Monday, September 23, 2019

Nghề làm người mẫu khoả thân tại Việt Nam hiện nay - Đoàn Dự


Thưa quý bạn, mấy hôm nọ có một vị độc giả ở Canada gọi điện thoại về nói chuyện chơi, hỏi hồi còn ít tuổi đi học chắc Đoàn Dự lý lắc lắm. Không lý lắc đâu quý bạn ạ. Tính Đoàn Dự hiền lành, chậm rãi, ngốc nga ngốc nghếch như con gà tò, đi học chỉ theo đuôi các bạn chứ không tự mình quyết định một việc gì cả. Ủa, mà quý bạn biết gà tò là con gà gì không? Đây nhé, ngày trước các cụ ta có câu: “Gà Tò, lợn Tó, vó Vân Đồn, “đồ” Cổ Am”. Làng “Tò” và làng “Tó” là tên nôm na của hai làng gì đó ở tỉnh Bắc Ninh. Gà làng Tò to con, thơm thịt, thịt ăn rất ngon, chuyên dùng để tiến vua. Lợn (heo) làng Tó nhỏ con, ít mỡ, thịt thơm và ngọt, cũng dùng để tiến vua. Bến Vân Đồn ở tỉnh Hải Dương có nhiều cá, từ đó sinh ra nghề đan vó rất nổi tiếng. Còn “đồ” của các vị phụ nữ làng Cổ Am tức làng Hành Thiện tỉnh Nam Định thì toàn sinh ra các vị tiến sĩ, tức các ông nghè ngày trước. Người ta nói rằng về tới đầu làng Hành Thiện, ông nghè phải xuống đi bộ, không dám ngồi trên võng vì làng có nhiều vị tiến sĩ “tiền bối” quá; hoặc câu nói “Ở Cổ Am, ông nghè cũng chưa được ăn tiên chỉ” cũng là ý đó.

Vâng, Đoàn Dự tôi ngốc nghếch như con gà tò, bạn bè bảo gì nghe nấy, bạn rủ đi đâu là đi theo, không hề thắc mắc. Thậm chí một buổi tối, đang tự dưng mấy đứa rủ nhau đạp xe từ Sài Gòn xuống chợ Thủ Đức, vét túi cả bọn đủ ăn mỗi đứa một quả nem, bóc ra mỏng dính như cái lưỡi con mèo rồi đạp xe về, mệt xác, chẳng ra sao cả.

Một kỷ niệm “hiền lành” nhất đối với Đoàn Dự là hồi đó, khoảng năm 1957-58, Đoàn Dự mới thi đậu vào lớp Đệ Thất trường Nguyễn Trãi ở số 94 đường Phan Đình Phùng. Hồi mới di cư, Nguyễn Trãi, Trần Lục, Hồ Ngọc Cẩn..vv.. chỉ mới có tới lớp Đệ Tứ (lớp 9 bây giờ). Học hết Đệ Tứ, học sinh sẽ được chuyển sang Chu Văn An học tiếp từ Đệ Tam tới lớp Đệ Nhị, đi thi Tú tài I, hễ đậu thì học tiếp Đệ Nhất, đi thi Tú tài II.

Ở trường Nguyễn Trãi, Đoàn Dự được học các thầy như thầy Chung Quân Nguyễn Đức Tiến (tác giả bản Làng tôi) dạy nhạc, thầy Nguyễn Văn Thịnh-Del dạy vẽ, cụ tú Tô Văn Độ dạy Hán văn..vv..

Sở dĩ thầy Nguyễn Văn Thịnh có chữ “Del” đi kèm ở phía đằng sau bởi vì “Del” là chữ viết tắt của tiếng La-tinh Delphinium, tên một loại cây thường dùng làm vòng nguyệt quế đội trên đầu cho các sinh viên đậu thủ khoa trong các kỳ thi tốt nghiệp. Ngày trước thầy Nguyễn Văn Thịnh đậu thủ khoa về ngành hội hoạ tại La-mã, được đội vòng nguyệt quế nên tên thầy có chữ “Del” phía sau một cách vinh dự. Thật ra, thầy trắng và mập, giọng nói ồ ề chứ không “đen” một tí nào cả. Thầy có đứa con tên Hưng học cùng lớp với chúng tôi. Tôi ngốc nghếch, không biết gì hết nhưng mấy đứa bạn thì rất ranh mãnh, tụi nó bí mật nói nhỏ với nhau rằng nhà thầy ở khu Bàn Cờ, có lớp dạy hội hoạ, ngày nào thầy cũng thuê một phụ nữ đứng trên chiếc bục, khoả thân làm mẫu cho sinh viên vẽ, đến coi “đã” lắm. “Người ta đóng cửa chứ đâu có cho con nít vô mà coi?”. “Không, có cả lớp dành cho cỡ tuổi tụi mình để luyện thi vào trường Mỹ Thuật nữa. Ông ấy dạy sinh viên ở bên trong, không biết gì đâu. Tụi tao tới rồi, cứ làm bộ đến ghi danh xin học là họ cho vô”. “Nhưng lỡ ổng biết mặt tụi mình?”. “Biết thì biết chứ đâu có sao. Có thằng Hưng đấy. Thằng Hưng nó hiền, không nói gì cả. Nếu ông ấy hỏi thì mình nói là bạn cùng lớp với thằng Hưng ở Nguyễn Trãi là ổng tin ngay”. Vậy là chúng tôi đi theo mấy đứa bạn rắn mắt.


Phải nói rằng lúc ấy tôi còn nhỏ tuổi, lần đầu tiên được thấy “đầy đủ” thân hình phụ nữ, tôi bị sốc ghê lắm. Ôi chao, da trắng ngồn ngộn và... và “cái đó” ở phía bên dưới, cứ rậm như rừng ấy thôi. Sau này, khi đã đi dạy học ở tỉnh, ăn cơm tại Câu lạc bộ Sĩ quan & Công chức, trước lễ Noel người ta tổ chức văn nghệ, mời Cẩm Nhung - Thu Thuỷ từ Sài Gòn xuống biểu diễn thoát y vũ; ban nhạc chơi bản Tabou, hai cô ấy cứ uốn éo các vũ điệu mềm dẻo một cách tài tình đồng thời cởi dần những thứ vải vóc mặc trên mình. Đến mảnh cuối cùng, các cô ấy cởi ra, liệng xuống đất, làm động tác quay một vòng rồi chạy thật nhanh vào trong hậu trường. Uổng tiền, chẳng thấy gì cả. Mắt tôi cận thị và tính tôi lại chậm, tôi tưởng một mình tôi không thấy nên lúc về bèn hỏi các bạn không cận thị, họ nói tụi moa cũng chẳng thấy gì cả ngoài hai “khu rừng” U Minh Thượng và U Minh Hạ nhưng được cắt tỉa rất khéo léo. “Ai U Minh Thượng, ai U Minh Hạ?”. “Cô Cẩm Nhung U Minh Thượng, cô Thu Thuỷ U Minh Hạ vì cô ấy trẻ hơn”. Thì ra vậy, người trẻ thì thưa thớt, chả bù cho hồi nhỏ tôi đi “ghi tên học vẽ” ở lớp hội hoạ của thầy Thịnh-Del, tôi thấy cả một khu rừng rậm rạp và tối thui thui giống như rừng già Phi châu, ngó đã đời luôn chứ không thoắt cái chạy biến vô ngay bên trong như hai cô Cẩm Nhung, Thu Thuỷ.

Trở lại câu chuyện về thầy Thịnh-Del. Chỉ ít lâu sau thì các báo đăng tin là xe cảnh sát ập vào studio của thầy, bắt quả tang người mẫu đang khoả thân đứng trên bục, họ lập biên bản, còng tay thầy, còng tay cả cô người mẫu, chỉ choàng cho cô một chiếc chăn mỏng để làm bằng chứng rồi đưa lên xe, đem về bót. Lúc ấy là thời ông Ngô Đình Diệm, báo chí không dám bình luận gì cả mà chỉ nói sơ rằng Giáo sư Nguyễn Văn Thịnh-Del là một hoạ sĩ lớn đã đậu thủ khoa về ngành hội hoạ ở bên La Mã. Tôi nghe đồn rằng ngay buổi tối hôm ấy ông Ngô Đình Nhu biết tin, ông tức giận gọi điện thoại sang Tổng nha Cảnh Sát chửi um lên rằng sao mà ngu thế, người ta là hoạ sĩ, thuê người làm mẫu để vẽ khoả thân là chuyện bình thường chứ có gì mà bắt. Ông ra lệnh phải thả ngay ra và xin lỗi vị hoạ sĩ trên báo chí, hễ vị hoạ sĩ không tha lỗi, than phiền điều gì ông sẽ cách chức hết ráo từ Tổng giám đốc Nha Cảnh Sát trở xuống, không để tiếp tục “ngu” như vậy được.

Tuần sau, có giờ thầy Thịnh-Del, tụi tôi hỏi về chuyện đó, thầy bảo: “Họ bắt rồi họ phải thả chứ giam giữ sao được! Thôi, im lặng, làm việc đi!”.

Thưa quý bạn, tôi kể lể dài dòng như thế để quý bạn thấy rằng Đoàn Dự tôi được diện kiến “rừng già Phi châu” từ rất sớm, lúc mới 11 hay 12 tuổi. Nhưng diện kiến là một việc mà hiểu biết về nghề làm người mẫu khoả thân lại là chuyện khác. Tôi cứ tưởng rằng làm mẫu khoả thân dễ lắm, chẳng cần phải có “tay nghề” gì cả, cứ việc cởi đồ ra, ngồi hay đứng theo ý muốn của hoạ sĩ rồi được trả tiền. Sự thật không phải như vậy, nghề nào cũng có cái khó khăn của nó, nguyên một việc ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ cùng một vị thế đã đủ mệt rồi chứ chưa nói tới các chuyện khác. Và những người mẫu khoả thân, họ là ai, họ có thiếu đứng đắn như người ta thường hiểu lầm hay không và tại sao họ lại đến với cái nghề dễ bị mang tiếng như vậy. Bây giờ xin mời quý bạn xem xét..

Muốn Kiếm Cơm Phải...Trần Như Nhộng


Không chỉ khỏa thân cho các họa sĩ và nhiếp ảnh gia để họ sáng tác các tác phẩm tôn vinh vẻ đẹp của thân hình con người, những người mẫu “nude” còn đóng vai trò quan trọng trong bộ môn hình họa tại các trường mỹõ thuật. Vì phải thường xuyên ngồi hàng giờ trước các nhà nhiếp ảnh, họa sĩ và các sinh viên Mỹõ thuật trong tư thế không một mảnh vải che thân, nên các người mẫu “nude” được xã hội coi là một trong bảy nghề... sexy nhất thế giới, gồm: diễn viên xiếc nhào lộn, diễn viên múa, diễn viên điện ảnh, vận động viên thể hình, nhân viên xoa bóp (massage), người mẫu, và người mẫu “nude”. Trưởng khoa Mỹõ thuật Công nghiệp trường Đại học Tôn Đức Thắng - giảng viên Vũ Hiền - cho biết: Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên của khoa đã được làm quen với tranh vẽ khoả thân và năm thứ hai thì bắt đầu thực hành vẽ khoả thân. Phải qua thực hành vẽ khỏa thân mới có thể vẽ con người và các tác phẩm hội họa khác một cách vững chắc - ông Vũ Hiền xác định như vậy.

Để tay nghề các sinh viên Mỹõ thuật được “cứng” trong môn hình họa, không thể thiếu được những người làm mẫu, đặc biệt là những người mẫu sẵn sàng khỏa thân bất kỳ lúc nào, phục vụ cho việc học tập của sinh viên.

Chuyên sống bằng nghề khỏa thân, cô người mẫu “nude” tên Ngọc Mỹõ đã dí dỏm nói đùa về nghề nghiệp hơi lạ của mình và các đồng nghiệp: “Đến nơi, chỉ việc cởi đồ ra, ngồi rồi chờ lấy tiền. Ngồi càng lâu càng được nhiều tiền. Tùy yêu cầu mà mình hoặc hở ngực, hở mông hoặc hở... tất tần tật!”.

Bữa nay, Ngọc Mỹõ có sô “cởi đồ” tại Đại học Mỹõ thuật Sài Gòn (gần Lăng Ông, Bà Chiểu). Đúng giờ hẹn, trong căn phòng rộng khoảng 50 m2, Ngọc Mỹ không một mảnh vải che thân, ngồi bó gối bất động trên bục. Hàng chục cặp mắt của các cô cậu sinh viên Mỹõ thuật (phần lớn là các cậu) dán chặt vào thân hình cô. Năm phút, mười phút rồi một giờ, hai giờ đồng hồ trôi qua, Ngọc Mỹ vẫn không thay đổi tư thế. Cùng thời gian đó, Nga, đồng nghiệp của Mỹ, mới 23 tuổi, cũng đang khoả thân trong xưởng vẽ của một họa sĩ nổi tiếng tại Sài Gòn để hoạ sĩ này thử tay nghề của các nhân viên tương lai. Theo yêu cầu của vị hoạ sĩ, Nga phải ngồi vắt chéo chân, hai tay chống ra sau, mặt ngửa lên và ưỡn đôi gò bồng đảo đầy sức sống về phía trước. Ở tư thế khó chịu và rất mỏi như vậy nhưng Nga phải bất động hàng giờ. Ánh đèn chiếu thẳng vào da thịt làm tăng thêm sự nổi bật về vóc dáng và nét xuân thì.

Được hỏi cơ duyên nào dẫn cô đến với nghề, Nga thành thật cho biết: “Em quê ở Cà Mau, học đến lớp 10 thì vì sinh kế, theo mấy chị trong xóm lên Sài Gòn làm hầu bàn, bưng thức uống cho khách tại mấy quán cà phê bình dân. Sau, lương ít quá không đủ sống, em kiếm được chỗ làm tiếp viên cho một quán đèn mờ. Cách đây hơn hai năm, có ông họa sĩ thường hay đến quán uống bia, ổng khuyên em: “Em đẹp như thế này, làm người mẫu khỏa thân tốt hơn. Coi vậy chứ làm nghề đó rất lương thiện, không bị một tay đàn ông nào dụ dỗ”. Em nghe ổng nói thấy hay hay lại chẳng phải học nghề gì cả, vậy là bèn nhờ ổng cho em thử việc. Lúc đầu em chưa có mối, chỉ làm mẫu cho một mình ổng nên tiền cũng ít. Dần dần, ổng giới thiệu thêm cho bạn bè đồng nghiệp của ổng và các trường lớp có liên quan tới hội hoạ, cũng đỡ. Riết rồi em gắn bó với nghề làm mẫu khoả thân lúc nào không hay. Đối với em, nghề này rất tốt và rất đứng đắn, em rất hãnh diện chớ không có gì mắc cỡ như lúc ban đầu”.

Trò chuyện thân mật với những người mẫu “nude”, họ thường nói vui: “Nghề này nếu không cởi đồ, không trần trụi thì không có cơm ăn”. Chị Hà Nhung, một người có thâm niên tay nghề hàng chục năm nay, nói một cách cứng rắn: “Không phải bất cứ ai trả tiền là mình đều cởi đồ ra cho họ xem đâu. Chúng tôi chỉ làm mẫu cho những người làm nghệ thuật, vì chỉ những người này mới tôn trọng người mẫu. Lạ lắm, không phải họ vô cảm - hoạ sĩ mà vô cảm sao được - họ thấy những nét đẹp trong từng dáng đứng hay ngồi của mình nhưng họ nhìn mình như nhìn một bức tranh”.

Ai Bảo... Cởi Đồ Là Dễ?


Cũng theo chị Hà Nhung, phần lớn những người làm nghề người mẫu khoả thân như chị đều không trải qua trường lớp nào cả mà chỉ là nghề dạy nghề. Tuy nhiên, một yêu cầu bắt buộc đối với chị em là phải có sức khỏe và có ít nhiều có nhan sắc. “Nhan sắc” đó có thể là một gương mặt khả ái, đôi trái đào tiên xinh xinh hoặc những đường cong quyến rũ. Nga bộc bạch: “Nhiều người không hiểu cứ cho rằng nghề làm mẫu khỏa thân là nghề dễ nhất, vì chỉ việc cởi đồ, ngồi yên một vài tiếng đồng hồ, xong việc rồi mặc đồ lại là có tiền. Sự thật không phải như thế, đã có nhiều người đến với nghề nhưng mới ngày đầu là đã chán, bèn bỏ vì không chịu nổi sự ê ẩm cả tiếng đồng hồ ngồi bất động, rã rời gân cốt, chỉ muốn nhúc nhích chứ không ngon lành gì đâu”.

Thời gian đầu mới vào nghề, những “khỏa thân viên” tương lai sẽ được các đàn chị đi trước dìu dắt bằng việc bố trí các kiểu ngồi đơn giản, làm mẫu trong những khoảng thời gian ngắn, mặc quần áo bình thường. Khi quen việc rồi sẽ tăng dần mức độ theo kiểu ngồi, nằm hoặc đứng, bán khoả thân, sau đó là nude hoàn toàn. Chị Nhung kể lại những ngày đầu vào nghề: “Hôm đó, dù được chị tổ trưởng “lên dây cót” tinh thần nhưng khi ngồi trước đám đông sinh viên trong cảnh không một mảnh vải che thân tôi cũng bị sốc thật sự. Hàng chục cặp mắt nhìn chằm chằm vào da thịt khiến mình có cảm giác rờn rợn như kiến bò, ong đốt, kim châm... Vì ngồi chưa quen, mình cử động liên tục nên các sinh viên chẳng vẽ gì được. Không thể quên được cái cảm giác vai và tay mình như bị sợi dây cột vào một tảng đá lớn, kéo ghì mình xuống, mông thì tê rần, tối về toàn thân rã rời. Những ngày sau đó mình mẩy ê ẩm, lúc nào cũng có cảm giác như bị người khác đang săm soi mình...”. Theo nhiều “khỏa thân viên”, bước đầu dấn thân vào nghề làm mẫu ai cũng phải qua những cảm giác nhức nhối nói trên. Chị Nhung tiếp tục câu chuyện: “Làm mẫu được khoảng mươi ngày, mình được một họa sĩ thuê đứng làm mẫu mặc áo cưới, hai tay vươn lên trời cao như đón lấy bình minh và hạnh phúc. Hôm đó, do cảm hứng nên họa sĩ cứ vẽ mãi. Gần 6 tiếng đồng hồ đứng làm mẫu, về đến nhà hai chân và cánh tay mình như rã hẳn ra, chẳng còn cảm giác gì nữa”.

Không chỉ rã rời, nhức nhối, nhập môn nghề mẫu nude, các “khỏa thân viên” còn chịu nhiều áp lực khác. Tại các trường mỹõ thuật, trước khi tiếp xúc với người mẫu, mặc dầu sinh viên đã được cảnh báo nếu có bất kỳ thái độ vô lễ nào đối với người mẫu sẽ bị kỷ luật, lỗi nặng sẽ bị đuổi học nhưng theo lời tâm sự của Nga, cô cho biết: “Các anh chàng “ét-vê” (SV: sinh viên) tinh vi lắm, họ không bỡn cợt, không chọc ghẹo nhưng cứ nhìn mình với ánh mắt sắc lẻm cũng khiến mình nếu mới vào nghề bị nổi da gà”.

Theo chân các “khoả thân viên” người ta mới biết tại sao khi có người mẫu “nude” đứng cho các sinh viên vẽ, dù trời nóng hay lạnh các cánh cửa của phòng thực tập đều được đóng kín. Tuy vậy, nhiều người làm mẫu vẫn lo âu, sợ “người khác có thể nhìn thấy mình qua những lỗ mọt hay từ trên ban công của các tòa nhà cao tầng…”. “Họ “rửa mắt” đã đành, sợ nhất là họ lén chụp hình rồi đem khoe với nhau hoặc tung lên mạng là nguy hiểm lắm”. Phụ hoạ với lời thố lộ của Nga, Ngọc Mỹõ trần tình: “Những hôm nắng nóng, trong phòng hầm hập vì quạt máy chạy không đủ mát còn có thể chịu được chứ những khi trời lạnh, ngán quá chừng. Em có nhỏ bạn cũng làm mẫu “nude” ở Hà Nội, nó rất sợ khỏa thân vào mùa đông, bởi vì cái lò sưởi đặt gần chỗ ngồi cũng không thể nào át nổi cái lạnh cắt da cắt thịt của tiết trời chỉ có 10 độ...”. Đó, “ai bảo theo “nuy” là dễ, theo “nuy” khó lắm chứ!”.

Chịu Nhiều Xùc Cảm

Thu nhập bình quân của một người làm mẫu nude vào khoảng từ 20,000 tới 30.000 đồng cho một tiết học (tiết: 45 phút). Mỗi sô ngồi mẫu kéo dài từ 3 tới 5 tiết người mẫu được nhận thù lao từ 70,000 tới 120,000 đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có cơ hội được khỏa thân nên các người mẫu buộc phải chạy lòng vòng khắp các trường đại học: Kiến Trúc, Mỹõ Thuật, Hồng Bàng, đại học Mở, đại học Tôn Đức Thắng..vv.., nhận “sô” để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống ở Sài Gòn. Những người mẫu trẻ, đẹp, có sức khoẻ sẽ nhận được nhiều lời mời “cởi đồ”. Ngược lại, khi tuổi đến “ngưỡng” tức khoảng 30 trở lên, những lời mời sẽ ít dần và sau đó vài năm, chẳng ai còn mời nữa. Vẻ đẹp và sức sống căng tràn của các cô gái trẻ khiến những người lớn tuổi bị đẩy dần vào quên lãng. Muốn sống được, họ phải chuyển sang nghề khác. Nhưng biết làm gì? Nghề này đâu phải một nghề khó khăn ngoài việc làm theo sự chỉ dẫn của hoạ sĩ? Đành phải buôn thúng bán bưng hoặc làm những việc vặt vãnh không đủ sống, bởi vậy người ta nói nghề này bạc bẽo là như thế.

Chịu đựng sự mệt mỏi trong những giờ làm mẫu một cách kiên nhẫn với thu nhập ít ỏi nhưng người mẫu nude không sợ bằng sợ cái nhìn khinh rẻ của xã hội. Đối với người bình thường, nghề nghiệp “khỏa thân” thường gợi lên những ý tưởng không trong sáng.

“Nhiều người có cái nhìn khắt khe khi đánh đồng giữa nhân cách với công việc” - một “cựu khỏa thân viên” tên Lê tâm sự - “Trước cái nhìn khinh rẻ của mọi người, muốn yên thân chúng tôi thường chọn giải pháp hết sức giữ bí mật nghề nghiệp, tìm đủ mọi cách giấu nhẹm cách kiếm cơm của mình, không bao giờ để người khác biết”. “Không phải tụi em mắc cỡ mà vì sợ khi biết, bố mẹ, chồng con, anh chị em sẽ ngăn cấm”. Trường hợp của người mẫu “nude” tên Duyên buộc phải bỏ nghề để giữ gìn hạnh phúc gia đình là một ví dụ. Trước khi lấy chồng, Duyên kiếm sống bằng nghề khỏa thân. Từ khi quen và yêu Hải, sợ người yêu biết nghề tế nhị của mình, Duyên nói dối là cô làm nghề thợ may. Sau đám cưới, trước khi tới các trường ngồi mẫu, Duyên luôn đánh lạc hướng “tướng công” bằng cách đạp xe lòng vòng. Nhưng rồi tin Duyên “lột đồ cho thiên hạ coi” cũng đến tai Hải. Nghĩ đến cảnh vợ mình lõa lồ trước thiên hạ, máu ghen nổi lên, ngay lập tức Hâi ra tối hậu thư: “Hoặc ly dị để rảnh rang đi mua vui cho chúng nó, hoặc bỏ việc về làm chức năng một người vợ”. Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, Duyên đành đánh đổi công việc mà cô đã gắn bó suốt 4 năm qua và nó đã giúp cô vượt qua những khó khăn nơi phồn hoa đô hội khi từ vùng cát trắng Quảng Trị đặt chân tới Sài Gòn trong túi chỉ còn vỏn vẹn vài chục ngàn đồng.

Sinh trưởng tại xứ “gạo trắng nước trong” (Cần Thơ), việc kết thúc đoạn đường “cởi đồ” của chị Mỹõ Linh, cư ngụ tại quận Tân Bình bi đát hơn nhiều. Không được may mắn như Duyên có người chồng rộng lượng, chị Linh đã vài lần dở dang chuyện tình duyên khi bị người yêu và chồng dứt tình khi rõ chuyện: “Con Duyên nó thích lột đồ cho người ta ngắm”. Cựu người mẫu đã có thâm niên “nude” hơn 15 năm cho biết: Khi chị ở tuổi tuổi hai mươi, thấy chị có chút nhan sắc và mê thơ văn, nói chung là có tâm hồn “văn nghệ”, một người quen đã giới thiệu chị làm mẫu cho các họa sĩ vẽ tranh. Lúc đầu ngồi có mặc quần áo, sau đó là quần áo hở hang và sau một hai lần hy sinh “khỏa thân vì nghệ thuật”, chị gắn bó với nghề lúc nào không hay... Hơn 15 năm ở trần cho người ta vẽ, để tránh áp lực của gia đình và xã hội, chị giấu nhẹm cái nghề mà thiên hạ luôn chê bai này. Ba lần yêu đương, cả ba lần đều tan vỡ vì khi biết nghề của chị, tất cả những người đàn ông chị quen đều cao chạy xa bay. Ai chấp nhận được việc chung sống với người vợ làm nghề lột trần cho thiên hạ... ngắm? Định kiến của xã hội đối với những người làm nghề mẫu “nude” vô cùng khắc nghiệt, họ hiểu lầm rằng đã dám trần truồng trước mặt đàn ông thì chuyện tiến thêm bước nữa là việc đương nhiên, không có gì ngăn trở. Lạ lùng là cũng có một vài người chồng thông cảm, chấp nhận cho vợ làm nghề người mẫu khoả thân nhưng chính anh ta lại bị mọi người khinh bỉ, coi như thứ... ma cô đồng loã với vợ!

Nói chung, mỗi “khỏa thân viên” có một cuộc sống riêng tư thường không lấy gì làm hạnh phúc. Lỡ dính vào nghề “nude”, nhiều chị em phải chạy vạy từng miếng cơm, manh áo. Khi có tác phẩm đoạt giải cao trong cuộc triển lãm hoặc các cuộc thi nghệ thuật, người ta nói đến tác giã chứ không nói đến người làm mẫu. Sự thực, không ai biết rằng phía sau tác phẩm nghệ thuật ấy là thân phận của một con người với nhiều hẩm hiu, buồn tẻ.

Qui luật đào thải mang tính nghệ thuật của nghề khiến những người mẫu “nude” khi đã lớn tuổi phải sống phần còn lại của đời mình với những nhọc nhằn chứ ít có ai khá được.

Đoàn Dự

No comments:

Post a Comment