Lăng Cha Cả
Giọng đọc: Thanh Phương
Chị Nga vừa mua một căn phố nằm trên đường Võ Di Nguy nối dài. Mặt tiền đối diện với Lăng Cha Cả và cổng trại Phi Long. Chồng chị Nga là một Trắc Họa Viên phục vụ tại phi trường Cần Thơ. Anh chị giao cho Hòa cai quản căn nhà. Tầng dưới, bà Nghĩa mướn mở tiệm phở. Tầng căn gác dành cho Hòa.
Lăng Cha Cả là phần mộ Cha Bá Ða Lộc. Những bia mộ mang tên Pháp, Bồ Ðào Nha… nằm hiu quạnh trong khu nghĩa địa nhỏ sau Lăng. Ðã từ lâu tiếng đồn có ma thỉnh thoảng xuất hiện trong lăng nầy. Thường là bóng một người đàn ông mặc áo thụng đen của ông cố đạo. Thoảng hoặc bóng một dì phước mặc áo trắng đứng ủ rũ bên chân mộ vào lúc nửa đêm.
Lúc nhỏ Hòa nỗi tiếng gan lì lại hay tò mò , thích nghe những mẩu chuyện kể về ma quái. Hắn từng lén lút đọc bộ sách Liêu Trai Chí dị của Bồ Tùng Linh nằm trong tủ sách mà cha Hòa giữ gìn rất cẩn thận.
Thuở ấy, vào những đêm tối trời, mỗi lần mẹ sai chị Nga qua nhà bác Hai xin trầu là chị đùn ngay cho Hòa lấy cớ bận làm bài tập hay học bài thi. Thực ra chị Nga rất sợ phải qua nhà Bác Hai trong đêm tối.
Gia đình bác Hai cách nhà Hòa một khu vườn rộng. Cuối vườn có miếu thờ Thổ địa. Chiếc đèn dầu sáng leo lét trong am phủ đầy bóng tối âm u của cây đa cổ thụ. Chữ Thần màu đỏ viết bằng chữ Hán nét lớn trên bức bình phong chập chờn dưới cành lá lay động trong đêm. Dù được tiếng là bạo dạn nhất nhà, nhưng mỗi lần qua đó trống ngực Hòa cũng đập liên hồi như tiếng trống dục trong mùa đua ghe. Hòa hãi nhất là tiếng tắc kè từ gốc đa cất lên bất chợt.
Giờ đây dù đã trưởng thành, tính tò mò cố hữu của Hòa vẫn còn thúc đẩy hắn tìm xem tận mắt ma như thế nào. Vì vậy, những đêm đi dạy kèm trẻ tại tư gia về khuya, Hòa không quên đảo một vòng quanh lăng mộ Cha Cả.
Căn phố sát vách Hòa là tiệm may được trưng bày khá sáng sủa. Hiệu may rất đắt khách và nổi tiếng trong vùng. Chủ tiệm là một người đàn ông trung niên, góa vợ. Ðộ một tháng, sau ngày Hòa dọn đến ở, người chủ hiệu may tổ chức lễ cưới thật linh đình. Họ hàng, khách dự đều là những người sang trọng. Ðám rước dâu có bốn chiếc xe hơi bóng nhoáng. Cô dâu nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu. Tuy trong ngày vui mà đôi mắt cô ấy ẩn chứa nỗi buồn sâu thẳm. Ngược lại chàng rể thân hình phốp pháp cười rạng rỡ đi bên cô vợ trẻ đẹp.
Ðêm động phòng của đôi tân hôn, người chồng ôm xác vợ chạy dọc theo dãy phố kêu cứu như điên như cuồng. Cô dâu uống thuốc ngủ quyên sinh. Hàng xóm giúp chú rể đưa nàng đến bệnh viện súc ruột, nhưng bất lực. Trái tim cô đã ngừng đập bởi liều thuốc quá mạnh. Trái tim nàng chỉ dành cho người mình yêu thương. Không tiền bạc, thế lực nào có thể cướp được trái tim chung tình đó.
Vì món nợ không trả nổi của cha mẹ, nàng đã ưng thuận lấy người chủ nợ. Giấy nợ được xé bỏ sau giờ rước dâu. Cô dâu tự hủy đời mình trước giờ hợp cẩn. Ðiều đáng ca ngợi là nàng tìm cái chết để giữ lời nguyền ước với người yêu.
Chú rể chịu cảnh góa vợ thêm lần nữa. Ông buồn rầu đóng cửa hiệu, treo bảng bán nhà. Dãy phố đã vắng vẻ bây giờ càng vắng vẻ hơn.
Nơi tiếp giáp sân sau nhà Hòa với hiệu may có cây trứng cá cổ thụ khá cao, cành lá sum suê tỏa mát trên hai sân rộng. Hòa đã lợi dụng cây trứng cá với lan can căn gác làm trụ cho một xà đơn. Vào sáng sớm hay sau giờ học khuya, Hòa thường treo mình trên “barre fixe” ấy hít thở cho trí óc bớt căng thẳng.
Qua mười hai giờ đêm, khu Lăng Cha Cả chìm trong bóng tối. Vài ngọn đèn đường vàng nhạt không đủ sáng cho khu phố trong những đêm tối trời. Ánh đèn pha từ trạm gác cổng của đơn vị kiểm soát vào phi trường quân sự chốc chốc quét một luồng sáng ma quái lướt trên khu nghĩa địa.
Sau cuộc chính biến năm 1963, chính phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ, Sài Gòn liên tiếp xảy ra những biến động chính trị. Ðặc công bên kia lợi dụng tình hình rối ren tăng cường khủng bố. Lúc thì rạp hát bị nổ mìn, khi thì nhà hàng bị đặt plastic. Mùi chiến tranh đã phảng phất giữa lòng thủ đô Sài gòn. Riêng khu vực Lăng Cha Cả lại rất êm ả. Các nhà chứa mỗi ngày mọc nhiều hơn. Khách tìm hoa đêm nào cũng tấp nập.
Sau ngày cúng Thất tuần của cô dâu bạc mệnh, người ta phao tin hồn cô ấy cứ hiện về lởn vởn vào lúc quá nửa đêm, khi thì mặc áo cưới, lúc bộ bà ba trắng. Con ma treo mình trên cành cây trứng cá, vắt vẻo, đu đưa. Hàng xóm xầm xì với nhau và nhìn Hòa với ánh mắt ái ngại…
Ðường lên căn gác là một cầu thang hẹp bắc dọc theo vách ngoài hiên nhà. Bên khung cửa sổ, là bàn học Hòa ngồi hàng đêm. Ánh đèn điện rọi qua màn cửa, hắt vài luồng ánh sáng mỏng lên chòm lá đen ngòm của tàng cây trứng cá. Gió thổi đu đưa cành lá làm chao động vệt sáng trên cây tựa bóng người mặc áo trắng chập chờn.
Đã đến kỳ thi tốt nghiệp Ðại học Văn khoa. Hoà phải ôn tập bài vở đến một hai giờ khuya mới đi ngủ. Thân thể mệt nhoài, Hòa vừa nằm xuống là giấc ngủ ập tới ngay.
– “Anh , anh !” Trong giấc mơ, Hòa nghe tiếng chim kêu lanh lảnh.
-“Anh , anh !” lại một âm thanh khác trầm đục như tiếng gõ vào miệng chum bằng sành.
– “Anh , anh , anh !” Tiếng kêu ngân lên như tiếng chuông nhà thờ dục con chiên đi lễ sáng.
– “Anh , anh !” Bây giờ không còn là tiếng chuông mà như tiếng vọng của hồn ma réo lên từ nhà mồ. Trong giấc ngủ u u minh minh, Hòa nghe tiếng gọi “anh” mỗi lúc một rõ. Bàn tay chàng bị đè lên bởi một vật gì rất lạnh. Cái lạnh không phải của nước, của sương. Cái lạnh nhớp nháp nhờn nhờn như của loài ma trơi vất vưởng ngoài đồng! Cái lạnh bò dần vào cánh tay trong rồi toàn thân Hòa bị một khối đen phủ lên đè nặng khiến chàng nghẹt thở. Chàng cố vùng vẫy nhưng bất lực, miệng ú ớ. Một cái lắc mạnh vai chàng:
– Anh ! em đây, em đây mà!
Rõ ràng là tiếng một người con gái. Hòa mở mắt nhìn, kinh hãi: Một bóng ma ! Bóng ma trắng nõn nà bên thành giường! Hòa rút vội tay về và ngồi ngay dậy. Cơn say ngủ chưa tỉnh hẳn. Chàng còn ngỡ đó là ánh trăng. Trăng sáng lờ mờ rọi qua khung cửa sổ. Ánh sáng loang tỏa căn phòng một màu trắng vàng lạnh trung hòa với màu trắng bóng ma ! Hòa giụi mắt, định thần. Bóng ma vạch mùng ngồi lên giường. Hòa khiếp hãi thét lên:
– Ai đấy?
– Em đây , giọng run run yếu đuối của người bị kiệt sức. Bóng ma tiến vào,
Hòa lui sát vách tường. Bóng ấy tiến theo, Hòa sợ quá thét lên:
– Ngồi im đó.
Ánh trăng bây giờ sáng tỏ hơn và tỏa đều trên thân thể người con gái không một mảnh vải. Mái tóc đen dài xõa trên nửa khuôn mặt trắng xanh và che khuất một phần bộ ngực trắng ngần vun cao. Bây giờ đã hoàn toàn tỉnh ngủ, Hòa với tay bật đèn. Người con gái vội cản:
– Xin anh đừng cho đèn sáng, em sợ ánh đèn lắm !
Hòa thầm nghĩ : Chỉ có ma quỷ mới sợ ánh đèn, sợ ánh mặt trời và lửa. Ðối diện với chàng chẳng lẽ là quỷ hiện hình? Quỷ trong thân xác của một người con gái? Trí nhớ Hòa vụt hiện ra khuôn mặt trắng bệch, thân thể mềm nhũn của cô dâu tự vẫn ở tiệm may bên cạnh. Toàn thân Hòa bỗng dưng lạnh toát! Miệng chàng khô khốc, muốn la lên mà lưỡi thì líu lại. Muốn chạy thoát khỏi giường nhưng đôi chân chàng lại tê cứng. Hình như bóng người đối diện đoán biết cơn sợ hải của Hòa vội vàng lên tiếng:
– Xin anh bình tĩnh , em tên là Lan ở bên lầu bà Thúy.
Lầu bà Thúy là nơi chứa gái hạng sang, ở vùng nầy ai cũng biết. Hòa điềm tĩnh trở lại và nhủ thầm : “Từ Lầu bà Thúy thì không cần hỏi lý lịch cũng biết cô gái nầy là ai”. chàng vội vất tấm drap mỏng cho nàng che thân. Cô gái quàng vội tấm vải lên người rồi kể tiếp:
– Em đang đi khách thì bọn “Cớm” (*) ập vào phòng. Em chưa kịp mặc áo quần đã phải vọt qua cửa sổ chạy băng qua các nóc nhà. Khi đến đây bị đuối sức em đã rớt từ trên cao xuống sân gạch. Hình như em đã ngất đi một thời gian khá lâu, khi tỉnh dậy tìm đường thoát thân mà chẳng có lối ra. Cuối cùng, thấy căn gác nầy không đóng cửa, em đã đường đột vào đây, mong anh tha lỗi và cho em được trốn tránh qua đêm nay.
Hòa ngỏ ý bật đèn sáng để tìm cho nàng bộ đồ mặc tạm. Nàng ngăn lại và giải thích:
– Thấy sáng đèn, cảnh sát đô thành sẽ nghi ngờ đến đây xét nhà. Thôi thì cho em mượn bộ pyjama anh đang mặc cho đỡ lạnh. Em nằm ngoài sương ướt cả mấy tiếng đồng hồ rồi!
Cảm thương thân phận ả giang hồ, Hòa không thể chối từ lời đề nghị đó.
Cô gái vừa mặc xong quần áo thì tiếng gõ cửa soát nhà vang lên. Nàng vội vã nằm xuống, kéo mền che cả mặt. Sự sợ hãi quá độ khiến chân tay cô run rẩy như người bệnh sốt rét lên cơn. Nắm lấy tay Hòa, với đôi bàn tay hoàn toàn mất tự chủ, nàng lắp bắp van lơn:
– Cứu… em , xin anh… nhận… em… là… vợ… anh… nhé…
Tiếng gõ cửa thêm dồn dập. Với áo lót quần đùi, Hòa vội vàng xuống nhà mở cửa. Nhìn ra trước lộ, chàng thấy lực lượng võ trang đứng giăng hàng ngang dọc theo khu phố. Cảnh sát địa phương và ông khối trưởng khu phố yêu cầu cho xét nhà và kiểm tra tờ khai gia đình. Hòa cho biết gia đình bà chủ tiệm phở không ở đây. Chàng chỉ là sinh viên thuê căn gác trọ học. Họ bàn thảo với nhau một khắc rồi bỏ sang nhà bên cạnh. Hòa trở lên căn gác. Cô gái run sợ lúc nãy, bây giờ hoàn toàn tươi tỉnh. Hòa ngạc nhiên khi nhìn thấy cô nàng đã cởi bỏ hết áo quần từ bao giờ. Chàng hỏi:
– Sao lại làm vậy? Cô gái bảo :
– Nếu bọn cảnh sát lên đây kiểm soát thì em đóng vai là vợ anh! Nàng vừa trả lời vừa ôm chầm lấy Hòa và hôn tới tấp trên má, trên môi chàng.
Cô gái thì thầm:
– Anh đã cứu mạng em, anh là ân nhân của đời em!
Nàng siết chặt Hòa trong vòng tay nồng nàn và sẵn sàng dâng hiến. Ðôi vú căng đầy ép vào ngực Hòa khiến cơn dục tình của họ trương lên cực độ và hai thân thể quyện lấy nhau.
Trời vừa hừng sáng, Lan đã đánh thức Hòa dậy. Nàng van nài chàng cố gắng tìm một bộ đồ nữ.
Giờ nầy, phố chợ chưa mở cửa, vả lại Hòa chẳng có bà con hàng xóm nào gần gũi quen thân.
Áo quần Hòa thì quá rộng cô bé không thể dùng được. Ðang lúng túng, Hòa chợt nhớ tới chiếc vali đựng tư trang của người bạn gái mang gởi trước khi về quê nghỉ Hè. Trong rương gồm ít sách vở, một bộ chemise quần, hai bộ áo dài đồng phục nữ sinh. Hòa mừng rỡ định lấy ra cho nàng bộ chemise quần, nhưng cô bé ngỏ ý mượn bộ áo dài trắng, nàng bảo:
– Anh vui lòng cho em mặc bộ nầy, hôm sau giặt ủi tươm tất sẽ mang trả cho anh.
Lan mặc chiếc áo dài rất vừa vặn. Trên ngực áo nổi bật bảng tên trường nữ trung học Gia Long – Trần Thị Phượng – 11A.
Trước khi từ giã, nàng xin Hòa cuốn tạp chí Phổ Thông cầm nơi tay. Với mái tóc thề ngây thơ, khuôn mặt thanh tú và chiếc áo dài trắng thướt tha, chẳng một ai nghi ngờ Lan là “gái làm tiền”.
Bước chân ra đi vội vã, khuôn mặt nàng trở nên lạnh lùng, cứng cỏi mất hẳn nét yếu đuối của đêm qua.
Nhật báo ra ngày hôm sau có một bản tin đặc biệt đăng tải nơi trang nhất:
“Nhận được tin mật báo, vào lúc 12 giờ đêm ngày 13-6-1967, các đơn vị an ninh Ðô thành và Gia Ðịnh đã phối hợp bao vây một cuộc họp của VC nằm vùng tại căn lầu 120 đường Trương Minh Ký thuộc khu vực Lăng Cha Cả. Kết quả bắt được 5 tên. Trong số nầy có một đội trưởng Ðặc công Biệt động Thành. Số khác chạy thoát. Bọn chúng giả dạng là khách “mua dâm” và gái “gái làng chơi” để qua mặt lực lượng Cảnh sát. Chủ nhà là bà Phan Thị Ðãi, tên thường gọi bà Thúy hiện đang bị câu lưu để điều tra.”
Bản tin trên đối với Hòa cũng như một số sinh viên, học sinh khác ở thủ đô chẳng có gì quan trọng. Họ rất vô tư trước thời cuộc. Hòa xem qua để rồi quên lãng. Duy có một điều làm Hòa bận tâm là chờ đợi cô gái tên Lan mang trả bộ áo quần.
Qua ba ngày, rồi một tuần lễ, cô gái vẫn biệt tăm. Hòa không tin là Lan đã dễ dàng quên lời hứa và quên cả ơn cứu giúp của chàng nhanh đến vậy. Hòa còn nhớ rõ thái độ rất nghiêm túc khi nàng ghi tên họ và số nhà của Hòa vào một mảnh giấy.
* * *
Thường ngày, Hòa về nhà rất khuya, phải mất ba tiếng đồng hồ kèm trẻ mỗi đêm. Hôm nay, ngày Rằm tháng Bảy, ngày Xá Tội Vong Nhân, chàng được về sớm. Vừa đặt chân đến đầu hiên nhà là Hòa đã nghe tiếng mõ tụng kinh. Bà Nghĩa chủ tiệm phở đón chàng ở cửa, hỏi:
– “Mấy bữa nay em có thấy điều gì khác lạ không?”
Hòa đang ngơ ngác, bà Nghĩa tiếp:
– Cách đây mấy đêm, ma xuất hiện lẩn quẩn trong khu nầy. Hồn cô dâu hiện về khua động trên mái nhà. Hàng xóm thấy bóng một cô gái trần truồng – A Di Ðà Phật – mái tóc của Ngài đen tuyền dài đến gót chân. Ngài đi lên chiếc cầu thang nầy đây, đến cửa ra vào thì biến mất. Bà Nghĩa vừa nói vừa chỉ chiếc cầu thang lên căn gác của Hòa ở, rồi tiếp:
– Hôm nay tôi mời thầy đến đây cúng cô hồn, đồng thời trừ yểm không để “Ngài về quấy phá nữa.” Nói xong bà chắp hai tay trước ngực niệm: Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát!.
Bên gốc cây trứng cá là một bàn hương án có đủ lễ vật cúng cô hồn, có cả hình tượng một người con gái mặc áo cô dâu bằng giấy mã.
Hòa nhíu mày suy nghĩ: “Bóng con ma trần truồng” chẳng lẽ cô gái tên Lan là quỷ hiện hình? Cô từ lầu bà Thúy chạy băng trên nóc nhà rồi rớt xuống cái sân nầy. Ma và người làm sao có thể lẫn lộn được. Chàng nhớ khá rõ cái đêm hôm ấy. Thân thể Lan rất nồng ấm và nụ hôn cũng rất trần tục! Duy có một điều mà giờ nầy Hòa còn ngờ vực. Cô gái rất vụng về trong lúc làm tình không như gái làng chơi đã từng điêu luyện trong nghề. Hòa có cảm giác là cô bé lần đầu tiên biết thế nào là cơn tột đỉnh tình dục. Như thế, nhất định nàng không phải là ma, nhưng nàng có đích thực là gái điếm?
* * *
Tình hình chiến sự ở Cần Thơ có phần nặng nề, chị Nga phải đưa bầy con về Sài Gòn. Bà Nghĩa, chủ tiệm phở phải trả lại nhà cho gia đình chị ở. Địch quân gia tăng cường độ pháo kích vào các phi trường, vì vậy khu dân cư nằm quanh vòng đai sân bay Tân Sơn Nhất , nhà nào cũng phải có hầm trú ẩn tránh pháo.
Những ngày cận kề Tết Nguyên Đán, các gian hàng quanh chợ Bến Thành nhộn nhịp. Tiếng rao hàng hòa với điệu nhạc mừng Xuân càng thêm náo nức. Chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ cũng tấp nập người là người. Những cành mai, cành đào, búp xanh mơn mởn. Những chậu kiểng được cắt tỉa công phu, đầy nghệ thuật và đủ các loại hoa tràn ngập cả một đoạn đường. Các chuyến xe đò cũng đầy nghẹt khách về quê ăn Tết.
Khác với mọi năm, đã cuối ngày ba mươi tháng chạp mà đường phố ngoại ô Sài Gòn vẫn còn đông người qua lại. Họ rảo bước về một nơi nào đó như cho kịp chuyến xe cuối cùng. Một số khác, thoạt trông như những chàng tân binh trốn quân trường về nhà ăn Tết. Họ mặc quần áo lính trông lôi thôi lếch thếch. Khuôn mặt người nào cũng mang nét khẩn trương. Xe tuần tra của Quân Cảnh Mỹ-Việt cũng không thấy xuất hiện ở những khu phố có nhiều quán rượu như thường ngày.
Trời vừa nhá nhem tối, dăm ba bàn thờ lẻ loi được đặt trước hiên nhà chuẩn bị đón giao thừa. Anh rể của Hòa nhắn tin không thể về ăn Tết vì lệnh cấm trại vào giờ chót. Chị Nga cùng gia đình ăn bữa cơm cúng rước ông bà trễ tràng và nguội lạnh.
Ðường phố vắng lặng , chỉ còn nửa tiếng đồng hồ nữa là đến giờ Giao Thừa , bỗng có tiếng người la lớn: “VC bà con ơi!”
Anh thanh niên vừa báo động vừa chạy băng qua đường. Một loạt đạn AK từ trong lăng mộ bắn đuổi phía sau lưng, anh ngã xuống nằm sóng soải trên mặt đường, máu tuôn lênh láng. Từ cổng trại Phi Long, những tràng đại liên cũng bắt đầu quạt liên hồi. Tiếp theo là tiếng nổ của các loại súng, lựu đạn vang lên tứ phía. Quân Giải phóng tấn công vào Bộ Tư Lệnh Không Quân trước giờ Giao Thừa.
Chị Nga hấp tấp lùa bầy con vào hầm trú ẩn. Hòa bò ra cửa, nhìn qua khe hở. Ðiện đường tắt ngấm, phố xá lờ mờ. Hướng bên bờ thành cổng trại Phi Long, loáng thoáng nhiều bóng người đội nón tai bèo, vai quàng khăn dù núp sau bia mộ.
Tiếng súng bỗng dưng ngưng bặt. Sự yên ắng lạnh lùng bao trùm cả khu phố. Mọi người nằm thiêm thiếp trong hầm. Chợt có tiếng gõ cửa, rồi giọng nói của người đàn ông thúc bách:
– “Mở cửa, Quân Giải Phóng đây !”
Không ai trả lời…!
– “Mở cửa, nếu chậm trễ sẽ giựt mìn sập nhà!”
Chị Nga đẩy Hòa vào ngách hầm, trấn những bao cát còn lại lên cao, chị ra mở cửa. Một nữ cán bộ VC mặc bộ bà ba đen, vai mang một khẩu súng ngắn và túi dết bên hông. Theo sau là người du kích với áo quần màu xanh, nón tai bèo, hai tay ghìm khẩu AK. Một người khác đứng chắn ngang cửa.
– Nhà có mấy người? Anh du kích trừng mắt hỏi.
– Tôi và bốn đứa con. Chị Nga trả lời.
– Chúng nó đâu?
– Trong hầm.
– Gọi ra mau !
Chị Nga theo lệnh vào hầm đẩy bốn đứa nhỏ ra đứng bên chị. Chúng nó sợ hãi, khuôn mặt đứa nào cũng đầm đìa nước mắt.
Từ lúc vào nhà đến giờ, nữ cán bộ Cách Mạng lặng lẽ quan sát mọi ngóc ngách trong nhà, chợt y thị hỏi:
– Tên Hồ Phú Hòa đâu?
Chị Nga giật mình nhủ thầm : Sao nó biết tên em trai mình?
– Nhà tôi không có ai tên Hồ Phú Hòa. Chị Nga điềm tĩnh trả lời.
Người du kích quát:
– Cơ sở Cách mạng nắm hết danh sách hộ khẩu, các người đừng hòng che giấu.
Khuôn mặt lạnh lùng của nữ cán bộ khẳng định:
– Tên Hồ Phú Hòa là sinh viên trọ học tại nhà nầy.
Chị Nga lấy lại được bình tĩnh, tỏ vẻ thành thực tiếp lời:
– Ồ, đúng rồi, nó là sinh viên ở tận ngoài Trung, mướn căn gác nhà tôi trọ học. Nó về ngoài đó ăn Tết đã hơn tuần nay!
Người du kích nghi ngờ, quét một đường pin sáng vào hầm rồi lên tiếng đe dọa:
– Nói dối với Cách mạng là bị trừng trị đấy nhé, Hắn quát lớn:
– Chuẩn bị ném bộc phá vào hầm!
Chị Nga thất kinh, lạnh cả người. Chợt người nữ cán bộ bảo:
– Không cần thiết, rồi ra lệnh rời khỏi nhà.
Y thị quay nhanh ra cửa, người cận vệ bước theo.
Nín thở trong hầm, Hòa lắng nghe những mẩu đối thoại vừa rồi. Chàng để ý đến giọng nói nhè nhẹ êm êm của người nữ cán bộ Cách Mạng. Giọng miền Nam rất quen thuộc, giống hệt tiếng nói của Lan, người con gái đã mượn bộ quần áo dài của Phượng cách nay hơn một năm .
Ngoài đường phố đột nhiên chân người chạy rầm rập. Bộ điện đàm của máy truyền tin kêu xè xè bên hông nhà. Ðèn dù của máy bay thả sáng rực cả bầu trời Tân Sơn Nhất. Tiếng súng lại bắt đầu nổ đều khắp. Không riêng gì khu vực Hòa ở mà hầu hết Sài Gòn.
Pháo đón giao thừa ở Thủ đô thay bằng tiếng súng. Rượu nồng chúc Xuân chỉ còn là máu của lương dân vô tội ! Ðạn pháo kích của quân Giải phóng rít lên từng hồi rơi bừa bãi trong khu đông dân cư.
Ðồng hồ vừa điểm bốn giờ sáng. Mọi khi, giờ nầy đã nghe tiếng gà gáy bên căn nhà số 80 của ông Tư gà đá. Hôm nay, gà cũng tắt giọng vì khiếp sợ.
Tiếng súng giao tranh từ hướng Bộ Tổng Tham Mưu vọng về càng lúc càng dữ dội. Riêng khu vực trại Phi Long, trận chiến dần dần lắng dịu. Từng tốp trực thăng rầm rập bay lượn trên bầu trời.
– “Chi Lăng gọi Quyết Thắng! Chi Lăng gọi Quyết Thắng!”
– “Quyết Thắng nghe Chi Lăng.”
– “Quyết Thắng báo cáo tình hình khu vực trách nhiệm. Nghe rõ trả lời.”
– “Quyết Thắng nghe rõ năm trên năm.”
Hòa nhận ra tiếng điện đàm truyền tin quen thuộc của lính Cộng hòa. Chàng kêu chị Nga dậy và báo tin mừng là quân ta đã giải tỏa khu phố mình ở. Hòa vội vàng hé cửa nhìn ra đường, trời đã hừng sáng. Lực lượng Biệt Ðộng Quân đã chiếm lĩnh toàn thể khu vực Lăng Cha Cả và cổng trại Phi Long.
Nhìn bóng dáng của người lính chiến nơi chiến trường còn vương khói súng, lòng Hòa xúc động. Khuôn mặt chị Nga đẫm lệ và nước mắt Hòa cũng rưng rưng. Nước mắt của nỗi vui mừng và lòng biết ơn dâng tràn.
– “A lô ! a lô! đồng bào chú ý. Cộng sản Bắc Việt đã lợi dụng giờ hưu chiến Tết Mâu Thân đồng loạt tấn công vào Thủ đô Sài Gòn, Thành phố Huế và nhiều nơi khác. Ðồng bào hãy bình tĩnh ở yên trong nhà. Quân đội đã giải tỏa toàn thể khu vực Tân Sơn Nhất và đang lục soát, truy lùng tàn quân Bắc Việt trên toàn vùng.Xin nhắc lại : Đồng bào ở yên trong nhà.”
Ðó là nội dung bản thông cáo được phát ra từ chiếc loa phóng thanh của toán Tâm Lý Chiến.
Hòa mở rộng cửa, ánh nắng ban mai chóa lòa. Nhìn sang phía sau lăng mộ, bất chợt, Hòa trông thấy một phần tà áo dài trắng vắt qua tường thành nghĩa địa. Vạt áo phất phơ theo từng cơn gió xuân đã gợi tính tò mò của Hòa.
Bất giác, Hòa chạy băng qua đường, nhảy qua tường rào. Trước mắt Hòa là xác một cô gái mặc áo dài trắng dựa lưng vào góc tường. Máu đọng vũng quanh nàng ướt đẫm chiếc quần bà ba đen, một đoạn ruột trào ra nơi bụng .
Mái tóc đen dài kẹp chúm vắt qua vai phủ lên ngực áo. Ðầu ngả sang một bên che một phần khuôn mặt trắng bệch. Ðôi mắt mở trừng trừng, hiện rõ nốt ruồi đen nằm giữa hai hàng lông mày giáp nhau. Hòa giật mình nhận ra khuôn mặt của Lan. Chàng hất tung lọn tóc phủ trên ngực, bảng tên nữ sinh trường Gia Long còn đậm nét hiện ra trên ngực áo : Trần Thị Phượng -11A.
Ôi! Chiếc áo của Phượng mà chàng đã cho cô gái này mượn. Chiếc áo đã giúp cho nữ cán bộ Biệt Động Thành nầy qua mặt được lực lượng Cảnh sát truy lùng một năm trước đây. Hòa đã che giấu nàng và hai người đã qua một đêm ân ái.
Một niềm thương cảm bỗng dưng tràn ngập lòng Hòa. Chàng định đặt xác nàng nằm xuống ngay bên cạnh, chợt thấy trên ngôi mộ đối diện có chiếc khăn dù, Hòa nhặt lên rồi trải trên khoảng đất bằng phẳng. Ðoạn, chàng nâng hai vai tử thi kéo về hướng có chiếc khăn dù. Bỗng – đoành – tiếng nổ xé trời, khói tỏa mù mịt Hòa ngã xuống ! Một quả lựu đạn đã tháo chốt an toàn nằm dưới lưng của người nữ cán bộ đã phát nổ.
Bóng ma thoáng qua óc Hòa rồi dần dần lịm tắt!
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
No comments:
Post a Comment