Monday, February 29, 2016

Cánh đồng Chum ở Lào




Cánh đồng Chum là tên dịch từ tiếng Lào Thồng Háy Hín. Điều lạ lùng là chum đá này chỉ có ở địa phận Xiêng Khoảng mà không xuất hiện ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Truyền thuyết và khảo cổ

Các huyền thoại của Lào cho rằng, có những người khổng lồ từng định cư ở khu vực này. Theo một truyền thuyết khác, vị vua tên Khun Cheung - đã tiến hành cuộc chiến chống lại kẻ thù thành công. Ông cho tạo lập cánh đồng chum để ủ lên men và chứa số lượng lớn rượu gạo lao lao để ăn mừng chiến thắng.

Người phương tây đầu tiên tiến hành khảo sát, nghiên cứu và ghi chép liệt kê một cách toàn diện nhất các hiện vật của Cánh đồng Chum là nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani thuộc Viện Viễn đông Bác cổ (École Française d’Extrême Orient).

Năm 1930, bà cùng nhóm nghiên cứu khai quật khu vực Cánh đồng Chum và phát hiện một hang động với các di tích bao gồm cả xương và tro bị đốt, đồ trang sức... của người cách đấy khoảng 400-600 năm nằm gần những chiếc chum.

Trong cuốn Mégalithes du Haut-Laos (Cự Thạch Cổ của Bắc Lào, năm 1935), bà Madeleine Colani khẳng định những chiếc chum khổng lồ này không phải dùng để ủ rượu vì chẳng có dấu vết nào chứng minh điều đó.

Bà đưa ra giả thuyết, mỗi cái chum là một cái quách chôn người chết. Giả thuyết của bà càng được củng cố khi bà phát hiện ra những dấu vết xương, răng người, những vòng tay bằng đồng thau, những chuỗi hạt bằng thủy tinh và đá carnelian... trong những chiếc chum khổng lồ, những nồi đất đựng xương người chôn xung quanh chum, cộng thêm một cái động trong đồi đá vôi gần Bản Ang, lòng động xuyên thẳng lên đỉnh đồi như hai ống khói tự nhiên, vết nám đen trên vách... Colani cho đó là một cái lò hỏa thiêu người chết.

Sau đó Colani còn nghiên cứu về bộ tộc Phuôn, cư dân của vùng đất này và phát hiện thêm phong tục chôn người chết trong chum (mộ chum) theo truyền thống của người Phuôn, trùng hợp với thời kỳ Cánh đồng Chum hình thành.

Có điều, khi nghiên cứu, phân tích carbone những xương trong chum, trong nồi, các nhà khoa học ngạc nhiên nhận ra rằng tuổi xương còn cao hơn tuổi chum! Các chum này có niên đại 1.500 - 2.000 năm nhưng phần lớn các hiện vật khai quật có niên đại 500 trước Công nguyên đến 800 sau Công nguyên.

Theo ước tính, hiện nay Cánh đồng Chum có tất thảy 1.969 chiếc chum. Lớn bé khác nhau, chum nằm rải rác ở 52 điểm quanh tỉnh Xiêng Khoảng. Chiếc chum lớn nhất được tìm thấy cao 3m, chum nặng nhất lên tới 14 tấn, còn đa phần chum đá cao chừng 1-2m.

Thoạt nhìn, Cánh đồng Chum như một bàn cờ, những chiếc chum như những quân cờ lổm nhổm dựng đứng thật kỳ thú.

Bản Ang là địa điểm nổi tiếng nhất với 334 chum được tìm thấy. Đa phần những chiếc chum không có nắp, có hình dạng vuông tròn khác nhau, cái đứng hẳn trên mặt đất, cái chìm một phần thân dưới đất, đây đó có những chiếc chum đã vỡ, thủng đáy hoặc sứt mẻ.

Bà Julie Van Den Bergh, nhà khảo cổ tham vấn cho tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trong dự án nghiên cứu chung về Cánh đồng Chum với Lào hiện nay, nói rằng bí mật này cũng giống bí mật của các tượng người trên đảo Phục Sinh (Easter, ở nam Thái Bình Dương, thuộc nước Chile), vì chưa ai trả lời được các câu hỏi: Ai làm ra các chum ấy? Tại sao làm? và làm khi nào?

Bà đang chuẩn bị cho việc giới thiệu các di tích của Cánh đồng Chum, với mục đích thực hiện việc bảo tồn Di sản thế giới cho khu vực này. Dự án bao gồm việc gỡ mìn chưa nổ trong khu vực còn sót lại sau nhiều thập niên chiến tranh trước đây, và việc gỡ mìn này chắc chắn ảnh hưởng đến hình dáng một số chum.

Chỉ sau khi Cánh đồng Chum được gỡ sạch mìn, và việc này phải mất nhiều năm, lúc ấy các nhà khảo cổ mới có thể tự do nghiên cứu và đưa ra lý giải chính xác nhất cho sự ra đời và tồn tại của những chiếc chum.

Chính vẻ đẹp khác lạ và những câu chuyện về nguồn gốc những chiếc chum chưa có hồi kết lại càng khiến Cánh đồng Chum hấp dẫn du khách. Dự kiến đến năm 2015, Lào sẽ đệ trình UNESCO công nhận Cánh đồng Chum là di sản văn hoá thế giới

Những chiếc chum còn kéo dài đến tận cửa khẩu Nậm Cắn ở Nghệ An của nước ta. Ông Đinh Bình Định, lính bộ binh của Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 148) chiến đấu ở Cánh đồng Chum từ năm 1972 - 1974 (viet cong) đã từng đi theo con đường giao liên kỳ lạ cũng lại liên quan đến chum

Từ cửa khẩu Nậm Cắn dẫn thẳng đến cánh đồng Chum theo đường chim bay, trên tất cả đỉnh các quả núi cao đều có hai cái chum, một chiếc lành và một chiếc vỡ. Đỉnh núi nào cũng thế, không có hai chiếc cùng lành hoặc cùng vỡ mà chỉ một chiếc vỡ, một chiếc lành!

Ông Định không nhớ chính xác bao nhiêu đỉnh núi có chum, nhưng chỉ có những người lính đi lại bằng con đường giao liên trong thời chiến như ông mới được tận mắt chứng kiến và biết được sự tồn tại kỳ bí của những cái chum ấy.

Trên đường hành quân, những người lính từng kiểm tra rất kỹ và khẳng định rằng những chiếc chum bị vỡ là do dấu tích xa xưa để lại chứ không phải do bom đạn chiến tranh gây nên.

Đến giờ, vẫn chưa có truyền thuyết nào cũng như giả định của các nhà khảo cổ về việc xuất hiện và tồn tại của những chiếc chum lạ kỳ trên nhiều đỉnh núi. Chỉ duy nhất dân tộc Lào Thinh của Lào sinh sống nhiều ở vùng đồi núi Xiêng Khoảng (ở Việt Nam gọi là người Khơ Mú) tin rằng những cái chum trên đỉnh núi đó là do tổ tiên của họ tạo nên; tổ tiên của họ là người đầu tiên đặt chân trên những đỉnh núi đó.

Chính vì thế, tại tất cả những quả núi có chum ngự trị trên đỉnh, người Lào Thinh không bao giờ phát nương, làm rẫy và chỉ thờ cúng nhớ về tổ tiên của họ

(sưu tầm)

No comments:

Post a Comment