Sunday, January 31, 2016

Trung Quốc đi đường nào nếu eo Malacca bị phong tỏa? - Pavel Pomytkin - Đông Triều


Malaysia đã trở thành một trong những con hổ châu Á

Trong bài viết mang tên “Malaysia và Trung Quốc: Những khả năng đối đầu” đăng trên tạp chí Bình luận quân sự, tác giả Pavel Pomytkin nhận định quan hệ giữa Malaysia với Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp.

Malaysia là quốc gia Đông Nam Á đang thu hút sự quan tâm lớn của thế giới với những thành công đáng kể của mình. Trong vòng chưa đầy 50 năm, Malaysia đã trải qua chặng đường dài, đi từ một tỉnh thuộc địa lạc hậu để trở thành một quốc gia độc lập với những thành tựu kinh tế cực kỳ ấn tượng. Quốc gia này hiện đã gia nhập câu lạc bộ “những con hổ châu Á”. Theo tác giả Pomytkin, trong câu lạc bộ này đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia và một trong số đó là quan hệ ngày càng trở nên phức tạp với Trung Quốc.

Nguồn gốc của sự phức tạp này vẫn là một nguyên nhân “xưa như Trái Đất”. Đó là những vấn đề liên quan tới dầu mỏ. Cụ thể hơn, yếu tố cản trở lớn nhất trong quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc là việc có tới 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia. Vậy tại sao yếu tố này lại có tác động lớn như vậy? Theo tác giả Pomytkin, việc nắm được tuyến đường biển này cho phép Malaysia khiến “con rồng châu Á” Trung Quốc ít nhiều phải chịu phụ thuộc.

Eo biển Malacca và đường đi của dầu mỏ về Trung Quốc

Đây chính là điểm yếu về địa chính trị của Trung Quốc. Điểm yếu này được gọi là “Thế tiến thoái lưỡng nan Malacca” của Trung Quốc. Một khi Malaysia cắt con đường này, Trung Quốc khó có thể chịu đựng được lâu. Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc đang “khát” năng lượng từng ngày. Đã từ lâu, vấn đề vận chuyển dầu mỏ đã trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất trong trò chơi địa chính trị hiện đại. Các quốc gia kiểm soát các eo biển quan trọng đối với các tuyến vận tải dầu mỏ luôn biết sử dụng con bài này. Những động thái doạ đóng cửa eo biển Hormuz của Iran thời gian qua được có thể coi là điển hình.

Hải quân Iran tập trận cùng lời đe doạ phong toả eo biển Hormuz

Chính vì vậy, vấn đề eo biển Malacca chiếm vị trí trung tâm trong quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc. Giới phân tích đánh giá Trung Quốc rất “thèm muốn” eo biển này nhưng không thể nào can dự vào được. Malacca hiện thuộc “sở hữu” độc quyền của Malaysia, Indonesia và Singapore. Không những vậy, mới đây Singapore còn đánh tiếng mời Mỹ tham gia chống khủng bố tại eo biển Malacca. Nếu Mỹ gật đầu thì coi như Trung Quốc không có “cửa” tại eo biển huyết mạch này.

Trên thực tế, Trung Quốc cũng đã tính tới các phương án nhằm tránh bị phụ thuộc vào eo biển Malacca. Phương án thứ nhất là thuyết phục Thái Lan mở một kênh đào nối từ biển Andaman thuộc Ấn Độ Dương vào biển Đông. Phương án thứ hai là mở tuyến đường xuyên suốt từ cảng Gwadar của Pakistan về Tân Cương. Phương án thứ ba là “đi nhờ” đường Myanmar rồi chuyển dầu mỏ về các tỉnh Tây Nam.

Phương án “đi nhờ” Myanmar được Trung Quốc tính tới

Tuy nhiên, cả ba phương án trên đều không thực sự khả thi. Con kênh mà Trung Quốc muốn đào vắt qua Thái Lan mang tên Karat có thể cần tới 20 tỷ USD. Còn tuyến đường xuyên Pakistan sẽ khó có thể được bảo đảm vì những trở ngại an ninh mà Islamabad đang phải đối mặt.

Chưa kể đây lại là một nước đồng minh của Mỹ. Khả thi nhất vẫn là con đường đi qua Myanmar với các chặng từ đường biển, đường sông rồi lại lên đường bộ.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là chủ đề duy nhất. Thời gian qua, những “trục trặc” xung quanh vấn đề biển Đông cũng được quan tâm không kém. Khu vực này được đánh giá có vị trí chiến lược đối với nền kinh tế toàn cầu.

Biển Đông nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Khoảng một nửa lượng hàng hoá của thế giới được vận chuyển qua đây và đối với Trung Quốc thì con số này là 80%.

Biển Đông là khu vực có tới 80% lượng hàng hoá của Trung Quốc vận chuyển qua

Bên cạnh đó, biển Đông thực sự là một “mỏ vàng đen”, thứ mà những nước như Trung Quốc, Malaysia đang rất cần. Trữ lượng dầu mỏ tại khu vực này ước tính vào khoảng 225 tỷ thùng cùng với 280 tỷ mét khối khí tự nhiên. Ngoài ra, khu vực này cũng giàu tài nguyên và hải sản. Tác giả Pomytkin cho rằng nguy cơ đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Malaysia là có thật. Vấn đề chỉ là một cuộc xung đột trong tương lai sẽ xảy ra như thế nào? Cho tới nay, các vụ va chạm vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi “đánh bắt cá” mà thôi.

Tác giả Pomytkin cũng đề cập tới vai trò của Mỹ trong khu vực. Mỹ hiện là quốc gia bảo trợ cho nhiều nước trong khu vực, trong đó có Malaysia. Mỹ đang thiết lập một vành đai xung quanh Trung Quốc. Điều này sẽ làm suy giảm đáng kể tiềm lực về địa chính trị của “con rồng châu Á”.

Tham gia vành đai này, ngoài Malaysia còn có Philippines, Indonesia và đồng minh truyền thống của Mỹ là Australia. 

No comments:

Post a Comment