Wednesday, February 24, 2016

Tiểu sử của củ khoai tây


Không ai có thể ngờ một loại củ, nhăn nhúm, bám đầy đất mà các thủy thủ Tây Ban Nha mang về nước khoảng năm 1560 từ bờ biển phía Tây Thái Bình Dương ở Nam Mỹ lại có vai trò quan trọng đối với lịch sử châu Âu và thế giới như vậy. Các thủy thủ, các thuyền trưởng và cả các bậc vua chúa đều không lường được về vai trò của cây khoai tây.

Khoai tây đã làm bùng nổ dân số châu Âu, cung cấp nhiên liệu cho cuộc cách mạng công nghiệp, quyết định tới số phận của hai dân tộc vốn kình địch chống đối nhau và tạo dựng tương lai cho quốc gia mạnh nhất thế giới ngày nay

Có những dấu hiệu cho thấy ngay tại nơi xuất xứ của mình khoai tây đã tạo dựng một nền văn minh, làm cho vương quốc sở tại hùng mạnh hơn hẳn các quốc gia láng giềng, đó chính là vương quốc của người Inka. Ở vùng Anden các loại ngũ cốc phát triển không tốt nhưng ở đây tuy nhiệt độ thấp song cây khoai tây vẫn phát triển rất thuận lợi. Nhiệt độ lạnh vào ban đêm và cao vào ban ngày thực sự thuận lợi cho việc bảo quản củ khoai tây, và điều này tạo điều kiện cho sự đi lên của người Inka.

Khoai tây không chỉ là lương thực đối với người nông dân. Do củ khoai tây dễ bảo quản nên nhà cầm quyền có thể thu thuế bằng khoai tây, khoai được bảo quản trong hầm nhà, có nhiệt độ thấp, và được sử dụng để trả công cho phu làm đường giao thông, xây dựng các tượng đài, thành quách và nhà cửa. Hơn nữa người ta còn dùng khoai tây để nuôi quân lính trên chiến trường . Thực dân Tây Ban Nha xâm lược đế chế Inka vào khoảng năm 1535 và đã phát hiện khoai tây. Thực chất trước đó hàng trăm năm, khoai tây đã góp phần xây dựng đế chế có nền văn minh phát triển vô cùng rực rỡ này.

Khoai tây đã từng là lương thực nuôi hàng nghìn lao động khổ sai làm việc trong các mỏ bạc do người Tây Ban Nha chiếm lĩnh ở Tây bán cầu. Nhà vua Tây Ban Nha dùng bạc để mua sắm vũ khí, đóng tàu, tổ chức các hạm đội và chiếm vị trí thống soái ở châu Âu. Nhờ có khoai tây người thợ mỏ mới có thể khai thác bạc, một loại kim loại quý hiếm làm cho nền kinh tế thế giới bị chao đảo, có thể nói cây khoai tây đã gián tiếp gây nên nạn lạm phát toàn cầu lần thứ nhất.

Nhưng đó mới chỉ là màn dạo đầu; sức mạnh thực sự của khoai tây chỉ được phát huy tối đa khi nó xuất hiện ở châu Âu lục địa. Từ vùng quần đảo Kanarie khoai tây được đưa tới Tây Ban Nha, từ đây lan sang Italia và sau đó lên miền Bắc châu Âu. Người ta không biết chính xác khoai tây đã đi bằng con đường nào đến Anh Quốc và Ireland. Chỉ biết rằng vào khoảng năm 1600 khoai tây đã xuất hiện trên hòn đảo nước Anh và nửa thế kỷ sau đã châm thêm ngọn lửa vào mối hận thù giữa người Anh và người Ireland.

Những nơi khoai tây bắt đầu xuất hiện hầu như luôn gây nên sự hoài nghi, đố kỵ đối với người dân sở tại. Phải mất gần 200 năm khoai tây mới chính thức trở thành cây lương thực đối với nhiều quốc gia châu Âu. Một thời gian dài khoai tây chỉ mới có mặt trong các vườn thực vật, củ khoai tây quá lắm chỉ được sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Do kinh thánh không nói gì đến cây khoai tây nên các vị chức sắc đạo Thiên chúa cho rằng Chúa không muốn con người sử dụng khoai tây làm thức ăn. Hơn nữa cuộc ăn thử đầu tiên đã đem lại kết quả bất hạnh.

Người ta đã ăn những củ khoai tây ngoi lên trên mặt đất chứ không ăn củ ở dưới đất vì thế bị ngộ độc. Một số nhà thực vật học thời đó còn cho rằng ăn khoai tây sẽ bị bệnh phong (do một số củ khoai tây cũng bị méo mó, biến dạng như người bị bệnh phong!) Ngay cả những nhà thực vật học thực thụ cũng không làm cho hình ảnh cây khoai tây khả dĩ hơn vì theo họ khoai tây thuộc họ cà (solanacea) chứa nhiều độc tố nguy hại và con người cần tránh xa loại cây này.

Mãi đến năm 1660 ngay sau khi ra đời, Hội Khoa học Hoàng gia Anh Quốc là cơ quan nghiên cứu khoa học đầu tiên trên thế giới đánh giá khoai tây có vai trò quan trọng trong việc giải quyết nạn đói cho con người. Nhà dược học người Pháp Antoine Augustin Parmentier bên cạnh việc nghiên cứu kỹ lưỡng về cây khoai tây còn phát động một chiến dịch “phục hồi danh dự” cho loại cây này.

Nhưng không phải các nhà khoa học hoặc các chuyên gia Marketing tạo được sự đột phá đối với cây khoai tây mà chính là chiến tranh và nạn đói. Khi không còn gì để ăn thì người ta cũng xóa sạch mọi định kiến và ăn ngấu nghiến những gì mà con người tìm được và có thể ăn được, khoai tây đã trở thành lương thực của những người nghèo đói.

Thực tế cho thấy so với các loại ngũ cốc cây khoai tây thuộc diện dễ trồng, nó có thể phát triển cả trên những diện tích không mấy màu mỡ. Khoai tây dễ trồng, không đòi hỏi phải có dụng cụ chuyên dụng, không cần gặt hái, phơi khô, quạt sạch, xay sát, nghiền thành bột để làm bánh, khoai tây chỉ cần đào bới, thu nhặt, rửa sạch và cho vào nồi luộc chín là đã thành thức ăn cho con người.

Đầu thế kỷ 18 cây khoai tây chính thức lên ngôi ở châu Âu khi trồng lúa mỳ liên tục bị thất bát. Vua Phổ Friedrich Đại đế cho in một tài liệu hướng dẫn trồng khoai tây và cung cấp khoai giống miễn phí cho nhà nông. Thậm chí ở Áo có quy định gia đình nông dân nào cự tuyệt trồng khoai tây bị đánh 40 roi. Chiến tranh góp phần quảng bá cho khoai tây. Nhiều binh sỹ biết đến khoai tây khi ở mặt trận và khi về quê nhà đã vận động mọi người trồng khoai tây.

Khoai tây tạo điều kiện cho sự hình thành các thành phố lớn, giúp vào việc cung cấp lương thực cho đại bộ phận dân chúng cho nên khoai tây được coi là nguồn năng lượng không kém gì than đá trong quá trình công nghiệp hóa.

Từ năm 1750 khoai tây đã được trồng phổ biến ở châu Âu và góp phần làm cho sự phát triển của châu lục này nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Trên cùng một diện tích lượng calo mà khoai tây sản sinh so với ngũ cốc cao hơn từ hai đến bốn lần. Nguồn lương thực tăng nhanh góp phần đẩy mạnh tăng trưởng dân số. Điều này đã được nhà kinh tế học Adam Smith thể hiện trong một công trình nghiên cứu đồ sộ của mình mang tên “Sự thịnh vượng của các quốc gia” (Der Wohlstand der Nationen) .

Hai nhà kinh tế học Nancy Qian và Nathan Nunn thuộc Đại học Yale và Harvard đã tính toán khá kỹ về ảnh hưởng của khoai tây đến việc bùng nổ dân số châu Âu. Họ so sánh mức tăng trưởng dân số ở 132 nước vào thời điểm trước và sau năm 1700. Kết quả phân tích thống kê cho thấy nơi mà cây khoai tây phát triển đặc biệt tốt cũng là nơi tăng trưởng dân số đạt mức cao nhất. Theo nhà khoa học Qian thì khoai tây góp phần tới 22% vào việc tăng trưởng dân số. Khoai tây đóng góp thậm chí khoảng 50% vào công cuộc đô thị hóa trong thời kỳ từ 1700 đến 1900.

Khoai tây tạo điều kiện cho sự hình thành các thành phố lớn, giúp vào việc cung cấp lương thực cho đại bộ phận dân chúng cho nên khoai tây được coi là nguồn năng lượng không kém gì than đá trong quá trình công nghiệp hóa. Nhà nghiên cứu lịch sử McNeill cho rằng “không có khoai tây thì nước Đức sau năm 1848 chắc chắn không thể trở thành quốc gia công nghiệp và là thế lực quân sự hàng đầu ở châu Âu”.

Tăng trưởng dân số cũng có nghĩa là tạo nguồn bổ sung cho quân đội ở châu Âu và cho lực lượng đồn trú ở thuộc địa. Việc xâm chiếm thuộc địa ở hải ngoại lôi cuốn hàng triệu người di dời khỏi châu Âu chật chội, đông đúc. “Nói một cách ngắn gọn: cuộc vật lộn ở châu Âu nhằm tranh giành thuộc địa (...) về cơ bản thể hiện sự dư thừa cung về thức ăn nhờ có khoai tây.”

Nhưng củ khoai tây cũng mang lại không ít hiểm họa. Ngay từ đầu thế kỷ 19 nhà kinh tế học Thomas Robert Malthus đã nêu ý kiến phản bác khi có đề nghị nước Anh cũng cần phát triển trồng khoai tây: “Cũng có thể xảy ra khả năng một ngày nào đó việc trồng khoai tây bị thất bát và không cho thu hoạch?” Vì thế người Anh tiếp tục ăn bánh mì trong khi dân Ireland chủ yếu ăn khoai tây. Nước Anh nhập khẩu ngũ cốc của Ireland.

Ngay từ những năm 1625 ở Ireland khoai tây đã được coi là nguồn lương thực chủ yếu. Khi người Anh xâm chiếm vùng đất này và đuổi dân Ireland tới những vùng đất xấu nhất nhưng do cây khoai tây rất dễ trồng, có sức chống chịu với ngoại cảnh cao so với các loại ngũ cốc nên người dân Ireland không những có thể tồn tại mà còn tiếp tục phát triển. Năm 1660 Ireland có 500.000 dân thì đến năm 1840 tăng lên 9 triệu dân. Một nửa dân số Ireland sống hoàn toàn dựa vào khoai tây.

Nhưng sau đó đã xảy ra điều mà Malthus trước đó đã cảnh báo: năm 1845 khoai tây bị mất mùa trầm trọng vì một loại bệnh hại. Cây ủ rũ, lá héo rồi chết, củ bị thối. Bệnh xuất hiện đầu tiên ở Ireland sau đó lan rộng sang tất cả các nước ở châu Âu khác.

Nguyên nhân gây bệnh là một loại nấm, tên khoa học là Phytophthora infestans. Nguồn bệnh xuất phát từ Hoa Kỳ, vượt qua Đại Tây Dương sang châu Âu. Trên một triệu người Ireland bị chết đói hoặc chết vì các bệnh dịch tả và thương hàn. Hơn một triệu người phải khăn gói ra đi, phần lớn di cư sang Hoa Kỳ. Từ đó cho đến trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã có thêm 4 triệu người di tản. Trong số những người di tản đầu tiên này có những người thuộc dòng họ Fitzgerald ở Kerry và dòng họ Kennedy ở Wexford. Và 120 năm sau cháu chắt của họ đã làm nên lịch sử ở vùng đất mới với những tên tuổi danh tiếng như John Fitzgerald Kennedy.

Dù sao thì thảm họa khoai tây ở Ireland đã ít nhiều góp phần buộc nước Anh phải thay đổi chính sách kinh tế. Hàng trăm năm liền người Anh luôn đánh thuế cao đối với ngũ cốc nhập khẩu. Chủ trương hạn chế thương mại này nhằm bảo vệ quyền lợi của giới địa chủ Anh Quốc. Tuy nhiên trong bối cảnh công nghiệp hóa các nhà doanh nghiệp Anh đã liên minh với nhau phản đối chính sách thuế nhập khẩu ngũ cốc đang hiện hành. Theo tính toán của họ thì nếu được tự do trao đổi thương mại thì giá lương thực, thực phẩm sẽ giảm và sẽ làm dịu cuộc đấu tranh đòi tăng lương của giới lao động Anh Quốc. Đây thực sự là một cuộc tranh chấp giữa một bên là những người đại diện cho Nhà nước nông nghiệp cổ hủ và một bên là một quốc gia công nghiệp còn non trẻ. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì nạn đói năm 1845 ở Ireland đã tác động mạnh mẽ và có tính quyết định đến việc xóa bỏ chính sách thuế nhập khẩu lương thực ở Anh.

Vì trong khi ở Ireland có đến hàng triệu người dân bị đói thì việc tiếp tục duy trì thuế nhập khẩu lương thực của nước Anh sẽ bị tai tiếng là vô nhân đạo. Vì vậy năm 1846 Thủ tướng Anh đã ra lệnh giảm thuế và ba năm sau thì hủy bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu. Công tước xứ Wellington, Chủ tịch Thượng viện đã cắn răng ủng hộ quyết định của Thủ tướng, mặc dù bản thân ông là người hoan nghênh thuế nhập khẩu lương thực. Sau khi ban hành chính sách thuế mới Bá tước Wellington đã gầm lên: “Tất cả chỉ vì mấy củ khoai tây chết tiệt”...

Như vậy là hoàn toàn tình cờ khoai tây đã được du nhập vào châu Âu và đã trở thành nguồn lương thực chủ yếu đối với phần lớn dân chúng nhiều nước châu Âu, khoai tây còn trở thành nhiên liệu của chủ nghĩa thực dân và là nguồn năng lượng của quá trình công nghiệp hóa, là thức ăn thúc đẩy sự tăng trưởng và mầm mống của quá trình di dân. Tất nhiên không phải chỉ một mình khoai tây mà có thể gây nên những tình hình này, nhưng dù sao thì khoai tây cũng có một vai trò nhất định để làm nên các sự kiện đó, dù là vai chính hay vai phụ.

Gần đây khoai tây lại thủ một vai mới và liên quan đến một vấn đề hết sức to lớn và cực kỳ quan trọng. Đó là người ta đã sử dụng nông sản, trong đó có khoai tây, để tạo ra nhiên liệu sinh học thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Và một cuộc tranh giành đất canh tác giữa những con người bị thiếu đói và máy móc đói nhiên liệu đang bùng phát, trong đó cây khoai tây đóng vai trò nổi cộm trong cuộc giành giật này

(sưu tầm)


No comments:

Post a Comment