Monday, December 19, 2016

Cuối năm 2016 đọc chuyện Mậu Thân 1968

Còn vài ngày nữa là sang năm 2017 rồi . Quay qua quay lại chút xíu nữa là đến Tết Nguyên Đán - Đinh Dậu.  

Nhân tôi tự nhắc chuyện con giáp , tôi chỉ nhớ tên 12 con: Tí Sửu Dần Mẹo Thìn Tị Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi . Tại sao nguời ta gọi là 12 con giáp nhỉ ? Chữ giáp nghĩa là gì ở đây thì tôi chịu thua .  Và thêm một điều tôi mù mờ hơn nữa là chữ kèm phía truớc tên con giáp thì tôi chịu không nhớ nổi .   Nhưng có một năm tôi nhớ như in trong lòng vì sách sử viết rất nhiều đó là năm Mậu Thân.  Chữ Mậu nghĩa là gì tôi không hiểu, nhưng tôi biết chắc chắn đó là năm đau khổ tang tóc của nuớc Việt Nam Cộng Hoà. 

Cuối năm tôi rảnh đôi chút , gần một nửa trong nhóm tôi đã nghỉ từ hôm tuần rồi , công việc chậm lại, các cuộc họp hội đều tạm ngừng, tôi cũng chẳng buồn đốc thúc những nguời trong nhóm làm việc .  Thôi thì cứ để cho họ thoải mái vài ngày. Nói thì nói vậy chứ , những ai còn vô sở , họ vẫn biết khi nào công việc phải xong.  Riêng tôi còn nhiều việc lắm nhưng tạm gác qua một chút để mình tự cho phép mình đọc vài giòng Sử Việt đó đây . 

Tết Mậu Thân 1968 , mới thoáng mà đã gần năm muơi năm trôi qua từ vụ cộng sản tấn công và thảm sát dân Huế, ngồi đọc những chương sách mà tôi ngậm ngùi khóc.  

Đang đọc nửa chừng , đôi mắt tôi đỏ hoe , một nguời bạn gõ cửa vào phòng nhìn tôi vô ý hỏi .  
- Ủa Nora có chuyện gì vậy ?
- Hổng có chuyên gì hết .
- Nora nhìn buồn lắm đó .

Tôi nhìn xuống áo giấu đôi mắt , mới biết hôm nay trang phục của mình cả  áo lẫn quần đều mang sắc tím buồn vời vợi.

Màu áo bên ngoài là màu tím đậm thật buồn , nhưng khi qua máy ảnh biến thành xanh tím. Ngồi trong văn phòng viết vu vơ vài chữ, đem máy ra seo phi 1 tấm (12/19/2016) 
Đôi bên trái để đi bộ . Đôi đang mang là ngồi trong văn phòng , dép không có bọc đàng sau mang thoải mái hơn .  Đôi bên phải mang khi buớc ra khỏi văn phòng (12/19/2016)


Đọc sách:

"...

Chương 68
Từ lúc cầu Trường tiền bị giật sập, dường như tình thế ở Gia hội có vẻ căng thẳng hơn. Ngô không hiểu nhiều về quân sự, nhưng cứ quan sát không khí khẩn trương trên đường phố, nét mặt lo lắng của cán bộ, nhất là những vụ giao tranh bắn qua bắn lại mỗi ngày mỗi nhiều ở dọc ven sông, Ngô đoán biết Gia hội đã trở thành một thứ tuyến đầu.

Tình hình chiến sự thay đổi cả lối sinh hoạt của nhóm công tác. Ban đêm, Sáu Lăng, Thuấn và chị Miềng thường vác súng đi công tác đến hai ba giờ khuya mới về, sáng dậy muộn, người nào người nấy nét mặt mệt mỏi cau có. Ngô được giao nhiệm vụ trực “cơ quan”. Chàng biết thừa người ta không tin mình, lại chưa tìm được công việc thích hợp để đẩy mình đi nơi khác. Mặc dù nhàn nhã không việc gì làm, suốt hai ngày chỉ nằm khoèo suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện nọ, đến tối chỉ nấu trước cho cả tổ nồi cơm, Ngô không thấy yên tâm. Chàng lo lắng như người đi trong mây mù không thấy lối ra, luôn luôn cảm thấy dật dờ như người say. Giấc ngủ cũng không trọn.

Ngô nghe được cả bước chân những người cùng tổ lúc họ xong công tác trở về. Bước nặng của chị Miềng. Bước đều khoan thai như con thú rình mồi của Sáu Lăng. Bước nhanh láu táu của Thuấn. Ðêm thứ hai nằm lơ mơ suy nghĩ, quá khuya, Ngô lại nghe những bước chân quen. Chàng bắt đầu nín thở không dám động đậy khi nghe từ ngoài sân sau có người nói tới tên chàng. Ngô nghe giọng Bắc kỳ cáu kỉnh của Thuấn:
– Tôi chẳng hiểu tại sao không cho đồng chí Ngô đi để thêm một tay. Chỉ có ba người mà chừng ấy việc, làm sao xuể.
Ngô nghe Sáu Lăng nói điều gì với giọng trầm không nghe được, rồi giọng Thuấn:
– Hắn ngủ rồi! Mà tại sao lại ngại kia chứ? Là đồng chí với nhau, mà…
Sáu Lăng cướp lời nói một tràng. Lại giọng Thuấn:
– Nhảm! Đồng chí không liên hệ công tác nhiều với người ta, làm sao hiểu bằng tôi được.
Có tiếng chị Miềng gọi hai người đàn ông xuống bếp ăn cơm, nên cuộc tranh luận chấm dứt. Ngô yên tâm thấy họ đi xa chỗ mình nằm, nên mới dám trở lưng nằm nghiêng cho đỡ mỏi. Lưng chàng lạnh ngắt. Ngô đổ mồ hôi vì sợ. Mình đã làm gì để Sáu Lăng ngờ vực đến độ thế? Làm sao đây? Suốt đêm ấy, Ngô trăn trở hoài, nằm nghe rõ mồn một từng loạt súng AK bắn lạc lõng trong đêm, từng tiếng nổ bụp của hỏa châu bên kia mái ngói căn nhà tổ vừa dọn tới.

Sáng hôm sau, Sáu Lăng giao cho Ngô công việc cùng đi với Thuấn hướng dẫn “nhân dân” đào hào chiến đấu. Ngô liếc nhìn Thuấn tỏ ý cảm ơn. Nhưng Thuấn tránh không nhìn Ngô, quay đầu về phía cửa sổ ăn thông ra khu vườn có những bụi chuối cỗi.
Thuấn dẫn nhóm thanh niên và một số đàn ông trung niên ra khoảnh đất trống sau ngôi trường trung học hướng dẫn cho họ đào hầm. Anh lấy báng súng vẽ một hình chữ nhật bề ngang hai thước bề dài mười thước, rồi bảo cả nhóm:
– Chúng ta lập một hào chiến đấu ở đây. Bà con bắt đầu đi. Có đem theo cuốc xẻng đủ đấy chứ?
Những người lớn tuổi bắt đầu làm việc, nhưng nhóm thanh niên thì lên tiếng than van:
– Chừng này người đào hầm rộng thế này, biết bao giờ cho xong.
Ngô và Thuấn quay lại nhìn cậu thanh niên vừa nói. Ngô mừng rỡ thấy Diên đang cầm một cái cuốc kiểu nhà binh ở gần đó. Thuấn gắt:
– Làm không xong thì sẽ có toán khác tiếp tục. Bắt đầu nào!
Ngô xớ rớ không biết phải làm gì, vì trên tay chỉ có khẩu AK chứ không có cuốc xẻng gì cả. Thuấn từ hiện trường gọi xuống:
– Anh Ngô lên đây!
Ngô đến bên cạnh Diên, hỏi nhỏ:
– Diên, không nhớ tôi à?
Cậu học trò Bồ Đề ngước lên nhìn Ngô; Diên nhận ra Ngô, mắt sáng lên. Nhưng cậu kịp thời nghiêm mặt lại, cúi xuống tiếp tục cuốc đất. Ngô nghe Diên nói nhỏ:
– Chốc nữa nghỉ, gặp anh sau. Có nhiều chuyện muốn nói với anh! Ngô đoán Diên có chuyện riêng tư cần nhờ mình mà không tiện nói trước nhiều người, nên quay về phía Thuấn đang chờ. Thuấn phì phèo điếu thuốc rê trên môi, cười bảo Ngô:
– Thứ thuốc Cẩm lệ này ngon mà nặng đáo để. Hút vào vài hơi đã say như say thuốc lào.
Ngô gác súng vào góc lớp học, đến ngồi trên cái băng thấp cạnh Thuấn. Lớp này dành cho các em nhỏ nên bàn ghế đều thấp lè tè. Vách tường phía trái bị một lỗ hổng lớn, hình như bị đạn súng cối trúng phải. Thuấn ngáp dài, rồi nằm lên mặt bàn, nhướng mắt nói với Ngô:
– Anh trông chừng họ làm việc cho tôi ngủ một chút nhá!
Ngô thắc mắc:
– Sao lại phải trông chừng? Cứ để cho đồng bào họ tự giác đào hầm.
Thuấn chống hai cùi chỏ ngồi nhổm dậy:
– Mình lãnh đi bao nhiêu, lúc về phải giao đủ cho bên A8. Thiếu người nào, phiền lắm!
Nói xong, Thuấn lại nằm xuống, nhắm mắt. Ngô thấy có điều gì bất thường lạ lùng, từ vẻ mặt sợ hãi của Diên cho đến lối làm việc chăm chỉ thái quá của nhóm người đào hào. Chàng nhìn quanh lớp học để cố xua đuổi một ý tưởng vừa thoạt đến. Lớp học đã có nhiều người tạm trú từ hôm Tết đến nay nên rác rưới cùng khắp, nào lá chuối gói bánh tét, giấy vụn, báo rách, tàn thuốc… Trên tấm bảng đen, còn vẽ một nhánh mai vắt ngang từ góc trái dưới lên góc phải trên. Hai hàng chữ hoa viết vụng bằng phấn đỏ nằm song song dưới cành mai gầy guộc:
“Cung Chúc Tân Xuân”.
Tiệc Tất Niên lớp Ðệ Ngũ B.
Thuấn mở mắt, nhíu mày xem đồng hồ, rồi nhắc Ngô:
– Cho họ nghỉ mười lăm phút rồi làm lại! Ôi dào! Buồn ngủ quá đi mất!
Nói xong, dường như để biện minh cho sự lười biếng của mình, Thuấn ngáp dài. Ngô nói:
– Ðược, anh cứ nằm nghỉ đi. Khi hôm về khuya lắm phải không?
– Mãi ba giờ sáng. Cái ả Miềng thật kỳ. Tôi đã bảo dẫn ra bờ sông tiện hơn, khỏi phải…
Thuấn nhớ ra điều gì, đột nhiên ngưng bặt không nói tiếp. Thấy Ngô tò mò chờ đợi, Thuấn nói:
– Ở đó đất mềm đã dễ đào công sự, lại thuận lợi trông chừng chúng nó bơi xuồng qua. Đào sâu trong này, ê ẩm cả người vẫn không được mấy tí. Cho giải thích như vậy đã đủ, Thuấn nhắm mắt ngủ lại. Ngô đoán đã đến giờ tạm nghỉ, bước ra ngoài nói lớn:
– Anh em nghỉ 15 phút cho đỡ mệt đã!
Mọi người dừng tay, không ai nói với ai lời nào lẳng lặng đến ngồi ghé lên nền trường. Ngô thấy không có ai tỏ ra linh hoạt tự tín. Có cái gì nhẫn nhục, bạc nhược trong cử chỉ, ở ánh mắt từng người. Diên đến gần Ngô nói lớn đủ cho mọi người nghe:
– Anh cho em đi tiểu.
Ngô mau mắn đáp:
– Được, cứ đi chứ phép tắc gì!
Diên nói nhỏ với Ngô:
– Anh theo em ra phía trước trường, em nói cái này!
Ngô liếc nhìn phía đám người ngồi nghỉ, thấy họ chăm chú theo dõi mình. Chàng chợt hiểu mình đang thuộc về một vị thế khác họ. Ngô nói chữa:
– Tôi dẫn cậu đi. Nhanh lên nhé!
Hai người đi quành ra lối bên trái, khuất tầm nhìn những người khác nhờ bức tường phòng học ngoài cùng. Diên dừng lại, hớt hải bảo Ngô:
– Em bị bắt rồi. Họ nghi em làm điềm chỉ cho máy bay.
– Những người kia cũng bị bắt à?
– Vâng.
– Hèn gì!
– Anh để em trốn được không?
– Không được đâu! Bộ đội đóng dầy đặc quanh đây. Trốn chỉ có chết!
– Em lội qua sông.
Ngô hỏi nhỏ:
– Sao em hãi quá vậy? Họ chỉ ngờ vì lầm. Không đến nỗi phải liều như thế!
Mặt Diên xanh mét. Môi run run khi nói:
– Tối hôm kia em chứng kiến họ xử bắn một bác ở gần rạp Châu Tinh… Em sợ quá!
– Ông ta bị tội gì?
– Họ bảo là ác ôn làm gián điệp cho Mỹ. Họ bắt cả nhóm này dự phiên tòa.
– Có cả phiên tòa nữa à?
– Vâng. Đơn giản lắm. Họ dẫn bác đó ra bắt đứng nghiêm trước cái bàn có ba người trong bọn họ ngồi. Người ngồi giữa đọc bản án. Ngắn thôi. Không đầy ba phút là xong. Bác đó bị tử hình. Em thấy bác cứ nheo mắt vì chói đèn, cho tới lúc bị kêu án, bác cứ đứng yên không nói lời nào cả. Chắc là không kịp nói, vì ngay sau đó, hai người bộ đội nhảy ra, một người bẻ quặt tay bác ra sau trói lại, người kia nhét giẻ vào miệng bác. Họ đẩy bác lại gốc ổi gần đó, cột lại. Cả hai bộ đội kê sát họng AK vào đầu bác bắn mỗi người một phát. Họ làm gọn nhanh quá. Xác bác kia rũ xuống, tay dính vào gốc ổi. Em run cầm cập, tự nhiên muốn nôn mửa. Làm sao cứu em, anh ơi!
Ngô cảm thấy ngạt thở, thì thào nói:
– Làm sao bây giờ! Để anh thử nói với Thuấn xem sao.
– Thuấn nào?
– Anh bộ đội đi với anh đấy!
Diễn mừng rỡ, lưỡi líu lại:
– Vâng, nhờ anh nói lại giùm. Em có tội tình gì mà nghi cho em.
Ngô không biết phải làm gì để trấn an cậu học sinh Bồ đề. Chàng bảo:
– Yên tâm, đừng sợ quá! Hãy vào đi.
Hai người trở về chỗ cũ. Thuấn đã thức dậy, toán người đào hào đã tiếp tục hì hục cuốc, đào. Ngô thấy Thuấn có cái nhìn thắc mắc, vội giải thích:
– Tôi đưa cậu này đi cầu.
Buổi tối, Ngô với Thuấn được nghỉ, Sáu Lăng và chị Miềng lại đi công tác. Ngô nghĩ có thể họ sắp đóng vai trò chánh án hay công tố viên cho một phiên tòa nào đó đêm nay.
Thuấn ngồi gác một chân lên chiếc ghế đẩu hút thuốc, nói với theo, dặn chị Miềng:
– Nhớ đem ra bờ sông!

Sáu Lăng quay lại cau mày nhìn Thuấn. Hai người mang túi vải đi ra đường. Ngô thu dọn chén bát bốn người vừa ăn cơm chiều xong còn bày bừa bãi trên cái bàn nhôm. Thật ra chén bát không có bao nhiêu, chỉ có bốn cái chén, bốn đôi đũa, cái dĩa rau và cái chén nhỏ đựng nước tương, tất cả đều lấy trong cái tủ chén bát gia chủ bỏ lại trước khi chạy đi tị nạn không biết về đâu!

Ngô nhìn những đồ đạt trong căn nhà mới dọn tới, cứ thắc mắc suy nghĩ về đời sống của những người vắng mặt. Họ là ai? Căn cứ theo giá trị căn nhà ngói xây cất đã lâu và đồ đạc trong nhà, Ngô đoán gia cảnh họ thuộc loại “thường thường bậc trung”. Giường tủ, bàn ghế, chén bát, quần áo …, tất cả đều không có cái gì quí giá. Gia chủ chỉ cần mua sắm cho có để dùng, không phải mua để làm của. Ngô suy từ gia đình mình tưởng tượng thêm bà nội trợ vắng mặt đã chọn mua những thứ đồ đạc Ngô đang dùng hiện nay. Với chút tiền tằn tiện dành dụm được, bà nội trợ ra chợ đi quanh quẩn nhiều lần để tìm một quầy hàng mà người bán có nét mặt không đến nỗi cau có lắm. Bà nội trợ sợ cuộc mặc cả keo kiệt sắp tới của mình tạo ra những lời qua tiếng lại đau lòng! Cuối cùng, bà nội trợ tìm được một chị bán hàng hiền hậu, khả ái. Món hàng muốn mua đây rồi. Chị bán hàng đưa ra nhiều hạng: hạng xấu nhất, hạng trung bình, và hạng tốt. Hạng rẻ có giá trị tương xứng với túi tiền bà nội trợ, nhưng có lẽ không được bền, dễ hư vỡ. Loại sang đắt tiền quá… Bà nội trợ muốn yên tâm, chọn mua loại trung bình, tuy thực ra cả ba loại hàng được bày ra đều cùng một loại chỉ khác mầu sắc hay nhãn hiệu…

Đồ đạc một gia đình nói lên nhiều về nếp sống, bản chất của gia đình ấy. Ngô không có căn cứ nào để biết rõ, nhưng đoán chắc gia chủ căn nhà này là một công chức bậc trung. Con cái thuộc loại chăm chỉ, lấy việc học làm cách đầu tư cho tương lai. Ngô đoán vậy, vì những cuốn sách giáo khoa trên kệ sách gỗ tạp đều được xếp đặt ngay ngắn trân trọng, mỗi trang văn phạm Anh văn hoặc toán lý hóa đều có gạch bút chì xanh đỏ chi chít.

Suốt gần một tuần dọn tới địa điểm này, cả tổ chỉ lo quan tâm tới các nhu cầu cần thiết như chỗ nấu bếp, chỗ ngủ, nên kệ sách vẫn nằm y nguyên không ai chạm tới, trừ một hai lần chị Miềng cần giấy nhen lửa phải lấy một cuốn English for Today xé ra để làm mồi hong khô những thanh củi ẩm sương.

Tối nay, được nghỉ ở nhà với Thuấn, tự nhiên Ngô tò mò lục trở lại tủ sách để tìm thứ gì đọc tạm chờ giấc ngủ. Ngô tìm thấy vài cuốn tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn ở ngăn tủ sách phía trong, ba cuốn của Khái Hưng, một cuốn của Nhất Linh và một cuốn của Thạch Lam. Ðặc biệt cuốn Ðoạn Tuyệt của Nhất Linh cũng bị gạch xanh đỏ ở nhiều trang y như những cuốn sách toán lý hóa. Thấy Thuấn đến gần tò mò nhìn cuốn tiểu thuyết Ngô đang giở xem, Ngô nói:
– Con cái gia đình này học khá đây. Ít nhất cũng học đến bán phần tú tài.
Thuấn hỏi:
– Sao anh biết?
– Vì chương trình Việt văn lớp đệ nhị có học cuốn Ðoạn Tuyệt này!
– Lớp đệ nhị là lớp nào?
– Lớp đi thi bán phần tú tài!
– Bán phần tú tài là cái quái quỉ gì thế?
Ngô ngạc nhiên hỏi lại:
– Anh không biết à?
– Không.
– Thế có nghe đến ông Nhất Linh không?
– Không! Hắn viết cuốn này hồi nào?
– Lâu rồi. Vậy anh có nghe nói tới Tự lực Văn đoàn không?
– Tụi phản động chống cách mạng Nguyễn Tường Tam phải không?
– Ðúng thế. Nhưng…

Ngô định cãi, nhưng kịp ngưng đúng lúc. Chàng thấy vô ích. Chàng buồn rầu nhận ra rằng sự chia cách của đất nước không phải chỉ ở bề ngang, độ sâu của dòng sông Bến Hải. Nó sâu xa hơn nhiều. Hố ngăn cách hun hút như một vực thẳm, vì một lớp trẻ lớn lên bị từ chối không được biết gì đến cái quá khứ đã diễn ra trước khi họ chào đời. Những người cùng chung một ngôn ngữ mà nói với nhau không thể hiểu nhau, qui ước, thang giá trị khác biệt. Thuấn lật qua cuốn tiểu thuyết của Nhất Linh, lơ đãng liếc qua, không tò mò, gấp sách lại, rồi bảo Ngô:
– Ở trong này in sách sơ sài quá nhỉ.
– Sao lại sơ sài?
Thuấn vênh mặt khoe:
– Ngoài Bắc in giấy đẹp hơn nhiều. Giấy Thụy điển, giấy Trung quốc trắng lắm cơ!
Ngô bị chạm tự ái, buột miệng nói không kịp nghĩ:
– In thơ Bác và thơ Tố Hữu, không in trên giấy trắng sao được!
Thuấn không nhận ra giọng mỉa mai của Ngô, hân hoan nói:
– Ðúng thế! Số in cũng lớn lắm. Vài chục nghìn cuốn là ít, chứ không phải 2.000 cuốn như cuốn này.

Ngô chỉ chợp mắt được một chút thì Sáu Lăng và chị Miềng về. Chàng ngạc nhiên không hiểu tại sao họ về sớm thế. Có tiếng Sáu Lăng nói chuyện với Thuấn ở phòng ngoài, ban đầu Ngô nghe không rõ, nhưng về sau, nhờ tiếng súng nổ thưa hẳn và cố ý lắng nghe, chàng dần dần ghi nhận được loáng thoáng những câu họ nói. Lúc nào cũng vậy, Ngô nghe rõ được lời Thuấn hơn lời Sáu Lăng, nhờ âm sắc cao của anh bộ đội này. Thuấn có vẻ cáu kỉnh:
– Đã phân công rành mạch như thế bây giờ còn bắt đi công tác.
– …
– Khẩn thì khẩn, cũng phải hợp lý chứ!
– Tôi đã bảo nhu cầu đột xuất!
Thuấn lớn giọng hơn:
– Chừng ấy tên thì làm sao làm xuể?
– …
– Ðồng chí vào trong mà gọi!
Giọng Sáu Lăng đanh lại:
– Tôi là thủ trưởng ở đây! Đồng chí có làm không?
Ngô nghe Thuấn càu nhàu những gì không rõ, rồi bước chân của Thuấn tiến về phía Ngô nằm. Chàng hồi hộp chờ, chẳng hiểu nỗi nguy hiểm bất trắc nào sắp tới cho mình. Chàng thấy Thuấn tới gần, cúi xuống đập vào chân chàng, nói cộc lốc:
– Dậy đi!
Ngô giả vờ như đang say ngủ, giật mình choàng dậy, giả vờ ngơ ngác hỏi:
– Có việc gì thế?
– Có công tác khẩn!
– Đi ngay bây giờ à?
– Vâng. Đem súng theo!
– Họ tấn công à?
– Không. Nhanh lên. Chúng tôi chờ ngoài nhà!
Cả tổ lại ra đi lúc hai giờ sáng. Sáu Lăng giục:
– Nhanh lên. Chẳng mấy chốc nữa trời sáng mất!
Ngô hoang mang không hiểu mình bị dẫn đi đâu, chịu những hình phạt nào hay sắp phải làm việc gì. Đêm nay sương ít, nhưng tự nhiên chàng run cầm cập. Phải cố cắn chặt hai hàm răng, Ngô mới không để cho ba người kia thấy chàng lẩy bẩy sợ hãi!

***

Chương 69

Bốn người lặng lẽ bước, không ai nói với ai lời nào. Thuấn và Sáu Lăng đi trước. Ngô theo sau, lạch ạch bước chậm ở cuối cùng là chị Miềng. Ngô thấy Sáu Lăng dẫn cả tổ về phía trường Gia hội, cảm thấy yên tâm hơn. Chàng nghĩ: “Có lẽ quân Mỹ hoặc Việt Nam Cộng hòa sắp mở cuộc tấn công ,nên phải ra sức đào hào chuẩn bị chiến đấu”.

Nhờ nghĩ như vậy, Ngô lấy lại bình tĩnh. Lúc ấy, chị du kích chạy nhanh cho kịp tới chỗ ba người đàn ông đi trước. Thân hình nặng nề, bước đi nặng nề, lại thêm khẩu AK trên vai, trông chị Miềng vất vả lắm mới theo kịp bọn đàn ông. Ngô nói đùa:
– Chị cần tôi mang súng hộ không?
Chàng cụt hứng, vì chị du kích không nói gì, chỉ cắm cúi bước nhanh theo cho kịp Sáu Lăng và Thuấn. Hơi thở chị du kích hào hễn mệt nhọc.
Càng gần đến trường, không khí càng có vẻ căng thẳng hơn. Cách vài chục thước, lại có một nhóm hoặc hai hoặc ba bộ đội cầm súng đứng gác. Họ cũng im lặng như những bóng ma, sự sống chỉ nhận ra được nhờ đóm lửa ở đầu điếu thuốc họ đang hút để chống lạnh.

Tuy nhiên, không khí bên trong khuôn viên trường không rộn ràng gay cấn như Ngô tưởng. Chỉ có một nhóm năm người bộ đội đã chờ sẵn ở đấy. Súng AK và khá nhiều gắp đạn cong đặt trên bàn thầy giáo của lớp học gần sân trường ở phía trái. Dường như Sáu Lăng giữ vai trò chính yếu trong công tác bố phòng và bảo vệ khu vực này, vì khi nhóm của Ngô tới, đám bộ đội có vẻ mừng rỡ. Họ chạy tới bu quanh Sáu Lăng và Thuấn, tíu tít hỏi:
– Chừng nào bắt đầu?
– Sao lâu thế?
– Có “sự cố” gì phỏng?
Sáu Lăng chậm rãi đáp, cố làm đúng phong thái một người chỉ huy bằng cách lừ mắt nhìn quanh cho mọi người yên lặng rồi mới nói:
– Không có gì trục trặc cả. Họ sắp dẫn đến. Chỉ có điểm đột xuất là con số đông quá.
Nhóm bộ đội lại nhao nhao hỏi:
– Bao nhiêu?
– Trên một trăm rưởi người.
Hầu hết đám bộ đội, kể cả Thuấn và chị du kích, đều ồ lên kinh ngạc. Một người bộ đội nói giọng Nghệ an khó nghe, nói:
– Một trăm rưởi, trong khi tụi này chỉ có năm người!
Sáu Lăng át giọng, hơi giận dữ:
– Có thêm bốn chúng tôi nữa là chín.
Anh bộ đội Nghệ-an-ưa-lý-sự cãi lại:
– Việc “xử lý” thì dễ, cái khó là sau đó!
Anh ta chỉ tay ra phía sân tối đen ngoài cửa sổ phòng học, nói thêm:
– Lấp cái hào rộng chừng ấy, với một nhúm người, đồng chí liệu trước chuyện đó chưa.
Một người bộ đội khác nói giọng Quảng trị:
– Lại thêm cái hố con bên cạnh nữa.

Ngô nghĩ thầm: “Một vụ xử lý phản động đây sao?” Chàng nhớ lời Diên kể hồi sáng, băn khoăn không dám tin dự đoán hãi hùng vừa thoạt đến trong đầu. Có lý nào? Hành quyết một hai tội nhân còn cần phải một tòa án nhân dân dù là tòa án sơ sài lập vội cho có, còn cần cả những đao- thủ-phủ chờ sẵn để cột tử tội, nhét giẻ hoặc nhét quả chanh vào mồm, kế họng súng vào đầu tử tội bóp cò, cắt dây buộc, khiêng xác đến huyệt, lấp đất…! “Xử lý” một tử tội, theo tưởng tượng của Ngô, không phải là một việc nhẹ nhàng. Huống chi Sáu Lăng vừa bảo có tới một trăm rưởi người!

Mày lú lẫn bậy bạ quá rồi! Ngô ạ! Mày khiếp nhược sợ hãi đến nỗi một cuộc huy động đông đảo nhân lực để xây hào chiến đấu, giữa tình thế khẩn trương như thế này, mày lại nghĩ quẩn thành một vụ hành quyết tập thể!

Ngô yên tâm hơn nữa khi nghe Sáu Lăng nói:
– …Đấy! Tôi đã có phương án sẵn. Họ tới, ta sẽ chia họ làm hai nhóm. Nhóm đông đảo, cứ cho là 140 người hoặc 130 người đi, “phụ trách” cái hào rộng đã đào sẵn hồi sáng. Nhóm còn lại chỉ cần chừng mười người, “lo” cái hố nhỏ. Tôi nghĩ 10 người cũng đủ. Các đồng chí cứ tin đi, không nặng nhọc lắm đâu. Tôi đã có kinh nghiệm công tác nhiều lắm rồi. Các đồng chí chỉ lo nhiệm vụ của mình. Vả lại, bốn chúng tôi sẽ giúp thêm cho công việc hoàn tất trước khi trời sáng.

Ngô mừng rỡ nghĩ thầm: “May quá! Mình được kể chung vào những người được tin cậy. Mình không phải là một tên tù bị giam lỏng như Diên!”.

Mười phút sau, bên ngoài có tiếng nhiều bước chân và nói chuyện xì xào. Một giọng Bắc quát tháo:
– Không ai được nói chuyện!
Mọi người trong phòng vội vã chạy ra phía cửa lớn bên phải. Có vẻ nôn nóng và mừng rỡ nhất là Sáu Lăng. Suốt mười phút chờ đợi, Sáu Lăng đứng ngồi không yên, đi đi lại lại trong lớp học, một chốc lại giở ống tay áo lên xem đồng hồ.

Chỉ có một ngọn đèn bão đặt ở góc phòng học. Bên ngoài trời tối, nên Ngô chỉ thấy một khối bóng đen đứng chật một góc sân trường.
Người cán bộ mặc thường phục vừa ra lệnh đám người đứng lố nhố trong sân không ai được nói chuyện tay xách một cái đèn bão, tay kia cầm khẩu súng, bước lên thềm trường. Ông ta gọi lớn:
– Đồng chí Báu đâu?
Một cán bộ khác thấp ốm tiến tới chỗ có ánh đèn, đáp lại:
– Có tôi đây?
– Ðồng chí cho tập họp ngay ngắn theo từng hàng ngang đi. Mỗi hàng mười người, tức năm cặp. Sắp hàng điểm số xong cho ngồi xuống, quay mặt vào đây!

Trong khi người cán bộ thấp ốm lo điều khiển cho đám đông xếp hàng điểm số, người cán bộ cấp cao đặt cái đèn bão lên thềm trường, đi quanh sang phía bên trái tránh gốc cây bông giấy rồi theo bậc cấp xi măng lên phòng học gặp Sáu Lăng. Mọi người trong phòng xôn xao đứng cả dậy, đến vây quanh Sáu Lăng và người mới tới. Ngô nhận diện ra được người cán bộ trẻ chàng đã gặp lần đầu tiên trên căn gác ván, lúc Tường dẫn chàng tới gặp anh Năm.
Sáu Lăng hỏi:
– Tất cả bao nhiêu người?
– Một trăm bảy mươi.
– Sao nhiều thế! Hồi chiều bên đó bảo chỉ có một trăm rưởi.
– Giờ chót bên A8 gửi thêm hai chục nữa. Phận sự tôi coi như xong rồi nhé!
Sáu Lăng vội nói:
– Xong sao được! Ðồng chí giao có đủ không mà tôi dám nhận. Lỡ sơ sẩy điều gì ai chịu trách nhiệm? Giấy tờ đâu?
– Thôi được! Ngoài kia đang kiểm số. Kiểm số thôi cũng đủ, tên họ chúng đã có hết trong danh sách đây!
Người cán bộ vừa nói vừa mở nắp túi vải đeo ngang hông rút một xấp giấy đưa cho Sáu Lăng. Sáu Lăng định đem tới chỗ gần đèn để đọc, nhưng nghĩ sao, lại thôi, bảo:
– Tôi tin đồng chí đã giao đủ. Ðồng chí đem theo mấy người?
– Có tôi, và bốn người giải giao. Họ còn ngoài kia.
Sáu Lăng hỏi với giọng không mấy thiết tha:
– Các đồng chí có muốn chờ xong việc rồi về không?
Người cán bộ hỏi lại:
– Ý đồng chí thế nào?
– Tùy các đồng chí.
– Nếu vậy thì chúng tôi về trước vậy. Về ngủ một chốc, hai đêm nay chúng tôi không chợp mắt được một giây.
Nói xong, anh ta đến chỗ cửa sổ, hỏi vọng ra:
– Xong chưa?
– Rồi. Đủ 170 người.
Người cán bộ quay về phía Sáu Lăng:
– Chúng tôi về. Các đồng chí có cần cây đèn không, chúng tôi để lại cho.
Sáu Lăng đáp:
– Vâng, cần lắm.
Sáu Lăng chờ cho nhóm người giải giao đi rồi, mới gọi năm anh bộ đội lại góc phòng xầm xì với họ một lúc. Thế là cả toán bộ đội lục tục mang súng đạn ra khỏi phòng học.
Sáu Lăng bảo Ngô:
– Anh qua bên phòng bên cạnh kiểm soát xem cuốc xẻng toán đào hầm chiều nay cất ở đó có bao nhiêu cái.
Ngô nhìn bóng tối, e dè hỏi:
– Tôi mang cây đèn đi được không?
– Ðược! Nhanh lên nhé!

Ngô xách cây đèn bão qua phòng bên cạnh, thấy ở ngay cửa ra vào, trên hai cái bàn học trò kê sát lại, có cả một đống nào cuốc, nào xẻng, nào mai, nào xà beng. Có cả những rổ đan bằng tre để xúc đất nữa. Ngô đếm nhanh, rồi sang báo cáo cho Sáu Lăng. Sáu Lăng nói:
– Chỉ cần tôi với đồng chí Thuấn ở đây chỉ huy. Anh Ngô với chị Miềng mỗi người lấy súng trực giùm ở hai đầu phòng này để giữ an ninh đề phòng bất trắc. Nhớ đừng bước xuống phía sân này.
Ngô hoang mang không thể hiểu với bấy nhiêu chuẩn bị ấy, cuối cùng chuyện gì sẽ xảy đến. Bây giờ không phải là một tòa án xử tập thể, không phải là một vụ hành quyết, mà cũng không có gì giống với một cuộc hội họp học tập. Chàng muốn được ra khỏi căn phòng này, muốn được ngồi một mình để tự do biểu lộ những suy nghĩ, lo lắng.

Phía cửa sổ đầu dãy phòng học (phòng học Ngô đang đứng nằm đầu dãy), nơi Ngô được chỉ định tới canh giữ an ninh, có một gốc khuynh diệp thưa lá thân cây suông sẻ lớn bằng bắp vế. Ngô nhảy qua cửa sổ, đứng khuất trong bóng tối, lưng dựa vào gốc khuynh diệp. Tự nhiên chàng thấy lạnh, chân hơi run.

Sáu Lăng và Thuấn từ bậc thềm xách cây đèn trong phòng bước xuống sân. Tiếng đám người lao xao đột nhiên im bặt. Sáu Lăng nhờ Thuấn đặt cây đèn vừa mang ra gần cây đèn người cán bộ lúc nãy bỏ lại. Ánh sáng đủ chiếu lên hình dáng hàng người ngồi chồm hổm ở hàng đầu. Ngô thấy họ bị trói hai người với nhau, tay phải người này cột dính với tay trái người kia. Giọng Sáu Lăng lạnh và sắc, buốt hơn cả sương đêm:

– Mọi người nghe đây! Nhờ nhân dân phát hiện, Cách mạng mới biết mỗi người trong các anh đã có những hành động chống phá cách mạng. Có người làm tay sai cho đế quốc. Có người vì hoàn cảnh vô tình làm hại đến Tổ quốc mà không biết. Nhưng Cách mạng khoan hồng, chỉ muốn các anh biết rõ được tội lỗi của mình, trở về với nhân dân để cầm súng quay tiêu diệt bọn xâm lược Mỹ và tay sai. Muốn biết được tội lỗi của mình lớn nhỏ tới đâu, phải học tập. Cách mạng sẽ đưa các anh về vùng giải phóng để yên tâm học tập trong ba ngày, sau đó được trả về với gia đình tham gia công tác địa phương. Đây là biện pháp khoan hồng nhất của nhân dân, của Cách mạng. Người nào có ý đồ xấu, muốn trốn thoát trên đường đi sẽ bị nhân dân nghiêm trị. Tất cả, trừ những người ở hai hàng đầu tiên này, phải ngồi yên và hoàn toàn giữ im lặng chờ giờ khởi hành. Hai hàng đầu đứng dậy!

Những người bị đưa đi học tập ở hai hàng đầu đứng bật dậy theo lệnh Sáu Lăng. Một vài người theo thói quen vô ý phủi bụi ở đũng quần, bị hàng sau còn ngồi chồm hổm dưới đất xì xào chửi thề. Sáu Lặng gắt:
– Không được nói chuyện. Hai hàng đầu đi theo tôi!

Sáu Lặng xách một cây đèn bão cùng với Thuấn dẫn hai mươi người rẽ về phía trái, bước lên tam cấp vào một phòng học khác cách chỗ cũ chừng mười thước.

Đám người còn lại ngồi lặng dưới sương đêm, cố giữ im lặng, lâu lâu một vài người không dằn được bật lên ho khan. Ánh sáng khi mờ khi tỏ chiếu từ cây đèn bão còn lại hắt lên đám người ngồi bất động, Ngô trông giống như những bóng ma!

Im lặng nặng nề bao trùm lên mọi vật. Một trái hỏa châu từ bên kia sông bắn lên nghe vút như một mũi tên xé gió, kêu bụp một tiếng nhỏ, một đóm sáng rơi chậm rồi loé bùng lên, phủ chụp thứ ánh sáng vàng sẫm héo úa lên những tầng mây thấp. Mọi người ngước lên nhìn ánh hỏa châu, từng khuôn mặt bị nhuộm vàng như mặt người chết. Vài phát súng bắn lẻ tẻ ở gần đó. Rồi đột nhiên, ngay bên cạnh trường, súng nổ ran. Đám người ngồi trước sân nhốn nháo, vài người bạo gan nhổm dậy, rồi nhớ kỷ luật sắt lại ngồi xuống. Ðúng lúc đó, những họng súng trung liên từ các cánh cửa sổ phòng học chìm trong bóng tối khạt đạn như mưa vào đám người trước sân. Ngô không dám tin ở mắt mình, há hốc mồm nhìn cảnh tượng những thân xác gục ngã, quằn quại, rồi rũ xuống nằm vắt lên nhau. Tai Ngô ù đi, mắt chàng nhòa lệ. Chàng cảm thấy ngầy ngật chơi vơi như không dính liền với mặt đất. Xương sống chàng mềm lại, không đủ sức chống đỡ sức nặng của sợ hãi khủng khiếp. Ngô run lập cập, quị xuống gốc cây khuynh diệp lúc nào không hay. Chàng chỉ gượng dậy được khi nghe tiếng súng thưa bớt. Trên sân trường, mấy xác chết nằm ngổn ngang, có xác còn co giật, có xác oằn oại như thân rắn bị dí bẹp mất đầu.

Sáu Lăng dẫn hai toán người may mắn thoát án tử ra sân. Họ đã được cởi trói từ trước. Không ai dám hó hé tiếng nào, kể cả những bộ đội vừa từ thềm trường cầm súng bước tới chỗ đặt cây đèn bão. Sáu Lăng nói:

– Các anh là những người may mắn. Lệnh cấp trên là xử tử tất cả 170 người có nợ máu với nhân dân, nhưng vào phút chót, hai mươi người trong các anh được khoan hồng. Đáng lẽ phải chờ điểm danh xác nhận lý lịch cho đúng tên tuổi hai mươi người đó, nhưng không có thì giờ. Thôi, anh nào ngồi đúng vào hai hàng đầu là được khoan hồng, cho dễ tính. Có thể có người chết oan, và trong các anh đây có người sống oan. Nhưng chúng ta coi như mọi việc đã qua. Anh em thu dọn chôn cất nhanh rồi còn về với gia đình. Tôi cần bốn người vào mang cuốc xẻng ra. Gấp lên, phải làm xong trước khi trời sáng.

Bốn người thoát chết nhờ may mắn hăng hái mang dụng cụ ra. Trong một chốc, các xác chết hoặc cả những người còn hấp hối đều được khiêng đi, vất xuống các hào rộng cuối sân. Đám bộ đội ngồi trên thềm gác ngang khẩu AK lên đùi, chân bỏ thõng, phì phèo điếu thuốc nhìn cảnh làm việc rộn rịp hăng hái. Có thể chưa bao giờ người ta hăng hái đến bậc ấy. “Chiến trường” được dọn dẹp sạch sẽ, chóng vánh… Người ta bắt đầu lấp đất lên cái huyệt rộng. Cát sỏi rơi rào rào, chen lẫn tiếng gió hú.

Không đầy một giờ sau, mọi việc hoàn tất. Sáu Lăng và ba người bộ đội đi quanh một vòng kiểm tra. Sáu Lăng có vẻ bằng lòng. Anh ta vui vẻ bảo:

– Tốt lắm! Thôi anh em tập trung lại đây. Có ai có cây bút không nào. Vâng, cho tôi mượn tạm. Tôi cần một người lập hộ tôi danh sách hai mươi người được phóng thích để còn báo cáo với cấp trên. Anh bạn trẻ này, đứng ra lập danh sách giúp tôi đi.
“Anh bạn trẻ” ấy, không ai khác hơn là Diên. Ngô mừng quá, chạy ra vỗ vai Diên, lưỡi líu lại không nói được câu nào. Diên nhận ra Ngô, thì thào:
– Em may quá. Sẽ gặp lại anh sau để kể anh nghe nhiều chuyện khác.
Đám người thoát chết mừng rỡ đi lại tung tăng, nói năng ồn ào mất cả trật tự. Thuấn gắt:
– Hãy giữ trật tự nào! Xếp hàng như cũ đi, để anh bạn này ghi tên từng người làm giấy tha.
Mọi người ngoan ngoãn vâng lời, xếp hai hàng ngang và im lặng chờ Diên đến ghi tên. Sáu Lăng quay về phía đám bộ đội:
– Các đồng chí chuẩn bị rồi còn về ngủ. Sắp xong rồi!
Bốn người bộ đội còn đứng dưới sân bắt đầu lên các bậc cấp. Ngô đứng xớ rớ bên Diên, muốn giúp Diên hỏi tên từng người trước để cho nhanh việc. Sáu Lăng gọi:
– Ðồng chí Ngô đâu, lên đây họp một tí rồi còn về!
Ngô vỗ vai Diên, nói nhỏ:
– Gắng lên nhé! Tôi sẽ tìm cách gặp Diên sau!
Rồi bước nhanh tới chỗ bậc thềm. Sáu Lăng chờ Ngô bước vào phòng khép cửa lại, rồi nói thật lớn:
– Bắt đầu đi!
Bên kia phòng, súng lại nổ dòn hết loạt này đến loạt khác. Ngô chết điếng vì đoán được ngay những gì đang xảy ra ngoài sân.
Độ mười phút, tiếng súng im! Sáu Lăng nói bằng giọng chán nản, ngái ngủ:
– Bây giờ mới đến phiên chúng ta “công tác”. Nhanh lên còn về ngủ bù, các đồng chí!

***

Chương 70

Ngô về đến nhà lúc trời vừa sáng. Tâm hồn chàng bị chấn động dữ dội tới nỗi chàng hết ý thức được thực tại. Mọi vật trước mắt chỉ còn là những đường nét nhòe mờ, những di động thấp thoáng như nhìn qua một tấm kính cửa sổ đẫm nước. Ngô bước chếnh choáng y như người say rượu, tiếng động chung quanh dù nhỏ dù lớn đều lao xao đều đặn như tiếng gió thổi vào những cành thông. Chàng không nhớ từ ngôi trường âm u tử khí trở về căn nhà tạm làm cơ quan, bốn người cùng tổ công tác có nói chuyện với nhau không. Hình như có thì phải. Người nào đó có hỏi Ngô vài câu ngắn, Ngô cũng có đáp lại. Họ hỏi gì? Ngô đáp thế nào? Chịu! Chàng không nhớ gì hết!

Ngô cảm thấy mình trở thành một người khác, nguồn máu luân lưu trong người chàng dường như cũng khác. Cả trái tim đẩy dòng máu luân lưu đó cũng đổi nhịp hoạt động. Máu chảy nhanh hơn, đầu óc căng thẳng, tai lùng bùng, mí mắt nặng trĩu xuống. Nếu chàng thét lên được một tiếng cho thỏa, hoặc như con chó được tru thảm thiết giữa đêm khuya, may ra Ngô còn là Ngô. Nhưng chàng dật dờ chập choạng trong im lặng ẩn ức, nằm sấp xuống cái giường trải chiếu ẩm suốt buổi sáng hôm sau mà tâm hồn không tỉnh lại. Mặt giường như chao đảo, quay cuồng.

Cả bốn người đều nằm lăn ra ngủ nên trong căn nhà ngói mái thấp hoàn toàn im vắng.

Ban đầu, Ngô biết mình đang nghĩ lung tung từ ý nọ nhảy sang ý kia, nhưng không thể định được mình đang nghĩ gì. Về sau, quay nằm ngửa nhìn lên trần nhà định thần, chàng cảm thấy tỉnh táo hơn đôi chút. Chàng thấy rõ được những chỗ nối của các tấm ván ép, thấy được cả những nốt tròn màu đen của các tấm ván ép, thấy được cả những nốt tròn màu đen của đầu đinh đã rỉ sét. Chỗ trần nhà ngay phía chân giường, nước mưa dột làm loang lổ một khoảng ván ép, tạo một hình thù quăn queo răng cưa như những nét khó hiểu trong tranh siêu thực.

Ngô cố gắng hết sức vẫn không nhận rõ được ý nghĩ. Cuối cùng, chàng áp dụng cái mánh đã dùng lúc nằm trong lao Thừa phủ, là nói thầm cho chính mình nghe để tập trung các cố gắng vào một dòng duy nhất. Ngô nhấp nháy môi nói một mình:

- Nào! Hỡi những hình dạng vô nghĩa, những đường gỗ mốc ngoằn ngoèo. Chúng mày muốn nói điều gì? Không có gì để nói cả! Những giọt mưa mùa đông chảy ngoằn ngoèo trên những tấm ngói cũ lăn theo sức nặng không do mình có, không cần biết sẽ lăn đi đâu. Nếu một viên ngói không vỡ hay vữa nát, giọt nước sẽ lăn xuống máng xối. Nhưng có một chỗ thoát gần gũi nằm sẵn ở đây, chỗ chênh vênh này, thì cứ lăn xuống. Giọt nước chạm trên mặt ván ép. Nằm đó. Hơi ẩm mốc trên trần nhà giữ được giọt nước bao lâu? Không biết! Không cần biết! Cứ an nhiên đọng lại thành vũng ở đây. Mặt ván hút một phần, một phần bốc thành hơi làm tăng thêm hơi ẩm pha mùi phân chuột, bụi bặm có sẵn trong khoảng đen tối dưới mái. Màu ván sẽ thôi vì nước ẩm, thành những vết mốc màu nâu sậm.

Nước không thấm theo một đường kỷ hà, nên đường mốc uốn khúc ngẫu nhiên. Nó tạo ra hình thù gì đây? Không giống bất cứ vật gì đã thấy trong đời. Cứ cho nó giống với cái gì trừu tượng ma quái đi. Giống như một thứ ác mộng, một điềm kinh dị, một chuyện không thể tưởng tượng nổi, không nằm ở đúng trong ranh giới của sống và chết, thiện với ác. Nó là hình ảnh của cái thiện ẩn mình trong những hình dạng kỳ quái khó hiểu. Không thể được. Họa chăng nên nghĩ ngược lại, nó là cái ác vượt ra ngoài khuôn khổ của ngay thẳng. Trời hỡi! Có thể điều kinh hoàng ấy xảy ra được không? Người ta dẫm phải một ngọn cỏ đang xanh mơn mởn còn cảm thấy mũi giày ngập ngừng chùn lại ở bước tiếp.

Hồn ngọn cỏ bất hạnh dường như nhập vào một hơi gió heo may, oán trách lặng lẽ. Người ta rùng mình khi phải tự tay cắt tiết một con gà. Huống chi giết một con người! Một tên sát nhân điên cuồng nhất sau khi chùi bàn tay máu lên miếng giẻ còn chút ngượng ngùng để vội vã giấu miếng giẻ tang vật tội ác ấy vào chỗ kín đáo. Hắn còn biết sợ. Sau những cơn say bí tỉ, hắn còn thấy chập chờn trước mắt hình ảnh nạn nhân của hắn oằn mình dãy dụa trên mặt đất, đôi mắt lạc thần nhướng lên nhìn hắn nửa ngỡ ngàng nửa oán trách. Hắn mất ngủ nhiều đêm, tìm quên trong men rượu. Hắn có thể phạm tội cuồng sát lần nữa, rồi lần nữa, nhưng những lần sau hắn giết người như một bộ máy sát sinh chứ không còn như một con người. Tâm hồn hắn tê liệt. Hắn bị cái hình phạt khốc liệt nhất là bị tước đoạt linh hồn. Hắn sống mà như đã chết. Xã hội về sau nếu có khám phá ra tội ác của hắn cũng chỉ phán xử cái xác không hồn của hắn mà thôi.

Cái gì có thể đưa đẩy người ta tới chỗ có thể giết một lúc chừng ấy người, một cách thông minh bình tĩnh như vậy? Vì bản tính cuồng sát? Không đâu! Những người Ngô gặp hơn mười ngày nay đều bình thường như tất cả mọi người bình thường. Trong tổ, mình vẫn úy kỵ Sáu Lăng nhất. Hắn lầm lì, đôi mắt dữ, ưa xoi mói. Đúng là đôi mắt chuyên nghiệp. Nhưng mỗi lần chị Miềng kín đáo tỏ sự ân cần đối với hắn, như chia cho hắn một miếng cơm cháy dòn hơn miếng của Thuấn, nét mặt Sáu Lăng hân hoan thấy rõ. Khi có mặt chị Miềng, hắn thường lấy bàn tay vuốt lại tóc cho dễ coi hơn, ngồi ngay người ưỡn ngực lên cho bớt vẻ yếu đuối bạc nhược. Hắn yếu đuối tuy cố tỏ ra lạnh lẽo cứng cỏi. Nếu mình dẹp bỏ tự ái, chịu khó khen hắn vài câu, chịu khó ân cần nói chuyện với hắn, chắc chắn giao tình giữa mình và hắn không đến nỗi lạnh lẽo tệ hại như thế này! Con người đó nếu sống trong cảnh bình thường sẽ âm thầm chấp nhận một cuộc đời bình thường, đôi khi còn được khen là hiền lành chân chỉ hạt bột. Vậy cái gì đã giúp cho Sáu Lăng nghĩ được một cách "xử lý" lạnh lẽo thần sầu như thế? Cả những bộ đội tham dự vào cuộc tàn sát tập thể, vì sao họ ngồi hút thuốc bình tĩnh được như thế giữa đống xác chết trước mắt? Họ yên ổn tâm hồn như vừa tham dự một cuộc thánh chiến! Thánh chiến nào?...

Phải rồi! Người ta giết người an nhiên, dễ dàng còn hơn dẫm lên một ngọn cỏ, vì người ta được niềm tin che chở. Nhưng hãy xem lại nào! Kẻ đầu tiên khai thị một niềm tin bao giờ cũng bị chính người đồng thời miệt thị như một kẻ điên khùng làm rối loạn trật tự. Nhẹ thì xa lánh. Nặng thì bêu riếu làm nhục trước khi đem hành hình. Cỏ dại mọc trên nấm mồ vô chủ, như đã mọc trong trí nhớ. Quên lãng. Cấm kỵ. Rồi đến cái thời kẻ đó trở thành một bí nhiệm đủ sức xoa dịu những vết thương. Người điên và kẻ tử tội dễ trở thành thần linh. Cho tới lúc những tên buôn thần bán thánh tìm được cơ hội tốt để bày món hàng mới, những á thánh giả hiệu đông như kiến giữa số ít những á thánh chân chính. Đủ loại sấm ký ra đời, và từ đây kẻ giết người không giấu bàn tay hoen máu đi mà kiêu hãnh chùi bàn tay máu ấy lên ngực áo mình như một thứ huân chương. Cái thời ấy, mình đang sống đây. Những tên sát nhân tân thời đó, mình đang gần gụi. Họ giết chừng ấy người một cách thông minh, không hại sức. Xong việc thì an nhiên hút thuốc. Ngủ một giấc ngon lành, ăn một bữa cơm nóng, mọi sự coi như vẫn bình thường. Kinh khủng quá!

***

Chương 74

Sau khi quân cộng sản bị đánh bật ra khỏi Huế, cả thành phố đã trở thành một bãi tha ma!

Gần như gia đình nào cũng có thân nhân bị chết hoặc mất tích. Những người chết có may mắn được thân nhân hoặc người quen ở bên cạnh lúc nhắm mắt lìa đời, còn được vùi nông bên đường, ngay chỗ nằm xuống để chờ cải táng. Do đó ở đâu cũng thấy những nấm mộ mới, với nhiều cách ghi dấu để khỏi lầm lẫn với những ngôi mộ lân cận. Khi thì một viên gạch vỡ chôn một nửa xuống mặt đất. Khi thì một cây cọc cắm chéo cho dễ nhận. Đôi lúc là một mảnh giấy viết nguệch ngoạc tên họ người xấu số, người còn sống quên rằng cả mảnh giấy màu mực ấy không đủ sức chịu đựng được sương gió, tồn tại cho qua mùa chiến tranh.

Những xác chết vô thừa nhận, hoặc không có thân nhân, xác lính Bắc Việt và du kích Việt cộng, thì nằm nguyên ở nơi ngã xuống. Cái lạnh của thời tiết chỉ đủ giữ cho xác chết không sình thối nhanh mà thôi. Sang đến ngày thứ ba, thứ tư, tử thi căng lên, khuôn mặt tái xanh phì ra, ruồi đen bu đen trên hai hố mắt và vết thương. Những bộ áo quần rộng thùng thình bị sức căng của xác chết giật tung cả nút áo. Mùi tanh thối bắt đầu tỏa khắp không khí. Những con chó đói, những con heo lâu ngày không có chủ nuôi, phá chuồng chạy rong ngoài đường tìm tới những cái xác vô chủ ấy, gặm nát chân tay, mặt mũi tử thi.

Huế khuỵu xuống, trở thành tàn tật, vì cánh tay "Trường Tiền" thân ái ôm choàng hai bờ tả hữu ngạn sông Hương đã gãy lìa. Từng người dân Huế cũng khuỵu xuống, trở thành tàn tật, vì sau cơn phong ba, dù may mắn được sống sót, họ không thể nào quên được những kinh nghiệm hãi hùng làm họ bàng hoàng đến tận cuối đời. Kinh nghiệm đó thay đổi đời họ, thay đổi cách họ nhìn, thay đổi cách họ cảm xúc, cách họ phán đoán, cách họ yêu ghét. Những thanh sắt cầu bị oằn, những cành cây bị gãy, những mảnh ngói bị vỡ, những thân kèo cột bị cháy, những bức tường bị đổ đều trở thành những vết thương không bao giờ lành. Thời gian qua đi, bên ngoài có thể vết sẹo đã liệp với những khoảng da khác khó nhận ra được, nhưng bên trong, những vết thương đó vẫn âm ỉ. Lâu lâu, khi thời tiết đổi thay, dù là thời tiết của trời đất bốn mùa hay thời tiết của tâm hồn, vết thương cũ lại tái phát, làm đau nhói người dân Huế.

* * *

Nhân loại mau mắn tìm đủ cớ yên tâm với sự chém giết nhau ngoài mặt trận. Đó là quy luật tự nhiên của cuộc chiến: "Tao không giết mày, thì mày cũng giết tao!"

Nhân loại cũng yên tâm dấn mình vào những cuộc thánh chiến: "Giết kẻ tà đạo là một nghĩa vụ thiêng liêng!"

Từ đó bọn sử quan cung đình không dè dặt phong thánh cho lũ bạo chúa, lũ hiếu sát, lũ lưu manh gặp thời vì vua chúa là "Con Trời", nắm được "Thiên Mệnh!"

Nhưng vụ thảm sát của Cộng sản tại Huế, cho tới nay, vẫn còn làm cho rất nhiều người chép sử bàng hoàng, thắc mắc. Họ muốn lịch sử, dù trong những giai đoạn rối rắm phức tạp nhất, cũng phải có sự hợp lý tương đối.

Sau khi tìm thấy và khai quật 19 mồ chôn tập thể quân cộng sản để lại cho Huế, người ta thấy những người bị giết thuộc đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi, và "được" chết theo đủ cách: hoặc chết mà hai tay bị trói quặt bằng dây điện thoại, hoặc chết mà "được" nhét giẻ vào mồm, hoặc may mắn thân thể nguyên lành không một vết thương vì "được" chôn sống.

Ngôi mộ tập thể được khám phá đầu tiên hôm 26/2/68 ở trường trung học Gia Hội, với 170 xác: tác phẩm tuyệt vời của Sáu Lăng. Mấy tháng sau đó, người ta tìm thêm được một vài nơi chôn xác nữa ở chùa Tăng quang (67 xác), Bãi Dâu (77 xác), Chợ Thông (100 xác), Khu Lăng (201 xác), Thiên hàm (200 xác), Đồng Gi (100 xác). Tổng kết có tới gần 1200 xác bị vùi nông trong những huyệt tập thể đào vội, lấp vội.

Sang đầu năm 1969, tháng 3 và 4, người ta lại tìm thêm những hầm xác khác tại các đụn cát hiu quạnh của quận Hương thủy và Phú thứ. Sang tháng 5, thêm các mồ tập thể được phát hiện ở quận Vinh lộc, và một số khác ở quận Nam hòa tìm ra vào tháng 7. Riêng tại các đồi cát ở Vĩnh lưu, Lê Xá đông và Xuân ổ, người ta đào được trên 800 xác.Tháng 9-1969, hầm xác khổng lồ ở Đá mài được tìm thấy, tiếp theo là hầm xác ở làng Lương viên, quận Phú thứ tìm ra tháng 11-1969.

Trong cuốn The Viet Cong Strategy of Terror, ông Douglas Pike viết năm 1970, tác giả cho rằng con số tối thiểu bị cộng sản tàn sát trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân ở khu vực Huế phải lên tới 5700 người. Căn cứ vào 800 xác khai quật được trong những đợt đầu, Douglas Pike đưa ra bảng thống kê phân loại các nạn nhân như sau:

- Thành phần quân nhân VNCH 30%
- Thành phần công chức VNCH 10%
- Phụ nữ 5%
- Trẻ em dưới 16 tuổi 5%
- Không thể xác định được lý lịch 50%


Nếu những người bị "xử lý" đều thuộc 30% quân nhân và 10% công chức phục vụ cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, thành phần cộng sản vẫn gọi chung là "bọn phản động, kẻ thù của nhân dân, của Cách mạng", thì các nhà chép sử còn tạm yên tâm, tạm thấy sự hợp lý trong cuộc thánh chiến giả mạo.
Đằng này, người ta tìm ra được xác những đàn bà, trẻ con chưa hề nhận được chút ơn mưa móc nào của chính quyền miền Nam, trong lúc dấu vết còn lại cho thấy cái chết của họ không do tai nạn, hoặc ngẫu nhiên. Họ bị xử tử, và những đao thủ phủ của họ hành động một cách bình tĩnh, không vội vàng, không hốt hoảng.

Vì sao vậy?

Cho tới nay, vẫn chỉ lối giải thích của ông Douglas Pike có vẻ hợp lý nhất.

Ông cho rằng trong thời gian chiếm Huế và vùng phụ cận, lực lượng cộng sản đã trải qua ba giai đoạn hành động khác nhau, tùy thuộc vào cách lượng giá tình hình của họ.

Giai đoạn 1: Là vài ngày đầu bất thần xâm nhập và chiếm được hầu hết khu vực của Huế. Quân cộng sản được lệnh chỉ ở lại Huế tối đa một tuần, không lâu hơn. Do đó, trước khi về Huế, họ đã lập sẵn danh sách những "bọn ác ôn, kẻ thù của cách mạng" cần phải thanh toán. Một số có tên trong sổ đen rủi ro bị họ bắt được. Thế là họ lập tòa án nhân dân, tuyên án, và hành quyết công khai để thị uy. Một số khác họ cần khai thác tin tức, nên không giết mà đưa vội lên mật khu để hỏi cung, lấy tin.

Giai đoạn 2: Sau khi thấy phản ứng của quân đội VNCH và quân đội Hoa Kỳ yếu ớt, do dự, Cộng sản nghĩ rằng họ có thể chiếm được Huế lâu dài. Muốn vậy, phải bắt tay "xây dựng chính quyền cách mạng", phải tiêu diệt một cách có hệ thống tất cả trật tự cũ. Do đó, cộng sản tàn sát không phải những cá nhân, mà cả một thành phần. Bản án để gài lên tử thi kẻ bị hành quyết không có tên họ mà chỉ là mấy chữ "thành phần phản động" ghi trên lệnh "xử lý" viết tay. Các vụ hành quyết cũng đổi hình dáng. Không có tòa án, không xử công khai. Mà hành quyết tập thể, khuất lấp, không cho dân chúng được chứng kiến hoặc bén mảng tới gần.

Giai đoạn 3: Trước sức phản công mạnh mẽ của quân đội Hoa kỳ và Việt Nam Cộng hòa, Cộng sản nhận định rằng không thể nào giữ Huế được. Phải rút lui khỏi Huế. Cái khó là bọn nằm vùng đã lộ diện hết suốt thời gian chiếm đóng. Cho nên trước mắt, phải giết hết những người chứng kiến hoạt động của cộng sản tại Huế, kể cả những đứa trẻ chưa làm gì để có lý lịch xấu, những phụ nữ suốt đời tảo tần nuôi con, những cụ già sắp lìa đời vì già yếu bệnh tật...Cuộc thanh toán diệt khẩu tuy vội vã, nhưng được tính toán trong bình tĩnh.

Douglas Pike giải thích thật hợp lý! Thứ hợp lý của Lịch sử Mù lòa!

... "

Trích "Mùa Biển Động" của Nguyễn Mộng Giác




No comments:

Post a Comment