Monday, October 16, 2017

Vũ Trọng Phụng, nhà văn của người nghèo


Nhà văn Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 - 13/10/1939)
Văn chương hạ giới rẻ như bèo!” - Tản Đà

Audio


Ngày 13-10-1939 cách đây gần 70 năm, tại một ngôi nhà tồi tàn ở Ngã Tư Sở Hà Nội, một nhà văn - nhà báo tiêu biểu của Việt Nam trong Thế Kỷ 20, đã xuôi tay nhắm mắt vì không đủ tiền chạy chữa căn bệnh chết người lúc bấy giờ là bệnh lao phổi, đó là nhà văn - nhà báo Vũ Trọng Phụng.

Vũ Trọng Phụng quê ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cha ông cũng mất vì bệnh lao khi ông còn rất nhỏ.
Sau nhiều vất vả trong trường đời để làm mọi công việc mưu sinh, cuối cùng ông chuyển hẳn sang làm báo, viết văn chuyên nghiệp.

Người con trai duy nhất còn sống của Vũ Trọng Phụng là ông Vũ Trọng Khanh hiện sống tại Tiểu Bang California cho biết gia phả nhà ông như sau:

Ông Vũ Trọng Khanh: Dạ. tôi là con trai duy nhất của ông Vũ Trọng Phụng. Mẹ của tôi là Trần Thị Kim Phụng và cũng là bạn học với bố tôi; nhưng mà gia đình bên mẹ tôi thì giàu có. Khi tôi lên ba tuổi thì gia đình ông ngoại tôi tức là cụ Cử Khiêm ở Tuyên Quang, ông cụ Cử Khiêm sinh được hai người con trai là Trần Văn Xuyên và Trần Văn Quang, rồi đến mẹ tôi, thì gia đình ông ngoại tôi bắt mẹ tôi về thì mẹ tôi không về mà mẹ tôi đi vào chùa tu.

Đến Năm 1936, bà nội tôi tên là Phạm Thị Khách mới cưới bà Vũ Mỹ Nương cho bố tôi thì hai ông bà sanh được một người con gái là là Vũ Mỹ Hằng. Năm 1939 là năm bố tôi chết thì Vũ Mỹ Hằng mới được một tuổi. Bây giờ nó cũng chết rồi.

Nhà  văn đa tài

Tuy cuộc sống của Vũ Trọng Phụng rất ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn 27 năm, nhưng sự nghiệp văn học của ông để lại cho đời thật không ngắn chút nào. Năm 1930, lần đầu tiên ông có bài đăng trên tờ Ngọ Báo. Năm  1934, Vũ Trọng Phụng cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay “Dứt Tình” đăng trên tờ “Hải Phòng Tuần Báo”, nhưng tiểu thuyết này không thành công. Hai năm sau đó ông tiếp tục thể loại tiểu thuyết và chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, đó là Giông Tố, Số Đỏ, Vỡ Đê và cuối cùng là Làm Đĩ.

Tiểu thuyết “Số Đỏ” được xem như tác phẩm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng, một vài nhân vật, câu nói trong đó đã đi vào ngôn ngữ đời sống hằng ngày. Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự  rất nổi tiếng.

Phóng sự đầu tay “Cạm Bẫy Người” đăng báo Nhật Tân vào năm 1933 dưới bút danh Thiên Hư, Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời. Năm sau ông tiếp tục thiên phóng sự “Kỹ Nghệ Lấy Tây” mà theo con trai của ông là Vũ Trọng Khanh cho biết là căn cứ vào chuyện có thật trong gia đình nhà ông mà viết ra.

Những phóng sự tiếp theo như “Cơm Thầy Cơm Cô”, “Lục Xì” đã góp phần tạo nên danh hiệu “Ông vua phóng sự của đất Bắc”. Nhiều nhà phê bình, nghiên cứu văn học cùng cho rằng ông xứng đáng là một cây viết phóng sự cừ khôi nhất trong làng báo từ hơn 50 năm qua.

Cay đắng kiếp nghèo

Nói về cái nghèo của Vũ Trọng Phụng nhà phê bình và nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn cho rằng Vũ Trọng Phụng thuộc loại dân nghèo mới từ bỏ làng quê để nhập tịch vào đô thị. Nhưng lên với Hà Nội, ông và gia đình vẫn sống rất thanh bạch. Thay cho cái nghèo chân chất của người nông dân là cái nghèo nhếch nhác luộm thuộm của đám người nằm ở dưới đáy của Hà Nội băm sáu phố phường.

Có những người nghèo sống cam phận, nhẫn nhục, có cái nhìn nhân hậu đối với sự đời, song lại có những người do nghèo mà sinh ra cay nghiệt, hằn học, chỉ muốn đập phá hết cả. Vũ Trọng Phụng chính là thuộc típ người thứ hai.

Dù đã nhọc lòng đi tìm sự thay đổi, song ông và những người như ông vẫn không tìm thấy miền đất hứa để có thể tạm bằng lòng với số phận mà sống trong thanh thản. Bởi vậy, ông nhìn mọi biến thiên xảy ra trong xã hội như là những chuyện vô lý. Sự đối mặt thường xuyên với mọi loại sa ngã, hư hỏng, bất công, giả dối, khiến ông đớn đau căm uất.

Văn của Vũ Trọng Phụng đặc sắc nhất ở thể loại tả chân mà sau này ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nhà văn trong đó có Nam Cao. Hãy nghe một đoạn ngắn ông tả về cái nhan sắc của chị Doãn và đoạn văn này đã chiếm nhiều cảm tình của học sinh trong thời kỳ trước năm 1975:

“Vợ anh, thật vậy, là một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai. Hai con mắt nhỏ, đôi gò má cao, cặp môi phàm phũ, dáng người thô tục, những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự. Như vậy mà lại đi ăn mặc tân thời! Răng trắng nữa, giời ạ!

Cái áo dài lượt thượt màu xanh, cái quần nhiễu trắng trai lơ, đôi giầy cao gót có quai kiểu gái nhảy, với mẩu khăn vành dây, ngần ấy thứ lại càng làm lộ cái mỹ miều của sự thô tục, lại càng làm tăng cái choáng lộn của sự kệch cỡm.

Đã thế, trong khi chuyện trò, thỉnh thoảng lại chêm vào một vài câu tiếng Tây, ra ý khoe mình vốn là nữ học sinh. Tôi bỗng có cái cảm tưởng man mác rằng người đàn bà này, những lúc nhà vắng, hẳn đã huýt còi như một ông lính tây say rượu......”

Nạn nhân của vụ Nhân Văn Giai Phẩm

Miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã một thời vinh danh Vũ Trọng Phụng như người đại diện giai cấp cùng khổ chống lại những bất công xã hội. Năm 1949, sau khi Vũ Trọng Phụng mất 10 năm, Tố Hữu đã tuyên bố “Vũ Trọng Phụng không phải nhà cách mạng, nhưng cách mạng cám ơn Vũ Trọng Phụng”.

Nhưng lạ thay, chỉ vài năm sau đó khi vụ Nhân Văn Giai Phẩm nổ ra, tác phẩm và con người Vũ Trọng Phụng lại bị đem ra đấu tố, mặc dù lúc đó nhà văn đang nằm trong lòng đất. Nhà phê bình và nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho biết:

Ông Lại Nguyên Ân: Ngay sau khi hội nhập lại thì tác phẩm Vũ Trọng Phụng được in lại và được giới thiệu ở Đời Sống Văn Nghệ Hà Nội. Cho đến tận Năm 1956, những cơ quan như là Minh Đức (nhà xuất bản), rồi Hội Văn Nghệ Việt Nam vẫn còn cùng nhau tổ chức lễ kỷ niệm Vũ Trọng Phụng tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội), rồi thì những tập sách như tiểu thuyết Giông Tố được nhà xuất bản Văn Nghệ (Hội Văn Nghệ Việt Nam) in lại (1956), tiểu thuyết Số Đỏ thì do nhà Minh Đức cho in lại, rổi tiểu thuyết Vỡ Đê cũng được nhà xuất bản Minh Đức in lại.

Nhưng, sau đó đến Năm 1958 khi người ta xử lý cái vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, coi đó là cái nhóm chống đảng, chống chế độ và có những bản án nhất định đối với các thành viên là những người đã từng tham gia nó, thì sau đó người ta cũng triển khai những hoạt động, áp dụng những hoạt động vào, ví dụ như với những nhà văn nhẹ hơn thì có người phải đi tỉnh xa, có người không được cầm bút, v.v. thì một trong những hoạt động quá khứ là tác phẩm Vũ Trọng Phụng vì được những người liên quan tới hiện tượng Nhân Văn Giai Phẩm nhiệt tình ủng hộ cho nên người ta cũng mặc nhiên áp dụng cái không cho in lại tác phẩm Vũ Trọng Phụng.

Và cái điều đó nó tồn tại từ Năm 1957 cho đến Năm 1987, tức là 30 năm ở Miền Bắc thì vô hình trung di sản Vũ Trọng Phụng bị cấm, không được in lại cho công chúng đọc.
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, người có công trình nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng nhiều năm, đã kể lại cùng một câu chuyện:

Ông Nguyễn Đăng Mạnh: Vũ Trọng Phụng là một nhà văn bị phê phán nặng nề trong vụ Nhân Văn-Giai Phẩm. Vũ Trọng Phụng bị quy kết nặng lắm, bị coi là nhà văn phản động, chống cộng, bị coi như là có tài năng xỏ xiên thôi. Giông Tố thì ăn cắp Lôi Vũ của Tào Ngu. Nhà văn thì tự nhiên chủ nghĩa.

Nhưng mà tôi rất thích Vũ Trọng Phụng vì tôi cho đó là tài năng lớn lắm và tôi tin là thế nào Vũ Trọng Phụng cũng được khôi phục cái uy tín của mình, cái vị trí của mình trong đời sống văn học.

Tôi nghiên cứu (Vũ Trọng Phụng) từ Năm 1960 nhưng mãi tới Năm 1970 mới đăng được một bài trên tạp chí Văn Học. Rồi đến mấy năm sau lại cũng được giao làm Tuyển Tập Vũ Trọng Phụng. Rồi đến Năm 1999 thì được giao làm Toàn Tập Vũ Trọng Phụng

Và ông Vũ Trọng Khanh, con trai nhà văn cũng xác nhận:

Ông Vũ Trọng Khanh: Năm 1958 ông nhà xuất bản Văn Minh ở Hà Nội, ông ấy in lậu quyển Số Đỏ mà ông ấy không phát hành được. Ông ấy bán chui, nhưng mà bán ra được cỡ chừng một tháng thì bị bắt. Anh có tưởng tượng ổng bị tù bao nhiêu năm không? - Hai mươi năm! Từ đó trở đi tất cả sách Vũ Trọng Phụng đều bị hủy diệt, nằm trong bóng tối hết.

Giờ đây sau bao nhiêu năm cùng với những thay đổi quan trọng của đất nước, Vũ Trọng Phụng lại được vinh danh như chưa từng có điều gì xảy ra cho ông trong nhiều chục năm trời. Trước mộ phần của ông, gia đình cho đắp lại dòng chữ mà Tố Hữu đã từng viết vào năm 1949 “Vũ Trọng Phụng không phải nhà cách mạng, nhưng cách mạng cám ơn Vũ Trọng Phụng”.

Thế nhưng đối với đa số những người yêu mến nhà văn thì không cần câu đại tự kia Vũ Trọng Phụng vẫn là ngọn hải đăng soi sáng cho những mảnh đời khốn khó kể cả ngày hôm nay, 69 năm ngày mất của nhà văn.

Nguồn: RFA / Mặc Lâm

No comments:

Post a Comment