Nắng thu trong veo trải nhẹ khắp nơi. Từ phương xa, những cánh cò trắng chấp chới chao liệng trên những cánh đồng. Từ trên cao, chúng nhìn thấy những đàn "bạn cò” của mình đang bình yên dò tôm, bắt tép trên đồng liền sà xuống nhập đàn. Nhưng...
Đó chỉ là những con cò giả, gọi là cò tạc, được làm bằng mút xốp. Những cò giả này trên cánh đồng là cả một trận địa giăng mắc sẵn của dân đánh bẫy bắt sống cò. Quanh các cò tạc, người ta cắm chi chít những que nhựa quết một loại chất dính, hễ động vào là dính bết. Những con cò vừa sà cánh xuống kết bạn bị các que nhựa bết đầy cổ, cánh. Chúng ra sức giãy giụa, nhưng càng giãy càng dính…
Đất lành chim… chết(!)
Một buổi ngồi trong "rủ cò” của cha con ông Báo ở xóm Trung Tân, tôi được tận mắt xem cảnh "đất lành chim đậu"(!) diễn ra hàng chục lần. Cứ một "trận đánh" kết thúc, ít nhất cũng có 20-30 chú cò bị dính nhựa. Các thợ nhanh chóng khâu mắt chúng rồi nhốt vào lồng để chờ nhập cho đội quân thu gom.
Ở xã Diễn Trung, nghề đánh bắt cò, vạc được xem như một nghề cha truyền con nối. Nhà ông Báo có bốn cha con, ông cháu làm nghề bẫy cò. "Nhưng người làm nghề lâu năm nhất là cố Thực" - ông Báo cho biết. Nhà ông Thực có tới tám thợ bắt cò.
Vòng quanh các xã Diễn Thịnh, Diễn Trung, Diễn Phú, Diễn An, Diễn Lộc, Diễn Thọ... gần cả nửa huyện phía nam Diễn Châu (Nghệ An), ở đâu cũng gặp nhan nhản những trận địa bẫy cò, bẫy vạc. Người dân địa phương gọi đây là những "rủ cò”. Cả vùng ước chừng 30-40 rủ. Rủ cò thường được bố trí quanh những ao đầm, dọc kênh rạch, ven ruộng nước, bìa rừng. Mỗi "rủ” được "biên chế" một đàn cò tạc và một đội quân cò mồi để dụ cò trời. Mỗi ngày mùa này bình quân mỗi rủ cò bắt được 200-300 con cò, con vạc tội nghiệp.
Anh Nguyễn Hoằng, một thợ bẫy cò, vạc lâu năm ở làng Cửa Hiền, xã Diễn Trung, kể: "Mùa này cò, vạc bay về đặc trời. Từ 3g sáng cha con tui đã dậy đi cắm nhựa. Tầm 5g đến chính trưa thì ai nấy đều mệt lử vì phải liên tục tác chiến!". Tại đây, cứ mỗi bận phát hiện cò, vạc trên trời là khắp cả vùng Cửa Hiền vang lên tiếng oác oác loạn xị của vạc mồi, vạc trời và "vạc mồm". Cứ một mẻ bẫy lại có hàng chục chú vạc bị bắt làm "tù binh"!
Cò đủ món!
Mùa này về các xã Diễn Lộc, Diễn Phú, Diễn Trung, Diễn Thịnh, đâu đâu cũng thấy lông cò, lông vạc trắng xóa từng bãi, vật vờ bay khắp chợ cùng quê... Ngày xưa những nhà nghèo mới bắt cò về làm món bởi thịt cò không ngon và hầu như chỉ món duy nhất là xáo măng. Nhưng bây giờ thịt cò lại là món khoái khẩu của dân nhậu với đủ các món: chả cò, cò nướng, cò quay, cò giả cầy, cò xào sả ớt...
Cò bị bắn chết được họ vặt lông thui vàng bán mỗi con 4.000-5.000 đồng. Các chợ từ Diễn Thịnh, Diễn Trung, Diễn An, Diễn Thọ đến chợ Phủ Diễn, thậm chí ngay cả những chợ lẻ ở quanh thành phố Vinh đầy rẫy từng thúng cò thui bày bán cả dãy. Riêng cò, vạc còn sống được nhập cho các đầu nậu mang đi thành phố bán cho các nhà hàng đặc sản. Mỗi con cò sống giá 6.000 đồng; riêng vạc sống giá 17.000-20.000 đồng/con. Anh Cao Thắng, một đầu nậu cò từ huyện Yên Thành, cho biết: "Bọn tui mua sỉ cò từ Diễn Châu giá 5.000-5.500 đồng/con, về bán lại cho nhà hàng hoặc bán lẻ kiếm lãi mỗi con 1.000 đồng".
Với công nghệ tận diệt này, nhiều cánh đồng ở Nghệ An là tử địa của lũ chim trời tội nghiệp.
(sưu tầm)
No comments:
Post a Comment