Wednesday, February 3, 2016

Thịt trâu bò và chuyện chính trị ở Ấn Độ


Cảnh buôn, bán trâu trong khu lò mổ ở thị trấn Ghazipur, thành phố New Delhi, Ấn Độ hôm 2/4. Ảnh: AP

Mỗi buổi sáng, trước khi mặt trời mọc, hàng trăm xe tải chở trâu tiến vào khu lò mổ ở thành phố New Delhi, nơi những nam thanh niên hối hả đưa những con trâu xuống xe. Đạp trên những đống phân tươi, họ kéo những con vật ra khỏi xe, dồn chúng thành từng nhóm để bán đấu giá trước khi giết. Công việc của họ khá nặng nhọc nhưng thù lao lại thấp, AP mô tả.

Nhưng mổ thịt trâu là ngành kinh doanh lớn. Mặc dù người Hindu tin rằng bò là động vật linh thiêng và việc giết chúng bị cấm trên phần lớn đất nước, Ấn Độ là nước tiêu thụ thịt bò lớn thứ năm và xuất khẩu thịt bò lớn thứ hai trên thế giới. Một số cộng đồng, đặc biệt là người Hindu ở tầng lớp thấp cùng hàng triệu tín đồ Hồi giáo và Cơ đốc, ăn thịt bò và trâu.

Với việc đảng Bharatiya Janata Party (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi giành thắng lợi trong tổng tuyển cử vào năm ngoái, nhưng nhóm Hindu cứng rắn đang vận động để lệnh cấm giết mổ bao gồm mọi loại gia súc, cả con đực lẫn cái.

“Đây là một quyết định chính trị. Họ muốn lấy lòng người Hindu và gây phiền toái cho tín đồ Hồi giáo. Người nghèo sẽ chịu tác động xấu nhất từ lệnh cấm mổ trâu. Thịt trâu là thực phẩm của người nghèo và là nguồn dưỡng chất của hàng triệu người”, Mohammed Aqil Qureshi, chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Những người kinh doanh trâu tại thị trấn Ghazipur, nói. Khu phức hợp lò mổ nằm tại Ghazipur.



Thịt trâu là thực phẩm thiết yếu đối với hàng triệu người nghèo Ấn Độ bởi nó rẻ hơn phần lớn những loại thịt khác. Ảnh: AP
Thịt trâu rẻ hơn phần lớn những loại thịt khác ở Ấn Độ, với mức giá chỉ bằng một nửa thịt gà, nên nó là nguồn thực phẩm quan trọng đối với những người đang vật lộn với cuộc sống nghèo khó.

Nỗi lo của những người bán thịt trâu tăng hồi tháng trước, sau khi Maharashtra, ban đông dân thứ hai ở Ấn Độ, ban hành luật mới để đưa thêm bò đực vào danh sách những động vật mà người dân không được phép giết mổ. Mặc dù luật mới không đề cập tới trâu, thịt trâu vẫn nhanh chóng biến mất khỏi phần lớn cửa hàng thịt trong bang do tiểu thương lo ngại bạo lực có thể bùng phát nếu khách hàng nhầm lẫn thịt trâu với thịt bò.

Những người vi phạm lệnh cấm sẽ hứng chịu hình phạt nghiêm khắc. Nếu bán hoặc tàng trữ thịt bò, họ không thể nộp tiền để tại ngoại, đối mặt với án tù 5 năm và phải nộp khoản tiền phạt 200 USD – một số tiền khá lớn đối với người nghèo Ấn Độ.

Chỉ trong vòng vài ngày từ khi chính quyền bang Maharashtra ban hành lệnh cấm, hoạt động bán thịt ở Mumbai, trung tâm hành chính của bang, buộc phải chuyển sang hình thức bí mật. Tiểu thương bán thịt ở Maharashtra kiện lệnh cấm của chính quyền, với lý do hàng vạn người mất việc vì nó.

Quyết định của bang không khiến dư luận ngạc nhiên. Trong quá trình vận động tranh cử, Thủ tướng Modi từng hứa ông sẽ cấm giết bò trên phạm vi toàn quốc. Lời hứa của ông khiến những tín đồ Hindu bảo thủ cảm thấy phấn khởi.

Một số bang khác chịu sự điều hành của đảng BJP cũng muốn noi gương bang Maharashtra. Chính quyền Haryana, bang tiếp giáp với thủ đô New Delhi, đang xem xét dự luật để hành vi giết bò tương đương tội giết người. Người dân có thể lĩnh án tù chung thân vì giết một con bò nếu nghị viện bang phê chuẩn dư luật.

Nhiều tín đồ Hindu coi bò là biểu tượng sống của tín ngưỡng mà họ tôn thờ. Các tổ chức từ thiện của người Hindu điều hành các “gaushala” (trung tâm bảo vệ bò) ở nhiều thành phố. Họ đưa những con bò lang thang tới gaushala để chăm sóc. Với nhiều tín đồ Hindu, cho bò ăn là một cách để lấy lòng thánh thần và biến ước nguyện thành sự thật.

“Hare Krishna, Hare Krishna”, Minu Aggarwal, một phụ nữ, khấn như vậy khi cô cho một con bò ăn đậu lăng ngâm và lá xanh trong một gaushala ở New Delhi. Câu khấn của cô có nghĩa là “Thần Krishna”, một vị thần nổi tiếng trong đạo Hindu.

bà Minu Aggarwal cầu khấn thần linh khi cho những con bò ăn đậu lăng ngâm nước và lá xanh tại một trung tâm bảo vệ bò ở thành phố New Delhi hôm 2/4. Ảnh: AP


Khi Minu cuối xuống để tỏ lòng thành kính, một nhân viên của trung tâm nắm đuôi con bò rồi để nó chạm vào đầu của cô. “Đó là cách để cầu thánh thần ban phúc”, Minu giải thích.

Pankaj Bansal, một doanh nhân ở New Delhi, đút những mẩu bánh mỳ vào miệng một con bò gần đó. Ông ca ngợi lệnh cấm giết bò.

“Bò là mẹ của chúng tôi. Chính phủ nên áp đặt lệnh cấm trên cả nước”, Bansal bình luận.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định lệnh cấm giết bò toàn diện (gồm cả con đực và con cái) có thể phản tác dụng do nông dân sẵn sàng tống bò ra khỏi nhà khi chúng ngừng tiết sữa. Tình hình có thể trở nên tệ hơn nếu nông dân từ bỏ việc nuôi bò vì họ phải nuôi chúng suốt cuộc đời.

“Người dân chỉ nuôi bò tại những bang cho phép họ giết mổ có chọn lọc”, Damodaran viết như vậy trên báo Indian Express. Ông củng cố lập luận bằng những con số cho thấy nông dân đang chuyển sang nuôi trâu ở những bang không cho phép giết bò.

Lệnh cấm giết trâu có thể gây nên thảm họa cho ngành xuất khẩu thịt trâu, bò của Ấn Độ. Hoạt động xuất khẩu thịt trâu, bò phát triển mạnh trong thập kỷ vừa qua, với mức tăng thường niên 17-19%. Năm nay, các công ty xuất khẩu kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng lên tới 25%. Họ hy vọng lệnh cấm sẽ không gây nên tác động lớn, song họ vẫn lo lắng.

“Với một lệnh cấm như thế, hoạt động xuất khẩu thịt sẽ hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng”, một quan chức của Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thực phẩm Nông nghiệp và Chế biến thuộc chính phủ Ấn Độ dự đoán. Ông giấu tên vì không có thẩm quyền phát ngôn trước giới truyền thông.

Các doanh nghiệp Ấn Độ xuất khẩu lượng thịt trâu trị giá gần 5 tỷ USD vào năm 2013. Phần lớn lượng thịt đó tới các nước Đông Nam Á và vùng Vịnh.

“Xuất khẩu thịt không phải là ngành duy nhất chịu ảnh hưởng xấu bởi lệnh cấm. Hoạt động xuất khảu da, các sản phẩm từ da, mỡ, bột xương và những loại sản phẩm khác từ động vật cũng sẽ chịu tác động tiêu cực”, D.B. Sabharwal, giám đốc công ty xuất khẩu thịt trâu Allanasons, nhận định. Allanasons là doanh nghiệp xuất khẩu thịt trâu lớn nhất tại Ấn Độ.

Đối với nhiều người Ấn Độ, lệnh cấm là sự can thiệp vô lý vào đời sống riêng tư của người dân.

“Phải chăng chính phủ muốn quy định những thứ mà chúng tôi có thể và không thể ăn? Chúng tôi đã ăn thịt trâu, bò từ nhiều thế hệ. Lệnh cấm giống như việc bảo người dân rằng họ không thể ăn đường. Nó sẽ không phát huy tác dụng”, Danish Qureshi, một tihương trẻ ở Ghazipur, bình luận.

nguồn: zing

No comments:

Post a Comment