Friday, October 29, 2021

Hạnh phúc của người đàn ông biết nấu ăn


Hạnh phúc của người đàn ông biết nấu ăn 😊💗

“Ngày mai ăn gì, em?”

Câu hỏi này theo tôi phải được bình chọn là câu hỏi khó trả lời nhất trong năm cho những người nội trợ tài tử hay “sếp cúc” bất đắc dĩ, như tôi chẳng hạn.

Tôi là người ghét nấu ăn nhất. Ghét kinh khủng. Có lẽ ngày xưa mỗi lần tôi tò tò xuống bếp, lúc thì xem Má nấu cơm, khi thì lom lom nhìn Má làm bánh, nấu chè, thế nào cũng bị Má khua đũa bếp bảo “đi, đi ra chỗ khác. Nơi này là bếp núc dành cho đàn bà con gái. Bộ tính làm mọi cho vợ hay sao mà chui xuống đây.” Tôi cười he he, dợm bước tránh chiếc đũa, tay không quên nhón một món gì đó bỏ vào mồm, nhai nhóp nha nhóp nhép, bụng khoan khoái lắm. Từ đó tôi mặc nhiên xem chuyện nấu nướng là chuyện của đàn bà, cánh mày râu không nên xuống bếp.

Sau này mấy chị và em tôi thay Má lo chuyện cơm nước trong nhà. Nhiệm vụ của tôi phải chẻ củi, gánh nước đổ đầy mấy cái lu. Chỉ vậy thôi mà tôi cứ than trời trách đất hoài. Ðến giờ cơm tôi mới vác mặt về. Lua cho căng bụng, tôi buông đũa, co giò dọt đi chơi chỗ khác. Chén bát hình như tự nhiên sạch sẽ chờ cho tới bữa ăn sau, chứ tôi chẳng bao giờ quan tâm tới ai sẽ là người lau chùi, dọn dẹp sau mỗi bữa ăn.

Qua tới Mỹ tôi vẫn cứ giữ cái tật đó. Nghĩa là ai đi chợ thì đi, ai nấu gì nấu, miễn sao cứ tới bữa là có món cho tôi ních là được. Lúc này tôi có khá hơn một chút rồi, ăn xong còn biết phụ bưng chén đũa cho vào bồn, lau được cái bàn. Còn ai muốn rửa thì cứ việc rửa, nếu không hãy để cho người hành tinh xuống lo, tôi không hề thắc mắc mảy may.

Ngày vui lúc nào cũng qua mau. Ngày tôi lấy vợ bỗng dưng đến. Sau ngày cưới tụi tôi ra riêng. Tía Má cho vợ chồng tôi một bao gạo, một thùng nước và một hộp muối. Tôi hiểu ông bà mong chúng tôi lúc nào cũng đầy đủ lương thực chính yếu cho cuộc sống mới.

Nhưng tôi lại diễu với vợ tôi là ông bà hiểu tính thằng con, cứ việc cho nó ăn cơm với muối, sau đó uống nước là no, khỏi mất công nấu nướng chi cho nhiều món, mệt! Vợ tôi hừ một tiếng, “Bây giờ tới phiên tui dạy ông, để coi ông còn hư nữa không cho biết.”

Tôi thương vợ tôi lắm, nên đi chợ tôi dành đẩy xe trong lúc vợ tôi giảng giải là con cá này sẽ nấu gì, miếng thịt này sẽ làm món chi, bó rau như thế nào là ngon để nấu canh, vân vân và vân vân. Tôi giỏng tai ra nghe hòng cố nhớ để sau này có dịp thực hành. Về đến nhà là vợ tôi bày biện ra nấu. Tôi phụ vợ tôi lặt rau, lăng xăng này nọ. Bữa cơm của gia đình riêng cũng ngon lành lắm. Ăn xong tôi phụ vợ rửa chén. Tôi rửa đi vợ tôi rửa lại. Cái vụ rửa chén chung là do tôi “sáng tác” từ lúc chưa cưới nhau, bây giờ phải ráng mà đeo đuổi, bụng cứ ca cẩm tại sao ốc chưa lo thân ốc mà còn làm cọc cho rêu!

Nhiều lần vợ để tôi thử làm bếp chính, tôi mới cám cảnh nỗi cực nhọc của việc nấu nướng như thế nào. Nào mắm nào muối, nào thịt nào cá, nào rau nào củ, tất cả mọi thứ rối tung lên, tôi không biết nên bắt đầu từ đâu để có được tô canh hay dĩa thịt xào như mình từng được ăn qua. Vợ tôi hướng dẫn từng tý một, tôi mới vỡ lẽ ra nấu ăn là một nghệ thuật, là cả sự đam mê, giống như họa sĩ pha màu khi vẽ tranh vậy. Nhìn vợ tôi dùng món ăn do tôi nấu, tôi cứ thẩm tha thấp thỏm vì chả biết mình nấu có giống ai không! Vợ tôi có tính rất lạ, ngon khen, dở phê bình tận tình lắm. Vạn sự khởi đầu nan, (nhưng vạn nan là tôi sẽ khởi đầu… nản à nha!) tôi gia giảm theo cách vợ chỉ, cuối cùng thì cũng đâu vào đó.

Mấy đứa con lần lượt ra đời. Rồi chúng nó lần lượt lớn. Thời gian lần lượt trôi, tôi thành đầu bếp chính hồi nào cũng không biết. Nhất là những năm sau này khi gia đình tôi chuyển về Florida sinh sống, vợ tôi đi làm nhiều giờ hơn trước, tôi tới hãng sớm hơn xưa. Chiều về đến nhà quá nhiều thời gian rảnh rỗi, vợ sợ tôi hư trở lại nên trước khi đi làm thường để cho tôi một cái “list,” trong đó có những việc cần phải làm ngay trước khi vợ về. Hãi hùng nhất là việc phải nấu ăn. Thiệt đúng là ghét của nào trời trao của đó.

Một tuần lễ là tôi phải vật lộn với ông táo ít nhất là năm lần. Nào là nấu canh, chiên cá, ướp thịt, trộn rau, làm gỏi… Bữa cơm gia đình của tôi thường có hai món, món mặn hay món xào, và canh. Món nào tôi cũng kham được hết, nấu ngon (?)và lẹ nữa là đằng khác. Nhưng không hiểu tại sao kho thịt hay cá, tôi nấu dở cực kỳ. Có lẽ tôi không thích món kho nên tôi không chú tâm lắm, thành ra tôi nhường cho vợ tôi trị món này. Chưa kể cuối tuần không bún thì phở, không cháo thì bánh canh… Nói chung với những món ăn thường nhật thì tôi có thể chu toàn tươm tất, còn nấu thịnh soạn kiểu nhà hàng thì “Buồn ơi! Ta chào mi” liền.

Vừa làm bếp tôi vừa hay miên man nghĩ đến ngày xưa khi tôi còn sống với gia đình. Ngày đó nhà không có tủ lạnh nên phải đi chợ hàng ngày chứ không có trữ thực phẩm như bây giờ. Nấu nướng gì cũng phải dùng củi. Nhóm được bếp lửa cũng là kỳ công rồi. Chưa nói đến nấu sao cho chín nồi cơm cũng qua hai ba giai đoạn chờ cơm sôi, chắt nước, vần xuống tro than… sao mà nhiêu khê quá!

Cầm chén cơm nóng hổi, thơm ngát tôi nào có hay biết đó chính là nỗi nhọc nhằn, là tình thương của Má, của người thân gửi gấm vào đó. Nhất là vào những ngày mưa bão, củi lửa ẩm ướt, Má tôi, chị em tôi đã phải xoay xở như thế nào để có những bữa cơm ấm áp tình gia đình.

Ðưa đũa gắp thức ăn, chưa khi nào tôi nhớ đến bàn tay lựa từng con cá, chọn từng bó rau để làm nên bữa ăn hàng ngày vừa miệng, vừa bổ dưỡng dường ấy năm, cho tới khi tôi khôn lớn.

Càng nghĩ nhiều chừng nào thì một nỗi ân hận càng dâng lên trong lòng tôi nhiều chừng ấy. Ân hận vì mình đã vô tình, không một lần biết ơn với những sự thương yêu chiều chuộng như vậy.

Từ những ăn năn, dằn vặt đó, tôi hay kể cho con nghe chuyện ngày xưa ở quê nhà Nội và các cô chúng nó đảm đang chuyện nội trợ ra sao. Mỗi lần nấu ăn là tôi kêu hai thằng con tới gần. Tôi sai đứa này lấy giùm cái rỗ, đứa kia vo gạo nấu cơm. Tôi vừa làm vừa chỉ dẫn cho con biết cách thức nấu nướng, nêm nếm. Bếp núc xứ Mỹ này hầu hết nhà nào cũng đều tiện nghi, thực phẩm đầy đủ nên giúp ích cho người nội trợ rất nhiều. Nhưng nấu được một món ăn ngon miệng cần phải có một tấm lòng. Tôi muốn chúng nó hiểu được nỗi vất vả của người làm ra thức ăn. Ðồng thời tôi cũng mong sao con hiểu điều tôi truyền đạt, chuyện bếp núc không chỉ dành riêng cho phụ nữ, đàn ông vẫn phải gánh vác như thường. Vợ chồng trong nhà phải biết đỡ đần cho nhau, và biết nấu ăn là một trong những cách giữ gìn hạnh phúc.

Hạnh phúc ngời lên từ ánh mắt của vợ sau một này làm việc mệt nhọc, về đến nhà có cơm nóng canh sốt sẵn sàng.

Hạnh phúc từ những khuôn mặt rạng rỡ của con khi chúng giành nhau những món ăn mà chúng thích.

Hạnh phúc dâng lên trong tôi khi thấy gia đình quây quần bên mâm cơm đầm ấm. Tôi thấy tôi là loài dây chùm gởi, leo lên cây hạnh phúc của chính gia đình tôi.

Diệp Bảo Khương


No comments:

Post a Comment