Năm 1791, song song với việc xây dựng thành Gia Định, chúa Nguyễn Ánh đã lập một xưởng chu sư, mà người dân thường gọi là xưởng thủy, để phục vụ cho sở trường thủy chiến của mình trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn.
Gia Định thành thông chí chép: “Xưởng chu sư ở phía đông thành, cách một dặm theo bờ sông Tân Bình, quanh sông Bình Trị (tức rạch Thị Nghè - PV), gác và che các đồ thuyền hải đạo. Xưởng giăng dài 3 dặm”.
Trong tập Tư liệu dùng cho lịch sử Sài Gòn, tác giả Jean Bouchot mô tả vị trí xưởng chếch lên phía Thảo cầm viên và cho biết ở đó vẫn còn những dấu vết ụ đóng và sửa tàu khi xưa. Trong gia phả họ Phan vùng Thị Nghè lại cho biết xưởng chu sư được lập ở ngã ba rạch Văn Thánh và Thị Nghè.
Bản đồ tỉnh Gia Định năm 1815 của Trần Văn Học ghi rõ chữ “Xưởng Thủy” và cho thấy xưởng rất rộng, Ba Son ngày nay chỉ là một phần trong khu vực phía đông của xưởng xưa.
Ở xưởng thủy, lần đầu tiên nghề đóng thuyền lâu đời của người Việt được chuyên môn hóa: đội mộc đĩnh chuyên khai thác gỗ sao, kiền kiền để đóng thuyền, đội biệt nạp khai thác lá buông để đan buồm, các nậu khai thác dầu rái, trám, sơn...
Với sự giúp sức của người Pháp, các thợ đóng thuyền giàu kinh nghiệm và khéo léo người Việt đã có những bước tiến vượt bậc về kỹ thuật và trình độ tổ chức, nhiều loại tàu thuyền mới đã được đóng, ngoài các ghe bầu hải sư và thuyền chiến trước đây.
Năm 1792, xưởng hạ thủy năm chiếc thuyền hiệu: Hoàng Long, Xích Nhạn, Thanh Tước, Bạch Yến, Huyền Hạc.
Năm 1793, chúa Nguyễn Ánh mua một chiến hạm cũ của châu Âu về tháo ra từng mảnh để lấy mẫu, đích thân chỉ đạo thợ theo đó mà chế tác ra các loại chiến hạm mới gọi là Tây dương dạng thuyền.
Thủy xưởng đã đóng được chín chiến hạm kiểu châu Âu mang tên Loan Phi, Ưng Phi, Long Ngư, Long Phượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phụng Phi và Hùng Phi.
Tác giả John Barrow ghi: “Một người Anh đã thấy ở Sài Gòn vào năm 1800 một hạm đội chiến thuyền của Nguyễn Ánh bao gồm 1.200 chiếc, do chính ông chỉ huy nhổ neo xuôi dòng theo một đội hình gồm ba đội trong tư thế sẵn sàng ứng chiến, rất có trật tự...”.
Hạm đội với những chiếc tàu chắc chắn, vũ khí dồi dào, hiệu suất cao, kỹ thuật và chiến thuật Tây phương này hẳn nhiên đã đóng góp phần rất lớn vào sự hình thành vương triều nhà Nguyễn, thống nhất Bắc - Nam và hơn thế nữa, chính thức xác lập chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Cuộc chiến với nhà Tây Sơn chấm dứt, Nguyễn Ánh lên ngôi và lập kinh đô ở Phú Xuân (Huế - PV). Xưởng chu sư được giao cho quân thứ Gia Định quản lý, tiếp tục công việc đóng và sửa chữa tàu thuyền, nhịp độ giảm đi nhưng về kỹ thuật lại phát triển.
Xưởng bắt đầu đóng được tàu đồng, phỏng theo thiết kế những tàu đồng thuê của Bồ Đào Nha, nguyên là các tàu buôn được cải tạo vũ trang thành chiến hạm. Việc trao đổi, buôn bán với nước ngoài đã cung cấp nguồn kim loại dồi dào cho việc đóng tàu.
Đặc biệt hơn nữa, xưởng còn đóng và hạ thủy thành công tàu chạy bằng hơi nước không thua kém gì tàu nước ngoài, mở ra bước đột phá quan trọng đầu tiên trong hiện đại hóa kỹ thuật và công nghệ đóng tàu.
Đội hải thuyền ngày một lớn mạnh nối liền đường ra Bắc vào Nam, mở ra chân trời thênh thang về phía Biển Đông. Các đội dân binh Hoàng Sa, Bắc Hải được lập từ các đời chúa Nguyễn, khai thác sản vật tại Hoàng Sa bằng thuyền buồm.
Sau khi thành lập vương triều, vua Gia Long tiếp tục nhiệm vụ này và bằng hải đội mạnh mẽ của mình, mở rộng thêm những hoạt động khác như vãng thám, đo đạc, khảo sát thủy trình, vẽ bản đồ...
Năm 1816, một hải đội hùng hậu xuất phát và đưa vua đích thân đến đảo, làm lễ thượng Long tinh kỳ và cắm mốc chủ quyền Việt Nam.
Trong cuốn Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Ceylan (1850), tác giả M.A Dubois de Jancigny ghi chép tỉ mỉ sự kiện này:
“Chúng tôi quan sát thấy rằng từ 34 năm nay, quần đảo Paracels (người An Nam gọi là Cát Vàng), một mê hồn trận thật sự của các đảo nhỏ, các đá hoang dã, đã được người Nam kỳ (Cochinchine) chiếm hữu.
Chúng tôi không để ý liệu họ có tạo nên một công trình nào trên đó không (có thể nhằm bảo vệ nghề cá), nhưng chắc chắn rằng vua Gia Long đã gắn thêm vòng hoa này vào vương miện của người. Ngài đã thân chinh tới đó vào năm 1816 và long trọng kéo cờ của Nam kỳ lên đó”.
Giám mục Jean-Louis Taberd trong Ghi chép về địa lý Nam kỳ cũng xác nhận: “Paracels (bãi cát vàng), mặc dù quần đảo này buồn bã và không có gì ngoài các bãi đá, bãi, độ sâu hứa hẹn nhiều bất tiện, vua Gia Long cũng đã nghĩ tới việc mở rộng lãnh thổ bằng cách chiếm thêm vùng đảo này.
Năm 1816 ngài đã tới đây, long trọng cắm cờ, chính thức chiếm hữu các đảo đá, và không có ai tranh giành cả”.
Tới triều Minh Mạng, nhờ có nhiều tàu thuyền lớn mạnh, thủy quân chính thức được giao các nhiệm vụ tại Hoàng Sa, Trường Sa: vãng thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ để ghi nhớ, trồng cây cho tàu thuyền qua lại dễ nhận biết, ứng chiến với kẻ xâm phạm...
Các loại tàu thuyền sản xuất ở xưởng thủy Gia Định thời kỳ này như hải đạo thuyền, đa sách thuyền, thuyền mông đồng, lâu thuyền... và hình ảnh Biển Đông cùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được khắc họa rất rõ nét trên Cửu Đỉnh, bảo vật quốc gia, hiện đặt tại Thế miếu - Đại nội Huế.
Từ xưởng thủy đến Ba Son - Ụ tàu hơn trăm ba mươi năm vẫn còn nguyên vẹn như ngày khánh thành.
“Việc chiếm được thành Sài Gòn và các pháo đài dọc sông đã thu được một số chiến lợi phẩm đáng kể: 200 khẩu đại bác bằng đồng hay sắt, một tàu chiến lớn và bảy, tám thuyền chiến đang đóng trong xưởng. Trong thành có một công binh xưởng đầy đủ...”.
Jean Bouchot chú thích thêm: “Các xưởng này đặt trên rạch Thị Nghè. Trên bờ phải của rạch còn tìm thấy hai ụ tàu đã được đào từ lâu...”.
Sau trận tấn công vào đại đồn Chí Hòa, chiếm hoàn toàn Sài Gòn - Gia Định ngày 25-2-1861, việc đầu tiên quân Pháp thực hiện tại Sài Gòn là khảo sát địa chất để xây dựng xưởng đóng và sửa chữa tàu biển cùng với ụ chìm.
Sau khi hiệp ước Nhâm Tuất (1862) nhượng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ được triều đình Huế ký kết, Pháp quyết định chính thức xây dựng arsenal de Saigon (xưởng đóng tàu Sài Gòn).
Vị trí được lựa chọn chính là khu vực thủy xưởng của Nguyễn Ánh năm xưa, nơi còn chiếc ụ đất ghép ván đã được sử dụng tạm những ngày còn chiến sự.
Vì một lý do nào đó, như đọc chệch từ tiếng Pháp, bassin - ụ sửa tàu, hay poissons - nhiều cá (theo Eugène Bonhoure trong Indo-Chine 1900 ), hay là tên một ông đốc công Nam bộ (theo học giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa ), mà ngay từ những ngày đầu, người Việt đã gọi xưởng này là Ba Son.
Lần lượt các công trình được thi công: ụ tàu nhỏ, đốc nổi lớn, xưởng gạch ngói, xưởng nồi hơi, xưởng buồm dây, xưởng vỏ tàu, xưởng tời - mái chèo, xưởng gò - hàn, rèn - đúc, cần cẩu, máy công cụ được lắp ráp liên tục...
Xưởng sửa chữa và đóng tàu Ba Son đã thành hình với những công cụ và hoạt động công nghiệp lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Các tàu nhỏ, tàu lớn, tàu chiến cũng như tàu buôn lần lượt nối nhau vào Ba Son nằm ụ để sửa chữa.
Nhu cầu phát triển kinh tế thuộc địa, mở rộng chiến sự để xâm chiếm thêm đất đai của thực dân Pháp càng thúc đẩy sự lớn mạnh của xưởng.
Các trại xưởng bằng gỗ được thay bằng gạch, máy móc ngày một hiện đại hơn, hàng loạt cuộc thăm dò địa chất được tổ chức để tìm địa điểm xây dựng ụ tàu lớn nhằm phục vụ nhu cầu sửa chữa các tàu lớn, chiến hạm Pháp từ khắp nơi trên thế giới.
Sau nhiều thất bại và hàng loạt biện pháp khảo sát: đào giếng, đóng cọc, khoan sâu, vị trí nơi xây dựng ụ lớn đã được xác định trên mỏm đất giữa kênh Thị Nghè và sông Sài Gòn.
Nơi đây không có lớp đá tự nhiên để làm nền nhưng lại có tầng đất sét dày, sâu tới mấy chục mét, bền vững và không thấm nước.
Kỹ sư Berrier Fontaine cho rằng như vậy là đủ điều kiện để xây dựng một công trình đồ sộ và bền vững. Kỹ sư Pavillier nghiên cứu thiết kế và chỉ đạo thi công.
Một công trường khai thác đá được thành lập ở Biên Hòa. Sắt, thép, ximăng, gỗ được chở từ Pháp sang. Hàng ngàn tấn vật liệu và năm năm thi công liên tục, khẩn trương, năm 1888 chiếc ụ lớn đã hoàn thành dài 156m, rộng 21m, sâu hơn 10m.
Gần 130 năm, phục vụ liên tục cho công xưởng hải quân qua mấy cuộc chiến tranh binh lửa, ụ tàu ấy hôm nay vẫn còn nguyên vẹn như ngày khánh thành.
Năm 1890, các xưởng của Ba Son bắt tay vào đóng chiếc tàu đầu tiên. Đến năm 1894, Ba Son hạ thủy thành công bốn chiếc sà lan và một tàu thủy nhỏ.
Năm 1899, được giao đóng thử một chiếc tàu phóng ngư lôi hạng nhất, xưởng đã nhanh chóng hoàn thành và tiếp tục đóng thêm bốn tàu phóng ngư lôi nữa, được các kỹ sư Pháp nhận xét: “Kết quả rất tốt, đúng quy cách, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian thi công nhanh và tiết kiệm nhiều so với mua hoặc đóng ở Pháp”.
Ba Son đã thật sự trở thành một xưởng đóng tàu lớn, hiện đại.
Sản xuất, sửa chữa tàu thuyền trong thời đại của giao thông, vận chuyển đường thủy, lại kiêm thêm vai trò binh công xưởng trong thời gian Pháp nỗ lực mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực, Ba Son mau chóng trở thành bộ phận công nghiệp mang tính sống còn với sự hiện diện của người Pháp tại Đông Dương. Chính vì vậy, Ba Son được đầu tư một cách đặc biệt.
Ba Son, sớm nhất Sài Gòn và Đông Dương, được tiếp cận với những thành tựu khoa học kỹ thuật của châu Âu: sử dụng nước máy, máy hơi nước, điện... trong sản xuất.
Sau Ba Son, các nhà máy, cơ sở công nghiệp ở Sài Gòn lần lượt ra đời: năm 1866 - bến tàu Sài Gòn, năm 1869 - nhà máy sợi, máy cưa bằng hơi nước, năm 1877 - nhà máy xay lúa, năm 1885 - nhà máy rượu, năm 1886 - Bưu điện Sài Gòn, năm 1900 - Công ty Nước và điện Đông Dương... Sài Gòn đã trở thành một thành phố thương mại phồn vinh, một thương cảng có sức thu hút đặc biệt.
Trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch Đông Dương năm 1913, arsenal de Saigon được quảng cáo: “Vị trí của arsenal hải quân tại ngã ba rạch Thị Nghè và sông Sài Gòn, trên khu vực hải quân công xưởng An Nam cổ.
Cơ quan này là căn cứ chính của hạm đội tàu Pháp ở khu Viễn Đông, có diện tích 22ha, bao gồm ụ tàu 156m. Các xưởng lò rèn và búa máy tại đây được sử dụng để thực hiện việc sửa chữa lớn, thậm chí để xây dựng tàu khu trục. Nhân viên của arsenal de Saigon gồm 1.500 công nhân An Nam và Trung Hoa...”. (Claudius Madrolle, Vers Angkor - Saigon - Phnom Penh, 1913).
Buổi đầu, tham gia đóng, sửa tàu chỉ có những công nhân người Pháp hoặc người Hoa được thuê từ Macau, Hương Cảng, Thượng Hải, Singapore. Nhân công người Việt chỉ được thuê chặt cây, dựng lán trại, đào kênh, đắp đường...
Sau vài năm phát triển, Ba Son đã có những công nhân công nghiệp người Việt đầu tiên. Những người thợ đóng thuyền Việt Nam đã đi từ những kỹ thuật cổ truyền: mộc, rèn, sơn, xảm... đến làm quen với các kỹ thuật mới: điện, tiện, nguội, phay, bào, hàn, lắp ráp động cơ, máy móc...
Hình thức đào tạo nghề cũng ngày một chuyên nghiệp hơn: từ thợ chính đào tạo thợ phụ, Trường Bá nghệ (nay là Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - PV) được mở ra, trường dạy nghề riêng của xưởng Ba Son cũng được thành lập.
Công nhân kỹ thuật của Ba Son ngày một lành nghề hơn, được đào tạo bài bản hơn, truyền nghề cho nhau không chỉ trong công xưởng mà cả trong gia đình, hình thành nên những thế hệ công nhân truyền đời. Đến nay, ở Ba Son, có gia đình công nhân đã truyền đến đời thứ sáu.
Xưởng đóng tàu Ba Son dưới thời cộng sản bị dời đi
Đầu tiên là những lời phàn nàn về đốc nổi của Ba Son chắn ngay đầu những ngọn gió thổi về thành phố. Sau đó đến lượt kế hoạch di dời Ba Son để nhường đất mở rộng Thảo cầm viên. Rồi lại yêu cầu Ba Son di dời để bắc cầu qua sông Sài Gòn.
Bây giờ là kế hoạch di dời các cảng và nhà máy đóng tàu ra khỏi thành phố, xây dựng Ba Son mới ở Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).
30 hecta đất vàng nhà máy Ba Son sẽ làm gì?
Sau khi dời về khu cảng mới Cái Mép - Thị Vải, mảnh đất vàng mà nhà máy Ba Son đang tọa lạc sẽ dùng làm gì là vấn đề được nhiều người quan tâm, bởi khu đất này hiện toạ lạc tại vị trí được xem là đẹp nhất nhì thành phố.
- Nhà máy Ba Son được công nhận là di tích lịch sử. Vậy nếu toàn khu đất biến thành cao ốc, công viên, trung tâm tâm thương mại, thì coi như di tích Ba Son này cũng biến mất?
Kết luận
Cộng sản Việt Nam coi các quần thể kiến trúc cũ là cái cần phải phá đi để tạo ra bộ mặt mới gọi là phát triển, thì trên thế giới đang có một xu hướng rất rõ ràng được gọi là khảo cổ đô thị, hay khảo cổ công nghiệp, tức là không đào bới đâu xa vào quá khứ, mà lên kế hoạch giữ lại một phần của quá khứ ngay trong chính những gì chúng ta đang có.
(NoraLangdu sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên internet, xin sắp xếp lại ý và hình theo từng giai đoạn của lịch sử hình thành của Navy Yard Ba Son cho đến ngày nay)
No comments:
Post a Comment