rất nhiều do bị cắt bao quy đầu cách đó hơn một năm, và những cô gái khác, những người thậm chí tử vong sau khi thực hiện nghi lễ này, nên cô quyết định hành động.
“Tôi và chị gái được đưa đến nhà cậu để chuẩn bị cho nghi lễ này. Khi đến đó, tôi nói với chị tôi rằng, tôi không muốn thực hiện nghi lễ này, tôi muốn đến trường.

"Chúng tôi dậy từ 4 giờ sáng, chúng tôi tắm trong nước lạnh ngoài trời. Không có thuốc tê, nên người ta tin rằng nếu tắm với nước lạnh và ngủ ở ngoài trời trong 2 đêm thì người chịu nghi lễ sẽ không thấy đau nữa. Hai chị em tôi đến đó và trên đường, thảo luận về cách thức chạy trốn. Tôi đã leo lên một cái cây và trốn ở đó, yên lặng, lo lắng trong suốt mười tiếng rưỡi đồng hồ. Sau đó, chúng tôi leo xuống và đi bộ 17 km đến nhà dì. Khi cậu tôi biết tin, cậu cùng một số người đàn ông nữa cùng đến. Và họ muốn chúng tôi hứa rằng lần sau sẽ thực hiện nghi lễ và không trốn chạy nữa”.

Nhưng rồi đến lần sau thì rốt cuộc, chỉ mình cô chạy trốn, còn chị gái của cô đã bỏ cuộc.

“Chúng tôi lại dậy sớm và tắm với nước lạnh. Trong khi tắm, tôi nói với chị, Chúng ta hãy chaỵ trốn lần nữa thôi. Nhưng chị tôi bảo, làm sao chúng ta có thể chạy trốn cả đời được. Thôi thì em hãy đi trốn một mình đi. Còn chị, chị không trốn nữa.

"Tôi chạy trốn trên cái cây lần trước. Tôi thấy rất buồn khi nhớ lại chuyện đó, bởi đã không thể làm gì để giúp chị tôi. Tôi nghĩ rằng, đó là thời điểm đau đớn nhất với tôi và với mẹ tôi nữa. Tôi ước gì khi đó, tôi có thể leo xuống, chạy đến và nói với mọi người hãy dừng thực hiện điều đó.  Nhưng chị tôi đã phải thực hiện việc cắt bì và rồi bỏ dỡ việc đến trường từ đó”.

Sau vụ đó, người dân trong làng của Leng'ete đã đặt cho cô một cái tên có ý nghĩa rất xấu trong tiếng Masaan. Rồi ông nội của cô, đã thuyết phục cô lần nữa.

“Con mới 8 tuổi. Hãy đợi con một hay hai năm nữa. Nếu không, con có thể bỏ nhà đi” – cô đã cố thương lượng như vậy trong nước mắt. Năm sau đó nữa, Lengt’ed vẫn cương quyết không chịu thực hiện. Và khi ông nội nhận thấy quyết tâm của cô, ông nói với mọi người: Hãy để yên cho con bé. Khi nào nó muốn làm, nó sẽ nói với chúng ta.

Ông nội thì có thể để yên cho cô, nhưng cộng đồng thì không.

“Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Bởi tôi là người duy nhất không chịu thực hiện tập tục này. Tôi nhận được một biệt danh có có ý nghĩa rất xấu trong tiếng Masaan. Thậm chí, những gia đình trong làng không để con cái của họ chơi với tôi. Người dân trong làng nhìn tôi bằng ánh mắt không mấy thiện cảm, và vẫn đưa tôi ra như một tấm gương xấu.

"Tôi thấy cô đơn trong cộng đồng mình. Tất cả mọi người đều phàn nàn rằng tôi là một con bé không tôn trọng gia đình và đi ngược lại truyền thống cộng đồng.”

Và Leng'ete vẫn tiếp tục được đến trường và trở thành cô gái đầu tiên trong làng học trung học. Còn với chị gái của cô, mọi thứ tồi tệ hơn sau đó. Sau lễ cắt, chị đã phải bỏ học, và đến năm 12 tuổi, kết hôn với một người đàn ông và có ba đứa con.

Khoác lên người bộ đồng phục trung học, Leng'ete bắt đầu nhận được những ánh mắt ngưỡng mộ của các cô gái Maasai. Cô đã hỏi họ rằng, vậy họ có muốn giống cô hay không. Cô nói với các cô gái trẻ rằng, cô có cơ hội như vậy là vì cô đã từ chối cắt bì. Và một số cô gái trẻ cũng bắt đầu tìm đến gặp cô và chạy trốn khỏi nghi lễ này như cô.

Và bởi cô đã giúp họ nên cô phải chạy trốn lần nữa. Một số người muốn giữ tập tục này đánh cô. Và cô hiểu, muốn thay đổi suy nghĩ của cả cộng cần một chién thuật khác. Đó là trò chuyện và thương lượng với những người cao niên, như ngày trước, cô đã từng trò chuyện với ông nội. Rằng việc loại bỏ nghi thức cắt bì không đồng nghĩa với đoạn tuyệt với truyền thống tốt đẹp cuả người Masaai mà đó chỉ là bỏ đi những gì không còn hợp thời và thậm chí có hại. Nhưng hẳn nhiên, điều đó không mấy dễ dàng.

Với những người Massai và nhiều nền văn hoá khác, những người cao niên giống như nghị viện của làng. Họ là những người đưa ra quyết định. Nhưng theo truyền thống, phụ nữ không được phép nói chuyện với những người cao tuổi.

Một cơ hội đã đến với Leng’ete đó là năm cô 15 tuổi, tổ chức Amref, một tổ chức y tế ở Kenya, tổ chức hội thảo về sức khoẻ tình dục vị thành niên và muốn cộng đồng của cô cử 1 chàng trai và một cô gái biết đọc và biết viết để tham gia.

Là người có trình độ học vấn cao nhất trong những người phụ nữ ở cộng đồng này lúc đó, Lengt’ete đã được cử đến tham gia hội thảo này. Sau hội thảo, cô nói với các bậc trưởng lão rằng, cô có nhiệm vụ chia sẻ những gì cô học được với cả làng. Đó là lá bài thương lượng đầu tiên của cô và điều đó đã có chút hiệu qủa.
“Thật không dễ bởi tôi là phụ nữ mà nói về chuyện đó với những người đàn ông lớn tuổi trong cộng đồng. Nhưng tôi biết, muốn chống lại một hủ tục, điều đó sẽ mất rất thời gian. Tôi muốn thuyết phục họ bằng ví dụ về giáo dục. Rằng chúng ta cần đầu tư vào chuyện học của các bé gái như cách chúng ta vẫn đầu tư trong giáo dục với các bé trai”.

Và những bậc cao niên đã cho phép cô được gặp những người đàn ông trẻ hơn. Nhưng lại không ai trong số những người này muốn nghe cô nói.

“Tôi nghĩ rằng rất khó khăn nhất vẫn là cố gắng để thuyết phục những người đàn ông trẻ này thay đổi. Có lúc tôi tưởng chừng như không thể. Tôi tổ chức một vài cuộc họp với họ, nói chuyện về các chủ đề như ngừa thai hay thậm chí phòng ngừa HIV và AIDS bởi điều rất quan trọng là phải trò chuyện với họ bởi người đàn ông được phép ngủ với nhiều người phụ nữ. Nếu một cô gái vượt qua lễ cắt bì, sẽ có nhiều người đàn ông trong cộng đồng có thể ngủ với cô ấy. Như vậy, đó không chỉ là chuyện về nghi lễ cắt bì, mà còn nhiều chủ đề nói chuyện quanh đó.

"Rất nhiều người đàn ông khi đó đã từ chối nói chuyện. Họ nói với tôi rằng, cô hãy còn là trẻ con, nên đừng có nói về chuyện đó. Có lúc có tới 40 người đàn ông nhìn vào tôi  nhưng họ không hề muốn nói chuyện với tôi, họ thậm chí, bạn biết không, còn không thèm muốn hiểu những gì tôi nói. Thật không dễ để họ nói chuyện với tôi trong suốt cả hai năm, cho đến khi có người đàn ông đầu tiên ủng hộ mục tiêu của tôi”.

Leng'ete cứ cố gắng như vậy. Rồi qua hai năm, điểm lại chỉ có ba người đàn ông ngồi nghe cô nói chuyện. “Không tệ lắm," cô tự nhủ. Rồi dần dần, nhiều người đàn ông trẻ hơn đã nói chuyện với cô.

Lấy chính bản thân mình và những gì mình đã làm được làm một ví dụ, Leng'ete đã thuyết phục những người trẻ tuổi, rằng việc cắt bì là không tốt cho cộng đồng. Và chính những người đàn ông tre tuổi hơn này lại thành những người thuyết phục những người già trong làng. Cuối cùng, sau gần bốn năm đối thoại, những người già trong làng đã thay đổi một tập tục hàng trăm năm tuổi.

Năm sau đó, số cô gái trong làng đến trường tăng vọt. Chiến dịch của Leng'et dần lan rộng đến các làng lân cận và cuối cùng, cô đến cuộc họp với hội đồng tộc trưởng ở dưới chân núi Kilimanjaro - cấp cao nhất của bộ tộc Maasai. Cuộc họp đã đạt được một thành công lịch sử, khi các trưởng lão quyết định rằng, tập cắt bì sẽ bị cấm trong bộ tộc Maasai ở Kenya và Tanzania.

Và những nỗ lực của Leng'et đã đem lại kết qủa. Trong bảy năm, cô đã giúp 15 ngàn cô gái ở Kenya và Tazania tránh khỏi nghi lễ cắt bì. Công việc của Leng'ete nằm trong những nỗ lực ở cấp độ quốc gia và toàn cầu trong việc loại bỏ các hủ tục. Trong 30 năm qua, tỉ lệ cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ trên toàn thế giới đã giảm 14 phần trăm. Còn tại Kenya, tình trạng này đã giảm nhanh hơn hai lần.

Trong những nỗ lực nhằm thay đổi một tập tục đã có hàng trăm năm, điều Leng'et thấy thuyết phục nhất chính là lập luận mạnh mẽ của cô về văn hoá. Rằng việc bãi bỏ tập tục cắt bì chỉ là bỏ đi một hành động sai, khiến những cô gái phải  từ bỏ đi ước mơ của mình. Còn tất cả những nét đẹp khác trong nghi lễ, như ăn vận các trang phục truyền thống, nhảy múa hay cúng tế… tất cả những nét đẹp truyền thống ấy vẫn được lưu giữ.

“Nếu bạn chứng kiến toàn bộ diễn tiến của một buổi lễ trưởng thành dành cho bé gái, bạn sẽ thấy chỉ có một điều sai, đó là việc cắt bì. Còn toàn bộ các nghi thức khác như, bạn biết đấy, nhảy múa này, rồi mọi người vừa hát và nhảy trong những phục truyền thống. Không có gì xấu trong tất cả những việc đó. Và mọi người thích thú tham gia vào sự kiện này như bất cứ một nghi lễ cổ truyền nào khác.

"Cho nên chúng tôi chỉ cố gắng loại bỏ việc cắt bì mà thôi chứ không phải toàn bộ các nghi thức truyền thống của buổi lễ này. Buổi lễ này khi đó, sẽ không còn sự đau đớn hay chảy máu với các bé gái. Họ chỉ tham gia để chứng minh rằng họ đã trưởng thành và chuẩn bị bước tiếp vào tương lai, theo đuổi những giấc mơ của họ, rồi trở thành bác sĩ, nhà giáo, hay nhà báo hay bất cứ những gì mà họ muốn nếu họ thực sự chăm chỉ trong học tập.”

Khi được phóng viên của BBC hỏi rằng: “Bạn là người dầu tiên trong làng từ chối việc cắt bì – một nghi thức được xem như đánh dấu một cô gái trở thành người phụ nữ thực thụ. Vậy bây giờ, bạn có thấy mình là một phụ nữ thực thụ hay không?”

Leng’ete nói: “Vâng tất nhiên rồi. Bây giờ tôi đã lập gia đình. Nhưng quan trọng là nhiều thay đổi khác đã xảy đến. Chẳng như cộng đồng đã chấp nhận tôi như những gì tồi là, họ chấp nhận tôi và còn chúc phúc cho tôi. Mọi người đã không còn nhìn tôi như một tấm gương xấu”.

Nguồn: SBS / Nam Sơn 19/4/2018)

No comments:

Post a Comment