Thursday, October 12, 2017

Châu Âu nặn óc tìm phương cứu vãn hiệp định hạt nhân Iran



Sau hàng tháng trời hoài công vận động hành lang để thuyết phục tổng thống Mỹ Donald Trump là đừng phủ nhận thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran, các nước châu Âu đang cố gắng thảo luận đằng sau hậu trường, để tìm cách cứu vãn một hiệp định đã phải hết sức nhọc nhằn mới đạt được vào năm 2015.

Đối với Donald Trump, hiệp định mà người tiền nhiệm Barack Obama của ông đã chấp nhận là một thỏa thuận « tệ hại chưa từng thấy », với phía bên kia là Iran bị ông tố cáo là không thực hiện đúng theo cam kết. Quan điểm này của ông Trump tuy nhiên không được 5 cường quốc (P5+1 = Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đứccùng tham gia vào các cuộc đàm phán, chia sẻ.


Đàm phán hạt nhân vào năm 2015

Trong thời gian qua, cả thủ tướng Anh Theresa May và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sử dụng Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc để cố thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ thay đổi cái nhìn của ông về Iran, nhưng vô hiệu, tương tự như những nỗ lực khuyên can ông Trump về Hiệp Định Khí Hậu Paris 2015, từng được cả công chúng lẫn chính quyền Pháp, Anh và Đức phối hợp thực hiện.

Thấy rằng Nhà Trắng rõ ràng là bịt tai trước các lời khuyên của họ, các nhà ngoại giao châu Âu đang quay sang vận động các thành viên Quốc Hội Mỹ, mà cả hai viện đều do đảng Cộng Hòa kiểm soát.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Đức Rainer Breul đã xác nhận với hãng tin Pháp AFP: « Đại sứ quán của chúng tôi đang hợp tác với các cơ quan lập pháp (Mỹ)… Chúng tôi đang tìm kiếm đối thoại, giải thích quan điểm của chúng tôi và giải thích tại sao theo quan điểm của chúng tôi, thỏa thuận của Iran là một thành công. »

Nguyên nhân sâu xa của việc vận động Quốc Hội Mỹ là các lợi ích về kinh tế. Sau khi tổng thống Mỹ chính thức phủ nhận hiệp định với Iran, Quốc Hội Mỹ có 60 ngày để quyết định xem là có nên tái lập các biện pháp trừng phạt, từng được gỡ bỏ khi hiệp định này có hiệu lực.

Trong thời gian một năm qua, các tập đoàn châu Âu đã rầm rộ đổ vào Iran để khai thác thị trường đang phát triển và béo bở này. Các biện pháp trừng phạt tài chánh của Mỹ có nguy cơ hạn chế khả năng kinh doanh của các tập đoàn đó.

Đi đầu trong việc làm ăn với Iran là các hãng Pháp, từ tập đoàn đầu khí Total, cho đến hai hãng xe hơi Renault và Peugeot, với nhiều tỷ đô la đầu tư. Tập đoàn khổng lồ Đức Siemens cũng đã công bố một số hợp đồng lớn, trong lúc tập đoàn Airbus của châu Âu cũng vừa giành được hợp đồng cung cấp 73 phi cơ cho hai hãng hàng không Iran.

Một nhà ngoại giao châu Âu, xin giấu tên, nhận định : « Nếu Quốc Hội Mỹ tái lập trừng phạt, tôi sẽ không thấy nhiều giám đốc điều hành đề nghị với hội đồng quản trị của họ là “hãy đầu tư vào Iran” ».

Thierry Coville, một nhà phân tích tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) ở Paris, cho rằng Liên Hiệp Châu Âu cũng nên phối hợp hành động với Nga và Trung Quốc, hai cường quốc khác là thành viên của hiệp định Iran.

Một số nhà ngoại giao còn lo xa hơn về tác hại tiềm tàng đối với uy tín của phương Tây nói chung, nếu Mỹ xé bỏ hiệp định đã ký kết. Một cán bộ ngoại giao cao cấp của châu Âu, cũng xin giấu tên, lo ngại là việc không tôn trọng thỏa thuận đã ký sẽ khiến các nước khác không đàm phán với phương Tây nữa, vì có đàm phán thì kết quả vẫn không được tôn trọng.

Nguồn: RFI / Trọng Nghĩa (đăng ngày 12-10-2017)

No comments:

Post a Comment