Saturday, October 23, 2021

Nhánh Phong Lan Đen - Lãng Tử




Giọng đọc: Nguyễn Đình Khánh

Lão già Kha chậm chạp kéo bình bát thuốc lào tới trước mặt đưa tay xe tròn điếu thuốc lào trong bình bên cạnh, lão cẩn thận nhét thuốc vào nỏ, khều to ngọn đèn dầu leo lét, mồi thanh đóm bằng tre khô trên ngọn lửa, lão đưa tay với dọc tẩu cắm một đầu vào bình bát đầu kia ngậm vào miệng. Mỗi cử động đều được làm một cách thong thả nhưng không kém phần trịnh trọng. Cuối cùng lão đưa thanh đóm đã thắp sáng lên nhấp nhẹ cho cháy đều thuốc, và kéo một hơi dài, nhúm thuốc lào sáng lên và biến mất vào nỏ. Từ bình bát những tiếng kêu ro ro trong trẻo vang lên dòn dã, đều đặn. Âm thanh vừa dứt lão Kha đã ngửa người ra ghế, mắt nhắm lại như muốn quên hết mọi sự, khói thuốc tuôn ra từ mồm và mũi thành từng sợi dài quyện trong không gian tạo thành những hình lập thể kỳ dị. Qua màn khói mờ ảo, gương mặt nhăn nheo của lão hiện ra dưới ánh đèn dầu lờ mờ càng làm cho khung cảnh thêm phần ma quái...


Bốn đứa chúng tôi quen lão Kha vào một dịp tình cờ, sinh trưởng tại hải đảo Phú Quốc, nhà cùng xóm nên chúng tôi kết thân nhau dễ dàng. Bốn đứa mê hoa từ thuở nhỏ, nhất là loại hoa phong lan mọc trong rừng rậm trên những tàn cây cao. Chúng tôi bỏ nhiều thời giờ để chăm sóc lan, cả bốn đứa đều đồng ý trồng một vườn hoa lan chung, cả ngày chúng tôi cặm cụi moi móc trong rừng để kiếm những loài phong lan mới lạ. Nhờ thế, vườn lan càng ngày càng tươi tốt với gần trăm loại lan. Dầu vậy chúng tôi vẫn chưa thỏa mãn, nghe đồn ở khu rừng nào có loại lan lạ, chúng tôi đều mò tới kiếm bằng được. Một lần, có người khách thương buôn tiêu đã kể cho chúng tôi biết trên miệt Ngành Gió, lẫn trong những rừng sim bát ngát có một lão già, lão chuyên nghề trồng lan, toàn là thứ phong lan quý và hiếm. Thú mê lan đã quyến rũ chúng tôi. Mùa xuân năm đó, lúc hoa mai nở vàng, chúng tôi quyết định thu xếp đi tìm lão già để học thêm nghề trồng lan.

Sau mấy ngày đường mệt mỏi nhờ dân bản xứ chỉ dẫn, chúng tôi đã tới được vườn lan của lão già tên Kha.

Lão Kha tiếp đãi chúng tôi một cách niềm nở, ở giữa rừng hoang hiu quạnh này thỉnh thoảng có khách lạ ghé thăm là quý rồi, càng quý hơn nữa chúng tôi tới để chiêm ngưỡng vườn lan của lão. Những người cùng sở thích thường dễ thân thiết, nên sau khi biết rõ mục đích, lão Kha vui vẻ hướng dẫn chúng tôi ra thăm vườn lan.

Tọa lạc trên một khu đất khá bằng phẳng, vườn lan của lão Kha rợp bóng mát nhờ những cây cổ thụ cao. Vừa bước vào cổng vườn, hương lan đã tỏa lan thoang thoảng, hàng trăm cụm lan đủ màu sắc được treo lơ lửng hoặc đặp trên những thân cây. Nhiều loại lan thực kỳ lạ mà chúng tôi chưa thấy bao giờ, tất cả đều trổ bông khoe màu nổi bật trên những tàn cây lá xanh rì. Một giòng suối nhỏ lờ lững chạy qua càng tăng thêm vẻ thanh nhã. Đi giữa rừng lan ngào ngạt hương thơm tai nghe tiếng chim ríu ro, suối chảy róc rách mà tưởng chừng như đang lạc vào thế giới thần tiên.

Lão Kha thật khéo chọn chỗ, vườn lan của lão có cỏ làm thảm, suối chảy làm hồ, bóng mát làm nhà. Lão vui vẻ nói với chúng tôi:
- Loài phong lan này lạ lắm các cậu ạ, không giống những loại hoa khác, nó thuần về khí âm nên phải trồng nơi có bóng mát. Nhiều người cứ tưởng phải trồng nó dưới ánh mặt trời là tốt nhưng như vậy đừng hòng nó trổ hoa, phong lan cũng như nàng kiều nữ, phải biết chăm sóc, nưng niu, chỗ ở phải thoáng khí nhất là khung cảnh càng thanh nhã nó lại càng tươi tốt. Tôi lựa mãi mới được một chỗ như vậy.

Thật vậy, vườn lan lão Kha xứng đáng là một tuyệt tác, những cánh lan vươn lên giữa từng cụm lá xanh khoe nhụy trông thật quyến rũ, giống như vẻ đẹp mộc mạc của những giai nhân của miền rừng núi thiên nhiên. Thôi thì đủ loại: Bạch lan, Huyết Tử lan, Nhất Điểm, Loạn Điểm, Hoàng Thanh lan, Thanh Tử lan..., đặc biệt những hàng Mộc lan và Ngọc lan được trồng chung quanh vườn càng tăng thêm vẻ quý giá. Tới giữa vườn, chúng tôi chợt trông thấy một nấm mộ xanh cỏ nằm giữa những bụi lan tím, điểm một vài chấm đỏ thẫm. Loại lan này có lẽ là Tử Vi lan mà chúng tôi chỉ nghe nói tới trong sách vở. "Lão già Kha này thật kỳ cục," chúng tôi thầm nghĩ, "ai lại đen chôn người chết vào giữa rừng lan quý làm giảm bớt đi vẻ mỹ thuật của nó." Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn, trước bia mộ một bông hoa to lớn màu đen và héo úa từ lúc nào được đặt torng một hộp bằng thủy tinh trong suốt. Chúng tôi nhìn nhau thắc mắc, chưa bao giờ nghe nói tới một loài hoa nào màu đen tuyền như vậy. Có lẽ lão Kha đã ngắt một cánh hoa dại nào tặng người đã khuất, rồi theo thời gian cành hoa tàn úa đổi ra màu đen.

Như đoán được ý nghĩ của chúng tôi lão Kha hỏi:
-Mấy cậu lạ lắm hả, phong lan đó, nhưng là thứ lan đặc biệt trải qua bao năm trời, dù héo úa nó vẫn giữ màu đen của thuở ban đầu.

Lão Kha thở dài, đưa mắt nhìn ngôi mộ đoạn ngậm ngùi tiếp:
-Tôi trải qua trăm nghìn khổ cực mới đem nó về được... Nhưng các cậu xuống tắm rửa rồi còn dùng cơm nữa chứ, lâu quá không được nói chuyện, các cậu ở lại với lão già này vài ngày được không?

Cơm nước xong xuôi thì trời đã vừa tối, lão Kha đưa bọn tôi ra vườn để uống trà ngắm trăng lên. Trời vào xuân, cây cối đã nở hoa ngồi dưới bóng trăng nghe gió thổi rì rào, thoang thoảng đâu đây đưa lại mùi hương nhẹ nhàng của đủ loại lan, chúng tôi chợt cảm thấy tâm hồn siêu thoát xa hẳn vòng trần tục.
Lão Kha từ từ mở mắt, hơi thuốc lào ngấm vào người làm mắt lão trở nên lờ đờ mệt mỏi. Đưa tay nhắc tách trà sen đang bốc khói, lão chiêu một ngụm, xong xuôi, lão đưa mắt nhìn bốn đứa tôi:

-Các cậu muốn biết về nhánh phong lan đó phải không? Để tôi kể cho các cậu nghe về nó, và để các cậu hiểu tại sao tôi phải chôn đời mình trong chốn thâm sơn kỳ bí này. Lão thở một hơi dài, đôi mắt đăm chiêu nhìn lên khoảng không gian trước mặt như cố nhớ lại dĩ vãng, đoạn từ từ kể:

"Khoảng sáu mươi năm về trước, lúc đang tuổi thanh niên, thú vui độc nhất của tôi là chơi lan, tôi say mê lan như người nghiền thuốc phiện, ở bất cứ lúc nào ăn, uống, làm việc, thậm chí đến cả lúc ngủ tâm trí tôi cũng đều nghĩ về lan, suy nghĩ về cách trồng tỉa, cách gieo giống để lan được tươi tốt.

Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, cha tôi làm nghề buôn bán nơi xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Trong nhà chỉ còn mình tôi là con một nên mẹ tôi hết sức cưng chiều. Tôi bỏ học hành, để ngoài tai lời khuyên răn của mẹ, chỉ để tìm thú vui bên cạnh những bụi lan. Nhờ chịu khó chăm sóc, nên chẳng bao lâu vườn lan của tôi được nhiều người biết đến. Nhưng như vậy còn chưa đủ, tôi còn học hỏi thêm cách gây giống giữa các hoài lan. Nghe đồn ở đâu có loại lan lạ, tôi đều mò tới cố mua đem về để tăng thêm vẻ đẹp cho vườn lan. Thỉnh thoảng theo lời bạn bè khuyên, tôi mở những cuộc triển lãm cho mọi người xem. Trong xuốt thời gian đó tôi đi thật nhiều nơi, lần nào cũng nhận được sự hoan nghênh của những khách mộ điệu lan.

Có lần, nghe đồn ở ngoài khơi; trong vịnh Thái Lan có một hòn đảo, trên đảo có mọc những loài phong lan thật quý. Bất chấp lời ngăn cản của bạn be thân thích, tôi khăn gói ra đi sau khi biết rõ hòn đảo đó là Phú Quốc.

Sau mấy ngày lênh đênh trên biển tôi tới được đảo như lòng mong muốn, tàu cặp bến ở phía nam đảo Phú Quốc. Hồi đó vùng này thật hoang sơ, chỉ vài mái nhà tranh lụp xụp chen lẫn trong dãy núi trùng điệp. Được cái phong thổ ở đây hiền lành, không gây nguy hiểm cho những người mới tới như tôi. Cái khó khăn là làm sao kiếm được người dẫn đường để đi tìm phong lan, chớ quả thật tôi không dám đi một mình vào chỗ rừng núi xa lạ như vậy. Nhờ có sẵn tiền bạc tôi thuê được ba người thổ dân và bốn con ngựa. Hàng ngày chúng tôi xục xạo trong những khu rừng gần đó để kiếm phong lan.

Khoảng một tuần sau tôi đã kiếm được nhiều loại phong lan, nhưng tôi vẫn chưa bằng lòng vì không thấy cụm nào quý giá xứng đáng với công khó nhọc của tôi. Thấy tôi có vẻ chán nản, một người thổ dân nói với tôi:
-Thầy thử đi lên miệt Cửa Lấp cách đây một ngày đường, biết đâu chẳng có loài lan lạ.

Đã trót tốn công, tôi cũng đâm liều nghe lời, dắt mấy người thổ dân thu xếp hành lý đi về phía Cửa Lấp, chúng tôi cắm lều ở bìa rừng và tiếp tục công việc tìm kiếm lan.

Một hôm sau những giờ mệt nhọc trong rừng thẳm, tôi và ba người thổ dân dừng chân bên một giòng suối dưới những tàn cây lớn. Sau khi ăn lương khô mang theo, chúng tôi mỗi người kiếm chỗ mát để nằm nghỉ mệt. Gió mát cùng với tiếng suối reo rì rào, tiếng chim ca hát làm tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đang thiu thiu ngủ, tự dưng tôi giật mình thức giấc, một nỗi sợ hãi chạy dài theo xương sống, trực giác báo cho tôi biết tôi đang gặp nguy hiểm.

Mở choàng mắt tôi ngồi bật dậy, eo ơi, tới giờ này nghĩ lại mà tôi còn rùng mình sợ hãi. Ngay trước mặt tôi, một con rắn hổ mang lớn bằng cườm tay đang cất cao đầu đong đi đong lại. Cái lưỡi đỏ hỏn như tia máu không ngớt thụt vào thụt ra, đôi mắt bằng hai hạt đậu lóe sáng như muốn thôi miên con mồi trước mặt.

Tứ chi tôi bỗng dưng bủn rủn, mặt tái mét, mồ hôi toát ra, miệng tôi khô đắng, máu trong huyết quản như khô lại, tôi muốn với tay lấy con dao quắm, loại dao đi rừng bên cạnh người, nhưng tay tôi không còn vâng lệnh đầu óc, hệ thống thầm kinh hệ đã bị tê liệt, tôi chỉ còn cách mở trừng đôi mắt nhìn tử thần đang đong đưa trước mặt. Tôi đếm được rõ ràng từng chiếc vảy trên bộ mang đen láng đang phồng to của nó. Con rắn hổ ngẩng đầu từ từ tiến tới càng ngày càng gần...

Tôi nhắm mắt lại để tránh nhìn hình dáng trước mắt, tai tôi chỉ còn nghe gió thổi thì thào như lời ru của thần chết. Bất chợt lẫn trong tiếng gió rung cây, tôi nghe như có tiếng vật gì xé gió bay lại. Mở choàng mắt, tôi thấy con rắn hổ đang quằn quại, một mũi tên xuyên qua đầu ghim chặt xác rắn xuống đất, một giòng máu rỉ ra theo thân tên ngấm vào mặt đất làm thành những vết loang lổ ghê rợn. Tôi hoảng hồn thầm nghĩ: "Quả đúng là thần xạ, Dưỡng Do Cơ tái thế cũng chỉ bằng vậy là cùng."

Ngẩng mặt lên tôi tìm kiếm, bên kia giòng suối cạnh bụi sim rừng đang nở hoa tim tím một kỵ nữ gọn gàng trên lưng ngựa đang nhìn tôi với đôi mắt ngạc nhiên, tay nàng cầm một chiếc cung xinh xắn màu đen nhánh. Chính chiếc cung và tài thiện xạ của nàng vừa cứu tôi thoát chết. Kỵ nữ trạc độ mười tám tuổi, mày thanh mắt sáng, chiếc mũi dọc dừa với đôi môi đỏ mọng càng làm cho gương mặt trái xoan thêm phần kiều diễm. Bộ quần áo chẽn màu đen bó sát người làm nổi bật những đường cong diễm ảo. Mái tóc dài được cột bằng chiếc khăn đen phất phơ trong gió. Kỵ nữ có một vẻ đẹp kỳ bí của những đóa hoa dại vùng sơn cước, nàng xuất hiện thật bất ngờ như trong chuyện thần tiên! Tôi đang say mê nhìn thì nàng chợt lên tiếng:
-Lần sau có ngủ, nhớ coi chừng cẩn thận.

Nói xong, nàng quay ngựa tiến vào con đường mòn trước mặt. Mãi khi bóng ngựa khuất sau những chòm lá rậm rạp, tôi vẫn còn ngẩn ngơ trông theo.

Lúc này ba người thổ dân đã thức dậy, một gã đến bên tôi cầm xác con rắn hổ lên tiếng:
-Loài rắn này độc ghê gớm, ai bị cắn là khó lòng chữa trị, cũng may phước đức thầy còn dài nên mới gặp cứu tinh. 

Tôi ngơ ngẩn hỏi:
-Mấy chú biết thiếu nữ vừa rồi là ai không:
Ga thổ dân rút trong lưng ra con dao, mổ bụng rắn lấy chiếc mật dính máu bỏ vào miệng nuốt một cách ngon lành, xong xuôi gã trả lời:
-Tôi không nhìn thấy mặt, nhưng căn cứ vào mũi tên này thì chắc chắn là Hắc Y Nữ Kiều Tú Lan, cả hòn đảo này ai mà không biết đến tài thiện xạ của nàng.

Gã vừa nói vừa đưa tôi xem mũi tên, ở chuôi tên một chữ 'Lan" được khắc vào một cách xinh xắn. Tôi thẫn thờ cầm mũi tên nhìn vào khoảng rừng đối diện, mơ hồ như thấy mình vừa khám phá ra một loài hoa quý với những huyền bí bao quanh.

Trong ngày hôm đó kéo dài tới mấy ngày sau, đầu óc tôi lúc nào cũng cứ lẩn quẩn về hình bóng người thiếu nữ kỳ lạ. Hai Tửng, tên gã thổ dân thân tín tôi mướn có lẽ cũng biết tâm sự của tôi nên bảo:
-Thầy muốn gặp cô Lan thì phải đi lên miệt Nghành Gió, từ đây tới đó mất độ ngày đường, nếu thầy muốn tôi xin dẫn đường.

Tôi mừng quá, ngày hôm sau gởi lại chỗ trọ mấy bụi lan vừa kiếm được và cùng Hai Tửng cưỡi ngựa lên Ngành Gió.

Nhờ người chỉ đường, tôi và Hai Tửng tới được nhà Kiều Tú Lan không mấy khó khăn. Đó là một trang trại rộng lớn nằm giữa một thung lũng của hai dãy núi. Trang trại thật đẹp, có vườn tre xanh bao quanh, cổng trang được làm bằng những thân tre lớn ghép lại, ngay bên trên, ba chữ "Kiều Gia Trang" được làm bằng đốt trúc vàng thật đẹp mắt. Thấp thoáng sau mấy bụi trúc, vài mái nhà tranh ẩn hiện càng tăng thêm vẻ thơ mộng. Vừa bước vào cổng, một con đường lát bằng những viên đá cuội trắng dẫn đến một căn nhà ba gian, mái bằng tranh, vách bằng trúc dùng làm nơi tiếp khách. Trang trại có lẽ đã được xây cất lâu đời nên phong cảnh có vẻ thật tự nhiên.

Kiều lão tiếp tôi thật niềm nở, người hải đảo đãi khách lạ như bạn bè thân thiết. Sau khi biết rõ mục đích tôi tới để tìm hoa lan, Kiều lão vui vẻ dành cho tôi một gian phòng ở phía sau trang, chỗ gần giòng suối cho tiện việc chăm sóc lan.

Chiều hôm đó, trong bữa cơm, tôi gặp lại Kiều Tú Lan. Thật lạ lùng, nàng trông khác hẳn với lần trước tôi gặp. Với bộ đồ màu trắng, thắt yếm cài trâm, nàng như một khuê nữ e lệ trước người khách lạ. Sau bữa ăn, nàng không nói năng gì, chỉ lo dọn dẹp và đi mất trước cặp mắt ngơ ngẩn của tôi.

Trong tuần đầu tiên, tôi tìm mọi cách để nói chuyện với Kiều Tú Lan nhưng không có dịp. Cho đến một hôm, trời tối trằn trọc không ngủ được, nhỏm dậy tôi thay đồ và đi ra phía bìa rừng chỗ thác nước. Trời hôm đó thật đẹp, trăng mười sáu chiếu dải vằng vặc trên vạn vật, mùi hoa dại phảng phất đau đây, lẫn trong tiếng rì rầm của thác nước. Tại chân thác, giòng nước từ trên cao đổ xuống phản chiếu ánh sáng của trăng làm thành một giải lụa bạc khổng lồ tuôn dài, đổ xuống tạo thành trăm nghìn hạt châu bé nhỏ rơi chìm khuất trong suối nước. Phong cảnh thật nên thơ và hữu tình. Bất chợt một mô đá cao gần đó, tôi thấy một bóng trắng đang ngồi mặt hướng về đầm nước. Đến gần, tôi nhận ra Tú Lan. Không hiểu giờ này nàng ngồi đây làm gì, có lẽ nàng chưa thấy tôi, tôi nhẹ nhàng tới bên nàng và hỏi:
-Thưa cô, cô đang ngắm trăng ư?

Thoáng giật mình Tú Lan quay laị, nhận ra tôi nàng nhoẻn miệng cười.
-Anh đấy ư, Anh không ngủ lại ra đây làm gì.
-Tôi hơi khó ngủ nên muốn đi dạo, tình cờ gặp cô ở đây, xin lỗi đã làm cô giật mình.

Tôi trả lời rồi hỏi tiếp:
-Cô đang ngắm gì vậy?
Tú Lan đưa tay chỉ giòng suối và đáp:
-Anh coi kìa, ánh trăng lung linh trong giòng suối thật đẹp, những đêm trăng sáng tôi thường ra đây ngắm trăng.

Nói đoạn nàng đứng lên và tiếp:
-Tôi về kẻo cha tôi mongï.
-Tôi xin phép đưa cô về được không?

Tú Lan không trả lời, nàng đứng lên và quay gót. Dáng đi yểu điệu của nàng mờ ảo dưới ánh trăng. Tôi lặng lẽ theo sau, gió đêm thổi xào xạc, mùi hương từ người nàng lan tỏa cộng với mùi hoa nở về đêm thoang thoảng làm tôi ngây ngất, tôi thầm ước mong quãng đường sẽ dài bất tận. Tới gần nhà, nàng chợt quay lại bảo tôi:
-Cám ơn anh, giờ xin phép cho tôi về trước.

Nhìn theo bóng nàng mờ khuất sau rặng trúc, tôi cảm thấy một cảm giác bâng khuâng len lỏi trong hồn. Lặng lẽ tôi trở về phòng, lên giường cố ngủ, nhưng cả đêm đó tôi trằn trọc không tài nào chợp mắt được. 

Tôi tá túc ở Kiều gia trang được khá lâu, trong khoảng thời gian này, tôi đã làm quen được gia đình Tú Lan, nhưng thủy chung tôi vẫn chỉ gặp Tú Lan được vài lần.

Tôi về lại đất liền cùng mớ phong lan kiếm được, nhưng thay vì sung sướng vì đã hoàn tất công việc tôi lại đâm ra suy tư mơ mộng. Cứ hồi tưởng những ngày ở Kiều gia trang. Tôi chợt phát giác ra mình đang yêu Tú Lan một cách đắm đuối say sưa. Trong đầu óc tôi lúc nào cũng hiện ra hình bóng nàng. Tình yêu thật lạ lùng, nó làm tôi lười biếng trong công việc. Trước kia tôi chăm chỉ chăm sóc hoa bao nhiêu, bây giờ tôi lại thờ ơ bấy nhiêu.

Hai tháng sau, tôi lấy cớ tìm hoa lan, trở lại Kiều gia trang lần nữa.

Có lẽ Kiều lão cũng biết tôi thương Tú Lan nên thường tìm dịp để tôi và nàng nói chuyện. Tôi và Tú Lan nhiều lần gặp gỡ, nhưng thủy chung nàng vẫn giữ thái độ của một khuê nhi.

Mấy tháng sau, tôi trở về đất liền, rồi trước sự ngạc nhiên của bạn bè và bà con thân thuộc, tôi tuyên bố sẽ lập gia đình, cha mẹ tôi tán thành ngay chuyện đó vì tôi cũng đã trưởng thành. Tôi nhờ người dạm hỏi Tú Lan, và mùa xuân năm đó chúng tôi cưới nhau vào lúc hoa mai vàng đua nhau nở, chào đón xuân sang.

Tôi đưa tất cả gia sản của về ở Kiều gia trang, trước để chăm sóc Kiều viên ngoại trong lúc tuổi già, sau vì nơi đây khí hậu thật tốt cho việct trồng lan. Thời gian này là quãng đời êm đẹp nhất của tôi và Tú Lan. Ngoài những giờ chăm sóc hoa lan, chúng tôi đưa nhau đi săn nai ở Suối Lớn, tắm ở Suối Tiên, hái sim ở Hang Yến, thưởng mai ở rừng mai Cửa Cạn, câu cá ở Bãi Đầm, cùng đi du ngoạn mọi nơi, từ An Thới lên tận bắc đảo...

Tú Lan thật là một người vợ tuyệt vời, nàng chăm sóc tôi từng li từng tí chưa hề làm tôi phật ý lần nào.

Chúng tôi lấy nhau được hơn năm thì Kiều lão qua đời, sau khi chôn cất Kiều lão xong xuôi, chúng tôi tiếp tục mở mang Kiều gia trang cho ngày một lớn. Một hôm nhân lúc lục chồng sách về y học, tôi tìm được một cuốn gia phả của giòng họ Kiều. Lật xem phần đầu chỉ nói về xuất xứ của họ Kiều, tới gần cuối, tôi chợt chú ý đến mấy đoạn sau:

"Giòng họ Kiều nhà ta, mấy đời làm quan Ngự Y dưới triều Nguyễn. Đến lượt ta, một hôm đi hái thuốc ở núi Thất Sơn, tình cờ cứu được một lão già đang bị trăn quấn. Để tạ ơn, lão cho ta biết một bí truyền về phép trường sinh, trong đó mọi vị thuốc đều có thể kiếm được ngoại trừ một cánh hoa phong lan đen. Ta chưa bao giờ nghe nói tới loài Hắc lan này, tấu trình lên Chúa Thượng, ngài cho phép ta đi mọi nơi để kiếm; thời buổi loạn lạc, quân Tây Sơn đang đánh dồn tứ phía, ta biết kiếm đâu bây giờ...

...Chúa Thượng thua to, phải lên đường chạy ra biển. Ta cùng gia đình tháp tùng ngài chạy ra đảo Phú Quốc. Trong hoàn cảnh gian nan, nhưng ta vẫn suy nghĩ tới loài lan đen. Trong xóm chài ở An Thới, phía nam đảo, có một bô lão đã từng được nghe nói về phong lan đen. Ta hỏi lão được biết theo lời tổ tiên kể lại, trong dãy núi trùng điệp của miền cực bắc Phú Quốc, có một cây quế nghìn năm, trên ngọn cây quế có mọc một loài hoa lạ màu đen. Tổ tiên lão đã nhiều lần muốn lấy nhánh hoa, nhưng một cặp rắn Hắc Hổ luân chuyên nhau canh giữ loài hoa lạ.

Chúa Thượng rời đảo Phú Quốc nhưng ta và gia đình vẫn phải ở lại với sứ mệnh tìm ra loại hoa Hắc lan. Trải qua trăm nghìn nguy hiểm ta đã thấy được loài lan đen, những thần vật đã được canh giữ kỹ, ta xả thân cố gắng nhưng vô ích... Những người theo ta đều chết vì hơi độc của loài rắn hổ, chỉ riêng ta nhờ phương thuốc gia truyền của tổ tiên để lại thoát chết, lần mò về được tới nhà...

Ta viết những giòng gia phả này để con cháu sau này nhớ đừng bao giờ kiếm cách lấy cành Phong Lan Đen kẻo nguy hiểm đến tánh mạng. Phần ta tuy thoát chết nhưng ngày càng bệnh nặng. Chúa Thượng có lần hỏi đến, nhưng ta biết nói sao với ngài. Ta suy nghĩ nhiều đêm mà vẫn không tìm ra giải pháp... Thần vật phải đổi bằng máu.... Linh hồn đổi lấy sự linh thiêng... Kỳ vật cho thần vật..."

Đọc xong những giòng gia phả, coi tên tuổi, tôi thấy đó là của ông tổ Tú Lan. Gấp sách lại rồi, nhưng những giòng chữ cứ nhảy múa mãi trong đầu óc tôi, phần cuối của đoạn gia phả thật khó hiểu nó làm tôi hoang mang không ít. "Hắc Lan," một cái tên lần đầu tiên tôi được nghe tới. Hôm sau tôi hỏi Tú Lan, nàng cũng như tôi chưa được nghe nói tới bao giờ. Có lẽ cụ tổ của nàng sau khi thoát chết không kể lại hoặc nhẽ nàng là phận gái nên cha nàng không cho biết. Tôi hối tiếc đã không biết chuyện này sớm hơn, lúc cha Tú Lan còn tại thế, có thể ông sẽ cho tôi biết rõ ràng hơn.

Đoạn gia phả ám ảnh tôi theo ngày tháng, tôi đã có đủ hầu hết các loại lan quý, nhưng loài hoa lan đen này có lẽ là quý nhất, là vua của loài lan chăng. Thú phiêu lưu mạo hiểm thúc đẩy tôi mãi, một hôm tôi cho Tú Lan biết là có ý muốn đi tìm cây Phong Lan Đen, Tú Lan bảo tôi:
-Anh nên quên nó đi là hơn, ông tổ em đã suýt chết vì nó, thần vật đã được canh giữ làm sao lấy được.

Tôi không trả lời Tú Lan, chỉ cười bảo nàng:
-Mấy cụ lúc xưa chỉ ưa sợ hão, hơn nữa không chuẩn bị đầy đủ làm sao lấy được hoa, để anh đi và lấy cành hoa về em coi.

Thế rồi tôi sắm sửa hành trang lên đường, tôi chuẩn bị thật kỹ càng, mang đi tám người thổ dân mạnh khỏe. Để chắc ăn tôi còn mang theo cặp súng bắn đạn ghém cỡ lớn dùng để săn voi do bố tôi trao tặng. Chính tay tôi giữ một, còn một tôi đưa Hai Tửng giữ.

Tú Lan không yên lòng, nàng cũng đòi đi theo, thế là chúng tôi một bọn mười người khởi hành kiếm nhành Phong Lan Đen. 

Mấy ngày sau chúng tôi bước vào vùng rừng núi ở miền Bắc đảo. Đường đi càng ngày càng hiểm trở khó khăn, chúng tôi vượt qua Khu Tượng và đi mãi lên trên. Ở đây rừng núi thật hoang vu, không dấu chân người. Bọn thổ dân phải thay nhau chặt cây lấy lối đi. Có nơi đi qua, cây cối rậm rạp che lấp cả ánh mặt trời, có chỗ lá rụng thành bùn ngập tới đầu gối. Ngày đi đêm nghỉ, chúng tôi kiếm lòng vòng như thế được hai tuần và vẫn chưa thấy dấu hiệu nào của cây Hắc Lan. Tôi nản lòng chưa biết tính sao, buổi chiều hôm đó, sau cắm trại xong xuôi, Hai Tửng cùng một gã thổ dân khác đi săn kiếm thức ăn. Không bao lâu gã trở về với một con nai tơ và bảo tôi:
- Cách đây không xa, có cái hồ, thầy muốn lại đó tắm rửa gì không?

Tôi mừng quá, mấy ngày rồi không biết kiếm được chỗ nào để tắm. Cả bọn nhổ trại và đi tới chỗ Hai Tửng nói. Đó là một hồ nước thật trong, rộng khoảng năm mươi thước, thấy rõ ràng từng hòn đá cuội trắng phau dưới đáy, một vài bông sen nở to trên mặt nước, vài con cá chép lờ lửng đớp mồi càng tăng thêm vẻ nên thơ. Tắm rửa xong, chúng tôi ăn uống và đi ngủ. Sáng hôm sau thức dậy đi vòng quanh hồ quan sát, tôi thấy nước hồ được đưa tới bằng một con suối từ trên đỉnh núi gần đó tuôn xuống rồi tràn vào hồ và chảy xuống miền hạ du. Tôi chợt có ý định đi ngược giòng suối xem thử nước từ đâu đưa tới, thế là cả bọn chúng tôi khăn gói lội ngược giòng suối lên đỉnh núi.

Sau một ngày trời mệt nhọc, chập tối hôm đó chúng tôi mới tới được đỉnh núi, nhưng vẫn chưa kiếm được nguồn suối. Tất cả đành phải hạ trại để nghỉ mệt. Sáng hôm sau lúc mặt trời mới lên, tôi đả hối thúc mọi người dọn dẹp để tiếp tục. Mới qua khỏi rặng cây lim sù sì, trước mặt tôi hiện ra một khug cảnh thần tiên: Một thung lũng nhỏ nằm giữa đỉnh núi, giữa thung lũng, một cái đầm mênh mông xuất hiện, trong đầm từng đàn thiên nga đuổi nhau quang quác, và những con nai nhỏ đang uống nước ở ven đầm bên những hàng dương liễu uốn mình cạnh bờ suối. Chim chóc líu lo ca ngợi buổi bình minh, hoa lá xôn xao đón mừng ngày nắng ấm. Xa xa phía bên kia đầm, một tàn cây cao ngất ngưỡng cành lá xum xuê vươn cao lên giữa đám cây cối mịt mùng. Tôi thầm nghĩ: "Có lẽ nhánh phong lan đen ở đây chăng," Chúng tôi đi vòng ven đầm qua phía bên kia, gần tới cây cổ thụ, bất chợt một mùi hương thoang thoảng bay ra trong không khí, mùi hương thật kỳ lạ hòa lẫn mùi cay nồng của quế và dìu dịu của lan, càng ngày mùi thơn càng nồng nàn làm chúng tôi ngây ngất. Tới gần gốc cây, Hai Tửng nhảy dựng lên và la lớn:
-Cây quế ngàn năm đây rồi!

Quả thật, cây quế này thật to lớn, da dẻ sần sùi, tàn lá che rợp bóng ngó lên không thấy ngọn. Tôi định bụng lúc về sẽ cắt một mớ vỏ làm quà cho bạn bè.

Hạ trại gần gốc cây xong xuôi, tôi kiếm vòng quanh thân cây xem có vết tích gì của ông tổ Lan để lại, nhưng không tìm được một dấu tích gì cả, kể cả cặp rắn ông đề cập tới cũng không thấy bóng. Tôi đâm ra nghi ngờ về những giòng chữ trong gia phả, nhưng vì không thể nhìn xuyên qua đám lá rậm rạp nên tôi không quả quyết được. Ăn uống xong xuôi tôi bảo một gã thổ dân:
-Chú thử leo lên cây xem thử có gì trên đó không rồi tôi sẽ trọng thưởng.

Gã thổ dân còn đang lưỡng lự thì Tú Lan tiếp lời:
-Một người đi lỡ có gì hơi nguy hiểm, để tôi nhờ người nữa đi với chú, ai tình nguyện leo lên cây với chú này?

Một gã thổ dân khác hăm hở giơ tay và cả hai nhanh nhẹn bám dây leo lên. Lúc hình bóng hai gã thổ dân khuất sau những cành cây to lớn, chúng tôi cảm thấy hồi hộp, độ ba phút sau vẫn không có gì xảy ra, tất cả vẫn im lặng chỉ trừ tiếng lá cây chạm vào nhau kêu xào xạc.

Bất chợt một tiếng rú khủng khiếp vang lên, tiếng rú của một trong hai gã thổ dân. Từ trên cao một bóng người rớt xuống như chiếc lá, chạm vào nhánh cây và rớt thẳng xuống gốc. Chúng tôi chạy lại, nan nhân đã tắt thở, mặt mũi bấy nhầy những máu, một tiếng rú khác lại vang lên, gã thổ dân thứ hai cũng chung số phận. Chúng tôi đang hoảng sợ thì tiếng lá cây răng rắc nổi lên, A Tửng đứng cạnh tôi la lớn:
-Rắn, rắn thầy ơi!

Tôi nhìn lên, từ trên cao một đường dây đen sì đang di động phóng xuống, to gần bằng vòng tay người ôm. Đó là một con rắn hổ, miệng há đỏ như máu cái lưỡi dài đỏ hỏn phất phơ như giải lụa. Không biết nó dài bao nhiêu, con rắn đang trườn nhanh xuống gốc cây, hai gã thổ dân xấu số có lẽ bị nó giết chết. Bọn thổ dân hoảng sợ bỏ chạy tứ tán, Tú Lan kéo tay tôi phóng mình lui ra sau. Tiếng gió ào ào nổi dậy, tôi loáng thoáng nghe tiếng cây gẫy đổ ầm ầm và tiếng rú của bọn thổ dân. Quay đầu lại, con rắn hổ đã phóng mình xuống đất và đang đuổi theo mọi người.

Trong hoàn cảnh chí tử này, tự nhiên tôi thấy bình tĩnh hẳn, khẩu súng trong tay đã nạp đạn sẵn, tôi nâng lên ngang mặt nhắm vào giữa đầu con rắn bóp cò. Một tiếng nổ dữ dội vang lên, con rắn cong mình một cách đau đớn, một giòng máu chảy ra trên đầu. Nó rít lên một tiếng khủng khiếp nghe như tiếng còi của tàu hỏa, đuôi nó tung ra hất văng một gã thổ dân gần đó, nạn nhân bật tung lên như chiếc diều và rớt xuống cạnh một bụi cỏ gần đó. Phát đạn của tôi không đủ để giết nó. Vành cung trong tay Tú Lan cong vòng lại, loạt tên liên châu của nàng ghim vào mang con rắn hổ, nó oằn oải rên xiết làm thân cây gãy đổ ầm ầm, máu từ đầu nó tuôn ra có vòi.

Bất chợt Tú Lan hét lên một tiếng hãi hùng, tôi hoảng hốt quay lại để vừa kịp nhìn thấy một cái đuôi khổng lồ quất vào người tôi. Khẩu súng trong tay văng ra xa, người tôi bị bắn tung ra phía trước. Một con rắn khác to không kém con trước vừa xuất hiện, chính chiếc đuôi nó vừa hất tung tôi đi. Mấy gã thổ dân còn lại tự biết khó lòng thoát chết nên đâm ra liều lĩnh, rút dao đâm chém túi bụi vào mình cặp rắn.

Con rắn mới xuất hiện cất cao đầu, từ miệng nó một luồng hơi đen phun ra chen lẫn mùi tanh nồng nặc. Tú Lan la lớn:
-Coi chừng hít phải hơi độc.

Nhưng đã muộn, hai gã thổ dân gần nhất hít hơi độc ngã lăn ra. Tú Lan liên tiếp buông những mũi tên vào đầu rắn nhưng không ăn thua gì, nàng dảo mắt nhìn quanh thấy xác Hai Tửng bị rắn đè bẹp nát, cạnh đó còn cây súng tôi giao cho gã. Không ngần ngại nàng chạy tới giơ súng lên, nhắm vào chiết đầu hình tam giác to như cái thúng và bóp cò. Tú Lan bắn súng không thua gì bắn tên, con mắt bên phải của con rắn bị nát tươm, cả hai con đều lăn lộn làm cây cối chung quanh ngã rạp. Tôi nghĩ cả hai sẽ chết, nào ngờ chúng chợt vươn mình dìu nhau hướng vào phía bờ đầm lao tới. Thoáng chốc chúng tới đầm và lặn ngay xuống nước mất dạng.

Tôi cảm thấy đầu óc hoang mang và lảo đảo té lăn xuống đất, những nghị lực chiến đấu từ nãy giờ bỗng tiêu tan. Tú Lan cùng gã thổ dân còn lại cũng nằm xoài trên mặt đất, cả ba người nhìn nhau ngơ ngác, không ai nói một lời gì. Mới phút chốc, bảy mạng người đã bị chết vì cặp rắn. Nghĩ tới việc vừa xảy ra, tôi rùng mình tưởng như trong giấc mộng. Thân thể tôi đau dần, trầy trụa, chỉ có Tú Lan là không việc gì. Chúng tôi mệt mỏi nằm lăn ra dưới gốc cây, mãi tới chiều gã thổ dân còn lại lúi húi đào lỗ chôn xác những người đã chết ngay dưới cây quế.

Tú Lan nằng nặc đòi tôi đi về, nhưng tôi thầm suy nghĩ chả nhẽ vượt qua bao nhiêu gian khổ cam go, bảy người đã phải hy sinh, tới phút cuối lại bỏ cuộc. Những nguy hiểm được kể tới trong cuốn gia phả tôi đã trải qua; giờ đây chỉ việc leo lên ngọn cây quế, bẻ cành hoa Hắc Lan xuống là xong. Lần này tôi sẽ phải leo lên một mình.

Gã thổ dân còn lại lắc đầu từ chối trước đề nghị của tôi, cả Tú Lan cũng vậy. Nhưng tôi đã quyết định, nghỉ một chốc cho khỏe rồi sẽ bắt đầu. Không ngờ mãi tới chiều tối người tôi vẫn đau nhức, xương sống lưng như bị ai đánh vào, tôi đành phải ngủ qua đêm tại đó. Sáng hôm sau mặt trời đã lên, mà tôi vẫn không dậy nổi; nhưng tôi vẫn lì lợm không bỏ cuộc, Tú Lan đành phải nói với tôi:
-Anh không thể leo được bây giờ, hay để em leo lên lấy cây hoa dùm anh.

Tôi từ chối viện cớ nàng là phận gái yếu đuối, nhưng Tú Lan đã bảo thêm:
-Em sống ở rừng từ nhỏ, leo trèo đã quen, không khác gì những gã thổ dân miền sơn cước. Cây này tuy lớn nhưng không hiểm trở, em đã từng leo những cây khác khó khăn hơn rồi, nếu cứ chờ thì lúc nào anh mới khỏe, chả nhẽ lại ở đây hoài sao?

Cực chẳng đã tôi đành phải để cho nàng leo lên, nhưng tôi vẫn dặn thêm:
-Nếu có chuyện gì, em nhớ leo xuống liền đừng có lấy kẻo nguy hiểm.

Tú Lan gật đầu đoạn nàng thoăn thoắt bám dây leo lên. Bỗng chốc tôi nghe tiếng nàng kêu vọng xuống:
-Em thấy cây Hắc Phong Lan rồi.

Tôi mừng rỡ la lên:
-Cẩn thận đừng để gãy, dùng dao cắt thớ vỏ để đem xuống.

Tú Lan dùng dao nảy cây lan ra khỏi thân cây quế đoạn cột dây giòng xuống cho tôi.

Tôi cẩn thận đón lấy bông hoa, cây Hắc Lan tuyệt đẹp và thật kỳ lạ, lớn gấp bội hoa thường, lá nó thon dài màu tím xẫm uốn tỏa chung quanh bông hoa, cuống hoa màu trắng như ngọc nhô cao, bông hoa thật lớn có chín cánh màu đen mượt như nhung, nụ hoa cũng màu đen nốt. Hương thơm từ hoa tiết ra ngây ngất, nồng nàn át cả mùi quế nồng hắc. Cả đời tôi chưa bao giờ thấy loài lan kỳ dị lạ lùng như vậy.
Tú Lan đã leo xuống đứng cạnh tôi, nàng đưa tay đỡ lấy nụ hoa và nói:
-Chưa một ai trả giá mắc bằng chúng mình để được loài hoa này, nó là một thần vật linh thiêng, em không gỡ lấy hết cả bụi chỉ lấy một phần nhỏ có bông hoa mà thôi.

Nàng vừa nói vừa đưa tay ve vuốt từng cánh hoa. Bật chợt từ trong nhụy hoa một sợi chỉ bạc lẹ như chớp bắn vào người Tú Lan ngay tại yết hầu. Tú Lan thét lên một tiếng đau đớn, buông rơi bụi lan ôm chặt lấy cổ. Sợi dây bạc phóng xuống đất, tôi thấy rõ đó là một con rắn nhỏ xíu như chiếc đũa dài khoảng gang tay, đầu có mồng đỏ. Toàn thân nó màu trắng như tuyết, một sợi chĩ đỏ như máu chảy dài từ đầu tới đuôi rắn. Gã thổ dân khiếp đảm la lên:
-Huyết Bạch Vương Xà!

Làn da của Tú Lan chuyển qua màu đỏ, tôi hốt hoảng móc trong túi lấy bình thuốc chữa rắn gia truyền của giòng họ Kiều đổ vào miệng Tú Lan. Nàng đã bất tỉnh, hơi thở thoi thóp. Thấy con rắn nhỏ bò quanh quẩn bên bụi lan vừa rớt tôi nổi giận dơ chân dẫm lên người nó, không ngờ con rắn thật lẹ né mình tránh khỏi và mổ vào bàn chân. Tôi giật mình rút chân về, hú vía, may tôi đi giầy da nên nọc con rắn không làm gì được. Tôi lượm khúc cây gần đó đập túi bụi, nhưng nó đều lẹ làng tránh khỏi và bỗng nhanh như cắt nó quay mình phóng trở lại leo lên ngọn cây quế mất dạng.

Tôi chạy lại chỗ Tú Lan, người nàng đã biến thành đỏ như máu, bình thuốc gia truyền mất hiệu lực trước nọc độc của con rắn quái đản. Tôi đã nghe nói tới loài rắn hiếm hoi này, rất ít người gặp được, nó là vua của loài rắn, nọc của nó thật độc, bị cắn phải người đỏ lên rồi chết. Tôi hoảng hốt ôm Tú Lan vào lòng lay gọi. Tú Lan chợt hồi tỉnh, mở đôi mắt lờ đờ nàng nhìn tôi nhoẻn miệng cười, tôi gào lớn:
-Tú Lan, em không thể chết đuợc, rán lên, đừng bỏ anh một mình.

Tú Lan thều thào giọng tắt nghẹn:
-Nọc độc của Huyết Bạch Vương Xà chưa ai có thể giải được. Được chết trong vòng tay anh là em mãn nguyện lắm rồi, âu đó cũng là số phận, em đi trước anh ở lại bình an, dù ở nơi đâu em vẫn phù hộ cho anh.

Tôi nắm chặt tay Tú Lan, nàng mỉm cười với tôi một lần nữa rồi nấc lên một tiếng, đôi mắt từ từ khép chặt.

Tôi đứng chết lặng, ôm chặt xác Tú Lan torng tay mà lòng đau xót, hai giòng nước mắt tuôn chảy. Úp mặt vô người Tú Lan, tôi cố tìm lại luồng hơi ấm từ người nàng, nhưng vô ích, Tú Lan đã thực sự về bên kia thế giới.

Tôi thất thểu ôm xác Tú Lan bước từng bước xuống đồi, những kỷ niệm ngày xưa chợt hiện lên trong trí óc. Mất Tú Lan, đời tôi chẳng còn gì nữa. Một niềm hối hận vô biên dâng lên trong lòng, nếu tôi nghe lời nàng thì đâu đến nỗi. Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì trên đời để lấy lại được Tú Lan. Tôi chợt hiểu những giòng chữ kỳ bí ở đoạn chót trong cuốn gia phả:
"....Thần vật đổi bằng máu... Linh hồn đổi lấy sự linh thiêng... Kỷ vật cho thần vật..."

Tôi ngồi trên một mô đá ôm thân thể giá lạnh của Tú Lan để nghe cô đơn buốt giá trong lòng, gió rừng thổi rì rào mang theo cơn lạnh làm hồn người thêm hiu hắt, sầu khổ. Khuya hôm đó tôi góp cây khô thiêu xác Tú Lan, xong xuôi tôi hốt tro tàn bỏ vào một lọ sành, đoạn mang bụi Hắc Phong Lan cùng với gã thổ dân còn lại xuống núi...

...Lão già Kha áo não thở dài, trong khoé mắt già nua chợt long lanh những giòng lệ sắp trào ra, lão vấn thuốc vào đầu nỏ, kéo thêm điếu thuốc lào rồi lên tiếng:

-Tôi về giải tán Kiều Gia Trang. Sau đó kiếm được khu đất này, và từ đó tới giờ tôi sống cô độc một mình, trồng hoa và canh mộ Tú Lan để đền bù lại tội lỗi. Tôi ước mong mai sau khi tôi chết, có người mai táng tôi cạnh bên mộ Tú Lan để tôi có thể chăm sóc nàng cho tới muôn đời, muôn kiếp. Còn bụi hoa Hắc lan, tôi bỏ hộp kiếng, chôn nó trên mộ Tú Lan như mấy cậu đã thấy.

Cả bọn chúng tôi ngồi yên lặng. Mỗi người một ý nghĩ riêng, quả thực câu chuyện lão Kha vừa kể khiến bọn tôi không ngờ, giống chư chuyện liêu trai, vừa lãng mạn vừa kinh dị.

Lão già Kha đã dừng lại thật lâu mà bọn tôi còn bàng hoàng, chúng tôi chợt thấy thương cho kiếp sống của lão, một kiếp sống cô độc, đơn côi giữa rừng già cùng với một linh hồn đã khuất. Trời đêm nay lành lạnh, vài làn gió mơn man da thịt làm nổi gai ốc. Trên trời, một vì sao xẹt ngang, đâu đây tiếng dế rên rỉ như cảm thông với số phận hẩm hiu của lão Kha. Tiếng gió ngàn từ xa vang vọng từng điệu buồn da diết, như thê lương, như não nuột, như khóc than cho một cuộc tình xa khuất.

Chiều hôm sau, chúng tôi giã từ lão Kha ra về, lão tặng mỗi đứa một bụi Bạch Lan và chỉ dẫn bọn tôi thêm về cách trồng lan. Lão còn dặn thỉnh thoảng có dịp ghé thăm lão. Chúng tôi ra về mà đầu óc vẫn nặng trĩu về chuyện nhánh Hắc Phong Lan...

***

Từ đó tới nay chúng tôi không còn dịp ghé thăm lão Kha lần nào nữa. Mùa hè năm 1975, đất nước rơi vào tay Cộng Sản, chúng tôi vượt biển, may mắn được cư ngụ tại Mỹ. Vườn lan của chúng tôi đã bỏ lại Phú Quốc, không người chăm sóc. Nghe nói vườn lan đã khô héo chết hết. Chúng tôi cũng không nghe ai nói về lão Kha, có lẽ lão vẫn còn sống thui thủi một mình giữa rừng cùng với những bụi hoa lan, hoặc đã về bên kia thế giới, xum họp với người vợ yêu quý...

Lãng Tử

No comments:

Post a Comment