Monday, February 1, 2016

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chia rẽ Nam Bắc - Ngô Nhân Dụng


https://farm2.staticflickr.com/1613/24126953984_7d4ed67899_b.jpg
“Tống bí thư cùng với các tiêu chỉ bắt buộc như phải là người miền Bắc, phải là nguời có lý luận” là câu nói gây bão nhất trong kỳ Đại hội Đảng cộng sản XII của TBT Nguyễn Phú Trọng. Đây cũng được xem như động thái chia rẽ trong nước. Một nước chia rẽ là một nước suy yếu. Thực dân Pháp đã theo chính sách chia để trị khi lập ra ba chế độ khác nhau ở ba miền. Năm 1945 cả nước bừng lên phong trào thống nhất. Ngày nay thực dân Pháp không có mặt nữa, vậy đế quốc nào được lợi nhất khi người Việt Nam tiếp tục tinh thần kỳ thị, chia rẽ Nam Bắc? 


Nếu ai còn nghi ngờ dân Hà Nội đã nói oan khi đánh giá ông Nguyễn Phú Trọng là “Lú như Trọng,” nên đọc bài diễn văn của ông Trọng Lú khi trình diện Bộ Chính Trị mới, năm 2016, sẽ hết nghi.
"Trước ống kính truyền hình cho cả nước coi, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố đảng của ông sẽ tiếp tục “vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội...”

Thứ nhất, chủ nghĩa Mác-Lênin đã chết từ lâu rồi, sau khi đã làm kiệt quệ cả kinh tế lẫn đời sống tinh thần của hãng tỷ con người. Ngay ở Trung Quốc bây giờ, bọn lãnh đạo cũng không còn tin ở chủ nghĩa đó nữa. Họ chăm chỉ học tập cách làm ăn theo chủ nghĩa tư bản thế kỷ 19.

Thứ hai, Hồ Chí Minh không bao giờ nhận mình có “tư tưởng.” Ông đã nói rằng tất cả những gì cần viết đã có Mao Trạch Ðông viết hết cả rồi, chính ông ta không cần suy nghĩ thêm nữa. Ông thỏa mãn với địa vị “Mao Nhỏ” (Tiểu Mao) nên cho bồi bút ca ngợi mình: “Bác Mao không ở đâu xa, Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao.”

Thứ ba, ông Nguyễn Phú Trọng nói đảng ông “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.” Một đảng đề cao “độc lập dân tộc” mà vẫn nhắm mắt cho Cộng Sản Trung Hoa chiếm đất, chiếm đảo của nước mình từ 1958 đến 1974, lại 1988 là làm sao? Tại sao chúng nó tấn công giết hại đồng bào năm 1979 mà lại cúi đầu khom lưng tiếp tục ôm chân “đồng chí anh em” khắng khít từ hội nghị Thành Ðô (1990)?

Nhưng cái lú hiển nhiên nhất là ông Nguyễn Phú Trọng vẫn khẳng định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bởi vì chính miệng ông đã từng nói, “đến cuối thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” Chính ông cũng không biết cái chủ nghĩa xã hội nó thế nào mà xây dựng, bây giờ ông lại nhất định “lãnh đạo” hơn 90 triệu con người Việt Nam tiến đến cái thế giới mù mù mờ mờ đó! Phải nói rằng ông lú, lú quá!

Nói như vậy rồi, cũng phải công nhận rằng lời phê “Lú như Trọng” có phần hơi oan. Bởi vì con đường lú lẫn theo chủ nghĩa Cộng Sản ông Trọng đã đi học người khác chứ không phải chính ông nghĩ ra. Cả đảng Cộng Sản lú chứ không riêng mình Nguyễn Phú Trọng. Cái Lú của ông Trọng có tính chất hệ thống. Niềm hãnh diện lớn nhất trong đời Hồ Chí Minh là “Giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin.” Ðó là đại họa của các đảng viên Cộng Sản và cả dân tộc Việt Nam.

Trong đời sống cá nhân, lúc ứng xử với đời, Nguyễn Phú Trọng không lú chút nào cả. Trái lại, ranh ra phết! Nếu không tinh ma quỷ quái thì làm sao hạ Nguyễn Tấn Dũng rớt đài tơi tả một cách ngoạn mục như thế?

Một trò tinh ma hạ cấp nhất là khích động óc kỳ thị địa phương. Thế kỷ 16, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người Việt đã có mâu thuẫn Ðằng Trong chống Ðằng Ngoài. Thực dân Pháp chia ba miền Nam, Trung, Bắc, đào thêm hố chia rẽ. Trước ngày họp hành bầu bán, phe Nguyễn Phú Trọng đã cho truyền tai nhau, rằng chức tổng bí thư phải là người Bắc, “người ngoài mình!” Nguyễn Tấn Dũng tất nhiên không “đạt yêu cầu!”

Kỳ thị Bắc Nam là một món võ hiệu nghiệm. Vì hiện nay 70% đảng viên Cộng Sản là người Bắc, dù miền này chưa bằng 46% dân số Việt Nam. Tỷ lệ người miền Bắc vào đảng Cộng Sản cao hơn cả nước. Trong số 11 tỉnh mà số đảng viên chiếm 6% dân số hoặc cao hơn thì 9 tỉnh nằm ở châu thổ sông Hồng và ở biên giới Ðông Bắc giáp với Trung Quốc; hai tỉnh khác là Nghệ An và Quảng Bình. Những tỉnh với tỷ lệ đảng viên từ 4% tới 6% đều nằm từ Quảng Trị trở lên, cộng thêm thành phố Ðà Nẵng và Hà Nội, với số đảng viên hơn 5% số dân.

Ngược lại, số người vào đảng Cộng Sản ở miền Nam rất thấp, càng xuống phía Nam càng thấp. Bốn tỉnh ở ngay dưới vĩ tuyến 17 và Kontum, Daknong còn có được 3% tới 4% là đảng viên; các tỉnh Bình Thuận, Lâm Ðồng, Bình Phước, Ðồng Tháp, Kiên Giang, An Giang tỷ lệ đảng viên chiếm dưới 2%. Sài Gòn và các tỉnh khác có 2% tới 3% dân là đảng viên Cộng Sản.

Tỷ lệ đảng viên Cộng Sản ở miền Nam thấp dễ hiểu, vì điều kiện lịch sử và chính sách kỳ thị của đảng. Ðảng Cộng Sản đã hoạt động chính thức ở miền Bắc 30 năm trước khi vào Nam năm 1975, số đảng viên phải cao hơn. Dân miền Nam chán ghét Cộng Sản ngay từ những ngày đầu “mở mắt ra” cho nên ít người muốn theo đuôi. Hơn nữa, muốn vào đảng họ sẽ vướng cái rào cản lý lịch. Cha mẹ từng là quân nhân hay công chức Việt Nam Cộng Hòa chắc chắn khó vào. Một người muốn vào đảng còn phải kê khai lý lịch cả thân bằng quyến thuộc, kể cả những bà con, anh chị em, cô dì, chú bác đang sống ở nước ngoài; đó là những hàng rào cản trở lớn.

Nhưng ngay tại các tỉnh miền Nam với số đảng viên thấp, hiện nay nhiều đảng viên cũng vốn gốc miền Bắc. Họ vào Nam để chiếm lấy các địa vị quan trọng trong mỗi đơn vị đảng. Tất nhiên khi chọn đại biểu từ mỗi tỉnh hay thành phố đi dự đại hội, số người gốc miền Bắc cũng chiếm đa số vì họ nắm trong tay guồng máy đảng.

Với những con số trên đây, trong thành phần dự trong đại hội vừa rồi, người gốc miền Bắc tất nhiên chiếm đại đa số, đa số áp đảo. Cho nên thủ đoạn kích thích tự ái địa phương có hiệu quả, âm mưu chia rẽ Nam Bắc đã thành công. Trong 19 người vào Bộ Chính Trị mới, có 13 người gốc miền Bắc, miền Nam có 4 người và miền Trung chỉ có 2 người. Trong khóa trước, mỗi miền Nam, Bắc có 6 người, với 4 người sinh ở miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An, đến Quảng Nam. Nguyễn Phú Trọng đã đạt mục đích, ngồi yên ở ghế tổng bí thư, nhưng đã phá nát tinh thần đoàn kết dân tộc.

Tình trạng phân biệt đối xử đã diễn ra từ khi Cộng Sản chiếm miền Nam. Sau năm 1975, cán bộ miền Bắc đã trở thành một đạo quân chiếm đóng trong vùng dưới vĩ tuyến 17. Trong đợt đầu, họ đã tháo gỡ nhiều máy móc, thiết bị đem về Bắc, nhiều khi không biết dùng làm gì, để han rỉ rồi phế thải. Trong khi đó cơ xưởng ở miền Nam phải ngưng hoạt động. Mặc dù bị cưỡng chiếm và bóc lột như vậy, sau thập niên 1980 miền Nam vẫn phát triển nhanh hơn, mức sống lên cao hơn, trở thành đầu tàu kinh tế cho cả nước. Ðể bảo vệ quyền lợi miền Bắc, đảng Cộng Sản đã thu góp tài nguyên cả nước để cung phụng cho miền Bắc. Người dân miền Nam sản xuất và tiêu thụ nhiều hơn, nhưng tiền thuế họ đóng góp, tiền tiết kiệm họ gửi ngân hàng được đem nuôi dưỡng các cán bộ trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước khi các ngân hàng quốc doanh cho vay theo chỉ thị của đảng. Các xí nghiệp quốc doanh chiếm hơn 50% số tiền vay từ các ngân hàng trong khi đóng góp dưới một phần ba tổng sản lượng nội địa. Trong số 25 xí nghiệp quốc doanh lớn nhất, 22 xí nghiệp nằm trong vùng Hà Nội.

Chắc chắn Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục chính sách Lấy Nam Nuôi Bắc; Sài Gòn làm, Hà Nội ăn. Óc kỳ thị địa phương lên trở thành một chính sách không cần văn bản. Nhà báo Huy Ðức, người Thanh Hóa, tác giả sách Bên Thắng Cuộc, nói rằng: “Chế độ này không bao giờ muốn hòa giải thật sự. Họ lúc nào cũng tự xưng họ là kẻ thắng, họ là chủ nhân của đất nước.”
Nguồn: Ngô Nhân Dụng/Người Việt

No comments:

Post a Comment